Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà phê bình, các nhà nghiên cứu về giá trị cũng như sức sống lâu bền, sức lan tỏa sâu rộng của Nhật ký trong tù suốt 80 năm qua.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết ông rất phấn khởi được lắng nghe những ý kiến tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ.
Ông cũng góp tiếng nói khẳng định giá trị của tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếng lòng sâu sắc của Bác Hồ
Đây là tập nhật ký bằng thơ, gồm bài, viết bằng chữ Hán; được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành cách đây 80 năm; ghi lại quãng đời đầy gian lao, thử thách nhưng vô cùng cao đẹp của vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc trong 13 tháng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm.
Tập thơ là tiếng lòng sâu sắc; là nơi hội tụ, tỏa sáng vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng kiên trung trong hoàn cảnh tù đày; là tư liệu lịch sử quý giá, gắn với cuộc đời hoạt động phong phú và vẻ vang của Người.
Nhật ký trong tù là tác phẩm văn học có giá trị đặc biệt, lớn lao; là bảo vật quốc gia, có sức cuốn hút, lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng nhiều thế hệ ở trong nước và trên thế giới.
Đọc Nhật ký trong tù, chúng ta được gặp một nghệ sĩ có trái tim yêu thương rộng lớn, nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống.
Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tràn đầy tình cảm nhân ái mà còn sáng ngời vẻ đẹp trí tuệ.
Những triết lý về đời sống, về quy luật nhân sinh được Bác truyền tải trong những hình tượng nghệ thuật sinh động.
Từ năm 1960, tập Ngục trung nhật ký đã được chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt và sau đó được dịch ra tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hung, tiếng Đan Mạch, tiếng Đức…
Cho đến nay tác phẩm đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được đông đảo người đọc trên thế giới đón nhận nồng nhiệt.
Ông Nghĩa đánh giá Nhật ký trong tù là tác phẩm có đời sống đặc biệt và giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, nhân dân ta.
Với những giá trị to lớn và bền vững đó, ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm Nhật ký trong tù là Bảo vật quốc gia.
Lan tỏa tập thơ hơn nữa
Ông Nghĩa khẳng định hội thảo là dịp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó thực hiện tốt hơn nữa "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong thời gian tới.
Ông mong các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ, để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế.
Ông cũng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm, để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương - cho biết kết quả của hội thảo sẽ là luận cứ khoa học để hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước có những chủ trương, chính sách, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia Nhật ký trong tù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận