Khí đốt từ Nga ngừng qua Ukraine: Cái giá khác của chiến tranh

THANH TUẤN 11/01/2025 15:16 GMT+7

TTCT - Khí đốt từ Nga tới châu Âu qua Ukraine đã chính thức dừng vào ngày 1-1 sau khi thỏa thuận về vận chuyển khí giữa hai nước đang có chiến tranh này kết thúc.

Tuyến đường ống từng vận hành hơn 4 thập kỷ từ thời Liên Xô này là một trong hai đường ống cuối cùng còn vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu bất chấp gần 3 năm chiến sự giữa Nga và Ukraine. Các nước EU sẽ mất khoảng 5% lượng khí đốt nhập khẩu ngay giữa mùa đông.

Khí đốt từ Nga ngừng qua Ukraine: Cái giá khác của chiến tranh - Ảnh 1.

Ảnh: wbs.ac.uk

Thị phần khí đốt của Nga sụp đổ

Ukraine cắt dẫn khí sau khi thỏa thuận ký kết hồi 2019 hết hiệu lực vào ngày đầu năm mới 2025, đánh dấu giai đoạn mới của châu Âu giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tác động thấy rõ ngay khi hàng trăm nghìn dân ở một khu vực của Moldova bị cắt điện và hệ thống sưởi.

Tập đoàn Nga Gazprom thông báo họ ngừng vận chuyển khí qua đường ống qua Ukraine từ 8h sáng (giờ Matxcơva) 1-1. Bộ trưởng năng lượng Ukraine, German Galushchenko, gọi đây là động thái "lịch sử", trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky, viết trên mạng xã hội, nói đây là "một trong những thất bại lớn nhất của Matxcơva". 

"Khi Putin nắm quyền ở Nga 25 năm trước, lượng khí đốt chuyển qua Ukraine vào châu Âu là 130 tỉ m3 mỗi năm. Hôm nay, con số đó là zero", ông viết.

Diễn biến gây ra phản ứng giận dữ từ Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, người đã vận động chống việc này suốt mấy tháng gần đây. 

"Dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ ảnh hưởng nặng nề với tất cả chúng ta ở châu Âu, chứ không phải với Nga", ông viết trên Facebook. Một số nước khác lại hoan nghênh diễn biến này. Ngoại trưởng Ba Lan, Radosław Sikorski, gọi đây là "chiến thắng mới" cho châu Âu.

Bị ảnh hưởng ngay lập tức là vùng tự trị Transnistria của Moldova, nơi đã mất khí sưởi và nước nóng hôm 1-1. 

Thông cáo trên trang web công ty năng lượng Tirasteploenergo ở đây nói việc cắt khí sưởi có hiệu lực từ 7h sáng 1-1 và kêu gọi người dân mặc đồ ấm, tập trung người nhà trong một phòng, treo chăn hoặc màn gió dày ở cửa kính và ban công, và dùng máy sưởi điện.

Khí đốt Nga đã trung chuyển qua Ukraine trong nhiều thập kỷ, chủ yếu qua hệ thống khí đốt được xây từ thời Liên Xô kéo dài từ Sudzha, thị trấn ở vùng Kursk của Nga hiện đang bị quân Ukraine kiểm soát, và kết thúc ở Uzhhorod, khu vực biên giới phía tây Ukraine, giáp với Slovakia.

Tuyến đường ống này vẫn luôn gặp nhiều vấn đề khi Nga thường xuyên dùng khí đốt để gây sức ép trong quan hệ với Ukraine. Báo cáo tháng 12-2024 của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) nói: 

"Nga đã lợi dụng Ukraine cùng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt và nguồn thu từ phí trung chuyển để gây sức ép về mặt chính trị". 

Kể từ khi Nga xung đột với Ukraine vào tháng 2-2022, thị phần khí đốt Nga ở châu Âu đã giảm từ 35% xuống còn 8%, khi nhiều nước châu Âu tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Đường ống dẫn khí dưới biển Nord Stream, nối Nga và Đức, cũng đã bị phá hủy hồi tháng 9-2022, Ukraine bị nghi ngờ đứng sau vụ việc này.

Châu Âu chia rẽ

Hiện Slovakia, Hungary và Áo vẫn đang phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. Nguồn khí này mang lại nguồn thu cho cả Nga và Ukraine, và Kiev thu được hàng trăm triệu euro mỗi năm.

Đàm phán kéo dài suốt năm ngoái nhằm gia hạn thỏa thuận với một loạt phương án như Nga và Azerbaijan sẽ bán khí cho nhau và để dán nhãn dòng khí đi qua Ukraine là của Azerbaijan. Nhưng các phương án này cuối cùng đều bị Kiev bác bỏ, họ cho rằng dừng đường ống dẫn khí sẽ tốt hơn là lợi nhuận thu được.

"Chúng tôi sẽ không để họ kiếm thêm hàng tỉ euro từ máu của chúng tôi", ông Zelensky tuyên bố tháng trước. Ông nói giải pháp duy nhất là người tiêu dùng ngưng chi trả cho Nga tới khi chiến tranh kết thúc, điều mà Gazprom và Kremlin không bao giờ chấp nhận.

Đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua châu Âu duy nhất còn hoạt động là đường TurkStream, chạy qua biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn khí tới Hungary và Serbia. Theo giới phân tích, khí đốt đi qua Ukraine hiện chỉ chiếm 5% nguồn cung cho châu Âu, nên tác động lần này sẽ không nhiều lên cả giá cả lẫn nguồn cung. 

Lãnh đạo các nước thân thiện với Nga hơn trong EU như Slovakia và Hungary thì chỉ trích diễn biến này. Slovakia ước tính họ sẽ mất thêm 150 triệu euro chi phí do đứt nguồn cung khí đốt qua Ukraine.

Ông Fico đã tới Matxcơva để trao đổi với ông Putin hồi tháng 12 - chuyến đi hiếm hoi của một lãnh đạo EU đến Nga từ khi cuộc chiến bắt đầu. Sau chuyến đi, ông Fico đe dọa nếu Ukraine cắt khí đốt, Slovakia sẽ cân nhắc cắt cung cấp điện cho Ukraine - Kiev hiện phải nhập khẩu điện khi Nga tăng cường tấn công các hệ thống hạ tầng năng lượng của nước này.

Thỏa thuận gần nhất cho khí đốt Nga đi qua đường ống Ukraine là hồi cuối năm 2019, sau khi thỏa thuận 10 năm trước hết hiệu lực. Thời điểm đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã ca ngợi thỏa thuận này không tiếc lời. Sau khi Nga tấn công Ukraine đầu năm 2022, EC lại khuyến khích các nước thành viên tìm giải pháp thay thế nguồn khí từ Nga.

Ukraine trong nhiều tháng tuyên bố họ không muốn đàm phán gia hạn thỏa thuận. Cắt nguồn khí sẽ khiến Nga thất thu 6,5 tỉ USD nếu không tìm được đường ống để chuyển hướng xuất khẩu, theo cơ quan nghiên cứu Bruegel ở Brussels. 

Đây đồng thời cũng là tổn thất tài chính với Ukraine, nước hiện nhận được khoảng 1 tỉ USD/năm từ phí vận chuyển khí đốt, dù lợi nhuận chỉ bằng 1/5 số đó. Một số chuyên gia dự đoán hệ thống đường ống khí đốt lớn của Ukraine có thể bị Nga tấn công nếu không có khí đốt từ Nga vận chuyển.

Tìm giải pháp thay thế

Ngoài ông Fico, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cũng từng tìm giải pháp khác để vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine nhưng bất thành. Chính phủ Hungary còn tìm cách mua khí đốt qua đường ống Thổ Nhĩ Kỳ và Romania để bù đắp nguồn cung thiếu hụt.

Áo, nước vẫn còn nhập khẩu khí đốt Nga trong năm 2024, đã chuyển sang các nguồn khác như khí hóa lỏng (LNG). Công ty OMV của Áo từ giữa tháng 12 đã hủy hợp đồng dài hạn ký với Gazprom vì những tranh cãi pháp lý.

Moldova đối mặt khó khăn nhiều nhất sau khi Ukraine cắt nguồn khí. Từ giữa tháng 12, nước này đã công bố tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng. Năm ngoái, trưng cầu ý dân về gia nhập EU ở Moldova được thông qua với tỉ lệ rất sít sao và Matxcơva cũng bị chỉ trích vì can thiệp vào cuộc trưng cầu này. Gazprom đã đe dọa kể cả có thỏa thuận thì họ vẫn sẽ ngưng cung cấp khí cho Moldova do mâu thuẫn về khoản phí chưa thanh toán.

Tuy vậy, hầu hết 2,5 triệu dân Moldova có thể bù đắp nguồn khí hụt từ Nga bằng việc sử dụng nguồn dự trữ và nhập khẩu từ Romania. Chỉ có vùng tự trị Transnistria với 450.000 dân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong khi đó, đường ống khí qua Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hỗ trợ vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu và đóng góp khoảng 5% lượng khí nhập khẩu của EU. Mỹ gần đây đã áp lệnh cấm vận với Ngân hàng Gazprombank, kênh thanh toán chính cho các công ty năng lượng Nga. 

Để giảm ảnh hưởng từ cấm vận, Tổng thống Nga Putin từ đầu tháng 12 đã đồng ý bỏ yêu cầu với khách hàng nước ngoài phải chi trả qua ngân hàng này. Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary thì nói họ được Mỹ miễn trừ trong việc áp lệnh cấm vận này.

Nhiều chuyên gia vẫn để ngỏ khả năng khí đốt từ Nga vào châu Âu sẽ tăng trở lại trong tương lai. Các công ty châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề do giá khí đốt và năng lượng tăng cao, buộc họ phải cắt giảm sản lượng, và nhiều nước đã lâm vào suy thoái kinh tế, trong khi khí đốt từ Nga rẻ hơn nhiều so với LNG.

"Tới giai đoạn có thỏa thuận hòa bình… Nga sẽ có thể tăng lại nguồn cung cho châu Âu", chủ một hãng buôn khí đốt giấu tên nói. Trong khi các chính phủ châu Âu có thể áp lệnh hạn chế để không quá phụ thuộc vào nguồn khí từ Nga, "rồi khí đốt Nga sẽ trở lại châu Âu, đơn giản vì địa lý là không thể thay đổi".■

Nga cần gần nửa thế kỷ để xây dựng thị phần khí đốt ở châu Âu. Ở mức đỉnh, Nga chiếm khoảng 35% thị phần châu lục, nhưng con số này giờ rớt xuống chỉ còn khoảng 8%. Tính tới ngày 1-12, EU mua khoảng 14 tỉ m3 khí/năm, so với 65 tỉ m3 khi hợp đồng mua khí đốt từ Nga có hiệu lực hồi 2020. EC nói lượng khí thiếu hụt có thể bù đắp bằng LNG và các nguồn khí khác ngoài Nga, bao gồm Na Uy, Mỹ và Qatar.

Theo AP, việc dừng dòng khí từ Nga qua Ukraine sẽ làm tăng nhu cầu của châu Âu với khí LNG, vốn đắt hơn và phải tranh mua với các nền kinh tế lớn ở châu Á. Giới chức EU vẫn tự tin là họ không cần nguồn khí từ Nga, kể cả chấp nhận các giải pháp đắt đỏ hơn như vận chuyển khí qua đường hàng hải.

EC ngày 31-12 tuyên bố sẽ không có xáo trộn với thị trường. "Hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh động để cung cấp các nguồn khí không phụ thuộc vào Nga cho khu vực Trung và Đông Âu qua các kênh khác - EC nói - Hệ thống cũng đã được củng cố đáng kể với các nguồn LNG mới kể từ 2022".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận