
Các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long không được sử dụng rác thải nhựa dùng một lần - Ảnh: NAM TRẦN
1. Chuyện tàu du lịch Thịnh An 88 vừa bị Ban quản lý vịnh Hạ Long cho tạm dừng hoạt động vì để khách thoải mái dùng chai nhựa, tưởng không có gì ầm ĩ nhưng lại gây nên sự chú ý đặc biệt bởi đây là cú xử lý mạnh tay khá hiếm hoi.
Xử phạt để an toàn giao thông là chuyện hằng ngày, xử phạt để an toàn thực phẩm đang rất nóng (sau các vụ sữa giả, thực phẩm giả, giá đỗ độc hại...), thế nhưng xử phạt để an toàn môi trường, cụ thể phạt thải rác nhựa, thì lại nghe như còn... rất mới.
Nhưng với Hạ Long, đây không phải là lần đầu xử phạt các doanh nghiệp vi phạm, kể từ khi triển khai cam kết không sử dụng đồ nhựa dùng một lần từ tháng 5-2019.
Ban quản lý vịnh nói việc xử lý vi phạm không chỉ răn đe mà còn là hành động cần thiết để bảo vệ hình ảnh và hệ sinh thái của vịnh Hạ Long - điểm đến du lịch quan trọng của Việt Nam.
2. Tín hiệu kiên quyết từ Hạ Long, đáng quý hơn, cho chúng ta thấy lối ra cho vấn đề mà ngành du lịch biển mắc kẹt trong nhiều năm.
Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc... chưa thấy nơi nào mạnh tay như Hạ Long.
Chúng ta vẫn dễ gặp khắp nơi nhiều du khách lên tàu đi các tour biển đảo mang theo nhiều chai nhựa, túi và ống hút ni lông.
Ở các vịnh biển đẹp vẫn thấy những chai, túi, ống hút nổi lềnh bềnh như trêu ngươi với các bản cam kết không sử dụng đồ nhựa dùng một lần được dán khắp nơi.
Có hay không việc chiều lòng du khách như vậy để góp phần đổi lấy những con số đẹp cho du lịch địa phương trong mùa nghỉ mát cao điểm, hay những đợt nghỉ lễ dài ngày?
Để rồi sau đó hộc tốc huy động tàu thuyền đi thu gom rác thải nhựa. Đã đến lúc nên chấm dứt cách làm như thế.
Du lịch được kêu gọi là ngành tiên phong trong chống rác thải nhựa bởi dễ truyền thông và tác động trực quan đến du khách và cộng đồng. Các ứng xử lịch lãm và văn hóa đương nhiên là xa lạ với việc thải rác nhựa.
Không chỉ ban quản lý vịnh biển, mà ban quản lý các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng... vì thế nên lấy việc nói không với đồ nhựa là nội dung quan trọng trong xây dựng hình ảnh và thương hiệu của mình.
3. Từ ngành du lịch, nhìn rộng ra khắp các hoạt động đời sống có liên quan đến sử dụng đồ nhựa một lần, mới thấy chống rác thải nhựa là một cuộc chiến vô cùng khó khăn.
Từ việc áp thuế tiêu thụ cho đồ nhựa cho đến việc thu gom, phân loại và tái chế đồ nhựa là vô cùng phức tạp, cần nhiều giải pháp đồng bộ và một lộ trình phù hợp.
Theo lộ trình chỉ còn hơn nửa năm nữa thôi, từ sau năm 2025, Chính phủ sẽ cấm lưu hành và sử dụng đồ nhựa khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và khu du lịch.
Sau năm 2030 sẽ ngừng sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần. Không thể không âu lo cho việc thực hiện lộ trình trên, nếu các địa phương không có những hành động cương quyết.
Thế nên, biện pháp quyết liệt của Ban quản lý vịnh Hạ Long không còn là chuyện riêng của Hạ Long, của ngành du lịch mà là một tín hiệu tốt cho cuộc chiến chống rác thải nhựa của nước ta (nước đứng thứ 4 thế giới về thải rác nhựa ra môi trường) trong việc thực hiện các cam kết với quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận