TTCT - Người phương Tây có cụm từ "meat sweats" - chỉ việc ăn thịt nhiều đến đổ mồ hôi. Điều này chỉ là lời đồn hay có cơ sở khoa học đàng hoàng? Ảnh: Getty ImagesCụm từ "ăn quá nhiều thịt đến toát mồ hôi" xuất hiện đó đây ở các nước nói tiếng Anh đã nhiều thập niên. Theo báo New York Times, dù không rõ cụm từ này ra đời chính xác là khi nào và ở đâu, nó nổi tiếng nhờ một tập trong series phim Friends năm 2001 - khi nhân vật Joey Tribbiani ăn cả một con gà tây và sau đó lau trán nói: "Ăn thịt đến đổ mồ hôi hột đây này".Gần đây hơn, hồi tháng 6-2022, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Arby's đã hợp tác với nhãn hàng Old Spice của Procter & Gamble, chuyên về các sản phẩm chăm sóc cơ thể cho nam giới, ra mắt bộ sản phẩm "Meat Sweat Defense" - hiểu nôm na là chống đổ mồ hôi khi ăn nhiều thịt.Bộ sản phẩm này dành cho những người hề hước khi nó gồm một bộ quần áo hoa văn thịt bò bó chẽn kỳ dị, khăn lau mồ hôi, băng thấm mồ hôi, một chai xịt khử mùi và một chai lăn nách. Lăn nách hay xịt mùi thì dễ hiểu, còn bộ đồ thì dù có là nam vương mặc vào thì cũng trông như một tảng thịt di động, nhìn đã thấy ngán chứ không có nét nào hấp dẫn.Đây cuối cùng có lẽ là một chiêu trò tiếp thị theo trào lưu của Arby's, nhưng giới khoa học nói gì về chuyện ăn thịt đổ mồ hôi? Các thực nghiệm quy mô nhỏ công bố từ lâu cho thấy ăn nhiều protein (chất đạm) làm nhiệt độ cơ thể tăng nhiều hơn so với ăn carbohydrate (chất bột) hoặc chất béo tự nhiên.Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2002 của Đại học bang Arizona (Mỹ), 10 tình nguyện viên nữ còn trẻ đã tham gia ăn các bữa ăn nhiều protein hoặc nhiều carbohydrate trong một ngày và sau đó được đo các chỉ số trong đó có nhiệt độ cơ thể. Sau đó từ bốn đến tám tuần, họ lặp lại thực nghiệm nhưng ăn chế độ ăn ngược với lần trước.Kết quả cho thấy mức tăng nhiệt độ cơ thể trung bình của họ cao hơn gần 60% sau khi ăn bữa ăn giàu protein so với sau khi ăn bữa ăn giàu carbohydrate. Các nghiên cứu nhỏ khác kết luận rằng điều tương tự cũng xảy ra ở nam giới. Dù vậy, mức tăng nhiệt độ cụ thể là tương đối nhỏ. Nhiệt độ cơ thể của các tình nguyện viên nữ trong nghiên cứu năm 2002 trung bình chỉ cao hơn 0,2 - 0,3oC sau khi ăn chế độ ăn giàu protein.Tiến sĩ Donald Layman, giáo sư về khoa học thực phẩm và dinh dưỡng con người, chuyên gia về chuyển hóa protein tại Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ), khẳng định ăn thịt nhiều đến đổ mồ hôi hột là lời đồn mang tính phóng đại hơn là sự thực. Theo ông, mức nhiệt chênh lệch không đủ lớn để cơ thể chúng ta đổ mồ hôi.Marie-Pierre St-Onge, phó giáo sư y học dinh dưỡng tại Trường y và phẫu thuật Vagelos, Đại học Columbia, đồng tình với ý kiến này và lý giải rằng protein làm cơ thể tăng nhiệt độ vì cơ thể chúng ta phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa lượng protein đã ăn vào. Quá trình này giải phóng nhiệt, một phần lý do là vì protein khó tiêu hơn chất bột hoặc chất béo.Stuart Phillips, chuyên gia về thể dục kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng, thể dục và sức khỏe McMaster của Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario (Canada), đồng ý rằng quá trình tiêu hóa protein là quá trình "tiêu tốn năng lượng". Ông giải thích đó là vì cơ thể chúng ta sử dụng năng lượng từ các bữa ăn giàu protein để tạo cơ. Một người ăn nhiều protein sẽ đốt cháy lượng calo cao gấp ba đến bốn lần so với khi ăn thực phẩm là carbohydrate hoặc chất béo. Trong một nghiên cứu nhỏ công bố năm 1999, tám tình nguyện viên nữ đã ăn chế độ ăn giàu chất đạm trong một ngày. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trung bình họ đốt cháy nhiều hơn 87 calo so với khi áp dụng chế độ ăn nhiều chất béo.Mặc dù ăn protein khiến cơ thể sinh nhiệt, các chuyên gia khẳng định ăn nhiều thịt - ngay cả khi thịt ngon hoặc nhiều đến đâu - sẽ không khiến một người đổ mồ hôi nhiều. Ngay cả trong những nghiên cứu quy mô nhỏ, điều này đã không xảy ra. Tiến sĩ St-Onge nói rằng mình chưa biết đến chuyện vô lý này. Theo bà, một người có thể đổ mồ hôi chút ít sau khi ăn nhiều thịt nhưng "tôi không nghĩ rằng họ sẽ đổ mồ hôi đầm đìa", trừ khi người đó đã ở một nơi nóng nực như giữa một ngày hè đổ lửa.Có vẻ chuyện ăn nhiều thịt đổ mồ hôi không đáng tin lắm trong mắt các nhà khoa học. Với mâm cao cỗ đầy ngồn ngồn thịt cá trong dịp Tết sắp tới, có lẽ ta cũng không phải lo ăn nhiều sẽ vã mồ hôi, mà cần chú ý đến những tác hại khác của việc nạp quá nhiều giò chả hay bánh chưng, và nhất là nên ăn vừa đủ để còn cảm giác ngon miệng cho bữa ăn sau.■ Tags: Ẩm thực phương TâyMón ăn ngonĂn thịtĐổ mồ hôiSức khỏeĂn uống
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc hội hoa xuân TP.HCM...
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian.