Hưu non là điều bất đắc dĩ, nhất là khi bản thân đã nhiều năm gắn bó, cống hiến ở một nơi nào đó. Nhưng thị trường việc làm vốn luôn cạnh tranh đang đặt người lao động trước một sự thật buộc phải chấp nhận dù chua chát.
Thẳng thắn đối diện
Có nhiều câu chuyện được bạn đọc chia sẻ sau khi đọc bài báo "Nghẹn ngào mất việc tuổi 50".
Bạn đọc Mai Bui Thanh kể hai vợ chồng cùng làm trong ngành giáo dục hơn 20 năm. Thế rồi vừa qua thời điểm dịch COVID-19 và họ bị giảm biên chế. Tiền nghỉ việc mỗi người được hơn trăm triệu đồng nhưng mỗi tháng được trả góp vài triệu đồng.
"Chúng tôi bắt đầu công việc lại từ đầu với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng khi hai vợ chồng người 50, người đã 56 tuổi" - bạn đọc này viết.
Thẳng thắn, bạn đọc Châu Đặng nói lao động 50 tuổi trở đi không xin được việc đâu, chỉ làm công nhật, làm nặng nhọc qua ngày thôi vì hầu như doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông đều dưới 35 tuổi.
Một bạn đọc khác cảm thán: "Tôi 36 tuổi cũng đang chật vật tìm công việc mới, nộp công ty nào cũng chê già".
Hay bạn đọc tên Hồng chua chát: "Lúc trẻ cống hiến hết mình nhưng cơ quan thay đổi sếp là coi như chả thèm quan tâm đến người cũ đã cống hiến mà lại quan tâm người cùng phe phái thì làm sao 50 tuổi còn cơ hội làm tiếp".
Có vẻ bình thản hơn, bạn đọc Huy Hoàng đặt câu hỏi: "Bất đắc dĩ mới phải sa thải, công nhân thì người trẻ sẽ có năng suất hơn chứ chẳng lẽ sa thải người trẻ để giữ lại người lớn tuổi à?".
Tự tìm lối thoát cho mình
Thật không dễ chấp nhận thực tế mất việc ở cái tuổi còn có thể tiếp tục đi làm. Nhưng khi bình tâm, nhiều bạn đọc đã tìm ra hướng đi mới. Bạn đọc tên Bình chia sẽ từng làm quản lý tại công ty vốn FDI nên khi bị đào thải buồn lắm vì nghĩ "mình đã cống hiến gần như tuổi trẻ cho công ty".
Bạn đọc này tự nghỉ ngơi một tháng như để "chữa lành" chính mình. "Sau đó tôi đã tự làm những việc mà mình thấy có thể làm. Còn hiện tại sáng tôi bán cơm, chiều làm nhân viên cho một công ty. Đừng quá bế tắc và nghĩ nhiều về công việc đã qua" - bạn đọc Bình khuyên.
Bạn đọc Kenman nói từng chứng kiến tâm trạng thất vọng, buồn bực của người lớn tuổi bị rơi vào tình thế buộc phải nghỉ việc nên tự nhủ ra làm riêng. Bạn đọc này chọn chuyển sang công ty nhỏ, lương thấp, điều kiện làm việc tệ hơn nhưng có thể học nghề ở đó và quan trọng là không cần nhiều vốn để khởi nghiệp.
"Cho đến giờ tuy còn vất vả nhưng tôi tự do, thoải mái và sống được" - Kenman kể.
Chia sẻ giải pháp, bạn đọc Huy Hoàng cho rằng nên có chế độ phúc lợi cho người dân thay vì ép doanh nghiệp phải thế này thế nọ khi họ cũng đóng thuế đầy đủ và đừng tạo thêm áp lực tài chính cho họ.
Góc nhìn khác, bạn đọc tên An nói nên tăng thuế nếu doanh nghiệp nào không có tỉ lệ phần trăm nhất định số người lao động trên 45 tuổi để bù vào chính sách xã hội. Ngược lại sẽ ưu đãi thuế với doanh nghiệp đạt tỉ lệ phần trăm nhất định sử dụng lao động trên 50 tuổi.
Bạn đọc Jamie đồng thuận với việc Nhà nước có quy định công ty phải có ít nhất bao nhiêu phần trăm người lao động 45 - 50 tuổi và sẽ có chính sách ưu đãi. Có vậy mới giảm áp lực cho người lao động, chính sách an sinh, giảm tỉ lệ mất việc.
30 - 35 còn hưu non nữa là...
Nhiều bạn đọc cho biết mới ngoài 30 đã rất khó tìm công việc mới sau khi bị mất việc. Bạn đọc tên Huy nói mình 33 tuổi và năm ngoái rất chật vật mới tìm được việc mới.
"Trước 30 tuổi thu nhập rất cao và ổn định, đợt dịch tới giờ tôi cứ lận đận, công việc hiện tại cũng chưa ổn định nhưng còn đỡ hơn ngồi không" - Huy nói.
Một bạn đọc khác thẳng thừng rằng "không chịu tối về cày bừa học hành nâng cao trình độ, lụt nghề thì doanh nghiệp đào thải thôi vì nếu giỏi người ta trải thảm đỏ mời anh làm".
Không đồng tình, bạn đọc Thuận Đức Nguyễn kêu nói thế chưa chuẩn xác và nêu giả sử 100 người đều giỏi nhưng khi cần loại bớt 20, người ta sẽ chọn 80 người phù hợp hơn mà có khi học giỏi chẳng ăn nhập gì với chuyện bị sa thải.
Nên đừng nghĩ mình giỏi là không bị sa thải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận