19/05/2023 10:41 GMT+7

Quách Tấn và tập Nhật ký trong tù

Phải đợi 60 năm, tập sách mà nhà thơ Quách Tấn phỏng dịch tập thơ chữ Hán Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đủ duyên ra mắt đông đảo bạn đọc.

Tập Nhật ký trong tù do Quách Tấn phỏng dịch lần đầu ra mắt rộng rãi bạn đọc  - Ảnh: T.ĐIỂU

Tập Nhật ký trong tù do Quách Tấn phỏng dịch lần đầu ra mắt rộng rãi bạn đọc - Ảnh: T.ĐIỂU

Có mặt tại buổi ra mắt tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Quách Tấn phỏng dịch vào ngày 18-5, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết sự kiện là một niềm vui lớn với cá nhân ông và bạn đọc yêu Quách Tấn.

Tám năm trước, năm 2015, nhân một hội thảo về Quách Tấn của Hội sử học Việt Nam, ông Quốc đã phá lời hứa "đừng nói với ai cả" về tập bản thảo Quách Tấn phóng dịch Nhật ký trong tù mà ông đã hứa với Quách Tấn trong lần gặp đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa hai người vào năm 1978. 

Ông Quốc cùng với gia đình đã xuất bản tập thơ này với số lượng rất nhỏ dành cho những người trong giới sử học, văn chương, người thân thi sĩ.

Lần này, lần đầu tiên tập thơ được NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật xuất bản rộng rãi bởi nhân kỷ niệm năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - phó giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - chia sẻ trước đây, người đọc đã biết tài năng dịch thuật của Quách Tấn qua việc dịch thơ của Nguyễn Du - Tố Như thi (1973) và thơ của Thái Thuận - Lữ Đường thi tuyển dịch (2001); nay qua tác phẩm dịch này, người đọc càng hiểu và trân trọng hơn về tài năng dịch thuật của ông.

Quách Tấn (1910 - 1992) là thi sĩ danh tiếng trong phong trào Thơ Mới, một người bạn thơ văn rất thân thiết của Hàn Mặc Tử. Khi được một người bạn tặng tập Nhật ký trong tù do các bậc túc nho ngoài Bắc dịch, ông đã đọc rất kỹ với tâm thế của một tâm hồn thi sĩ đọc một hồn thi sĩ khác. 

Bản dịch ông thấy có nhiều điều hay nhưng cũng có điều chưa thật ưng ý. Vốn thích dịch thơ Đường nên ông cất công ngồi dịch lại. Có nhiều bài ông thấy dịch thành lục bát ý vị hơn, nên trong tập thơ này có nhiều bài ông dịch sang thể lục bát rất thú vị.

Dịch xong, ông còn mời một bạn mình là nhà thư pháp ở Sài Gòn tên Trần Thúc Lâm tới nhà ông tại Nha Trang ở cả tháng để chép chữ thật đẹp vào cuốn sách giấy quý làm kỷ niệm. 

Tập thơ ấy đã nằm im dưới án thư trong nhà thi sĩ Quách Tấn hơn nửa thế kỷ, chứng kiến bao buồn vui lặng lẽ của nhà thơ.

Sau này lận đận, ông càng giữ kín bởi khí tiết nhà nho, thi sĩ khiến ông muốn tránh bị đánh giá là xu thời.

Nhiều lần ông Quốc muốn đưa bản thảo chữ thật đẹp, dịch thật hay này đến với bạn đọc. Và phải tới tận hôm nay, cuốn sách rất "nhẫn" ấy đủ duyên để đến được với bạn đọc gần xa nhờ rất nhiều tấm lòng.

Trước đó, năm 2018 cuốn sách dư địa chí đầy chất văn chương của ông mang tên Xứ trầm hương - viết về vùng đất Khánh Hòa - đã được NXB Đà Nẵng ra mắt bạn đọc sau nhiều năm chưa được tái bản.

Theo PGS.TS Lê Văn Toan - dịch giả, nhà nghiên cứu Hán học, những bài thơ chép tay chữ Hán trong tập sách được viết rất "điêu luyện", kết hợp cả hai lối "thành thư" và "đá thảo".

Với lối viết vừa phóng khoáng vừa uyển chuyển ấy, phần chữ Hán trong tập sách nhìn tổng thể như một bức họa sống động về tinh thần, khí chất đặc biệt của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi gặp cảnh thử thách lao tù.

"Tái ngộ" nhà văn Quách Tấn và Xứ trầm hương'Tái ngộ' nhà văn Quách Tấn và Xứ trầm hương

TTO - Ngày 20-10, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra lễ ra mắt tác phẩm Xứ trầm hương của nhà thơ - nhà văn Quách Tấn (1910-1992), được tái bản lần thứ ba.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên