
Sống chậm, ẩn dật và tiêu hao ít năng lượng giúp loài lười tránh được sự chú ý của kẻ săn mồi, kể cả con người - Ảnh: Nature Award
Một nghiên cứu vừa công bố trên Science hé lộ: Chính nhờ nhịp sống chậm và lối sống ẩn dật trên cây, loài lười đã vượt qua nhiều biến cố tuyệt chủng trong quá khứ, điều mà những "người anh em" to lớn của chúng không thể làm được.
Cách đây hàng triệu năm, họ hàng nhà lười từng là một trong những nhóm động vật đa dạng nhất châu Mỹ, với đủ kích cỡ và lối sống: sống dưới đất, trong hang, dưới nước, thậm chí có loài to như con voi. Những bộ xương hóa thạch của lười đất khổng lồ Megatherium, cao hơn cả người trưởng thành, vẫn còn được trưng bày tại các bảo tàng ngày nay.
Tuy nhiên khoảng 15.000 năm trước, phần lớn các loài lười lớn tuyệt chủng. Các nhà khoa học từ lâu tranh luận về nguyên nhân: khí hậu thay đổi, môi trường biến động hay làn sóng săn bắt của con người thời tiền sử.
Nghiên cứu mới nhất của nhóm khoa học quốc tế do tiến sĩ Alberto Boscaini (Đại học Buenos Aires, Argentina) dẫn đầu đã mang đến cái nhìn rõ hơn. Bằng cách phân tích dữ liệu di truyền và kích thước cơ thể trong cây tiến hóa của loài lười, nhóm nghiên cứu phát hiện: lười đã nhiều lần điều chỉnh kích thước để thích nghi khí hậu, nhưng chỉ khi con người xuất hiện và bắt đầu săn bắn, số lượng lười mới sụt giảm nghiêm trọng.
Sự suy giảm đột ngột và mạnh mẽ của loài này lại trùng khớp với thời điểm con người bắt đầu lan rộng khắp châu Mỹ, thời kỳ mà các thợ săn săn lùng những động vật to lớn làm thức ăn. Những loài lười sống dưới đất và có kích thước lớn rõ ràng trở thành con mồi dễ dàng.
Trong khi đó, các loài lười nhỏ hơn và sống trên cây lại gần như không bị chú ý, và đó là lý do chúng vẫn tồn tại đến ngày nay.
Ngày nay, loài lười được biết đến với chuyển động chậm, trao đổi chất thấp, ngủ tới 15-20 giờ mỗi ngày và hầu như không rời khỏi cây. Nhưng chính "điểm yếu" ấy lại trở thành vũ khí sinh tồn hữu hiệu. Sống chậm, ẩn dật và tiêu hao ít năng lượng giúp chúng tránh được sự chú ý của kẻ săn mồi, kể cả con người.
"Chúng cực kỳ chậm chạp vì trao đổi chất thấp, đó là chiến lược sinh tồn của loài lười", tiến sĩ Boscaini nói.
"Chúng ta có thể bảo vệ những gì còn sống, nhưng đáng buồn là những nhánh tiến hóa đã tuyệt chủng thì không thể lấy lại được nữa", tiến sĩ Daniel Casali, đồng tác giả từ Đại học São Paulo (Brazil), chia sẻ.
Ngày nay, chỉ có sáu loài lười còn tồn tại trên Trái đất, phân bố rải rác trong các khu rừng nhiệt đới Nam và Trung Mỹ.
"Một số loài lười vẫn tồn tại, nhưng nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thông điệp rõ ràng là: phải hành động ngay hôm nay để tránh một sự tuyệt chủng toàn diện, giống như điều đã từng xảy ra" tiến sĩ Boscaini cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận