TTCT - Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, thừa nhận từ những số liệu quan trắc môi trường cho thấy thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã tới mức báo động đỏ, trong đó nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông là nặng nề nhất. Một chiếc xe cũ nát chở đồ di chuyển trên đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội -Nam Trần Tại cuộc tọa đàm về chất lượng không khí ở Hà Nội gần đây, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng gia tăng. “Từ hiện trạng chất lượng không khí ở thủ đô trong giai đoạn 2010-2015 cho thấy chất lượng không khí đang suy giảm, ô nhiễm gia tăng” - bà Khanh cho hay. Theo bà Khanh, nổi cộm trong ô nhiễm không khí ở thủ đô chính là ô nhiễm bụi tăng cao vào giờ cao điểm, đặc biệt là các loại bụi nguy hại PM10, bụi PM2.5 với các chỉ số bụi đều vượt ngưỡng trung bình năm theo quy chuẩn. Chất lượng không khí ngày càng giảm “Về chất lượng không khí năm 2016 và quý 1-2017, qua theo dõi hai chỉ số chính là chỉ số chất lượng không khí (AQI) và bụi PM2.5, dữ liệu tiếp nhận thường xuyên ở trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại Láng Hạ, có đối chiếu với các trạm... cho thấy Hà Nội năm 2016 chỉ số chất lượng không khí trung bình năm là 121, vượt mức 100, tức là chất lượng không khí kém” - bà Khanh nói. Cũng theo bà Khanh, với bụi PM2.5, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo đó là một trong những rủi ro môi trường nguy hại nhất với sức khỏe của con người, đi thẳng vào nang phổi, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch. Ngay nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2015 là 50,5, tức cao gấp đôi so với quy chuẩn VN là 25. “Trong năm 2016 có những ngày vượt quy chuẩn quốc gia, chúng tôi tính được 123 ngày vượt quy chuẩn quốc gia. Còn trong quý 1-2017, chỉ số AQI trung bình đã nhích hơn so với trung bình năm 2016” - bà Khanh cho hay. Theo ông Hoàng Dương Tùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề tồn tại từ rất lâu, trong đó đáng quan ngại nhất là nồng độ bụi mịn và nồng độ ozon trong không khí vượt mức cho phép. “Ở những đô thị lớn đều có thực trạng chung về ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi ở Hà Nội gấp 1,5 lần quy chuẩn cho phép đối với bụi PM2.5, kèm theo đó là ô nhiễm do khí thải xe máy” - ông Tùng cho biết. Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 về môi trường không khí do Bộ Tài nguyên - môi trường công bố, Hà Nội có mức độ ô nhiễm hơn TP.HCM dù Hà Nội có dân số và lượng phương tiện cơ giới ít hơn. Chỉ riêng năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và 1 ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại. Cũng ở giai đoạn 2010 - 2013, Hà Nội có 40-60% số ngày chất lượng không khí kém, nhiều ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu, thậm chí có ngày xuống mức nguy hại. Thủ phạm chính: xe máy và ôtô Theo GS Nghiêm Trung Dũng - Viện Khoa học và công nghệ môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội), trong số các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nguồn khí thải từ xe máy vẫn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Ông Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã đến mức báo động đỏ, trong đó kết quả quan trắc môi trường từ 10 trạm hoạt động trong năm 2016 cho thấy nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay nặng nề nhất là nguồn khí xả thải của xe máy và ôtô. “Trong ô nhiễm không khí ở thủ đô, thách thức chính vẫn là nguồn thải từ ôtô, xe máy. Số liệu quản lý phương tiện cho thấy liên tục tăng 20-30% phương tiện mỗi năm, tăng liên tục như vậy cũng đồng nghĩa với lượng khí phát thải tăng liên tục, trong đó nguy hiểm hơn cả là việc kiểm định khí thải với xe máy hiện nay vẫn đang thả nổi” - ông Dũng phân tích. Theo ông Dũng, khoảng 10 năm trước, dưới sự tài trợ của một đơn vị nước ngoài, khi đó Hà Nội có thí điểm chương trình khám sức khỏe cho xe máy. Kết quả cho thấy 70-80% không đảm bảo yêu cầu về khí thải xe máy. Đến nay vẫn còn tình trạng xe khói mù mịt chạy ở Hà Nội. Đề cập về giải pháp trước tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô, bà Ngụy Thị Khanh cho biết trong điều tra xã hội học với 1.400 người mới đây, phần lớn người được hỏi trả lời: “Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp, kiểm soát phần khí thải giao thông”. Theo bà Khanh, những người được hỏi cũng mong muốn phổ biến thông tin rộng rãi cho người dân về hậu quả ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí. Với các giải pháp bảo vệ bản thân như hiện nay, mọi người đang sử dụng khẩu trang thông thường để ngăn bụi, tuy nhiên loại khẩu trang đó không ngăn được bụi PM2.5, vì vậy phải xử lý từ gốc phát ra nguồn thải. Theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy, trong đó có tới 2,5 triệu xe “cũ nát” không đảm bảo yêu cầu về khí thải. “Trong chương trình nghiên cứu về hạn chế phương tiện xe cá nhân, trong đó có xe máy, TP tính đến phương án hỗ trợ kinh phí để thu hồi các xe máy “cũ nát” không đảm bảo yêu cầu về khí thải. Việc này đang được nghiên cứu” - ông Chung cho biết. Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp: trong năm 2017 lắp thêm 80 trạm. Từ các trạm này sẽ có toàn bộ thông số về ô nhiễm không khí của TP Hà Nội để có các giải pháp tiếp theo. Ngoài ra, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục đầu tư cơ giới hóa xe hút bụi. “Trong những tháng đầu năm 2017, TP đã đầu tư hơn 100 xe hút bụi hiện đại. TP cũng đang siết chặt hoạt động của xe chở bùn, chở đất, phế thải vào ban đêm. Các công trình phải có chỗ rửa cho xe trước khi ra khỏi công trình, đảm bảo vận chuyển không rơi bùn, đất, cát ra đường. Đối với các công trình liên quan đến phá dỡ là phải phun nước. Như vậy mới hi vọng giảm được ô nhiễm” - ông Chung cho biết.■ Thông số ô nhiễm bụi và tiếng ồn ở bảng quang báo trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM vượt quy chuẩn cho phép (ảnh chụp ngày 30-6-2017) -Q.Khải TP.HCM: ô nhiễm tiếng ồn Tại TP.HCM, theo số liệu công bố của cơ quan giám sát về môi trường, mức độ ô nhiễm ít hơn ở Hà Nội dù diện tích đô thị cũng như số liệu phương tiện (tháng 3-2017 có gần 8 triệu phương tiện giao thông) lớn hơn Hà Nội. Theo báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp bất thường HĐND TP ngày 11-6, chất lượng không khí tại 12 vị trí quan trắc đều vượt quy chuẩn môi trường cho phép, đặc biệt là chỉ tiêu về bụi và tiếng ồn, chủ yếu từ các hoạt động giao thông. Cụ thể, Sở TN-MT TP cho biết kết quả quan trắc từ năm 2010 đến tháng 4-2017 có 66% số liệu đo đạc không đạt quy chuẩn VN. Theo đó, nồng độ bụi lơ lửng trung bình giờ theo quy chuẩn là 300 µg/m3, trong khi kết quả quan trắc là 243,75 - 948,79 µg/m3. Khác với Hà Nội, nồng độ bụi PM10, PM2.5 (hạt bụi mịn nhỏ) tại các trạm quan trắc ở TP.HCM đều đạt quy chuẩn cho phép. Theo quy chuẩn, nồng độ bụi này ở mức trung bình 24 giờ là 150 µg/m3, nhưng kết quả quan trắc cao nhất ghi nhận được chỉ hơn 140 µg/m3 (năm 2015). Trong khi đó, ô nhiễm tiếng ồn đang gây bức xúc cho người dân TP. Quan trắc xuyên suốt từ năm 2010 đến tháng 4-2017 là từ 67,50 - 83,40dB (đơn vị đo tiếng ồn), trong khi theo quy chuẩn là 70dB (trong một giờ). Nguyên nhân ô nhiễm tiếng ồn ngoài hoạt động chính từ phương tiện giao thông còn có các hoạt động khác tại khu dân cư. Dù kết quả quan trắc nồng độ bụi nhỏ đạt quy chuẩn cho phép nhưng theo các chuyên gia, vẫn chưa thể yên tâm với kết quả này. Bởi việc quan trắc bụi ở TP.HCM đang thực hiện theo phương pháp thủ công và mỗi tháng chỉ quan trắc trong 10 ngày (12 vị trí), mỗi ngày chỉ quan trắc hai tiếng (sáng và chiều). PGS.TS Lê Văn Khoa, Trường ĐH Bách khoa TP, cho rằng để phản ánh đúng thực chất bức tranh toàn cảnh về môi trường thì phải quan trắc bằng các thiết bị online, tự động quan trắc môi trường 24/24 giờ. Ông Khoa nhận định bụi PM10, PM2.5 là “những kẻ giết người thầm lặng” do hạt bụi nhỏ, có thể len lỏi vào cơ thể con người, dù đeo khẩu trang cũng không có tác dụng. Giải thích thêm vì sao TP.HCM ô nhiễm bụi ít hơn so với Hà Nội, bà Ngụy Thị Khanh cho biết các hạt bụi PM10 và PM2.5 hình thành từ nhiều yếu tố như hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác than (kể cả nhà máy nhiệt điện than) và hoạt động giao thông. Vì vậy, tuy lượng phương tiện giao thông TP.HCM nhiều hơn Hà Nội nhưng không có nhiều hoạt động công nghiệp như Hà Nội và khu vực đông bắc (khai thác than, nhiệt điện than - PV). Về giải pháp, TP.HCM sẽ thực hiện đề án tăng trạm quan trắc online, thay thế 2.000 xe buýt, nghiên cứu triển khai kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân; khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch... để đến năm 2020 giảm 70% ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông vận tải. Ngoài ra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để giảm ô nhiễm tiếng ồn... QUANG KHẢI Tags: Ô nhiễm môi trườngÔ nhiễm không khíÔ nhiễm tiếng ồnBáo động đỏ
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
Tin tức thế giới 24-1: Ông Trump: 'Chiến sự Nga - Ukraine là cuộc thảm sát'; Mỹ có giám đốc CIA mới NGỌC ĐỨC 24/01/2025 Washington sẽ áp dụng các mức thuế mới với "những mức độ khác nhau" với mọi nước; Mỹ đảm bảo năng lượng cho châu Âu.
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM...
Cầu Rạch Miễu kẹt xe từ sáng sớm MẬU TRƯỜNG 24/01/2025 Sáng 24-1 (tức ngày 25 tháng chạp) hàng ngàn xe máy, ô tô bị ùn ứ tại hai đầu đường dẫn lên cầu Rạch Miễu.