LTS: Tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông, những điểm nóng mới ở Ukraine, các cuộc tập trận của NATO ở các nước Baltic... tất cả đang làm thế giới nóng lên sau một thời gian yên ả hậu chiến tranh lạnh. Cuộc chạy đua vũ khí mới đã xuất hiện. TTCT giới thiệu trong loạt hồ sơ ba kỳ. Máy bay tàng hình J- 31 của Trung Quốc Đúng thời điểm mà hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bắc Kinh giữa tháng 11-2014, Trung Quốc cũng lần đầu tiên cho trưng bày máy bay tàng hình J-31 của mình tại triển lãm hàng không ở Chu Hải tại phía nam. Từ J-31 và kinh nghiệm không chiến Được Tập đoàn Shenyang Aircraft xây dựng, đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu J-31, thế hệ máy bay tàng hình thứ năm của Bắc Kinh, được trình làng. Trả lời New York Times, Dennis M.Gormley - chuyên gia về các vấn đề quân sự tại ĐH Pittsburgh, người từng viết về hệ thống tên lửa Trung Quốc - đánh giá J-31 có hình dáng “gần như cóp lại nguyên xi máy bay F-35 của Mỹ”. Theo trang web của hải quân Mỹ, mặc dù giống về thiết kế nhưng J-31 hiện mới chỉ tương đương thế hệ máy bay tàng hình thứ bốn của Mỹ nhiều hơn như các máy bay Falcon, F-15 hay F/A-18E/F Super Hornet. Với việc trưng bày máy bay tàng hình, Trung Quốc muốn thể hiện ngành công nghiệp quốc phòng của họ đã phát triển tới đâu. Trung Quốc trước đó đã có máy bay tàng hình J-20 được Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô sản xuất (cho tới giờ mới chỉ duy nhất Mỹ có máy bay tàng hình đang được sử dụng. Lockheed Martin cũng là công ty duy nhất đang xuất khẩu máy bay tàng hình với chiếc F-35 ở mức giá 150-300 triệu USD tùy từng xêri). Nhưng ngay với J-31, một số chuyên gia vẫn thấy những điểm yếu của máy bay Trung Quốc. Ví dụ như việc J-31 phải sử dụng hai động cơ. “Thông thường máy bay Trung Quốc phải có thêm động cơ vì động cơ của họ không đủ mạnh, đó là dấu hiệu cảnh báo rồi” - Robert Farley, giáo sư tại ĐH Kentucky, nói trên New York Times. Theo ông, điểm yếu về động cơ là một trong những nguyên nhân chính cản trở tham vọng không gian của Trung Quốc. Theo ông, việc máy bay Trung Quốc có thể “tàng hình” thật sự hay không sẽ cần thêm 5-10 năm nữa khi máy bay được đưa vào sử dụng trên thực tế. Hiện vẫn chưa rõ chiếc J-31 của Trung Quốc sẽ được vận hành thế nào và được trang bị các vũ khí gì. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc thiết kế máy bay là một chuyện, còn kinh nghiệm chiến đấu là một vấn đề khác - đây là lĩnh vực phi công Mỹ được coi là nhiều kinh nghiệm hơn so với phi công Trung Quốc. “Nhiều chuyên gia có xu hướng tập trung vào vũ khí mới của Trung Quốc mà quên đánh giá khả năng của Trung Quốc trong tiến hành chiến tranh khi kết hợp giữa nhiều loại quân chủng. Điều này đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc chưa hề tham chiến suốt gần 35 năm qua” - ông Gormley nói trên New York Times hồi tháng 11-2014. “Chiến tranh không được quyết định bởi một hệ thống vũ khí, mà là khả năng kết hợp nhiều hệ thống để tối đa hóa hiệu quả của nó” - ông giải thích. Ông lấy thí dụ dù máy bay Trung Quốc giờ còn kém nhiều so với máy bay Mỹ và Đài Loan, nhưng Trung Quốc lại dùng hàng loạt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình để bù lại những điểm yếu này. Các tên lửa này có thể tấn công máy bay đối phương trước khi xuất kích, riêng với các máy bay đã xuất kích rồi thì những tên lửa này sẽ tấn công căn cứ khiến máy bay không thể trở lại được. Theo ông, quân đội một nước chỉ thành công được bằng kinh nghiệm thực tế càng nhiều càng tốt. Ví dụ với Mỹ, các thông số kỹ thuật của từng loại vũ khí chiến đấu, hiệu quả cụ thể đều được lưu lại trong nhiều chục năm qua để có thể cải tiến các vũ khí trong tương lai. Đến tàu ngầm hạt nhân trên biển Một sáng chủ nhật vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Trung Quốc triệu tập tùy viên quân sự một số nước tới trụ sở bộ này. Trong sự ngạc nhiên của các tùy viên quân sự, phía Trung Quốc thông báo một trong những tàu ngầm hạt nhân của họ sẽ sớm vượt qua eo biển Malacca, khu vực giữa Malaysia và Indonesia - một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới. Theo Wall Street Journal, hai ngày sau đó, tàu ngầm tấn công của Trung Quốc - chuyên dùng để tìm kiếm và tiêu diệt tàu đối phương - nổi lên và đi qua eo biển này. Chiếc tàu ngầm này nhô lên ở Sri Lanka rồi xuất hiện lần nữa tại vịnh Ba Tư. Thông điệp của Bắc Kinh rất rõ: Trung Quốc đã hoàn tất cuộc chinh phục kéo dài hơn bốn thập kỷ để có thể tham gia cùng nhóm các nước có tàu ngầm hạt nhân đủ sức chinh chiến trên biển lớn. Đến tháng 9-2014, Trung Quốc một lần nữa thông báo triển khai một tàu ngầm nữa tới Ấn Độ Dương dù tàu lần này chỉ là tàu chạy diesel. Theo Wall Street Journal, sức mạnh và sự tích cực hoạt động của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đang là thách thức quân sự đáng kể nhất ở khu vực. Lực lượng tàu ngầm ngày càng mở rộng này không chỉ củng cố quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, đồng thời tăng khả năng áp đặt các tuyên bố chủ quyền cũng như ngăn chặn khả năng can thiệp của quân đội Mỹ. Đầu năm nay, trong bài phát biểu trước Ủy ban các vấn đề quân sự Thượng viện Mỹ, đô đốc Samuel J.Locklear, tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, dự đoán Trung Quốc sẽ đạt được khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm vào cuối năm nay - tàu boomer. Theo ước tính của ông, tên lửa hạt nhân đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc sẽ có tầm ngắn tới 7.400km và đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai được vũ khí hạt nhân từ trên biển. Loại tàu ngầm mà Trung Quốc có ở đây là tàu ngầm hạt nhân 094 thuộc lớp Jin với tên lửa JL-2. Với tầm bắn này, các tên lửa có thể ngắm tới Guam và Alaska. Cây viết Yoichi Kato của Asahi Shimbun trích các nguồn tin Trung Quốc nói Bắc Kinh đang cố gắng thiết lập “tam giác hạt nhân” với ba thành tố: máy bay ném bom chiến lược, hệ thống phóng trên đất liền tên lửa đạn đạo (ICBM) và tàu ngầm hạt nhân. Với việc có loại tàu ngầm này, Trung Quốc bước vào câu lạc bộ “tam giác hạt nhân” mà hiện chỉ có Nga và Mỹ là thành viên. Trung Quốc không hề giấu giếm việc phát triển loại tàu ngầm boomer. Tại Hải Nam, du khách khi tới đây có thể thấy rõ ba tàu boomer đậu ở cảng quân sự đối diện một khu nghỉ mát. Tư lệnh hải quân Trung Quốc, đô đốc Ngô Thắng Lợi, trong một bài viết trên tạp chí nước này gọi những chiếc tàu ngầm này là át chủ bài có thể khiến “đối thủ khiếp sợ”. Với tư lệnh hải quân nhiều nước, việc tàu hạt nhân Trung Quốc tiến hành các chuyến hành quân liên tục tới Ấn Độ Dương đặc biệt đáng chú ý: tàu ngầm Trung Quốc giờ có khả năng vươn tới trung tâm hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii. “Họ rất rõ ràng trong thông điệp của mình - phó đô đốc Robert Thomas, cựu tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, nói - Họ muốn nói: chúng tôi là lực lượng hải quân chuyên nghiệp. Chúng tôi có lực lượng tàu ngầm chuyên nghiệp và chúng tôi có thể vươn tầm toàn cầu chứ không còn là lực lượng tàu ngầm duyên hải nữa”. Tàu ngầm được chú ý trên góc độ chiến lược: chỉ một tàu ngầm cũng có thể ảnh hưởng lớn hơn nhiều và có sức răn đe lớn đối với các nước khác. Đặc biệt, tàu ngầm tấn công của Trung Quốc được coi là chiến lược để ngăn Mỹ không can thiệp trong trường hợp xảy ra xung đột với Nhật Bản, Đài Loan hay Philippines - các đồng minh của Mỹ tại các điểm nóng. Theo các chuyên gia hải quân, việc triển khai tàu hạt nhân của Trung Quốc có thể là bước mở đường cho cuộc chạy đua dưới biển ở châu Á mà sẽ rất giống với cuộc đua mèo đuổi chuột giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đe dọa hay không đe dọa? Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn tuyên bố các tàu ngầm của mình không đe dọa nước khác và nói đây chỉ là lực lượng bảo vệ lãnh thổ cũng như lợi ích đang ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc nói các tàu này sẽ dùng để hỗ trợ các nỗ lực chống hải tặc ở Somalia. Nhưng Washington đã có những động thái đối phó. Khoảng 60% lực lượng tàu ngầm của Mỹ đã được triển khai ở Thái Bình Dương (lực lượng trên mặt nước hiện mới ở mức 50%). Năm 2015, hải quân Mỹ sẽ cho triển khai tàu ngầm tấn công thứ tư tới Guam. Và kể từ tháng 12-2013, Mỹ đã triển khai sáu máy bay chống tàu ngầm P-8 mới tới Okinawa của Nhật. Cùng lúc, Mỹ đã củng cố hệ thống dò âm dưới nước vốn nhằm dò tàu ngầm của Liên Xô khi xưa cũng như thử nghiệm các loại tàu không người lái dưới nước để dò tàu ngầm Trung Quốc. Theo tình báo hải quân Mỹ (ONI), hiện Trung Quốc đang có hạm đội tàu ngầm lớn vào hàng bậc nhất với năm tàu ngầm hạt nhân và hơn 50 tàu ngầm diesel. Trong số này có bốn tàu boomer (so với Mỹ hiện có 14 boomer và 55 tàu ngầm hạt nhân tấn công). Trung Quốc sử dụng tàu diesel từ những năm 1950 nhưng các tàu này dễ phát hiện và thường phải ngoi lên sau vài tiếng. Tàu ngầm hạt nhân nhanh hơn nhiều và có thể ở dưới nước trong vài tháng. Tuy vậy, các tàu ngầm Trung Quốc vẫn buộc phải dùng các eo hẹp như Malacca, Sunda, Lombok... để tới Thái Bình Dương hay Đại Tây Dương. Các điểm này tương đối dễ kiểm soát hoặc ngăn chặn. Ngoài ra, khả năng chống tàu ngầm của Trung Quốc hiện vẫn còn yếu - các tàu của Mỹ hiện vẫn có thể tiếp cận các khu vực rất gần bờ biển của Trung Quốc mà không bị phát hiện. Các tàu boomer của Trung Quốc hiện khó vượt khỏi các eo biển mà không bị phát hiện. Tàu lớp Jin hiện vẫn còn khá ồn, ngang với mức tàu Liên Xô những năm 1970-1980. Tàu ngầm cấp Song của Trung Quốc “Nếu vẫn còn ồn thì anh sẽ chẳng đi qua được các nút thắt đó” - Wu Riqiang, chuyên gia tên lửa và nghiên cứu về tàu ngầm hạt nhân tại ĐH Nhân Dân Bắc Kinh, nói. Một báo cáo đầu tháng 2-2015 của Ủy ban xem xét quan hệ kinh tế, an ninh Mỹ - Trung (USCC) và RAND đánh giá việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc chưa hoàn tất và vạch ra một loạt điểm yếu của tiến trình này như chỉ số lượng ít quân Trung Quốc được tiếp cận vũ khí hiện đại, công tác hậu cần kết hợp các quân chủng còn yếu, thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực... Tags: Vũ khí trung quốc
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.