TTCT -Muông thú trong rừng không thể đi gặp bác sĩ hay tới bệnh viện, nhưng chúng vẫn luôn sống cạnh những hiệu thuốc của thiên nhiên. Sau năm ngày kể từ khi tự đắp thuốc, vết thương trên má Rakus đã lành lại. Ảnh: Nhóm tác giả LaumerMuông thú trong rừng không thể đi gặp bác sĩ hay tới bệnh viện, nhưng chúng vẫn luôn sống cạnh những hiệu thuốc của thiên nhiên. Một số loài có khả năng nhận biết "lá cây và bài thuốc". Vì sao chúng làm được thế?Theo tạp chí Scientific American, trong những thập niên qua, các nhà khoa học thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy các loài động vật biết cách quan tâm đến sức khỏe bản thân. Chẳng hạn, chúng có thể biết hạn chế ăn thức ăn nhiễm bẩn, không ăn khi thấy cơ thể muốn bệnh, hoặc chủ động chữa trị khi gặp vấn đề sức khỏe.Những bài thuốc "bí truyền"Rakus, một con đười ươi đực đang sống tại Vườn quốc gia Gunung Leuser (Indonesia) vừa được một nhóm nghiên cứu xem như một trong những trường hợp động vật đầu tiên biết tự đắp thuốc vào vết thương.Trong nghiên cứu đăng trên Scientific Reports đầu tháng 5-2024, nhà linh trưởng học Isabelle Laumer tại Viện Hành vi động vật Max Planck (Đức) cho biết khi theo dõi 150 con đười ươi vào tháng 6-2022, nhóm chuyên gia của bà phát hiện Rakus bị thương trên má ở vị trí gần mắt. Họ kinh ngạc khi thấy con vật tự đi tìm một nhúm lá cây, vò nát và đắp lên vết thương. Chỉ vài ngày sau, vết thương hoàn toàn lành lặn.Laumer cùng đồng nghiệp nhận ra "thần dược" mà Rakus sử dụng là cây hoàng đằng (Fibraurea tinctoria), một loại dược liệu trong y học cổ truyền của người Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Cây có tác dụng giảm đau, giảm viêm và kháng khuẩn, nấm.Trên Scientific American, Cheryl Knott - nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Boston (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu - nhận định các tài liệu trước đây có ghi chép chuyện thỉnh thoảng đười ươi nhai một số loại lá cây dược liệu, nhưng đây dường như là lần đầu tiên giới khoa học thấy chúng đắp thuốc.Năm 2022, các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm linh trưởng học, Đại học bang São Paulo (Brazil) đã theo dõi hành vi của khỉ vàng sư tử Tamarin (Leontopithecus chrysopygus) trong những cánh rừng Amazon. Một con khỉ vàng sư tử Tamarin. Ảnh: Olivier Kaisin cung cấp cho The ConversationMột lần họ vô tình thấy một con khỉ vàng sư tử đến cọ xát cơ thể vào một cây đầy nhựa. Lúc đầu nhóm chỉ nghĩ khỉ đang đánh dấu lãnh thổ, cho đến khi phát hiện chúng lũ lượt đến chà xát trên cây này. Một số con còn dùng tay bôi nhựa lên bộ lông.Khi đến tận nơi xem xét vỏ và nhựa cây, nhóm nhận ra đây là loài cabreúva nổi tiếng với đặc tính kháng sinh, chống viêm và chống ký sinh trùng. Tò mò, nhóm lên kế hoạch đặt các camera bên cạnh các cây cabreúva ở ba nơi khác nhau trong bang São Paulo, gồm công viên bang Morro do Diabo, rừng ở Guareí và Santa Maria.Những thước phim cho thấy không chỉ khỉ vàng sư tử mà có tới 10 loài động vật có vú tìm đến cây cabreúva để cọ xát hoặc liếm nhựa thông, như mèo rừng Nam Mỹ, thú ăn kiến, gấu mèo mõm lợn, chồn tayra… Viết trên The Conversation, các nhà khoa học Brazil ví von cây cabreúva như một "hiệu thuốc có tiếng" mà nhiều loài động vật mắc bệnh thường tìm đến xin thuốc.Còn ở châu Phi, năm 1987 nhà linh trưởng học Michael Huffman đã quan sát thấy một hành vi bất ngờ ở con tinh tinh 30 tuổi tên Chausiku ở Tanzania. Theo tường thuật của The New York Times, thường ngày Chausiku và đứa con sơ sinh Chopin của mình rất quấn quýt nhưng một ngày kia, Chausiku bất ngờ bỏ mặc Chopin tự chơi, nó thì đi tìm nhai một loại lá cây rồi dành thời gian nghỉ ngơi. Người bản địa Tongwe cho biết đó là cây lá đắng (Vernonia amygdalina) thường được dân trong bản dùng điều trị các bệnh dạ dày hoặc nhiễm ký sinh trùng.Sau 24 giờ, Huffman quan sát thấy bệnh tình của Chausiku thuyên giảm rõ rệt. Phân tích các mẫu phân của con vật, Huffman phát hiện lượng ký sinh trùng giảm tới 90% chỉ sau một ngày dùng cây lá đắng. Điều bất ngờ hơn với nhóm nghiên cứu là Chausiku biết liều lượng vừa đủ, bởi trước đây nhiều đàn dê ở Tây Phi chết vì ăn cây lá đắng quá nhiều. Ngoài ra, nhóm cũng nhận thấy bầy tinh tinh thường nhai cây lá đắng nhiều hơn vào mùa mưa, trùng khớp với thời điểm ký sinh trùng sinh sôi mạnh mẽ, trong đó có nhiều loài nguy hiểm có thể gây tử vong như Oesophagostomum stephanostomum.Kiến thức này Ai dạy?Nhà báo Moises Velasquez-Manoff thường xuyên cộng tác viết các bài khoa học cho The New York Times từng thắc mắc vì sao các loài động vật biết cách tự tìm thuốc trị bệnh.Hầu hết các nhà khoa học Velasquez-Manoff hỏi ý đều cho rằng trước hết, đó là nhờ bản năng của chính động vật trong quá trình chọn lọc tự nhiên lâu dài. Những động vật cấp thấp như sâu bướm hay kiến cũng có bản năng tự điều trị. Chẳng hạn, một số loài sâu bướm khi bị nhiễm ruồi ký sinh sẽ "lấy độc trị độc", ăn thực vật có độc với một lượng vừa phải để giết chết ấu trùng trong cơ thể. Một vài loài kiến đưa nhựa cây vân sam vào tổ để phòng ngừa vi khuẩn gây bệnh.Sau bản năng là yếu tố trải nghiệm, học hỏi. Nhà khoa học Juan Villalba từ Đại học bang Utah (Mỹ) từng làm một thí nghiệm thú vị trên cừu. Ông cho đàn cừu nhiễm ấu trùng ký sinh, rồi chia thành hai nhóm. Một nhóm, ông cho ăn một mớ cỏ có trộn tannin - thường có trong một số loại cỏ, có mùi khó chịu mà cừu chê. Nhóm cừu còn lại ăn cỏ thường. Do tannin có khả năng kháng khuẩn nên lượng ký sinh trùng trong những con cừu ăn giàu tannin đã giảm so với những con không ăn.Villalba tiếp tục làm cho đàn cừu nhiễm ký sinh trùng nhưng lần này ông để chúng tự lựa chọn ăn cỏ giàu tannin hoặc cỏ thường. Kết quả, ông nhận thấy những con nào đã từng ăn cỏ giàu tannin giúp bớt bệnh lần trước thì lần này biết chọn cỏ chứa tannin ăn tiếp. Ngược lại, những con trước đây chưa được cho ăn tannin nhất quyết không ăn món khó chịu này.Đáng chú ý, cừu chỉ chọn ăn cỏ tannin khi cơ thể "thôi thúc" chúng giảm ký sinh trùng. Bởi lúc khỏe mạnh, hầu như không con nào chọn ăn cỏ có tannin đắng nghét, kể cả những con từng được cho "trải nghiệm". Villalba kết luận cừu biết học cách chữa bệnh, biết thực phẩm nào tốt cho tình trạng cơ thể, biết khi nào cần dùng đến thuốc.Huffman xem những kiến thức y học là một phần trong di sản mà một động vật bậc cao như tinh tinh sẽ truyền lại cho thế hệ sau. Ông giải thích tinh tinh con thường quan sát rất kỹ hành vi, thói quen của tinh tinh mẹ, nhờ vậy khi trưởng thành chúng biết dùng lá cây nào có công năng chữa bệnh, biết hoa quả nào tốt cho sức khỏe.Dù vậy theo ông, những di sản này chỉ được truyền thụ trong một phạm vi hẹp, bằng chứng là thứ thuốc những con cùng bầy với Chausiku sử dụng tương đối khác biệt với những bầy tinh tinh khác, dù cùng trong một khu rừng.Huffman nhận định con người có thể thu được nhiều kiến thức y học nhờ vào quan sát cách động vật tự chữa bệnh trong các cánh rừng. Ông nội một người bạn của Huffman từng làm thầy thuốc trong cộng đồng Tongwe. Có lần, ông cụ để ý thấy một con nhím bị bệnh đã ăn rễ của một loại cây khá độc và hồi phục ít lâu sau. Ông thử nghiệm dùng rễ cây đó với liều lượng nhỏ cho chính mình và sau đó là trên một số dân làng. Cuối cùng, một phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lỵ của người Tongwe đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.Do vậy một khu rừng không chỉ là nhà thuốc tự nhiên, mà theo Huffman, còn là một "khu thử nghiệm lâm sàng", nơi các bài thuốc mới được các loài động vật thử nghiệm suốt hàng ngàn năm. Cuối cùng, những bài thuốc hay đã được giữ lại nhờ vào chọn lọc tự nhiên. "Không có gì tốt hơn thế" - Huffman nói. Voi ở Vườn quốc gia Nagarahole nhai than, nhìn xa trông như đang hút thuốc. Ảnh: Vinay Kumar/WCSKhông chỉ dùng thực vật để chữa bệnh, nhiều nhà khoa học cũng ghi lại một số thứ thuốc độc đáo ở động vật. Một nghiên cứu do nhóm nhà khoa học Đức thực hiện tại Gabon cho thấy một số con tinh tinh đã nghiền nát một loài côn trùng có cánh, chứa một số chất có đặc tính chống viêm hoặc khử trùng để bôi vào vết thương. Nhóm quan sát được hành vi này đến 22 lần trong 15 tháng khảo sát. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Current Biology đầu năm 2022.Trong khi đó, tạp chí Smithsonian ghi nhận vào năm 2018, Vinay Kumar - thuộc Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Ấn Độ - đã quay video cảnh voi tại Công viên quốc gia Nagarahole đang cố tình nuốt những hòn than bốc khói. Theo nhóm chuyên gia, than củi được biết đến với khả năng liên kết với chất độc và hoạt động như thuốc nhuận tràng. Do vậy, Vinay Kumar và các đồng nghiệp suy đoán voi có thể ăn than như một loại thuốc chữa một số loại bệnh mà con voi này đang mắc phải. Tags: Y họcKhoa họcĐộng vậtCây thuốcChữa bệnh
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cám ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.