Hàng giả lộng hành, bịt ngay lỗ hổng

Hàng giả là thực phẩm, trong đó có đường dây sản xuất và buôn bán sữa giả vừa bị công an triệt phá, gây bức xúc dư luận. Câu hỏi đặt ra là pháp luật quy định thế nào mà để hàng giả lộng hành như thời gian qua?

hàng giả - Ảnh 1.

Hai bệnh viện là Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã thông tin về việc hai loại sữa do các công ty này sản xuất đã trúng thầu vào bệnh viện và đã tư vấn cho bệnh nhân sử dụng suốt thời gian qua.

Qua "sự cố này" có thể thấy việc tuân thủ quy trình không đồng nghĩa với đảm bảo chất lượng. Một sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể trúng thầu nếu hồ sơ kỹ thuật chỉ là hình thức.

Sữa giả vào bệnh viện dù đấu thầu "đúng quy định"

Cả hai bệnh viện đều khẳng định "sản phẩm này được đưa vào sử dụng sau quá trình đấu thầu đúng quy định pháp luật".

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), từ câu chuyện sữa của công ty sản xuất sữa giả xuất hiện từ thị trường đến bệnh viện đã cho thấy những lỗ hổng.

Các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ với "thành phần quý hiếm" như tổ yến và đông trùng hạ thảo, nhưng khi kiểm nghiệm lại cho thấy hoàn toàn không có. Hàm lượng dinh dưỡng thực tế dưới 70% - đủ cơ sở xác định là hàng giả theo pháp luật Việt Nam.

"Đặc biệt nguy hiểm là việc những sản phẩm này được đưa vào bệnh viện qua kênh đấu thầu hợp pháp, chứng tỏ mạng lưới sản xuất - tiếp thị - hợp thức hóa giấy tờ đã hoạt động cực kỳ bài bản và qua mặt được nhiều khâu giám sát.

Qua "sự cố này", có thể thấy việc tuân thủ quy trình đấu thầu không đồng nghĩa với đảm bảo chất lượng. Một sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể trúng thầu nếu hồ sơ kỹ thuật chỉ là hình thức. Nhà thầu được xét duyệt chủ yếu trên giấy tờ, không có kiểm tra thực tế năng lực. Không có kiểm định chất lượng lô hàng sau khi trúng thầu.

Thực tế quy trình nhập hàng chủ yếu dựa vào số lượng, hạn sử dụng, tem nhãn, chứ chưa có hệ thống kiểm nghiệm độc lập, nhất là với các sản phẩm "ngoài danh mục bảo hiểm y tế" mà người bệnh tự chi trả", bác sĩ Hoàng nhận định.

hàng giả - Ảnh 2.

Người tiêu dùng phải được pháp luật bảo vệ trước rừng sản phẩm sữa. Trong ảnh: một cửa hàng sữa trước cổng bệnh viện - Ảnh minh họa: CHÍ TUỆ

Bệnh viện có phải kiểm nghiệm sau khi nhập hàng?

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, sau sự việc lần này, cần thiết phải thiết lập quy trình kiểm nghiệm sau nhập hàng, trước khi sử dụng cho bệnh nhân. Đồng thời tăng vai trò hội đồng thuốc và điều trị trong việc xét duyệt sản phẩm. Xây dựng hệ thống cảnh báo nội bộ, tiếp nhận nghi ngờ từ y bác sĩ và người bệnh, rà soát đánh giá lại toàn bộ nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ trong quản lý dinh dưỡng y học và thực phẩm chức năng. Tăng cường hậu kiểm, thanh tra định kỳ và công khai kết quả; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại bệnh viện và nhà thuốc.

Còn ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng bệnh viện không có chức năng kiểm nghiệm hàng hóa, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kiểm tra chất lượng hàng hóa, từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu hành phải đảm bảo. Để khi hàng hóa đến bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân được yên tâm sử dụng.

Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị cũng phải "liêm khiết" để không bị doanh nghiệp mua chuộc, từ đó những hàng kém chất lượng, hàng giả được chiết khấu cao không thể lọt vào bệnh viện.

"Trong thực tế, người bệnh phải chịu thêm gánh nặng liên quan đến thực phẩm chức năng. Tâm lý của người bệnh là bác sĩ kê gì thì người bệnh thường phải cố mua nấy", ông Cơ nói.

Theo ông Cơ, tại Bệnh viện Bạch Mai quy định bác sĩ không kê đơn và tư vấn thực phẩm chức năng, nhà thuốc trong bệnh viện không bán thực phẩm chức năng.

"Điều này đã được thực hiện tại bệnh viện 3 năm nay. Trong điều trị bệnh, phương pháp điều trị và thuốc là yếu tố then chốt. Bác sĩ có thể tư vấn thêm về dinh dưỡng hằng ngày bổ trợ cho người bệnh.

Việc kê thêm thực phẩm chức năng sẽ tăng gánh nặng về chi phí cho bệnh nhân, trong khi hiệu quả chưa rõ ràng", ông Cơ cho hay.

hàng giả - Ảnh 3.

Bên trong “hệ sinh thái” sản xuất, kinh doanh sữa giả - Ảnh: Báo CAND

"Lỗ hổng" nghị định 15

Theo các chi cục an toàn thực phẩm (ATTP), các sản phẩm dinh dưỡng được thực hiện theo quy định của nghị định 15 là nộp hồ sơ công bố và tự công bố sản phẩm. Các cơ sở chỉ phải nộp phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Nghị định không yêu cầu các phiếu kiểm nghiệm về chỉ tiêu chất lượng. Điều này cũng dẫn đến thực trạng doanh nghiệp không làm kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng sản phẩm khi nộp hồ sơ, do không bắt buộc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Toàn, trưởng phòng thanh tra - nghiệp vụ Chi cục ATTP tỉnh Hòa Bình, cho hay việc hậu kiểm các sản phẩm dựa trên "yếu tố nguy cơ". Trong khi đó, các sản phẩm này đăng ký công bố tại địa phương nhưng không có sản phẩm ở địa phương, chi cục cũng không nhận được phản ảnh của người dân nên không hậu kiểm sản phẩm.

Còn tại Hà Nội, mặc dù năm 2023 đoàn kiểm tra đã lấy mẫu ngẫu nhiên theo xác suất các sản phẩm ở trong kho: 4 mẫu của Rance Pharma và 1 mẫu của Hacofood.

Tuy nhiên, công tác hậu kiểm căn cứ theo hướng dẫn của nghị định 15, kiểm tra những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, cụ thể là các chỉ tiêu an toàn. Vì vậy, trong lần kiểm tra này, kết quả kiểm nghiệm của các mẫu đều đạt các chỉ tiêu an toàn.

Có thể thấy việc hậu kiểm hiện nay, quản lý chất lượng thực phẩm chỉ tập trung kiểm soát chỉ tiêu an toàn (chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng) từ tiền kiểm đến hậu kiểm và ngăn ngừa mối nguy (kiểm nghiệm ngăn ngừa hành vi đưa chất cấm sử dụng trong thực phẩm) tại khâu hậu kiểm.

Trong đánh giá tác động nghị định 15 của Cục ATTP cũng thừa nhận mặc dù vậy công tác hậu kiểm vẫn được duy trì, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, hậu kiểm cũng có quy định riêng, không phải "lúc nào cũng được" mà phải có kế hoạch.

Hậu kiểm thường được thực hiện theo kế hoạch hằng năm; sẽ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng hoặc theo yêu cầu của công tác thanh tra kiểm tra chuyên đề, theo quyết định đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định 15 sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong việc quản lý sản phẩm tự công bố, nộp hồ sơ công bố.

hàng giả - Ảnh 4.

Đang sửa nghị định 15

Hiện nay, Cục ATTP đang lấy ý kiến sửa đổi nghị định 15, trong đó có một số sửa đổi tăng cường hậu kiểm với mục đích kiểm soát và nâng cao hơn nữa chất lượng thực phẩm và kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm cùng với tính năng, công dụng; thay đổi sản phẩm sau công bố sản phẩm.

Trong đó, đối với thành phần của sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ yêu cầu công thức chỉ thành phần tạo công dụng sản phẩm và thành phần giúp ổn định công thức sản phẩm (chống oxy hóa, tránh tương tác, tương kỵ các thành phần tạo công dụng)...

Vẫn chưa có danh sách sản phẩm do 11 công ty sản xuất

11-4: Bộ Công an triệt phá 11 công ty - sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại

14-4: Bộ Công Thương nói "không thuộc đối tượng quản lý"

15-4: Bộ Y tế rà soát các sản phẩm công bố tại đâu

17-4: Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành công điện số 40 về xử lý việc sản xuất, phân phối sữa giả

20-4: Bộ Y tế rà soát kê đơn, tư vấn quảng cáo sữa tại cơ sở y tế

Đến nay, chưa có danh sách sản phẩm do 11 công ty sản xuất.

Châu Âu và Mỹ: Quản lý sữa: nghiêm ngặt và khắt khe

Hàng giả lộng hành, bịt ngay lỗ hổng - Ảnh 5.

Quầy sản phẩm sữa tại siêu thị ở châu Âu - Ảnh: DAIRY HERD

* Tại châu Âu: Nổi tiếng là một trong những thị trường nghiêm ngặt và khắt khe nhất thế giới, châu Âu đã ban hành một hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với tất cả các mặt hàng sữa.

Luật Thực phẩm chung của Liên minh châu Âu (GFL) quy định doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi phải chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả các khâu - bao gồm sản xuất, chế biến và phân phối từ trang trại đến bàn ăn.

Các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm thực thi quy định này, cũng như có nghĩa vụ giám sát và đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng luật, theo thông tin từ Hiệp hội Sữa châu Âu (EDA).

Ông Thomas Linsinger - cán bộ khoa học phụ trách sức khỏe và người tiêu dùng tại Ủy ban châu Âu (EC) - hồi tháng 1 cho biết Trung tâm nghiên cứu chung của EC đã phát triển một vật liệu tham chiếu mới có tên ERM-BD519, nhằm kiểm tra độ tinh khiết của chất béo sữa và phát hiện các sản phẩm pha trộn chất béo rẻ tiền.

Thành tựu này cung cấp cho các phòng thí nghiệm một công cụ đáng tin cậy để thực hiện tiêu chuẩn ISO 17678/IDF 202 - tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sữa được EU công nhận.

Bên cạnh đó, EU đã thành lập Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) từ năm 1979.

Đây là một công cụ cảnh báo và cung cấp dữ liệu trực tuyến, cho phép người tiêu dùng truy cập miễn phí để tra cứu các thông tin về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi giữa các quốc gia EU, từ đó ngăn chặn những sản phẩm không an toàn tiếp cận thị trường hoặc đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, quy định về bao bì sản phẩm của EU yêu cầu các mặt hàng sữa phải có thông tin rõ ràng và chính xác, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng thông minh hơn và ngăn chặn gian lận.

* Tại Mỹ: Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có vai trò thiết lập tất cả các tiêu chuẩn về thành phần, chất lượng, nhãn mác của sữa và các sản phẩm từ sữa.

Ngoài ra, FDA cũng có nhiệm vụ thực thi những quy định này thông qua việc thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến sữa, kiểm nghiệm mẫu sữa, cũng như giám sát việc ghi nhãn và quảng cáo các sản phẩm này.

Đối với vấn nạn sữa giả, trước tiên FDA sẽ cập nhật các xu hướng và trường hợp lừa đảo sữa trên thị trường từ nhiều nguồn thông tin đa chiều. Sau đó họ sẽ tiến hành thử nghiệm đối với các sản phẩm sữa bị nghi ngờ, cũng như thử nghiệm các công cụ nhận diện gian lận thực phẩm mới, bao gồm phương pháp hóa học và sinh học.

Ngoài ra, cơ quan này cũng thường xuyên lấy mẫu định kỳ nhiều sản phẩm sữa trên thị trường để kiểm tra chất lượng, theo trang web chính thức của FDA.

Ngoài FDA, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có vai trò ban hành các khuôn khổ pháp lý, quảng bá và nghiên cứu sữa, giám sát chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống phân loại và tiêu chuẩn hóa, nhằm quản lý thị trường sữa tại Mỹ chặt chẽ hơn, theo trang web chính thức của FDA.

Hàng giả lộng hành, bịt ngay lỗ hổng - Ảnh 6.Sữa giả, thuốc giả: Bộ Y tế đề nghị rà soát việc kê đơn, tư vấn và quảng cáo của nhân viên y tế

Sáng 20-4, Bộ Y tế có văn bản đề nghị bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên