TTCT - Thành công của Inside Out 2 không chỉ đáng tự hào với nhóm làm phim, mà còn với dàn cố vấn khoa học dạy dặn kinh nghiệm về khoa học cảm xúc, nhất là cảm xúc trẻ vị thành niên. Buồn Bã, Vui Vẻ và Lo Âu - 3 cảm xúc có nhiều đất diễn nhất sau 2 phần phim."Một bộ phim thiếu nhi về khoa học thần kinh? Chắc sẽ chẳng đi đến đâu". Những người đằng sau phim hoạt hình Inside Out của Disney/Pixar đã từng nghĩ thế, nhưng cuối cùng thì họ đã biến điều không thể thành có thể, với hai phần phim thành công, ra mắt cách nhau 9 năm.Tính đến 21-6, Inside Out 2 đã vượt qua Dune 2 để thành bộ phim có doanh thu từ thị trường Bắc Mỹ lớn nhất năm nay (285,7 triệu USD so với 282 triệu USD) dù mới ra rạp 8 ngày, còn doanh thu toàn cầu đã vượt 545 triệu USD.Khoa học nghiêm túcTrong Inside Out (2015), khán giả làm quen với Riley, 11 tuổi, và 5 cảm xúc trung tâm được nhân vật hóa - Vui Vẻ, Buồn Bã, Giận Dữ, Kinh Tởm, Sợ Hãi. Ở phần 1, cô bé Riley luôn là một đứa trẻ hạnh phúc, "tràn ngập nhiều niềm vui" trong mắt bố mẹ, cho đến khi phải chuyển nhà.Chỗ ở mới tồi tàn, mất kết nối với bạn thân, cô đơn trong ngôi trường mới khiến Riley không còn vui như trước đây. Dưới sự dẫn dắt của Vui Vẻ, các cảm xúc cùng nhau bước vào cuộc hành trình đầy thử thách nhằm khôi phục lại dàn Trung tâm Điều khiển, giúp Riley trở về trạng thái hạnh phúc như cũ.Trong phần 2, Riley, 13 tuổi, đam mê khúc côn cầu và mong muốn có được học bổng từ môn thể thao yêu thích. Em tham gia trại hè thể thao và gặp một loạt thử thách tinh thần: bạn thân chuyển trường, huấn luyện viên hà khắc, học cách hòa nhập mà không hòa tan với những người đàn chị trong đội khúc côn cầu.Sự đổ bộ của những cảm xúc mới cùng với tuổi dậy thì - Lo Âu, Ghen Tị, Buồn Chán, Xấu Hổ - khiến nhóm 5 cảm xúc "cũ" cảm thấy bị lung lay về vai trò của mình. Cao trào của phần phim này là chuyện "giải quyết hậu quả" do Lo Âu gây ra, khi thay Vui Vẻ nắm quyền điều khiển nhưng lại làm mọi thứ rối tung lên như chính Vui Vẻ trong phần 1.Ảnh: Disney/PixarSau 9 năm kể từ phần mở màn, Inside Out 2 tiếp tục dẫn dắt khán giả đi sâu hơn hành trình muôn màu của thế giới cảm xúc về việc chúng ta học cách trân trọng, gọi tên và điều hòa cảm xúc để trở thành phiên bản hoàn thiện "từ trong ra ngoài" - đúng như nghĩa sát gốc của tựa phim.Đó là thành công đáng tự hào không chỉ của nhóm làm phim, mà còn của dàn cố vấn khoa học gồm tiến sĩ Dacher Keltner, cùng hai nhà tâm lý học Paul Ekman và Lisa Damour. Keltner - giáo sư với 30 năm dạy cảm xúc con người ở Đại học California, Berkeley, và Ekman - chuyên gia nghiên cứu "vũ trụ cảm xúc", chủ trang The Ekmans' Atlas of Emotions tham gia cả 2 phần. Damour là nhà tâm lý và tác giả sách "chuyên trị" khoa học cảm xúc trẻ vị thành niên. Bà được mời cố vấn cho phần 2 vì Riley đã bước vào đúng độ tuổi này.Nhóm cố vấn có nhiệm vụ kể một câu chuyện sáng tạo và đổi mới về những giọng nói bên trong đầu đứa trẻ, trong khi vẫn phản ánh đúng và chính xác khoa học thần kinh. Họ đã làm điều đó thế nào?Cảm xúc không tách biệt với lý tríInside Out cho thấy một góc nhìn gợi mở về sự liên quan mật thiết giữa cảm xúc và lý trí. Trong một bài viết năm 2015 trên New York Times, Ekman và Keltner cho rằng các cảm xúc hiện tại khuôn đúc thành điều mà chúng ta nhớ về quá khứ. Hình ảnh những quả cầu màu sắc và đoàn tàu chuyên chở suy nghĩ cho thấy cách chúng ta xử trí trải nghiệm và cảm xúc."Những cảm xúc sắp xếp, chứ không phải phá hủy, suy nghĩ lý trí. Trước đây, truyền thông đại chúng cho rằng cảm xúc là kẻ thù của lý trí và phá hủy mối quan hệ xã hội hợp tác. Tuy nhiên, cảm xúc định hướng quan điểm của chúng ta với thế giới, ký ức về quá khứ và ngay cả phán xét đạo đức đúng sai, thông qua việc cho phép phản hồi hiệu quả với tình huống thực tại. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy khi ta giận dữ ta đang cố hòa hợp nhanh với điều gì bất công, giúp hành động trở nên có sức sống hơn" - bộ đôi cố vấn viết.Năm 1992, Ekman phát triển lý thuyết cảm xúc rời rạc (discrete emotions theory) với sáu cảm xúc cơ bản dựa theo biểu cảm nét mặt : giận dữ, ghê tởm, sợ hãi, hạnh phúc, buồn bã và bất ngờ. Sau này ông đề xuất thêm một loạt cảm xúc tích cực và tiêu cực khác không được thể hiện rõ trên cơ mặt. Nhưng chỉ có 5 cảm xúc được "nhân vật hóa" trong phần 1 của phim. Trong một phỏng vấn với TIME hôm 14-6-2024, Keltner nhấn mạnh lựa chọn này phản ánh đúng đồng thuận chung của giới khoa học cảm xúc lúc bấy giờ.Tiến sĩ Dacher Keltner dự ra mắt Inside Out 2. Ảnh: Getty Images/Disney/PixarNổi bật trong Inside Out phần 1 là thông điệp hãy cho phép bản thân có quyền được buồn. Khi đến nơi ở mới, Riley trải qua tình trạng rối loạn lo âu do chia cách (separation anxiety disorder) - một vấn đề khá phổ biến ở trẻ em và trẻ vị thành niên khi phải từ biệt những thứ thân thuộc với mình. Vì thế Riley đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp - nổi bật trong đó là sự giận dữ, khiến cô bé có những hành vi bồng bột, xốc nổi với gia đình mình.Chặng đường cuối cùng của các nhân vật - nhất là với Buồn Bã và Vui Vẻ - cho thấy sự trưởng thành của cảm xúc. Buồn Bã cuối cùng học cách kết nối và tận hưởng niềm vui, Vui Vẻ học cách điềm tĩnh và biết khóc, biết yếu đuối lúc cần. Phần 2 chính là nối tiếp hành trình trưởng thành cảm xúc đó, với cột mốc lớn là dậy thì.Trong khi giá trị của Buồn Bã là giúp cho cá nhân chậm lại, tập trung trước thực tại của bản thân, "kẻ mới đến" Lo Âu cũng có mặt tích cực: nó giúp chúng ta cảnh giác, chuẩn bị kỹ càng trước những tình huống xấu nhất. Nhưng khi sự lo âu chiếm lĩnh quá nhiều trong tâm trí, Riley dần đánh mất chính mình. Cô bé luôn tạo áp lực phải tỏ ra giống hệt những người đàn chị, nghỉ chơi bạn thân, gian lận; lo lắng với những viễn cảnh tiêu cực, nhiều lúc không có thật; không ngừng phán xét, chỉ trích mình qua câu nói: "Mình không đủ giỏi". "Lo âu có thể ở hình thức lành mạnh và cả thiếu lành mạnh. Lo âu là điều tự nhiên và không thể tránh khỏi trong cuộc sống này. Cảm xúc này tồn tại để cảnh báo chúng ta trước mối đe dọa tiềm ẩn và bảo vệ chính bản thân" - Damour, nhà cố vấn còn lại, đúc kết với tờ Slate.Phân cảnh Lo Âu cuối cùng bị tê liệt khi làm việc quá sức phản ứng rõ ràng cảm giác của những người lên cơn hoảng loạn (panic attack), nghĩa là "bị cắt đứt khỏi chính mình, không còn thực tế, mất liên hệ với thế giới xung quanh", Damour giải thích.Chỉ đến khi Vui Vẻ đến cứu Lo Âu khỏi guồng xoay rối rắm, cả hai bắt đầu giúp Riley hồi phục lại những niềm tin, ý thức về bản thân thông qua hình ảnh mớ lò xo. Điều kỳ diệu là mớ lò xo không chỉ có màu vàng, nó còn mang muôn vàn màu sắc - phản ánh những niềm tin tích cực và tiêu cực trong mỗi cá nhân. Thông điệp cuối cùng của Inside Out 2, vì thế, là học cách chấp nhận rằng bản thân đều có những mặt hoàn hảo và không hoàn hảo, để từ đó ta có thể có sự vững tin vào các giá trị của bản thân.Gọi tên và điều hòa cảm xúcInside Out phần 1 có phân cảnh Buồn Bã lắng nghe chú voi Bing Bong thổ lộ tâm tình, giúp chú gọi tên được cảm xúc buồn bã và khóc nức nở. Tương tự, ở đoạn kết phần 2, Riley nhận ra được cảm xúc lo âu thường trực khiến mình luôn ép bản thân phải hòa nhập và đánh mất mình.Hai phần phim đều nhắc tới việc gọi tên cảm xúc, một kỹ năng cần thiết và quan trọng trong đời sống. Kyle Boerke, bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý học lâm sàng trẻ em tại OSF HealthCare, cho rằng việc cha mẹ cùng con cái xem Inside Out có thể giúp trẻ hiểu và gọi tên các cảm xúc. Không có cảm xúc nào là xấu, việc nhận biết và diễn đạt và cảm xúc giúp mỗi cá nhân có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, xây dựng khả năng phục hồi về mặt sức khỏe tinh thần."Điều to lớn nhất ta có thể làm với trẻ con khi chúng còn nhỏ là dạy chúng cách nhận biết và gọi tên cảm xúc. Nếu có thể làm một đứa trẻ 3 hay 4 tuổi gọi tên cảm xúc là tôi đã thấy thành công rồi. Và phần đầu của Inside Out đã làm điều đó rất xuất sắc" - Boerke nói.Nhân vật Lo Âu. Ảnh: Disney/PixarBài học nổi bật khác đến từ phim là giá trị của sự tự trắc ẩn (self-compassion) - khi chúng ta thấu hiểu sâu sắc về bản thân khi đối diện với khó khăn và nỗi đau trong cuộc sống, bao gồm việc đối xử tử tế với bản thân (self-kindness), đồng cảm sâu sắc với những người xung quanh (feelings of common humanity), và chánh niệm (mindfulness) (*).Ở phần 1, khi Vui Vẻ sốt sắng tìm hướng đi nhanh nhất để Riley có thể vui tươi như trước đây, Buồn Bã cùng Bing Bong giúp Riley nhận ra giá trị của sự tự trắc ẩn. Giá trị của sự tự trắc ẩn trong cảnh thể hiện rõ ở việc nhân vật lập dị này điềm tĩnh lắng nghe, không phán xét, thấu hiểu sự mất mát của người bạn đồng hành và tập trung.Trong phim, Buồn Bã giúp Bing Bong gọi ra được cảm xúc, tuyệt vọng trước ước mơ không thành. Bằng giá trị của sự chánh niệm - tập trung vào hoàn cảnh hiện tại của chú voi, Buồn Bã giúp cậu bình tâm hơn và tiếp thêm động lực để cậu giải cứu Riley.Sau cùng, chính cô gián tiếp giúp Vui Vẻ thể hiện nỗi buồn của mình, trước khi họ cùng trở lại Trung Tâm Điều Khiển với những quả cầu ký ức lõi. Ngoài cách nhận diện cảm xúc thông qua Bản Đồ Cảm Xúc của tác giả Paul Ekman (atlasofemotions.org), bạn đọc có thể tận dụng mô hình Bánh xe Cảm xúc (Wheel of Emotion) của Plutchik. Công cụ này giúp đi từ cảm xúc sơ khởi nhất (sợ hãi, tức giận, chán ghét, buồn, vui mừng, ngạc nhiên,..) đến sâu xa hơn (cô đơn, tội lỗi, bị tổn thương...), cuối cùng là đi đến cảm xúc cụ thể nhất mà bạn đang cảm nhận.Việc quan sát này giúp bản thân có thể nhìn nhận tình huống bằng góc nhìn toàn cảnh, hiểu được nguồn cơn của cảm xúc, liên hệ trợ giúp khi thấy cảm xúc có thể đe dọa đến bản thân hay người khác. (*) Thanh Minh Nguyen, Giang Nguyen Hoang Le (2021) The influence of COVID-19 Stress on Psychological Well-Being Among Vietnamese Adults: The Role of Self-Compassion and Gratitude Tags: Phim hoạt hìnhDisneyPixarĐiện ảnhInside Out
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.