
Phó thủ tướng Lê Thành Long - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 6-5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới
Ông Long cho biết Luật Khoa học và Công nghệ 2013 hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế, xã hội.
Các quy định về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ và được xác định là một trong những rào cản để thực hiện mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thành động lực chính phát triển kinh tế - xã hội.
Pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng chưa quy định được đầy đủ cơ chế để thực sự thu hút, đào tạo, phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ban hành với mục đích tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.
Đáng chú ý trong luật này, ông Long cho hay sẽ giao nhiều quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu.
Theo đó, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.
Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu.
Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.
Ông Long cho hay việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới.
Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.
Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng.
Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.
Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa
Về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho hay dự thảo luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu.
Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Theo ông Long, Luật Khoa học và công nghệ 2013 quy định Nhà nước là chủ sở hữu của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.
Việc giao các kết quả này cho tổ chức chủ trì để thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu để hoàn trả kinh phí vào ngân sách nhà nước.
Trong khi kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là sản phẩm sáng tạo, chưa có trên thị trường và trong nhiều trường hợp chưa trở thành sản phẩm, hàng hóa mà cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Đây cũng đang là điểm nghẽn lớn kéo dài trong thời gian qua. Việc tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hóa, ngay sau khi kết thúc nghiên cứu.
Nhà nước sẽ thu lại kinh phí đầu tư gián tiếp thông qua thuế, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Đây là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện.
"Việc giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho tổ chức chủ trì về tổng thể sẽ tạo động lực cho các tổ chức nghiên cứu, tạo ra luồng sinh khí mới trong hoạt động khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội", ông Long cho hay.
Bổ sung quy định phân biệt lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu
Trình bày thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ủy ban này đề nghị bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng.
Ủy ban này cũng nhất trí với sự cần thiết và cơ bản thống nhất với nội dung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhưng đề nghị cần thiết kế mang tính nguyên tắc chung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, Ủy ban tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỉ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỉ lệ vốn góp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận