Phóng to |
Chặng đầu
100 người được chia làm tám tổ. Tôi ở tổ 1, còn Xuân Trung - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - tổ 2. Mỗi người được phát một khẩu phần ăn. Chúng tôi được xe hơi đưa đến trụ sở vườn quốc gia Hoàng Liên, cách Sa Pa 18km và nằm ở độ cao 1.945m.
Bắt đầu từ đây chúng tôi phải vượt một đoạn đường núi 11,2km mới tới được đỉnh Phanxipăng cao 3.143m. Đây là con đường mới mở, ngắn hơn, đỡ nguy hiểm hơn và chúng tôi là những người đầu tiên thử nghiệm trước khi nó được đưa vào khai thác du lịch.
Tổ 1 của tôi dẫn đầu cuộc đua tiến lên các đỉnh núi. Đây là tổ có đến bảy nhà báo, hai nhiếp ảnh gia và một thanh niên Anh (cũng là người nước ngoài duy nhất của cả đoàn) tên David Simpson.
Phóng to |
David là vận động viên (VĐV) đột xuất của đoàn đua. Anh Tây balô này đang nghỉ mát ở Sa Pa, khi biết có cuộc thi leo núi, đúng vào buổi sáng làm lễ xuất phát tại sân vận động Sa Pa anh ta mới tìm đến ban tổ chức năn nỉ xin tham gia.
Trên người anh chàng chỉ mặc duy nhất một cái quần đùi và chiếc áo thun, chân đi đôi dép có quai (trong khi nhiều người chúng tôi “trang bị tận răng” từ giày leo núi, găng tay đến áo lạnh...).
Hành trình leo được chia làm ba đoạn. Đoạn đầu tiên dài 7km để lên đến khu rừng cháy ở cao độ 2.500m là một đoạn đường xuyên qua rừng non, rừng già với nhiều đèo dốc mà chúng tôi buộc phải đi trong vòng ba tiếng.
Các tổ trưởng xua VĐV đi bám theo đội hình như xua lính. Những người ham trang bị nhiều bắt đầu oải. Không còn thấy lạnh nữa và mọi người bắt đầu cởi, ngay cả các cô gái U-20, 30 và 40.
Đầu tiên tôi cởi chiếc áo da nặng hơn 2kg của mình, tiếp đó là khăn quang cổ, chiếc áo thun thứ nhất. Cái balô một quai của cơ quan trang bị bắt đầu làm khó dễ tôi, còn khẩu phần ăn trở thành gánh nặng.
Trong giờ đầu tiên tôi còn nghe tiếng hát, tiếng cười nói, đến giờ thứ ba chỉ còn nghe tiếng thở...
Những người được chọn
Kém 1 giờ trưa cả đoàn mới tập trung đông đủ tại độ cao 2.500m. Các VĐV chỉ được 10 phút để ăn uống và nghỉ ngơi, rồi tất cả bị đuổi xuống núi chỉ trừ các thành viên tổ 1. Lúc này nhiều người đã thấm mệt nhưng vẫn muốn tận hưởng cái giá lạnh của đỉnh cao 2.900m.
Mọi lời than thở, năn nỉ, vận động xin tiếp tục đi đều không có kết quả vì đoạn đường từ độ cao 2.500m - 2.900m chỉ dài 3km nhưng cực kỳ nguy hiểm. Bên sườn núi cheo leo ngay độ cao ấy người ta chỉ dựng lán và dự trữ thức ăn đủ cho một số ít người.
Tôi đành phải bắt tay từ biệt đồng đội Xuân Trung rồi xốc balô tiếp tục cuộc hành trình sau khi đã móc túi kiểm tra lại tờ giấy bảo hiểm sinh mạng khuyến mãi của ban tổ chức trị giá 30 triệu đồng!
Theo kế hoạch, hơn 5 giờ chiều chúng tôi phải có mặt tại độ cao 2.900m. Đây là đoạn đường trần ai và “phiêu” nhất mà tôi từng trải qua trong đời với hơn 1km bám từng bờ đất để leo lên những đường giông (đỉnh của hai sườn núi) cheo leo ớn lạnh mà hai bên là vực thẳm chỉ mọc đầy loại trúc dại lúp xúp được tái sinh sau trận cháy rừng.
David, với đôi chân dài và sức khỏe châu Âu, luôn dẫn đầu tốp VĐV 12 người. Các hướng dẫn viên chia nhau đi đầu, áp giữa và khóa đuôi để tránh bất trắc.
Cuối cùng mọi người cũng đã tới độ cao 2.900m vào lúc 5g chiều. Ở đây có nửa tiểu đội người Mông đang chuẩn bị cơm nước cho các VĐV.
243m cuối cùng!
Điểm danh quân số cho thấy có 12 VĐV nhưng hướng dẫn viên, người tiền trạm dựng lán trại, đội ngũ phục vụ đông tới 18 người. Lán chỉ dựng đủ cho 20 người. Chúng tôi nằm không thể cựa quậy. Hai người đắp chung một tấm chăn, gió núi thổi buốt lưng từ bên dưới sàn gác bằng cây trúc. Rét!
Chưa đến 6 giờ sáng hôm sau tất cả thức dậy, điểm tâm mỗi người đúng một chén mì tôm rồi tiếp tục bị, gậy chinh phục 243m độ cao cuối cùng với chiều dài đường đi “dài thăm thẳm”… 1.200m.
Đây là chặng đường hiểm hóc nhất, đẹp nhất, mệt mỏi nhất nhưng sung sướng nhất. Chúng tôi phải mất ba tiếng đồng hồ cho đoạn đường này để được đền bù bằng cảm giác tuyệt vời khi được ngồi lên tảng đá to có cột mốc hình tam giác bằng đuyra của đỉnh Phanxipăng.
Trở về
12 giờ trưa về đến lán, lúc này tiêu chuẩn của mỗi người chỉ còn một chén cơm ăn với thịt gà, chúng tôi nuốt vội để xuống núi cho kịp chương trình của ban tổ chức. Chưa có một cuộc leo núi Phanxipăng nào tốc hành và kỷ luật đến như vậy. Không còn cả thời gian thưởng thức cảnh đẹp hoành tráng của Hoàng Liên Sơn và nóc nhà Đông Dương.
Những hướng dẫn viên leo núi Phanxipăng của Sa Pa khi nghe kể cũng lắc đầu le lưỡi vì tour tối thiểu của họ cũng phải mất ba ngày hai đêm. Họ bảo “không ai leo núi Phanxipăng theo kiểu tốc hành như vậy cả”.
Phần thưởng cuối cùng của chúng tôi là: 12 VĐV đã đoạt giải phong cách khi chinh phục đỉnh 3.143m, góp phần vào thành công chung của lễ hội 100 năm Sa Pa, kèm theo một giấy chứng nhận và tiền bồi dưỡng 200.000 đồng !
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận