TTCT - Những gì đang xảy ra ở bang Rakhine là di sản chưa trút khỏi được của cả lịch sử ngàn năm lẫn nửa thế kỷ dưới chế độ quân sự ở Myanmar, đồng thời cho thấy “một con én không làm nên mùa xuân”. Trong một trại tị nạn của người Rohingya ở vùng giáp biên giới Myanmar - Bangladesh. -Ảnh: The New York Times “Lực lượng nổi dậy Rohingya tại Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong một tháng, bắt đầu từ ngày 10-9, nhằm cho phép các nhóm viện trợ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại miền tây bắc nước này... Gần 300.000 người Rohingya đã lánh nạn sang Bangladesh, và 30.000 người không theo đạo Hồi cũng đã rời bỏ quê hương tại Myanmar, sau khi quân đội nước này phản công tiếp sau các cuộc tấn công của Đội quân cứu rỗi Arakan của người Rohingya (ARSA). Trong một tuyên bố, ARSA nêu rõ: “ARSA khuyến khích mạnh mẽ tất cả các nhóm nhân đạo liên quan nối lại việc hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo này trong thời gian ngừng bắn, bất luận thuộc tôn giáo hay sắc tộc nào””. Tin tức ngược chiều Những tin như trên của Reuters, ngày 10-9, cho dù có nêu cả hai tác nhân trong cuộc khủng hoảng - ARSA và quân đội Myanmar - vẫn dễ tạo nên cái nhìn ARSA là “chánh”, còn quân chính phủ là “tà”, trong khi cục diện lại không hề “hắc bạch phân minh” như thế. Bài báo của The Myanmar Times hôm thứ hai 11-9 hoàn toàn trái ngược: “Hơn 150.000 người đã tuần hành phản đối ở 15/17 thị trấn trong bang Rakhine hôm chủ nhật kêu gọi chính phủ giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh trong khu vực, kể cả việc giết hại thô bạo các thường dân”. Từ các tin tức trên, câu hỏi đặt ra là: Người dân cần được bảo vệ, cần “được trang bị vũ khí” là người dân nào? Câu trả lời có thể đoán ra được từ chi tiết sau cũng của bài báo này: “Các thỉnh cầu của dân chúng bao gồm việc thực thi đạo luật quyền công dân Myanmar năm 1982 thật chính xác và chặt chẽ; tống cổ mọi tổ chức quốc tế, kể cả Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) ra khỏi bang Rakhine thiệt sớm; trang bị vũ khí cho dân địa phương thành các đơn vị dân vệ; và tiêu diệt bọn khủng bố”. Tức người dân Rakhine chính cống, theo Phật giáo, chứ không phải người Rohingya theo Hồi giáo. Cần nhớ rằng tờ The Myanmar Times vẫn là một tờ báo “nhà nước” như muôn thuở! Luật quốc tịch Myanmar 1982 Yêu cầu chính phủ “tiêu diệt bọn khủng bố” thì dễ hiểu rồi. Từ lâu, ARSA đã bị Chính phủ Myanmar xem là một tổ chức khủng bố. Theo Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG), người Rohingya, vốn theo Hồi giáo, bị xem như là người nhập cư lậu từ Bangladesh; các thủ lĩnh ARSA bị cho là được huấn luyện ở nước ngoài, chủ yếu là ở Saudi Arabia, nổi bật là Ata Ullah, sinh quán tại Pakistan, và được nuôi dạy ở Saudi Arabia. Trong thực tế, đây là một điều không khó hiểu do lẽ người Rohingya cũng sinh sống tại Bangladesh, Saudi Arabia và Pakistan. Tuy nhiên, nhóm này đã bác bỏ cáo buộc này trên Asia Times, khẳng định họ không có liên hệ gì với các nhóm “thánh chiến”, đồng thời chiến đấu vì muốn dân tộc Rohingya được xem như một nhóm thiểu số ở Rakhine. Hiện giờ, người Rohingya không được xem là nhóm thiểu số, càng không phải là công dân Myanmar. Trong các thỉnh cầu của “nhân dân” ở bang Rakhine, có thỉnh cầu áp dụng chặt chẽ luật quốc tịch năm 1982. Đây là một luật ra đời trong thời hoàng kim của chế độ quân sự. Quốc hội mới của Myanmar, mới nhóm họp từ tháng 2-2016, chưa kịp soạn luật mới. Câu hỏi đặt ra là việc “nhân dân bang Rakhine thỉnh cầu áp dụng nghiêm luật quốc tịch” có thực sự phản ánh xu thế của cuộc cách mạng mang tên Aung San Suu Kyi? Ngoài việc phân loại công dân thành ba hạng: công dân, công dân liên kết, và công dân nhập tịch, luật này còn ghi rõ: “Các công dân người Kachin, Kayah, Karen, Chin, Miến Điện, Mon, Rakhine hoặc Shan cùng các nhóm chủng tộc nào đã định cư sinh sống thường trực tại bất cứ lãnh thổ nào nằm trong nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện từ giai đoạn trước năm 1823 sau Công nguyên, là công dân Miến Điện”. Điều khoản này coi như đã loại trừ người Rohingya. Theo kết quả điều tra dân số năm 2014, dân số Myanmar là 51.486.253 người, trong đó 68% là người Bamar, 9% là người Shan, 7% là người Karen, 4% là người Rakhine, 2% là người Mon, 10% là người các nhóm thiểu số. Người Bamar được xem là “chính cống” - bởi thế quốc hiệu “Burma” (từ thế kỷ 18) hay “Myanmar” (từ 1989) đều xuất phát từ tên của nhóm chủng chính là nhóm Bamar. Về mặt tôn giáo, người theo Phật giáo Theravāda (Tiểu thừa) chiếm 87,9%, người theo Công giáo 6,2%, người theo Hồi giáo 4,3%, các tôn giáo khác 1,6%. Người Rohingya ở bang Rakhine tự cho là có gốc gác từ những thương nhân Hồi giáo trên con đường tơ lụa đã dừng chân ở vùng đất tiếp giáp giữa châu Á theo Phật giáo và châu Á theo Hồi giáo này. Cái bóng quân đội Xem lại tư cách công dân của người Rohingya còn dễ hiểu. Song, sao lại “thỉnh cầu” trục xuất UNHCR và WFP, vốn đã và đang lo cho người tị nạn? Yêu cầu này của các nhóm tuần hành “phản đối” cho thấy khoảng cách giữa cái nhân danh “trật tự” ở Myanmar với các đánh giá tình hình từ các tổ chức bên ngoài, đặc biệt là của LHQ. Từ đó, không thể không đặt câu hỏi tờ The Myanmar Times là tiếng nói của ai. Càng khó hiểu khi nhóm người này đòi hỏi trở lại với luật quốc tịch 1982 khi chính bà Aung San Suu Kyi từng là nạn nhân của luật đó - các điều khoản cấm song tịch đã không cho phép bà trở thành tổng thống Myanmar! Tất nhiên, các cuộc tuần hành trên có lý do của chúng: ARSA đã khởi sự đợt khủng hoảng hiện tại khi tấn công liên tục vào các đồn cảnh sát từ hôm 25-8, khiến lực lượng an ninh Myanmar phải mạnh tay ở Rakhine. Trong một cuộc họp với ngoại giao đoàn cùng các tổ chức LHQ tại Yangon hôm 29-8, Bộ trưởng Nội vụ, trung tướng Kyaw Swe, cố vấn an ninh quốc gia U Thaung Tun và thiếu tướng cảnh sát Win Tun đã tóm tắt tình hình đợt khủng hoảng mới. Theo đó, hôm 25-8, 30 đồn cảnh sát cùng một trại lính bị ARSA tấn công, 63 người bị sát hại và 37 người mất tích. Thiếu tướng cảnh sát Win Tun cho rằng ARSA có tham vọng lãnh thổ: “Bọn khủng bố đã gây ra cuộc xung đột và gây kinh hoàng nơi dân chúng địa phương khiến họ bỏ chạy... ARSA có kế hoạch biến khu vực này thành một vùng đất dành riêng cho người Bengal”. Người Bengal là từ mà người Myanmar quen gọi người Hồi giáo Rohingya, với ngụ ý rằng đó là những kẻ xâm nhập từ Bangladesh. Bộ trưởng Nội vụ Kyaw Swe nói thêm là ARSA âm mưu chiếm các thị trấn Maungdaw và Buthidaung, trong ý đồ “giải thể cơ cấu chính quyền địa phương”. Đó là lý do khiến quân đội Myanmar phải hỗ trợ cảnh sát. Ông cũng nhấn mạnh rằng lực lượng an ninh “đang cố thực thi nhiệm vụ đúng quân kỷ và pháp luật” - The Irrawaddy 29-8-2017. Cũng theo báo này, có một vấn đề nổi lên là nhóm nổi dậy này đã “điều chế” chất nổ từ các hóa chất phân bón và nhồi vào ống kim loại biến thành mìn, mà các vật liệu này là từ các tổ chức cứu trợ quốc tế. Cũng thế, các bánh lương khô mà quân chính phủ tịch thu được trong một trại phe nổi dậy là của WFP. Điều này khiến chính phủ đặt dấu hỏi về vai trò hay sự dính líu của các tổ chức quốc tế. Từ cuộc họp trên, đọc lại bài báo của The Myanmar Times, có thể đoán được ai là “tác giả” những cuộc tuần hành “phản đối”, yêu cầu chính phủ “nặng tay” hơn, thậm chí trục xuất các tổ chức LHQ. Muốn hay không muốn, chỉnh phủ dân sự ở Myanmar còn quá non trẻ, mới cầm quyền được hơn một năm, và bà Aung San Suu Kyi không được toàn quyền. Trong khi đó, quân đội vẫn còn là quyền lực ở Myanmar. Hơn 60 năm theo cái “nếp” quân phiệt, chính quyền mới vẫn chưa giũ bỏ được ảnh hưởng của thế lực này. Bởi thế, nhiều khi sự “nặng tay” cũng là do quen thói. Tháng 5-2008, sau cơn bão tàn phá đất nước này, chính quyền quân đội đã từ chối cứu trợ của LHQ. Có thể thấy quân đội vẫn là một “cái bóng” đè lên chính trị nước này, khi mà theo hiến pháp, quân đội đương nhiên có 1/4 số ghế trong cả hai viện quốc hội, không qua bỏ phiếu, và để thông qua một đạo luật phải hội đủ hơn 3/4 số phiếu trong quốc hội. Quân đội còn đương nhiên nắm ba bộ then chốt là quốc phòng, nội vụ và biên giới lãnh thổ. “Cái bóng” Mabatha Cho dù từ hơn một năm qua, chính quyền mới là dân sự, song “cái bóng” của quá khứ vẫn còn đó. Bên cạnh “cái bóng” quân đội, còn một “cái bóng” khác là vài tăng lữ có tiếng nói ảnh hưởng, tuy không hẳn đã đại diện cho tất cả. Một báo cáo của ICG ngày 5-9-2017 đã phân tích “cái bóng” đang đè lên xã hội Myanmar: “Trong khi các động thái ở Rakhine chủ yếu là do những nỗi sợ hãi và lo lắng của địa phương, cuộc khủng hoảng hiện nay đã dẫn đến một cuộc xung đột chống Hồi giáo rộng lớn hơn, làm tăng thêm tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng ở khắp đất nước, có thể gây cản trở cho quá trình chuyển đổi của đất nước”. “Cái bóng” đó rất hữu hình: “Kể từ khi bắt đầu tự do hóa chính trị vào năm 2011, Myanmar đã gặp rắc rối bởi sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Phật giáo, các phát biểu thù địch chống lại người Hồi giáo và bạo lực đẫm máu giữa các cộng đồng, không chỉ ở bang Rakhine mà trên khắp đất nước. Tổ chức mang tính dân tộc chủ nghĩa nổi bật nhất là Hiệp hội Bảo vệ giống nòi và tôn giáo (thường được gọi là Mabatha), bao gồm các nhà sư, nữ tu và các tín đồ. Chính phủ đã tập trung nhiều nỗ lực để hạn chế nhóm này và thúc đẩy cơ quan quyền lực hàng đầu của Phật giáo ở Myanmar cấm việc này. Tuy nhiên, những nỗ lực này phần lớn không hiệu quả”. “Cái bóng” này đang nổi lên như là “phản đề” của cuộc cách mạng của bà Aung San Suu Kyi: “Những nỗ lực của chính phủ trấn áp Mabatha chỉ làm tăng thêm nhận thức rằng họ là những người bảo vệ đức tin. Nếu chính phủ, vì mối đe dọa của tổ chức này mà tuyên bố Mabatha là một hiệp hội bất hợp pháp, sẽ có những phản ứng vang dội nghiêm trọng, có khả năng xảy ra bạo lực trên khắp đất nước”. Cùng cộng sinh với hai “cái bóng” quân đội và tôn giáo cực đoan, xã hội Myanmar điên đảo là không tránh khỏi.■ Báo cáo của Ủy ban tư vấn về Rakhine Báo cáo tên gọi “Hướng đến một tương lai yên bình, công bằng và thịnh vượng cho dân chúng Rakhine” của Ủy ban tư vấn về Rakhine được hoàn tất sau một năm trời khảo sát. Ủy ban được thành lập tháng 9-2016, theo yêu cầu của cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Ủy ban gồm 9 thành viên, 3 người nước ngoài và 6 người Myanmar, có mặt cả cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan, cũng là người chấp bút cho báo cáo. Báo cáo đã mô tả vấn đề chung ở bang Rakhine là nghèo đói, kinh tế chậm phát triển, nông dân mất ruộng đất..., một nền tảng cho những xung đột sắc tộc, tôn giáo rất dễ bùng nổ và dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Báo cáo vì thế khuyến cáo chính quyền phải giải quyết gốc rễ vấn đề, từ luật pháp: “Cần xem lại việc gắn kết vấn đề quốc tịch với (nguồn gốc) dân tộc..., xem xét lại luật quốc tịch... để bảo đảm đối xử công bằng mọi công dân”; tới nền tảng kinh tế: “Những hạn chế về tự do di chuyển cho cộng đồng Hồi giáo có tác động đặc biệt đến hoạt động kinh tế... và khuyến khích việc tham gia các hoạt động thương mại bất hợp pháp..., việc xin giấy phép của chính phủ là tốn kém và đầy thử thách, thường làm nản lòng các doanh nhân bắt đầu hoặc mở rộng kinh doanh. Tất cả họ phải đối phó với những giấy phép tốn kém, một nền hành chính không hiệu quả và tham nhũng. Sợ hãi và mất an ninh cũng cản trở kinh doanh”. Tags: MyanmarXung đột sắc tộcBang RakhineNgười RohingyaBóng ma ở MyanmarSắc tộc ở Myanmar
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.