Ký ức Sài Gòn trong lòng bàn tay

BÌNH MINH - NGỌC ĐÔNG 30/04/2020 17:04 GMT+7

TTCT - Có ai ngờ ký ức Sài Gòn có thể thu bé lại vừa khéo trong lòng bàn tay nhưng vẫn đầy đủ, chân thật đến từng chi tiết, không khỏi khiến người ta bồi hồi, thương nhớ.

Ký ức Sài Gòn trong lòng bàn tay - Ảnh 1.

Những cửa hiệu trong ký ức - Ảnh: BÌNH MINH

Một buổi sáng cuối tháng 2, chúng tôi có hẹn đến một căn nhà nhỏ trên đường Trương Đình Hợi (Q.4, TP.HCM), nơi nhiều mẩu ký ức về Sài Gòn xưa được "đóng băng" lại trong những mô hình lắp ráp bằng gỗ bé tẹo.

Ở đó có xe hủ tiếu gõ đề bảng giá 15.000 đồng/tô, xe khô mực với hai hàng "mồi nhậu" treo đầy ắp kế bên bếp than hồng, xe bánh tiêu với những chiếc bánh con con căng phồng phủ dầu óng ánh.

Rồi còn có nguyên một dãy phố với đầy đủ cửa hàng tạp hóa, quầy bán gạo, tiệm hớt tóc, sạp báo, bức tường vàng "khoan cắt bêtông"...

Tất cả đều tỉ mỉ đến từng chi tiết, tạo nên một thế giới tí hon mà ở đó Sài Gòn sống động nhưng nhỏ xíu, nằm gọn trong lòng bàn tay.

Thế giới tí hon của Phúc Đức

Thế giới bé tí hin ấy thực chất là cửa hàng Thế giới tí hon với hàng trăm mẫu mô hình thu nhỏ về Sài Gòn, được anh Nguyễn Phúc Đức miệt mài chế tác trong mấy năm qua.

Chúng tôi đến lúc Đức đang "lọ mọ" bỏ từng cái cối đá, nồi đất, chiếc lu, giàn phơi bánh tráng, con trâu... nhỏ xíu xiu vào mô hình có chủ đề làng quê Nam Bộ, một dự án mới mà anh dự định ra mắt trong thời gian tới.

"Cái này để ở đây có vẻ không hợp nhỉ?" - Đức vừa làm vừa lẩm bẩm. Đặt nốt chiếc khăn rằn lên cái ghế đẩu cho hoàn tất, Phúc Đức ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi về hành trình bước vào thế giới tí hon của anh.

Trước khi làm mô hình, Phúc Đức từng làm nhiều công việc chẳng hề liên quan đến nghề hiện tại. Đức kể anh cứ loay hoay làm DJ, rồi tiếp thị... để rồi đến một ngày bất chợt hoang mang về cuộc đời mình - mục đích của mình là gì, đam mê của mình là gì?

Ký ức Sài Gòn trong lòng bàn tay - Ảnh 2.

Nguyễn Phúc Đức miệt mài chế tác mẫu mô hình mới - Ảnh: BÌNH MINH

Đức tìm thấy lối thoát khỏi những ngày chênh vênh tuổi trẻ ấy nhờ nhớ lại món quà mà ba tặng cho anh vào sinh nhật năm 6 tuổi - một mô hình nhà 3 tầng tí hon bằng gỗ.

Vốn đã mê mẩn ngôi nhà đồ gỗ trong phim hoạt hình Cậu bé người gỗ Pinocchio từ bé, Phúc Đức vẫn luôn mơ đến ngày thực hiện chúng bằng chính đôi tay của mình.

"Một lần ngồi nói chuyện với ba, ông nhắc lại món quà khi ấy, đột nhiên tôi nghĩ sao mình không làm nhà mô hình tí hon nhỉ?" - Đức nhớ lại.

Anh bắt đầu lên mạng tìm thông tin, thấy loại hình này khi ấy đã có ở nước ngoài nhưng cũng chưa thịnh như bây giờ. Trong khi đó, ở Việt Nam cũng chỉ có một vài shop bán mô hình nhập từ nước ngoài về.

Vậy là Đức bắt tay vào làm, mô hình đầu tiên của Thế giới tí hon không dính gì đến thành phố mà anh đang sống, mà là một quán ăn sushi Nhật. Sản phẩm đầu tiên anh chỉ làm 100 bộ, vậy mà phải mất cả năm mới bán hết được.

Khởi đầu luôn khó khăn: phải bán xe để có tiền "khởi nghiệp", thị trường chưa có, Đức phải tự mình làm hết mọi thứ - tạo sản phẩm, viết bài quảng cáo, chăm sóc web, nhận đơn hàng, giao hàng.

Xác định được đam mê, anh Đức bỏ công đi học marketing để phát triển sản phẩm bài bản, đồng thời anh cũng kinh doanh các mặt hàng khác để "nuôi" đứa con tinh thần vừa ra đời của mình. Đức cứ thế kiên trì với niềm yêu thích, rồi dần dà công việc kinh doanh khởi sắc.

Ký ức chân thật và gần gũi

Chuyện chú tâm "phục dựng" Sài Gòn của một thời bằng mô hình mini bắt đầu từ lần Đức ngẫu hứng làm ra mô hình tiệm tạp hóa, dựa trên những ký ức của anh về tiệm tạp hóa Cô Tư trong con hẻm nhỏ mà anh thường lui tới ngày còn bé.

Mô hình ban đầu anh làm bằng giấy, khá thô sơ, nhưng lại nhận được nhiều phản hồi tích cực trên mạng, nhiều người còn đặt mua.

Thấy vậy, anh mạnh dạn đầu tư, trau chuốt, tối ưu hóa và cho ra mắt mô hình tiệm tạp hóa, một trong những mô hình bán chạy của công ty anh đến nay.

Ký ức Sài Gòn trong lòng bàn tay - Ảnh 3.
 

"Thừa thắng xông lên", Đức làm tiếp luôn một series mô phỏng một con phố đặc trưng của Sài Gòn với những hàng quán vỉa hè, quán nhậu, tiệm hớt tóc, xe băng đĩa dạo, tiệm cho thuê truyện tranh... Những mô hình trong bộ sản phẩm về Sài Gòn này là cả một khoảng trời ký ức của người làm ra nó.

"Tôi cứ nhớ hoài về ngày xưa, bởi tôi có rất nhiều ký ức tuổi thơ đẹp. Tôi nhớ lại ngày còn nhỏ ông nội hay chở tôi đi hớt tóc, mô hình tiệm cắt tóc ra đời từ đó.

Rồi kế bên tiệm cắt tóc là sạp báo, nhưng sạp báo hồi đó đơn sơ lắm, khi làm mô hình để bán thì tôi có làm cho hoành tráng hơn. Rồi tiệm hủ tiếu người Hoa trong hẻm cũng truyền cảm hứng cho tôi làm mô hình tiệm hủ tiếu" - anh Đức chia sẻ.

Trong mô hình của Đức, kế bên cột điện thường có một cô bán vé số, rồi kế cột điện cũng thường có... cái bao rác.

Những chi tiết chân thật đời thường đó là chủ đích của Đức khi làm mô hình - làm sao cho thế hệ 8X, thế hệ của anh, "thấy mình ở trong đó". "Tôi muốn người ta nhìn mô hình của mình và sẽ có cảm giác: Ồ sao cảnh này quen quá" - Đức giải thích.

Sự thân quen mà anh muốn mang đến cho người sưu tầm mô hình mini còn là những bịch bột giặt nhỏ xíu để trước cửa tiệm tạp hóa mô hình, những tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên... buổi sáng "nóng hổi" trên mô hình sạp báo, trong ca trà đá hay hũ chanh muối của mô hình xe cà phê Út Đẹt.

Không học qua trường lớp bài bản về kiến trúc, Phúc Đức thừa nhận sản phẩm của mình có khi không đúng "chuẩn" về tỉ lệ, cấu trúc và sẵn sàng cầu thị lắng nghe đóng góp.

Anh Đức nói ý tưởng sản phẩm về đường phố Sài Gòn đến từ những câu chuyện của bản thân anh, cũng có khi anh lắng nghe nhu cầu từ thị trường và gợi ý từ cộng sự của mình.

Trước khi sản xuất hàng loạt một mẫu mới phải trải qua nhiều giai đoạn từ phác thảo thiết kế, làm bản mẫu, song quan trọng nhất vẫn là "coi sản phẩm đó có cảm xúc hay không".

Ký ức Sài Gòn trong lòng bàn tay - Ảnh 4.
 

Cứ vậy mà Thế giới tí hon đều đặn cho ra đời những thứ nhỏ xíu nhưng gói gọn cả khoảng trời ký ức bao la về Sài Gòn của những người trót yêu thành phố này.

Có lần, anh Đức và êkip của mình xúc động khi đọc mail của một khách hàng nước ngoài viết cho mình, kể rằng anh bật khóc vì nhớ Sài Gòn khi xem mô hình của Thế giới tí hon.

Bên cạnh những mô hình xưa, Phúc Đức cũng thực hiện một số mô hình phản ánh đời sống hiện đại.

Sắp tới, Phúc Đức tiếp tục ấp ủ những mô hình về Hội An, về những vùng đất có văn hóa đặc trưng Việt Nam, với tâm niệm "đầu tiên là làm cho người Việt yêu Việt Nam, sau đó cho nước ngoài thấy Việt Nam mình đẹp như thế nào".

Tháng 7 năm ngoái, Thế giới tí hon gây tiếng vang với triển lãm "Nhật ký Sài Gòn 102 - Sài Gòn trên những ngón tay" trưng bày dòng sản phẩm mô hình về đời sống Sài Gòn. Các mô hình triển lãm được chia thành nhiều chủ đề nhằm "phục dựng" lại một Sài Gòn thân quen với thế hệ 8X.

Chủ đề "Gánh hàng rong" là phiên bản tí hon của 18 xe hàng rong quen thuộc trong ký ức trẻ con ở Sài Gòn: xe cá viên chiên, kem bảy màu.

Rồi chủ đề "Văn hóa giải trí của người Sài Gòn hồi xưa" là những mô hình rạp hát, sân khấu hát bội... hay "Tuổi thơ học trò" là cả một không gian cổng trường với hàng đồ chơi, quà vặt, xe sirô đá nhiều màu, quầy bánh mì...

Có thể nói bao nhiêu "vốn liếng" về Sài Gòn trong tuổi thơ của mình, anh chàng sinh năm 1989 đem hết vào trong dòng sản phẩm mà anh tâm huyết bậc nhất này.

Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ: Thương Sài Gòn theo từng bước ngụ cư Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ: Thương Sài Gòn theo từng bước ngụ cư

TTO - Với Sài Gòn, ai không là khách ngụ cư? Và cũng chính từ cái cự ly tính từ quê nhà Nha Trang đến Sài Gòn, đã mang lại trong văn Thanh Tuyền những duyên cớ cảm xúc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận