TTCT - Đằng sau cảm giác cay đắng khi đọc tin phụ huynh học sinh vùng ven biển miền Trung đang phải lo toan tiền học cho con là nhiều thắc mắc (“Phụ huynh vùng sự cố Formosa và nỗi lo tiền học cho con” - Tuổi Trẻ ngày 4-9-2016). Bà ngoại em Nguyễn Văn Hải (học sinh Trường tiểu học Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang khám phá những món quà do nhóm Kira Kira tặng mùa tựu trường -Tự Trung Tìm lời giải cho các thắc mắc này là việc cấp bách nhằm giúp giảm nhẹ gánh nặng cho các ngư dân vốn đang chịu nhiều thiệt hại. Luật đã tuyên bố gì? Thắc mắc đầu tiên là Luật giáo dục (khoản 1, điều 105) đã quy định học sinh tiểu học được miễn học phí, vậy tại sao toát lên từ các phát biểu của những nhà quản lý giáo dục vẫn là chuyện tiền, dù đó là băn khoăn làm sao miễn giảm? Chẳng hạn, theo bản tin, ông Võ Vĩnh Hào, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy, nói: “Trước mắt chúng tôi yêu cầu các trường chưa thu các khoản tiền của năm học mới từ học sinh vùng biển, phải chờ cấp trên có chỉ đạo cụ thể”. Hay ông Đinh Quý Nhân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, cho biết sở đã đề nghị UBND tỉnh miễn hoặc giảm học phí cho các em, các khoản thu khác thì kêu gọi các trường và các đơn vị ủng hộ, các trường phân kỳ các khoản nộp ra làm hai, ba lần trong năm học... Có thu thì mới có chuyện miễn hay giảm! Trong khi đó Luật giáo dục nói rõ, rất dứt khoát: “Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Trong thực tế, mặc dù đã có câu “không phải đóng góp khoản tiền nào khác”, học sinh tiểu học phải chịu nhiều khoản tiền, có nơi trở thành một món tiền lớn mà phụ huynh có thu nhập thấp khó lòng kham nổi. Đầu năm học trước, nhiều báo chụp hình nguyên giấy báo đóng tiền như thế để đăng tải, có trường lên đến 34 món, nhiều trường cũng chừng 20 món! Ngay cả khi loại trừ các món “tự nguyện” do hội phụ huynh đứng ra kêu gọi thì các khoản còn lại bản chất cũng là một dạng học phí nên thu là sai luật. Lấy ví dụ tiền đóng góp để học môn tiếng Anh, nó chính là học phí chứ còn gì nữa. Tiền vệ sinh môi trường, tiền điện, nước sinh hoạt, tiền hỗ trợ các kỳ thi phải lấy từ kinh phí chi thường xuyên do ngân sách cấp, tại sao một số trường lại bắt phụ huynh đóng? Như vậy, vấn đề với học sinh thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở đây là gia đình các ngư dân vùng ven biển các tỉnh bắc miền Trung, nhưng nói chung là phụ huynh khắp cả nước không phải là học phí. Phải nói cho rõ là cách tổ chức hoạt động của nhà trường hiện nay đẩy các trường vào chỗ phải tìm tên gọi khác để thu tiền từ học sinh nhằm duy trì nguồn tiền để hoạt động. Lẽ ra nhà trường phải yêu cầu ngân sách địa phương cấp đầy đủ tiền cho các hoạt động này, nhưng họ vẫn trông chờ vào “sự tự nguyện” của phụ huynh thông qua một số nhân vật “tích cực”. Có làm đúng luật được không? Hiện nay tổng thu từ học phí mỗi năm của học sinh bậc trung học cơ sở cả nước chỉ vào khoảng 2.000 tỉ đồng. Chính vì con số nhỏ nhoi này (so với tổng nguồn ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục năm 2016 dự kiến là trên 195.000 tỉ đồng) nên Chính phủ đang cân nhắc khả năng miễn hẳn học phí cho học sinh cấp trung học cơ sở. Nhưng dù có miễn học phí mà không thay đổi cách phân bổ ngân sách địa phương cho các trường nhằm duy trì hoạt động bình thường thì phụ huynh vẫn sẽ tiếp tục than trời vì các khoản đóng góp còn cao gấp nhiều lần so với học phí chính thức. Bởi ngân sách nhà nước ghi chi cho giáo dục như thế (trong dự toán ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo năm 2016 là trên 195.000 tỉ đồng thì gần 35.000 tỉ đồng là từ ngân sách trung ương và 161.000 tỉ đồng là từ ngân sách địa phương) về đến địa phương, các khoản lẽ ra chi cho giáo dục sẽ bị cấu véo cho các ngành khác, kể cả mượn đỡ, trả sau, biến báo thế này thế khác. Chính vì thế mới có chuyện nợ lương giáo viên ở nhiều địa phương trong cả nước. Bây giờ chúng ta chỉ yêu cầu làm theo đúng Luật giáo dục: “Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác” - xem thử gánh nặng của phụ huynh sẽ giảm được bao nhiêu phần, bao nhiêu em không phải bỏ học vì gia đình không kham nổi các loại đóng góp “phi học phí”. Nên nhớ ngay chính ở Hà Tĩnh, năm 2015 nhiều trường đã buộc phải hoàn trả cho phụ huynh các khoản “thỏa thuận” bất hợp lý lên đến 4 triệu đồng mỗi phụ huynh. Thắc mắc thứ hai, Formosa đã đồng ý bồi thường cho ngư dân các tỉnh ven biển 500 triệu đôla Mỹ, tiền cũng đã về tài khoản, theo bộ trưởng Bộ TN&MT. Phân bổ tiền bồi thường này như thế nào rõ ràng cần căn cứ trên việc kê khai mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của từng vùng miền, mới phân bổ tiền bồi thường đến tận tay người dân cho chính xác. Nhưng tại sao các bộ ngành và địa phương không giảm bớt tính quan liêu bàn giấy, tính cồng kềnh của bộ máy hành chính, tuyên bố rõ học sinh các cấp của bốn tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra sẽ được miễn hoàn toàn các món học phí cũng như các khoản đóng góp thường lệ. So với khoản tiền bồi thường đã nhận, khoản miễn giảm này chắc chắn sẽ chỉ chiếm một tỉ trọng cực kỳ nhỏ nhưng ý nghĩa sẽ cực kỳ lớn. Biết bao ngư dân đang lo toan cho cuộc mưu sinh nhưng có lẽ họ chưa lo bằng viễn cảnh con em họ bỏ học vì không đủ tiền đóng góp đầu năm học. Nay một tuyên bố miễn học phí như thế sẽ “đắc nhân tâm” biết bao và cần thiết biết bao để giảm nhẹ nỗi cơ cực của ngư dân và gia đình của họ. Người dân nước ta có truyền thống ứng phó thiên tai địch họa để tồn tại, đó cũng là tấm lưới “an sinh” tự nhiên khi ngư dân có thể tạm thời đi làm phụ hồ hay khuân vác. Nhưng không thể lấy sự ứng phó đó để nói rằng người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường “thất nghiệp không nhiều, thiệt hại vừa phải”. Thiệt hại do một học sinh tiểu học phải bỏ học là bao nhiêu, đố ai tính được? Hóa giải được gì? Thắc mắc thứ ba, vì sao chuyện miễn 100% học phí cho con em người bị thiệt hại bởi sự cố môi trường theo học phổ thông và đại học (cả công lập và dân lập) trong hai năm học 2016-2017 và 2017-2018 đã được lập thành đề án mà cho đến sau ngày khai giảng vẫn chưa có kết luận sau cùng? Vì sao những ý kiến lo lắng của các thầy cô ở các tỉnh đầy sự cấp bách như vậy vẫn chưa được lắng nghe? Trong khi đó, có những chuyện không lấy gì làm cấp bách vẫn được chính quyền các địa phương nhiệt tình triển khai, chẳng hạn chuyện Ninh Thuận cấm người bán vé số “không đúng tuyến”. Ai vi phạm bị xử phạt và tịch thu vé số. Vé số “không đúng tuyến” có nghĩa vé số do các tỉnh ở khu vực phía Nam phát hành (như vé số của Bình Thuận) nên không được bán ở các tỉnh miền Trung! Thật không hình dung nổi một đoàn kiểm tra liên ngành do thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận làm trưởng đoàn giữ lại từng người bán vé số dạo, coi họ bán vé số của ai để bắt phạt. Tại sao các lực lượng như công an, quản lý thị trường lại dùng nguồn lực của mình đi làm một chuyện “không đâu vào đâu”, thậm chí trái luật như thế? Cộng với những thay đổi đang được bàn luận về kỳ thi tốt nghiệp năm tới, nỗi lo của phụ huynh ở các nơi đang chịu “thiên tai, địch họa” như bốn tỉnh bắc miền Trung và các tỉnh ở ĐBSCL đang đè nặng lên vai họ hơn bao giờ hết. Xin hãy thay họ, chuyển “học phí trả bằng cá, bằng lúa” thành học phí được miễn giảm để thật sự khuyến học, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học trong dân mình.■ Tags: Học phíHọc sinh miền TrungHọc phí trả bằng gì
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.