04/02/2025 15:16 GMT+7

Mắt có bị cháy nắng không?

Vào ngày nắng gắt, da có phải là bộ phận duy nhất của cơ thể có thể bị bỏng rát, đỏ tấy không? Mắt có thể bị cháy nắng không?

Mắt có bị cháy nắng không? - Ảnh 1.

Cháy nắng cũng có thể xảy ra ở một trong những cơ quan nhạy cảm nhất của chúng ta, đó là đôi mắt - Ảnh: REUTERS

Theo các chuyên gia, cháy nắng cũng có thể xảy ra ở một trong những cơ quan nhạy cảm nhất của chúng ta, đó là đôi mắt.

Mắt cháy nắng nặng sẽ cực kỳ đau đớn

"Thuật ngữ cho tình trạng này là viêm giác mạc quang hóa (photokeratitis)", tiến sĩ Steven Quan, bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Chicago, nói với Live Science. "Bức xạ tia cực tím (UV) từ mặt trời, khi tiếp xúc kéo dài hoặc với cường độ cao, có thể gây bỏng các tế bào biểu mô của giác mạc".

Giác mạc là bề mặt ngoài cùng của mắt. Giống lớp kính bảo vệ mặt đồng hồ đeo tay, bề mặt trong suốt này đóng vai trò như một lớp che chắn bảo vệ các phần bên dưới, tiến sĩ Esen Akpek, giáo sư nhãn khoa tại Trường Y Johns Hopkins, cho biết.

Giác mạc có năm lớp gồm biểu mô, màng Bowman, nhu mô, màng Descemet và tế bào nội mô. Lớp ngoài cùng, biểu mô, là một bề mặt rất mỏng nhưng bền chắc, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi, nước và vi khuẩn, đồng thời phân phối oxy và chất dinh dưỡng từ nước mắt đến phần còn lại của giác mạc.

"Khi mắt tiếp xúc với tia UV, lớp biểu mô sẽ mất đi độ bền. Một số tế bào bị bong tróc", tiến sĩ Akpek nói. "Đôi khi, toàn bộ lớp này có thể bị bong ra, điều đó cực kỳ đau đớn, vì ngay bên dưới lớp biểu mô là một mạng lưới thần kinh rất dày đặc".

Các tế bào biểu mô trong giác mạc tương tự tế bào da của chúng ta. Chúng liên tục phát triển, chết đi và tái tạo.

Akpek giải thích khi tiếp xúc với mức UV thấp, tất cả tế bào biểu mô có thể chết cùng lúc thay vì theo chu kỳ tự nhiên. Nhưng khi tiếp xúc với mức UV rất cao, tia cực tím có thể tiêu diệt cả tế bào gốc, vốn đóng vai trò tái tạo tế bào mới, gây sẹo giác mạc và thậm chí dẫn đến mù lòa. 

Nguy cơ gây ung thư

Hầu hết các trường hợp viêm giác mạc do ánh sáng sẽ tự khỏi, nhưng có thể gây đau mắt dữ dội, đỏ mắt, mờ mắt, sưng tấy và đau đầu, theo Viện hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ.

Theo Akpek, tình trạng này phổ biến nhất ở những người không đeo kính bảo vệ mắt khi tham gia các hoạt động có nguy cơ tiếp xúc với tia cực tím mạnh, chẳng hạn như hàn. 

Những người có sở thích hoặc nghề nghiệp liên quan đến tuyết cũng có nguy cơ mắc một dạng viêm giác mạc do ánh sáng được gọi là "mù tuyết", khi tia UV phản chiếu từ tuyết gây tổn thương giác mạc. Mù tuyết phổ biến hơn ở những khu vực có nhiều tuyết và băng, như Bắc Cực, Nam Cực hoặc các vùng núi cao.

Tuy nhiên tiến sĩ Quan cho biết tổn thương giác mạc nhẹ vẫn có thể xảy ra ngay cả khi mọi người tham gia các hoạt động thường ngày như chèo thuyền hoặc làm vườn. Tia UV cũng có thể phản chiếu từ các bề mặt như cát hoặc nước. 

Mặc dù thói quen của mỗi người khác nhau, nhưng nhìn chung đội mũ hoặc đeo kính râm có khả năng chặn 100% tia UV là cách tốt để bảo vệ mắt.

Cũng theo tiến sĩ Quan, nếu bạn ở trên mặt nước, trên sườn núi - những nơi có ánh sáng phản chiếu từ bên dưới - thì đội mũ sẽ không đủ che chắn. Khi đó kính râm là lựa chọn tốt hơn.

Mặc dù viêm giác mạc do ánh sáng thường được gọi là "cháy nắng ở mắt", nhưng có thể không dẫn đến khối u trên giác mạc. Trong khi đó, cháy nắng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Tuy nhiên tiếp xúc với tia cực tím có thể gây ung thư mí mắt, về mặt kỹ thuật là một dạng ung thư da.

"Mọi người thường ít để ý rằng vào mùa đông, họ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng như mùa hè, lượng tia UV thậm chí có thể cao hơn", tiến sĩ Quan nói.

Mắt có bị cháy nắng không? - Ảnh 2.Ám ảnh tai nạn pháo nổ ngày Tết: Người mất tay, người mù mắt

Trong 9 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 33 ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Trong đó có nhiều trường hợp chấn thương nghiêm trọng như mù mắt, giập nát chi thể...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên