
Con số về thương vong và thiệt hại được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính số người thiệt mạng do thảm họa động đất này có thể lên đến 10.000 người.
Myanmar bất lực trước đống đổ nát
Theo trang tin Khit Thit News của Myanmar ngày 29-3, 80% TP Sagaing đã bị phá hủy, với số người chết mới nhất được xác nhận là gần 50 người.
Đường sá, hạ tầng viễn thông, y tế sụp đổ gây cản trở cứu hộ động đất Myanmar
Sở cứu hỏa của TP này hiện là một đống đổ nát, và hàng trăm nạn nhân mắc kẹt không được ai đến cứu. Tâm chấn trận động đất hôm 28-3 nằm ở độ sâu 10km, khu vực gần TP Sagaing.
Theo thành viên của một tổ chức từ thiện tại Sagaing, TP này có thể có nhiều thương vong hơn Mandalay.
Trường Myat Sang Tin Tan bị sập khi trẻ em đang học, khiến tất cả các em đều tử vong. Một trường học khác là Trường Lay Kyun Myay Ook cũng sập xuống khi các lớp vẫn đang học, với con số tử vong được đưa ra là gần một nửa số học sinh.
Ba ngôi đền tại Sagaing cũng sụp đổ vì động đất, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.
Mandalay, TP lớn thứ hai tại Myanmar, cho đến nay ghi nhận nhiều thương vong do là khu vực gần tâm chấn động đất.
Trong khi đó, TP Sagaing nằm bên cạnh Mandalay hiện không thể nhận bất kỳ nguồn lực cứu trợ nào vì cây cầu nối hai bên đã bị nứt và sập. Người dân buộc phải di chuyển giữa Sagaing và Mandalay bằng thuyền chèo.
"Cứu trợ từ Mandalay không thể đến đây. Cả TP đang ngồi nhìn đống đổ nát", một cư dân cảm thán.
Một người dân tại thị trấn Wundwin, cách TP Mandalay khoảng hai giờ đi xe, cho biết số người bị thương và số nhà bị sập ở khu vực này là không thể đếm được.
Kể từ khi xung đột tại Myanmar bùng nổ giữa quân đội và các nhóm vũ trang, chính quyền quân sự Myanmar đã mất quyền kiểm soát hơn một nửa đất nước.
Nhiều khu vực, bao gồm cả các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, đang nằm dưới sự kiểm soát của nhiều nhóm nổi dậy khác nhau. Đây là một lý do khiến công tác cứu hộ gặp trở ngại, nhiều nơi bất lực trước cảnh đổ nát xảy ra.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của một tòa nhà hư hại sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar, vào ngày 29-3 - Ảnh: AFP
Tương đương 334 quả bom nguyên tử
Với sức công phá được đánh giá bằng "334 quả bom nguyên tử", trận động đất vừa qua đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng và hạ tầng giao thông tại các vùng chịu ảnh hưởng ở Myanmar.
Nỗ lực cứu trợ sẽ càng thêm khó khăn khi sân bay tại thủ đô Naypyidaw đã thiệt hại nặng nề do động đất.
Hôm 28-3, thủ đô của Myanmar đã phải bất lực chứng kiến hình ảnh lớp lớp người bị thương kéo đến bệnh viện. Các bác sĩ tại đây đã buộc phải điều trị cho những nạn nhân ngoài trời vì quá tải.
Các chuyên gia nhận định Myanmar hứng chịu trận động đất trong tình thế không thể nào tồi tệ hơn đối với nước này, khi Myanmar trong tình cảnh chiến tranh đã luôn cần đến viện trợ nước ngoài.
Vào năm 2024, Mỹ đã chi trả khoảng 1/3 tổng số viện trợ nhân đạo đa phương cho Myanmar, bao gồm cả hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi đổ bộ vào nước này vào tháng 11 cùng năm.
Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ vào năm 2024 đã chi 240 triệu USD tại Myanmar, trong đó gần một nửa số tiền này được dùng tài trợ cho các hoạt động nhân đạo.
Thảm họa động đất này xảy ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cắt giảm viện trợ nước ngoài, trong đó có các khoản viện trợ đến quốc gia Đông Nam Á này. Hậu quả là một số tổ chức phi chính phủ và ít nhất 7 bệnh viện do Mỹ tài trợ hoạt động dọc biên giới Myanmar với Thái Lan đã đóng cửa.
Các hoạt động cứu trợ và cứu nạn ngay sau thiên tai là cần kíp, nhưng vẫn chưa đủ cho Myanmar. Nhà địa chất học Jess Phoenix cảnh báo các dư chấn có thể sẽ tiếp tục làm rung chuyển khu vực trong vài tháng, mảng kiến tạo Ấn Độ tiếp tục đâm vào mảng Á - Âu bên dưới Myanmar.
Ở Mandalay, một số lượng lớn các tòa nhà đổ nát vẫn đang nằm trong nguy cơ có thể sụp đổ bất kỳ lúc này. Nỗi thống khổ của người dân Myanmar ngày càng sâu sắc và không biết khi nào mới được khắc phục.
Trong lúc này, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar đã hiếm hoi đưa ra lời kêu gọi thế giới giúp đỡ. Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, đang là đối tượng bị xin lệnh bắt giữ từ Tòa án Hình sự quốc tế. Chính quyền của ông được đánh giá là hiếm khi hợp tác với cộng đồng quốc tế.
"Tôi muốn gửi lời mời mở tới bất kỳ tổ chức và quốc gia nào sẵn lòng đến giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn trong đất nước chúng tôi", ông Min Aung Hlaing phát biểu trên truyền hình.
Thái Lan chạy đua cứu người mắc kẹt

Công tác cứu hộ tại hiện trường vụ sập tòa nhà ở thủ đô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters
Do dư chấn từ trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar, một tòa nhà cao 34 tầng đang thi công tại Chatuchak (thủ đô Bangkok, Thái Lan) sụp đổ hoàn toàn, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 100 người bị mắc kẹt. Cho đến sáng 29-3, 27 người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát.
Ngay sau khi vụ sập nhà xảy ra, lực lượng cứu hộ Thái Lan đã huy động tối đa nhân lực và phương tiện để giải cứu những người mắc kẹt dưới đống đổ nát. Các đội cứu hộ sử dụng máy móc hạng nặng, chó nghiệp vụ và máy bay không người lái để xác định vị trí nạn nhân.
Người dân đã được sơ tán ra khỏi các tòa nhà có nguy cơ sập đổ và được sắp xếp vào các khu trú ẩn tạm thời tại các công viên và khu vực trống do địa phương thiết lập.
Đồng thời Bộ Giao thông Thái Lan đã tăng cường phương tiện công cộng, triển khai các tuyến xe buýt miễn phí và hỗ trợ dịch vụ di chuyển tại các sân bay nhằm đảm bảo giao thông thông suốt.
Chính quyền TP cũng nhanh chóng triển khai hơn 100 kỹ sư để kiểm tra an toàn các tòa nhà sau khi nhận hơn 2.000 báo cáo về nguy cơ thiệt hại do trận động đất gây ra.
Trước tình hình nghiêm trọng, Thái Lan cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ quốc tế. Một vài nước và tổ chức quốc tế như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN... đã cam kết hỗ trợ công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả, bao gồm viện trợ thực phẩm, vật liệu y tế hay đội ngũ cứu hộ.
Các lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn mắc kẹt.

Một tòa nhà đổ sập sau trận động đất tại Mandalay (Myanmar) vào ngày 28-3 - Ảnh: Reuters
Thế giới hướng về Myanmar
Chứng kiến sự hoang tàn và thống khổ của đất nước Myanmar với khó khăn chồng chất, nhiều quốc gia trên thế giới đã có hồi đáp đối với "lời cầu cứu từ Myanmar".
Giới quan sát đánh giá rằng chính quyền quân sự Myanmar sẽ có thể nhận được sự giúp đỡ của các nước thân thiện với họ như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Tuy vậy chính quyền này cũng có khả năng sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với viện trợ, thị thực và giấy phép đi lại để ngăn không cho viện trợ đến được các khu vực đang do các nhóm vũ trang kiểm soát.
Theo Đài CCTV, một nhóm cứu hộ Trung Quốc là nhóm cứu hộ quốc tế đầu tiên đến TP lớn nhất của Myanmar là Yangon vào sáng 29-3. Bắc Kinh sẽ cung cấp 100 triệu nhân dân tệ (13 triệu USD) viện trợ nhân đạo cho Myanmar.
Quốc gia láng giềng Ấn Độ cũng đã cử một đội cứu hộ và y tế cùng với viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Vào sáng 29-3, máy bay của Không quân Ấn Độ hạ cánh xuống Yangon, mang theo 15 tấn hàng cứu trợ đầu tiên đến Myanmar. Số hàng viện trợ bao gồm: lều, chăn, túi ngủ, gói thực phẩm, bộ dụng cụ vệ sinh, máy phát điện và thuốc thiết yếu.
Hong Kong, Singapore và Malaysia cũng cam kết cử đội cứu hộ đến Myanmar.
Trong một tuyên bố chung vào sáng 29-3, các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết khối này đã nhận biết được nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar sau trận động đất lớn và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực phục hồi.
New Zealand cũng vừa lên tiếng sẽ cung cấp 2 triệu đô la New Zealand (hơn 1,1 triệu USD) để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp ở Myanmar. Hàn Quốc cho biết sẽ cung cấp khoản viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD ban đầu cho Myanmar thông qua các tổ chức quốc tế.
Dù Mỹ đang cắt giảm viện trợ nước ngoài, Tổng thống Donald Trump ngày 28-3 cam kết Myanmar sẽ có sự giúp đỡ từ Mỹ: "Đó thực sự là một điều tồi tệ và chúng tôi sẽ giúp đỡ". Washington có mối quan hệ căng thẳng với quân đội Myanmar và đã trừng phạt các quan chức của chính quyền này, trong đó có Thống tướng Min Aung Hlaing.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết các chuyên gia về thảm họa của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ đã sẵn sàng giúp đỡ Myanmar, bao gồm cả các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Chiều 29-3, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức hội nghị về việc cử lực lượng sẵn sàng tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar.
Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu tổ chức lực lượng tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar. Sau khi được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các đơn vị của Bộ Quốc phòng sẵn sàng sang hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả.
Lực lượng tham gia cứu trợ sẽ bao gồm 79 cán bộ, chiến sĩ thuộc các bộ phận cứu hộ (lực lượng công binh và chó nghiệp vụ), quân y... Dự kiến đoàn có thể xuất phát vào chiều nay 30-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận