
Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn khách quốc tế tại TP.HCM. Với nhiều tình huống phát sinh, hướng dẫn viên du lịch giải quyết phải được bảo đảm trong giới hạn của luật pháp và phạm vi của chính sách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một tài khoản TikTok đăng tải video ghi cảnh nhóm khách du lịch đứng tạo dáng chụp ảnh giữa đường tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum thu hút nhiều chia sẻ và bình luận. Từ đây đặt ra vấn đề hành nghề dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch phải như thế nào để không vi phạm pháp luật.
Không chuyên nghiệp, sai quy định!
Ngày 8-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tô Hiền Hậu, điều hành tour du lịch Nhật Bản, Công ty du lịch Hoàn Mỹ, cho rằng hướng dẫn viên du lịch sẽ thường xuyên gặp trường hợp khách đang đi đề nghị dừng lại chụp ảnh.
Anh Hậu dẫn chứng trường hợp thị trấn Fujikawaguchiko nổi tiếng nhờ khung cảnh ngọn núi Phú Sĩ thấp thoáng phía sau một cửa hàng tiện lợi. Nhưng khu vực phía trước cửa hàng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch chụp ảnh, trong đó có khách Việt Nam.
Chính quyền từng che tấm chắn vì lo ngại khách băng qua đường trái phép, đứng giữa đường chụp ảnh… khiến người dân không dám lái xe qua khu vực này.
"Nếu tour có điểm đến những nơi bị hạn chế chụp ảnh, ngay từ đầu hướng dẫn viên phải thông tin trước với khách. Đây là quy định. Việc tùy tiện cho khách dàn hàng chụp ảnh ở tuyến đường cản trở giao thông là sai quy định.
Điều này chứng tỏ hướng dẫn viên không nắm rõ điểm đến, không chuyên nghiệp, thậm chí làm giảm uy tín thương hiệu của đơn vị lữ hành", anh Hậu nhìn nhận.
Trong khi đó, theo nhìn nhận của lãnh đạo Vietravel, hướng dẫn viên cho khách chụp hình dàn hàng ngang cản trở giao thông là việc làm sai. Hướng dẫn viên cần tuân thủ quy định của công ty cũng như Luật Du lịch Việt Nam, cụ thể điều 65 Luật Du lịch 2017.
"Điều 65 quy định quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch. Trong đó, các bạn có nghĩa vụ thông tin cho khách du lịch về chương trình du lịch, điểm đến và có trách nhiệm hỗ trợ trong việc bảo đảm an toàn tính mạng của khách du lịch.
Dàn hàng ngang chụp ảnh trong khi xe cộ giao thông đông đúc rõ ràng không an toàn với khách du lịch, tính rủi ro rất cao, là vi phạm việc hành nghề", vị này nhận xét.
Hướng dẫn viên du lịch cần làm gì để chuyên nghiệp trong nhiều tình huống?
Hướng dẫn viên du lịch là sứ giả, đại sứ kết nối khách du lịch với các điểm đến. Để tránh phát sinh nhiều tình huống khó xử, hướng dẫn viên cần có nhiều kinh nghiệm.
Trong group “Nghề hướng dẫn viên du lịch” trên mạng xã hội có rất nhiều chia sẻ về các tình huống oái oăm cần giải quyết để vừa chiều lòng khách, vừa không vi phạm nghiệp vụ hành nghề cũng như quy định công ty.
“Xe đang chạy, một hành khách đòi tài xế quay xe đến nơi không có trong lịch trình để check-in chỉ vì khách muốn ảnh “không đụng hàng” để đăng Facebook. Hoặc khách muốn đến địa điểm hạn chế chụp ảnh. Rồi khách đòi đi tắm biển mà lịch không có trong chương trình… Các anh chị giải hộ em phải làm sao?”, chia sẻ của tài khoản Pham Hong Thanh.
Nhiều bình luận cho rằng hướng dẫn viên cần giải thích cho khách rủi ro giao thông khi chụp ảnh, khuyến cáo mức phạt nặng và chuẩn bị sẵn dẫn chứng để thuyết phục khách.
“Nếu khách yêu cầu điểm đến mới, mất chi phí đi lại, nên gọi cho điều hành hoặc nhân viên sale của đoàn xin ý kiến. Hoặc khách quả quyết thì cần làm giấy xác nhận nếu rủi ro, khách tự chịu và tự thanh toán chi phí tự túc. Nhìn chung, xử lý tình huống linh động trong phạm vi không ảnh hưởng đến kinh tế, lợi ích công ty nhưng phải đảm bảo an toàn cho khách”, tài khoản Long Tony gợi ý.
Theo một chuyên gia du lịch, ngành hướng dẫn viên du lịch đang là một nghề hot, thu hút một lượng lớn người lao động ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, để trở thành một hướng dẫn viên du lịch tài năng và thành công, cần phát triển và hoàn thiện nhiều kỹ năng khác ngoài yêu cầu về kiến thức chuyên môn.
"Trong quá trình dẫn khách, có rất nhiều tình huống không thể lường trước được, đòi hỏi người hướng dẫn phải luôn tự tin nắm bắt mọi vấn đề. Chẳng hạn tình huống liên quan tới việc đón, tiễn khách; lưu trú và mua sắm của khách; tình huống bất khả kháng…
Giải pháp để hướng dẫn viên giải quyết phải được bảo đảm trong giới hạn của luật pháp và phạm vi của chính sách. Hướng dẫn viên cần phải lường trước những gì sẽ xảy ra trong chuyến đi và có trách nhiệm tổ chức, thực hiện để lường trước các giải pháp khắc phục. Khi xử lý tình huống cần linh hoạt, năng động ứng phó với các tình huống bất ngờ phát sinh…", vị này cho hay.
Cả nước có hơn 42.000 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, quý 1-2025, sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố đã cấp 1.576 thẻ hướng dẫn viên du lịch. Hiện cả nước có 42.250 thẻ hướng dẫn viên du lịch đã được cấp, trong đó có 25.015 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 15.119 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, 2.116 thẻ hướng dẫn viên tại điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận