23/07/2025 18:54 GMT+7

Vì sao vịnh Nha Trang mất gần 200ha san hô trong hơn 20 năm?

Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết có nhiều nguyên nhân khiến vịnh Nha Trang mất gần 200ha rạn san hô trong vòng hơn 20 năm qua.

san hô - Ảnh 1.

San hô tuyệt đẹp đang được bảo tồn ở biển Hòn Chồng - Ảnh: Ban Quản lý vịnh Nha Trang

Ngày 23-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Duy Quang - giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa - cho biết đơn vị này đã có văn bản phản hồi thông tin báo chí liên quan đến nội dung vịnh Nha Trang đã mất khoảng 191ha rạn san hô trong hơn 20 năm qua.

Nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm san hô

Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng suy giảm san hô tại vịnh Nha Trang, thông qua các bài viết với tựa đề "Gần 200 hecta san hô biến mất ở vịnh Nha Trang", "Mất mát lớn của vịnh Nha Trang"...

Tình trạng suy giảm san hô tại vịnh Nha Trang được phản ánh vừa qua xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh ven biển. Đề tài này đã được đề cập, phân tích, đánh giá và triển khai các giải pháp từ năm 2022.

Ban Quản lý vịnh Nha Trang xác định có năm nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm san hô gồm các tai biến thiên nhiên; hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ nước biển tăng và sao biển gai ăn san hô; khai thác hủy diệt; tác động môi trường và quá trình san lấp, xây dựng.

Trong đó, nguyên nhân tai biến thiên nhiên như cơn bão số 12 Damrey hồi tháng 11-2017 khiến một số khu vực có rạn san hô phong phú, đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm, đông bắc Hòn Tre hệ sinh thái san hô bị thiệt hại nặng nề 70- 80%.

Bên cạnh đó, trong vài thập kỷ qua, hiện tượng tẩy trắng san hô gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái san hô trên toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam.

Triển khai các giải pháp bảo vệ san hô

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND TP Nha Trang (cũ) cùng Ban Quản lý vịnh Nha Trang xây dựng đề án, triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang.

Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã có nhiều giải pháp bảo tồn được thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển; từ năm 2022 đến nay, đã tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu đáy kính tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trên vịnh Nha Trang, di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.

Hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô và từng bước tạo nguồn tài chính ổn định cho hoạt động quản lý vịnh Nha Trang.

Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang đến năm 2030. Tiếp tục tuần tra, kiên quyết xử lý các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến Hòn Mun và vịnh Nha Trang.

Ban Quản lý vịnh Nha Trang đang hoàn thiện phương án thí điểm lặn biển theo quy định; định kỳ hằng tháng theo dõi, giám sát chặt chẽ hệ sinh thái để kịp thời có biện pháp quản lý. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Khánh Hòa lên tiếng về thông tin vịnh Nha Trang mất gần 200ha san hô trong 20 năm - Ảnh 2.Nha Trang giăng dây phân vùng bờ biển để bảo vệ san hô Hòn Chồng

Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã giăng dây phân vùng bờ biển tạm thời để bảo vệ san hô khu vực biển Hòn Chồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên