Khơi dòng đầu tư xanh vào Việt Nam

Việt Nam cần 368 tỉ USD cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đòi hỏi những biện pháp khuyến khích tài chính xanh, chiến lược huy động vốn thông minh và tận dụng sức mạnh của hợp tác công - tư từ trong nước đến quốc tế.

Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng đăng cai tổ chức hội nghị P4G lần thứ 5 cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali vào ngày 17-4 - Ảnh: TTXVN

Không một quốc gia hay doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể giải quyết được những thách thức phức tạp như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây chính là lúc cần đến vai trò của hợp tác công - tư (PPP). 

Vấn đề này đã được thảo luận sâu rộng trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) do Việt Nam đăng cai ngày 17-4, với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện nhiều nước và tổ chức quốc tế.

Mô hình quốc tế

Chia sẻ tại phiên đối thoại, ông Alejandro Dorado (Cao ủy về kinh tế tuần hoàn của Tây Ban Nha) nhấn mạnh đây là thời điểm cần tăng cường các mô hình PPP cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. 

Trong mô hình này, khu vực công đóng vai trò cung cấp khuôn khổ pháp lý, chính sách tài khóa, công cụ đầu tư và khả năng triển khai quy mô lớn. Trong khi đó, khu vực tư nhân mang đến sự linh hoạt, nguồn vốn, công nghệ tiên tiến và năng lực đổi mới sáng tạo.

Tây Ban Nha là ví dụ tiêu biểu trong việc triển khai mô hình PPP. Nước này đã huy động hơn 80 tỉ euro từ Quỹ Hồi phục châu Âu (Next Generation EU), với 30 tỉ euro được phân bổ cho khu vực tư nhân thông qua các dự án chiến lược đầu tư vào năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, hydro xanh, giảm phát thải trong công nghiệp và xe điện.

Ông Francesco Corvaro, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của thủ tướng Ý, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình PPP đối với cả nước đang phát triển lẫn phát triển. Ông dẫn chứng về sự hợp tác giữa công ty quản lý lưới điện quốc gia Terna và khu vực công trong phát triển hệ thống lưới điện thông minh tại Ý.

Ngoài chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong mô hình PPP. Thành phố Milan là ví dụ điển hình, nơi chính quyền địa phương hợp tác với doanh nghiệp để cải thiện hệ thống giao thông công cộng. 

"Đây là một hướng đi khả thi mà Việt Nam có thể tham khảo", ông Francesco Corvaro chia sẻ, đồng thời khẳng định PPP không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thực tế của xã hội.

Hoàn thiện khung pháp lý

Trong khuôn khổ hội nghị P4G ngày 17-4, phiên thảo luận cấp bộ trưởng với chủ đề "Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu" đã nêu bật những thách thức đối với thị trường tài chính xanh tại Việt Nam và đề xuất giải pháp cùng kinh nghiệm quốc tế.

Các rào cản thị trường tài chính xanh tại Việt Nam bao gồm sự thiếu hệ thống phân loại rõ ràng, việc công bố ESG (khung đánh giá trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường, xã hội và quản trị bền vững) còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, các đại biểu đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế tài chính quốc gia, thúc đẩy đổi mới sản phẩm tài chính xanh, đẩy mạnh mô hình PPP và nâng cao minh bạch, giám sát tài chính xanh.

Bà Lina Gandløse Hansen, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao phụ trách thương mại và đầu tư của Đan Mạch, tin rằng Việt Nam sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay. 

Bà cho biết đặc trưng của các công ty Đan Mạch là mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Tuy nhiên, tương tự các công ty từ hầu hết quốc gia khác, tính minh bạch và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ có tầm quan trọng đáng kể đối với doanh nghiệp.

Đan Mạch đã có nhiều tập đoàn hiện diện tại Việt Nam, như Lego và Pandora đã đầu tư nhà máy. Bà Lina tiết lộ nhiều doanh nghiệp Đan Mạch mong muốn thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo vì nhu cầu sử dụng điện sạch. Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn là thách thức chính đối với các công ty và nhà phát triển năng lượng gió của Đan Mạch khi hướng tới Việt Nam.

"Chúng tôi muốn có hướng dẫn và nguyên tắc pháp lý rõ ràng để tiến lên phía trước. Trước mắt, chúng ta đã thấy những tín hiệu rất tốt từ chính quyền Việt Nam" - bà nói và dẫn ra Quy hoạch điện 8, nghị định 57 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phân mảnh, theo bà, cần phải có các liên kết chiến lược về kinh tế với mọi đối tác. 

"Việt Nam là một đối tác toàn cầu như vậy đối với Đan Mạch và sẽ trở thành một trung tâm sản xuất và hậu cần cho các công ty Đan Mạch đang tìm cách đa dạng hóa. Những thế mạnh của Đan Mạch trong công nghệ cao và công nghệ xanh sẽ hữu ích cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước", bà khẳng định.

5 đồng thuận từ hội nghị P4G

Chiều 17-4, hội nghị P4G lần thứ tư khép lại với 5 kết quả đồng thuận quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc.

Thứ nhất là đồng thuận về huy động tài chính thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và các mô hình hợp tác công - tư.

Thứ hai là khuyến khích nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ xanh.

Thứ ba là chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững.

Thứ tư là phát triển và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng là chuyển đổi năng lượng hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong tiến trình này.

Khơi dòng đầu tư xanh vào Việt Nam - Ảnh 2.Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, tin tưởng sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy hợp tác chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên