TTCT - Có lẽ mắm làm từ phân thứ bộ cua (brachyura) của người Việt phong phú nhất thế giới. Mắm còng, mắm ba khía ăn ngon nhức răng... Có lẽ mắm làm từ phân thứ bộ cua (brachyura) của người Việt phong phú nhất thế giới: mắm còng, mắm ba khía, mắm cua đồng và mắm cáy. Thậm chí còn có món mắm cua gạch Trần Đề, Sóc Trăng.Mắm còng lột, nay đã không còn trên thị trường vì ngày hội còng mồng 5 tháng 5 nay đã không còn. Ảnh: NGỮ YÊNMắm còng hương bùnCách phân loại gọi tên nói trên là cách của dân gian. Luận văn tiến sĩ của Nguyễn Tuấn Anh, Trường đại học Nông lâm, TP.HCM, cho rằng các tên gọi nói trên dường như không phải là các nhóm đơn ngành theo quan điểm của phát sinh loài hiện đại mà chỉ đơn thuần dựa theo hình thái hoặc môi trường sống của chúng.Gọi tên chung là còng nhưng luận án của tác giả Tuấn Anh phân ra tới 12 loài ở rừng ngập mặn Cần Giờ, thuộc họ Sesarmidae - họ còng chiếm đại đa số ở đó; ba khía cũng nằm chung trong họ này. Nhưng nói chuyện khoa học chán ngắt. Sao bằng nói chuyện đời còng cua.Nói chung còng ở rừng ngập mặn giờ đây đã thưa thớt rồi. Mắm còng một thời nổi tiếng ở Gò Công, Cần Giuộc. Nhưng còng ở Cần Giuộc từ lâu coi bộ còn ít hơn hoa hậu nước Việt, nói gì tới chuyện làm mắm. Chỉ có Gò Công vẫn còn mắm còng, nhưng không nhiều. Và được trang web của huyện dán cho cái mác "mắm tiến cung". Thực ra, mấy thứ tiến cung ai ở đâu ăn chớ mặt rồng sợ "bị thuốc" không đời nào ăn. Chiêu bài bán hàng này chẳng còn linh mấy, vì có người hồi giờ ăn mắm với trình độ "nhà trẻ" làm sao đủ sức thưởng ngoạn mắm. Nói gì đến mắm còng.Còng làm mắm thuộc dạng còng bán cạn. Chúng rù quến nhau bằng tín hiệu thị giác thay vì pheromone. Chàng còng cọ càng vào nhau như lời muốn gọi "em ơi". Chỉ phải tội là nhiều chàng đồng thời "em ơi", thành ra nàng nào lanh mắt sẽ chọn những chàng "sáu múi". Múi ở đây là cái càng chính thiệt to, chàng cũng thiệt to.Còng cũng như các loài cua khác trong brachyura chỉ hẹn hò vào lúc nàng còng có thể cởi chiếc áo cứng thay cho chiếc áo cưới mềm mượt mà. Vào lúc đó chàng và nàng ôm nhau và chàng trao cho nàng toàn phần di chủng của mình và bảo vệ nàng lúc yếu nhược đến cùng cực trong hang. Dân gian không biết căn cứ vào đâu biểu rằng chàng sẽ bị nàng ăn thịt, đúng là miệng đời tào lao.Còng được tìm thấy nhiều nhất trong vòng trung triều, mực nước ngập không cao. Nên mắm còng có một vị đặc trưng, hấp dẫn hơn so với mắm tôm chà. Mắm tôm chà làm tuyền từ tôm đất một số dân tây dùng phết bánh mì sandwich thấy ngon, chứng tỏ hương vị chúng dễ thích nghi với nhiều người. Mắm còng khác, chúng không phản động như sen, chúng gần bùn, chúng ăn lá rụng phần lớn và nhiều thứ xác sinh vật nhỏ, và mắm còng có một hương vị bùn độc đáo. Hổng hiểu hương đồng gió nội của em Nguyễn Bính hấp dẫn cỡ nào, chớ hương vị mắm còng tôi cho là vô tiền khoáng hậu.Còng được các nhà khoa học phong danh hiệu kỹ sư hệ sinh thái nhờ chúng đào hang để ở. Khi đào hang vô tình chúng đem oxy - nguồn sống của muôn loài - vào lòng đất, kéo đất từ dưới sâu lên, thủy triều lại lấp xuống, tạo vòng tuần hoàn cho trao đổi chất và oxy.Mắm còng ngày xưa được giã nhuyễn để muối. Giã ngon hơn là ngày nay dùng máy xay. Nếu ta định nghĩa mắm cần một quy trình từ chín tháng trở lên trải qua thời gian ủ với nhiệt độ miền Nam, để sinh thành, thời có nhiều loại pseudo-mắm, nghĩa là mắm giả.Mắm ba khía leo câyBa khía nằm trong họ Sesarmidae như còng rừng ngập mặn. Dân gian gọi nó là ba khía vì trên mai của nó có ba khía. Mắm ba khía dân Cà Mau ghiền vì trình độ ăn mắm của họ ít nhứt cũng hàng nghè hàng cống chớ chẳng chơi. Hoan thưởng được ba khía sẽ đâm ra ghiền. Ông bạn Đặng Đằng Giang dân U Minh Hạ, có lần đem đến ngày hội ẩm thực đầu bếp Cần Thơ món mắm ba khía. Ông cho biết ba khía làm mắm được ông yêu cầu bà chị đi bắt loại sống giữa vuông tôm của bà ở Sông Gốc và đích thân má ông làm. Dân gian nói ba khía Sông Gốc số dzách. Hôm đó tôi ăn món ba khía thấy ngon ghê; một phần do ông bạn nói ba khía sạch chăng. Mắm ba khía Thái tôi đã kinh qua tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Huệ. So với ba khía Đặng Đằng Giang, ba khía Thái lép hơn, nhưng cái hay là họ đưa bắp cải sống vào để ăn mắm, thay vì đưa thịt ba rọi, nên món ăn đã hơn.Mắm ba khía gây ghiền cho dân Cà Mau. Ảnh: NGỮ YÊNDân Philippines gọi ba khía là loài cua leo cây. Khi triều ngập cao, chúng leo lên các cây rừng gần hang. Leo cao đến 6m mà không hề sợ té lầu chớ chẳng chơi. Không thấy tài liệu nói chúng có "nhảy lầu", có bông nhông (plonger) xuống bùn như ốc len không.Má của Giang làm mắm ba khía bằng cách cho chúng nhịn đói một ngày một đêm ròng, khát nước đến sùi bọt, sau đó cho chúng vào thau tắm/uống nước mắm thứ thiệt, nhưng là mắm nước hai (mặn đến độ hạt cơm không chìm). Một thời gian coi bộ chúng đã đời nước mắm, qua đời, mới đem vô sắp vào khạp. Sau đó nấu nước đường đen, cứ 10kg ba khía nửa chén nước đường. Ba ngày sau ba khía bốc mùi thơm là ăn được. Như đã nói ở trên, mắm ba khía là pseudo-mắm.Mắm cáy nghệ sĩ vĩ cầmMắm cáy là đặc sản của dân đàng ngoải. Đặc điểm của chúng là con đực có một cái càng to hơn cả thân mình và một cái nhỏ xíu, trong khi con cái hai càng bằng nhau. Cái càng to đó ưu thế để tán cái, để làm chúa đất. Sở dĩ tây gọi chúng là vĩ cầm công vì khi ăn chúng vẫy - đưa qua đưa lại - càng to liên tục để đưa bùn vô miệng, lọc lấy thức ăn và phun bùn không ra tạo thành đống trước cửa hang.Càng to ấy cũng dùng để đánh nhau với đối thủ. Trời cho con nào có càng trội hơn, con đó hạnh phước hơn. Lỡ đánh nhau bị thương càng, lần lột vỏ sau càng mọc ra lại, to bằng nhưng yếu hơn càng gin. Vậy mà bọn đối thủ vẫn kiềng cái càng dễ nể ấy. Càng to của cáy cũng là vũ khí để tán cái. Vì chúng sống bán cạn nên không có pheromone như những loại còng sống dưới nước. Cần bạn tình thì vẫy càng. Cùng lúc các chàng cáy khác cũng vẫy càng. Chàng cáy nào có càng to hơn, mình bận đồ màu sắc hơn, sẽ cuốn hút được các nàng. Xã hội cáy vừa đa thê vừa đa phu. Thông thường chàng cáy càng to sẽ có "nhà" cao cửa rộng hơn, làm cho nàng cáy càng mê mẩn, bỏ thói lang chạ.Mắm cáy rất “tào khang” với các loại rau. Ảnh: T.L.Mắm cáy của người đàng ngoải cũng là một loại pseudo-mắm, gọi là mắm cáy xổi. Cũng như mắm còng, người ta bắt những con "nhát như cáy" khá khó khổ, đem về quết. Bây giờ quết tay cũng là một chiêu bài để bán hàng. Cáy nhỏ hơn còng nên quết mau nát hơn. Từ xưa tới nay đàng ngoải không bao giờ có mắm ngon hơn trong này, vì thời tiết không đãi mắm. Nên mắm bao giờ cũng phải dụng đến thính. Tức là gạo đem rang lên và giã hoặc xay mịn ra để đúng kỳ cho vào thẩu mắm. Ngoài ra, trong quá trình dang mắm còn phải cho thêm men hoặc rượu vào. giờ ngon lành hơn nên cho nguyên lon bia vào. Mươi, mười lăm ngày mắm đã ăn được. Mắm cáy được cái chấm các loại rau như rau lang, rau muống nước (đỏ) ăn bắt cơm kiểu nhà nghèo. Nhứt là rau dền cơm mọc dại ngoài vườn, ngon khó tả. Nhưng nỗi ngon ấy phải có trình độ nhà nghèo mới cảm nhận được. Chẳng hiểu sao, công thức nghèo + nghèo ấy lại ngon!■ Mắm cua rau rừngTrong thực đơn của một số nhà hàng thường có món "rau rừng Dak Lak chấm mắm cua". Hỏi ông manager rau rừng Dak Lak là rau gì, ông ú ớ, "thì là rau rừng Dak Lak". Hàng quán bán thực phẩm ở Việt Nam gan tới cỡ đó. Lúc món ăn dọn ra bạn thấy ơ đất đựng mắm đang còn sôi nhẹ, một dĩa rau luộc lá dài thuôn nhọn ở đầu màu xanh sẫm.Lần đầu tiên tôi ăn rau chấm với mắm cua thấy sao mà ngon. Có lẽ mình cũng có trình độ cỡ "tú tài nhà nghèo". Mắm cua đồng có đường nhưng không đến nỗi cả nhà máy đường Biên Hòa như món ăn ngoài Phan Rang, Nha Trang bây giờ. Rau hơi dẻo, có vị hăng hắc. Không thể ăn ốc nói mò, ăn rau nói xanh, tôi tìm tòi mới biết đó là rau nhíp, còn gọi là lá bép. Tuy mang tên rừng, chớ giờ đây rừng đã đốn và rừng đã chết; rừng không còn "anh yêu em như rừng yêu thú dữ", rừng đã góa bụa. Nên nó là rau rừng nhà, được trồng búa xua trên Tây Nguyên để cung cấp kịp thời cho "mẫu hạm" Sài Gòn.Dân miền Nam biết ăn các món làm từ cua đồng là nhờ dân đàng ngoải vào Nam năm 1954, đem theo món bún riêu với bọt cua đóng thành về trông đã con mắt khi ăn tô bún. Cua đồng được người Nam khai thác đủ món, nổi đến mức ẵm giải Chiếc Thìa Vàng (chẳng hiểu sao không phải là muỗng hay cùi dìa theo tiếng Nam?) với món lẩu chả cua đồng. Cua đồng là cua nước ngọt, người miền Nam dể duôi một thời vì họ được trời cho quá nhiều thủy sản sông nước. Đến nay phải đi bắt từng con cua đồng. Mắm cua đồng cũng là loại mắm xổi nên nhà hàng đem kho lên cho an toàn.Mắm cua sen rừng ngập mặn Trần Đề thực ra chỉ là cua ngâm nước mắm, loại nước mắm không mặn chằn như mắm làm từ muối và cá cơm. Tags: Mắm cuaMắm cáyCắm còng
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Azerbaijan đón trọng thể Tổng Bí thư Tô Lâm TTXVN 07/05/2025 Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Tô Lâm thăm cấp nhà nước đã diễn ra trọng thể tại Phủ Tổng thống Azerbaijan.
Chủ tịch Quốc hội: Ai là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND cấp xã, bố trí cán bộ là việc khó THÀNH CHUNG 07/05/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính thì dễ, nhưng việc chọn, bố trí cán bộ mới khó.
Mật nghị hồng y 2025 bắt đầu: Lời thề thinh lặng trong nhà nguyện Sistine UYÊN PHƯƠNG 07/05/2025 16h30 chiều 7-5 (21h30 giờ Việt Nam), vị hồng y cử tri chính thức bước vào mật nghị hồng y năm 2025, bầu chọn ra Giáo hoàng.
Khởi tố vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở Vĩnh Long tử vong CHÍ HẠNH 07/05/2025 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở huyện Trà Ôn tử vong.