TTCT - "Lê Thành Khôi không chỉ là nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này ở Việt Nam thưở xưa" Tháng 9-2003, chân ướt chân ráo nhập học Sorbonne, tôi đến nhà của vợ chồng sử gia Lê Thành Khôi để đưa sách cháu gái ông gửi từ Hà Nội sang, 4 cuốn từ điển và khảo cứu, dày và nặng. Lúc đó, tôi đã đọc vài tài liệu lưu trữ về Lê Thành Ý, cha của giáo sư Khôi, nhưng chưa được đọc cuốn nào của ông, chỉ biết sơ lược rằng ông là vị giáo sư Việt kiều có tiếng ở Pháp, như các ông Hoàng Xuân Hãn, Cao Huy Thuần…Giáo sư Lê Thành Khôi1. Bước vào phòng khách của ông, tôi không ngạc nhiên mà cảm thấy quen thuộc vì sự "bề bộn tri thức". Các giáo sư Pháp và Việt ở Paris mà tôi được thăm hỏi đều có những phòng khách "sách ngập lối đi". Phòng rộng mà thành chật vì sách bày, tượng trưng và cổ vật xếp, chưa kể tranh treo kín tường. Gian phòng như một góc Bảo tàng Quai Branly (Paris) thu nhỏ, tràn ngập các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật đến từ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ…, một "lãnh thổ" không địa giới và xuyên thời gian.Điều khiến tôi thấy ấm áp ngay lập tức là sự ân cần, tinh tế của bác gái và sự giản dị, kiệm lời, có gì như dè dặt của giáo sư Lê Thành Khôi. Chỉ thế là đủ để tôi quay trở lại thăm hai ông bà thường xuyên hơn những tháng sau đó, lần nào cũng được bác gái thết đãi trái cây, mứt, bánh ngọt. Tôi bắt đầu đọc những cuốn sách về sử Việt của ông: Việt Nam, lịch sử và văn minh (1955), Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến 1858 (1982), Lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam từ khởi thủy đến ngày nay (2008). Thời đó, hổng nhiều kiến thức nên tôi cứ bạ đâu hỏi đó, và dù đó là câu hỏi liên quan đến một lĩnh vực cụ thể như giáo dục hay văn hóa, câu trả lời của ông luôn mở rộng thành lịch sử, chính trị, triết học, tôn giáo hay nghệ thuật. Ông như một cuốn giáo khoa thư, mở mục từ nào ông cũng có thể giải thích, so sánh những tương đồng và khác biệt giữa nó với các thời đại, các nền văn hóa, văn minh hay thiết chế chính trị. Tôi nhớ tới lời của sử gia Charles Fourniau: "Lê Thành Khôi không chỉ là nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này ở Việt Nam thưở xưa".Trong mắt tôi lúc đó, ông là nhà sử học uyên thâm. So sánh và tương chiếu là dạng tư duy thường trực ở ông. Nhưng hai năm sau, tôi mới hiểu vì sao ông có đặc thù tư duy này.2. Đó là lúc tôi quyết định làm luận án tiến sĩ giáo dục học tại Đại học Paris Descartes (nay là Paris Cité). Đề cương luận án của tôi được ông nhận xét, đặt ra những câu hỏi để tôi phải tự tìm tòi tiếp. Nét bút bi đỏ ông chữa hay ghi dấu các ý trên bản đề cương vẫn sắc nét. Ông nhắc đi nhắc lại "cô nên tìm những giáo sư khác vì tôi nghỉ hưu lâu quá rồi, không còn cập nhật thời thế!". Nhưng 10 năm sau, năm 2014, các chuyên gia Pháp vẫn tìm đến ông như một cố vấn "tối cao" cho hội thảo quốc tế về các nền giáo dục của hai đại lục Á - Âu do France Éducation International tổ chức.Đại học Paris Descartes là một trong ba cái nôi hình thành nên ngành giáo dục học của nước Pháp. Lê Thành Khôi là một trong năm giáo sư đầu tiên gây dựng nên ngành này tại đây từ đầu thập niên 1970. Đặc biệt, ông là một trong những người khai mở việc giảng dạy và nghiên cứu ba phân ngành giáo dục so sánh, kinh tế giáo dục và kế hoạch hóa giáo dục.Sự nghiệp nghiên cứu và tư vấn của ông đi lên cùng với sự phát triển của giáo dục học, với sự trỗi dậy của kinh tế Pháp trong "Ba thập kỷ huy hoàng" và cùng với vai trò nổi bật của trí thức cánh tả Pháp thời hậu chiến. Ông là nhà tư vấn, rồi cố vấn cấp cao của rất nhiều tổ chức quốc tế như UNESCO, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế... trong nhiều thập kỷ, ông nghiên cứu và công cán qua hơn 40 quốc gia của 4 châu lục Phi, Âu, Á và Mỹ. Sự nghiệp của ông vững chãi vì ông đóng nhiều vai trò (nhà nghiên cứu, nhà tư vấn, giảng viên) cùng lúc trên nhiều địa hạt (thực địa, giảng đường, cơ quan đầu não về chính sách), tác động đến việc đào tạo chuyên gia giáo dục và đến việc thiết lập chính sách giáo dục ở tầm lục địa và quốc tế.Là một trí thức cánh tả, như ông từng nhìn nhận "tôi khám phá ra chủ nghĩa Marx tại Pháp vào đầu thập niên 1950", ông từng là tổng thư ký Tạp chí Thế giới thứ ba và đóng góp rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển của nước Pháp. Ông là một trong những hạt nhân quan trọng của cái nôi nghiên cứu phát triển thập niên 1960 - 1970, nơi đào luyện nên những chuyên gia tư vấn giáo dục quốc tế cho cả Pháp và châu Âu.Thế giới sau Đại chiến II bước vào khôi phục kinh tế, phát triển giáo dục và nhân công nhưng phải đối diện tiến trình giải thực dân, tăng trưởng dân số, tái cơ cấu. Giữa thập niên 1950 xuất hiện khái niệm "Thế giới thứ ba" để chỉ các nước chậm hoặc đang phát triển hay vừa thoát khỏi chế độ đô hộ ở các châu lục Á, Phi, Mỹ Latin. Thiên thời, địa lợi đó, cộng với nhân hòa là hành trang đa ngôn ngữ, đa văn hóa cùng với vốn kiến thức, bằng cấp và kinh nghiệm nghề nghiệp của một người Á sống giữa trời Âu đã giúp Lê Thành Khôi thỏa sức bơi trong biển lớn.Khi tôi trở thành nghiên cứu sinh tại Paris Descartes, tôi ngày càng nhận diện ra sự nghiệp đồ sộ và những di sản ông để lại cho ngành, cho trường và cho khoa. Nhiều giáo sư của tôi từng là sinh viên hay đồng nghiệp trẻ của ông trước đó. Những công trình của ông được chúng tôi đưa ra tranh luận trong các buổi chuyên đề. Điểm qua vài cuốn sách làm nên sự nghiệp của ông, chúng ta sẽ nhận thấy mỗi cuốn giữ một vị trí đặc biệt ở thời điểm ra đời. Công nghiệp giáo dục (1967) là một "tiểu luận xuất sắc nhất về kinh tế giáo dục được viết bằng tiếng Pháp". Giáo dục so sánh (1981) đã "thực sự lấp một chỗ trống về phương pháp luận của giáo dục so sánh tại Pháp". Bộ đôi Giáo dục và văn minh, I. Xã hội ngày xưa (1995) và Giáo dục và văn minh, II. Sự hình thành của thế giới đương đại (2001) là "công trình vĩ đại mang tầm vóc ông học của một nhà nghiên cứu đa ngành kỳ cựu" và "giữ vị trí hàng đầu trong mọi ý đồ nghiên cứu tổng quan về lịch sử giáo dục".Tác giả Nguyễn Thụy Phương (giữa) và vợ chồng Giáo sư Lê Thành Khôi.Qua những ấn phẩm này, ông thực hiện một dự án tầm cỡ: lập thuyết về giáo dục ở tầm nhân loại. Giáo dục được ông quy chiếu trong chiều dài lịch sử nhân loại, trong sự vận động đương đại. Bằng phương pháp liên ngành và liên văn hóa, ông chứng minh vai trò căn bản và tầm quan trọng của giáo dục cho động lực nội sinh của một nền văn minh. Vì thế mà Pierre-Louis Gauthier, giáo sư, tổng thanh tra giáo dục, nói về ông: "Sự nghiệp của bậc chính nhân quân tử, vừa là nhân chứng vừa là tác nhân của nền giáo dục trong thời đại của ông, ở quỹ đạo hành tinh trái đất".Lúc này, tôi cảm thấy mình thật may mắn được là một hậu duệ của ông trên phương diện học thuật.3. 10 năm sau, tôi trở thành nhà tư vấn giáo dục và giảng viên cùng khoa với ông, ở Đại học Paris Descartes. Sau nhiều chục năm, hai bác cháu vẫn thi thoảng gặp nhau hàn huyên bên bánh và trà được bác gái chuẩn bị ân cần. Lúc này, tôi bắt đầu khám phá thêm con người nghệ sĩ, một tâm hồn thơ trong ông. Ao ước cái đẹp (2000) là một tiểu luận mỹ học so sánh. Từ những hiện vật nghệ thuật đến từ rất nhiều nền văn hóa do chính ông chụp hay sưu tầm, ông phân tích những nét đặc thù về đường nét, bố cục, màu sắc, hình thái, hàm chứa những ý nghĩa riêng rồi khái quát nên tính đồng nhất và đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật của nhân loại và định nghĩa những tiêu chuẩn phổ quát của cái đẹp.Du hành vào các nền văn hóa Việt Nam (2001) hay Vài bước ở Vân Nam (2005) là cuộc du ngoạn khám phá đời sống tinh thần và vật chất của vùng đất có một địa vị quan trọng trong lịch sử các nền văn hóa Đông Nam Á qua lời kể của một học giả có vốn kiến thức sâu về văn minh Hán hóa và tầm nhìn bao quát về văn minh thế giới. Khối tình (1959) hay Cò bay trên đồng lúa, ca dao và thơ cổ điển Việt Nam (1995) giúp độc giả khám phá văn phong trữ tình, lối tự sự tinh tế và một tâm hồn thơ. Không chỉ là bộ óc khoa học chặt chẽ mà Lê Thành Khôi, ở những tác phẩm về nghệ thuật, mỹ học, còn mang một tâm hồn nhạy cảm, một ngòi bút tinh tế.Lúc này, kiến thức của tôi dày dặn hơn chút, hiểu hơn về hành trạng của các trí thức Việt bôn ba xứ người trong thế kỷ 20, tôi mới bắt đầu đối thoại với ông về một vài thời khắc quan trọng trong đời ông. Sau Điện Biên Phủ, ông nhận được lời mời về Việt Nam cống hiến cho đất nước nhưng rồi ông đã quyết định ở lại Pháp. Mỗi lần đề cập đến chính trị, ông chỉ nói quê hương đất nước là con người, là văn hóa, cái đó mới hiện hữu, mới trường tồn. Trong mắt tôi, ông là nhà mỹ học trữ tình, nặng tình cố hương.Trong gian phòng bề bộn kiến thức ấy, ông lắng nghe tôi kể về những buồn vui của cuộc sống, những thất vọng của công việc. Và khi bước ra khỏi đó, những âu lo về cuộc sống của tôi dường như tan đi, trong đầu tôi nảy lên lời ca "Ru đời đi nhé…".4. Thuở thiếu thời, ông học tiếng Hy - La, một trong những gốc tự văn minh phương Tây ở xứ Viễn Đông, đến tuổi thanh niên, ông học chữ Hán, gốc tự văn minh Trung Hoa ở Tây Âu. Hành trạng ấy dường như là một tiên định, rằng khám phá thế giới, với ông, cũng là một quá trình giao lưu Đông - Tây không ngưng nghỉ. Sự nghiệp của ông, xuyên thời gian và vượt biên giới, là chuyến du hành tìm hiểu bản thân và thấu hiểu tha nhân. Cuộc đời ông là minh chứng phương Tây có trong phương Đông qua những ảnh hưởng, vay mượn, học hỏi, tương hỗ. Ông giúp chúng ta hiểu được các nét đặc thù trong từng nền văn hóa, tô điểm và tích hợp thành tính phổ quát của mọi nền văn hóa, như một thông điệp, rằng con người và văn hóa vừa khác nhau vừa gần gũi, bởi đó là bản chất của nhân loại. Lê Thành Khôi vượt ra khỏi khuôn khổ thường được định vị là một đại diện cho nền văn hóa này hay quốc gia kia. Ông là một bản thể chuyển giao và tiếp biến văn hóa ở ý nghĩa cao quý nhất. Ông là di sản văn hóa sống của nhân loại, nếu không muốn nói là ít nhất của hai đại lục Á và Âu.Người nho sĩ thông thái, thâm trầm Á Đông ấy, trong mắt tôi, cũng là một nhà nhân văn Tây Âu, một cốt cách song sinh từ thế kỷ Ánh sáng và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Vị học giả này, tinh tường quá khứ bao nhiêu thì tỏ tường đương đại bấy nhiêu, đã từng dự đoán những hiện tượng sau sẽ diễn ra: toàn cầu hóa và truyền thông đại chúng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của các học thuyết được kế thừa và "những căn tính cố hữu có thể quay trở lại sau một thời gian chúng ta bị choáng ngợp bởi tính hiện đại". Một cái nhìn sáng suốt!Về sự nghiệp nghiên cứu giáo dục so sánh, ông là một trong số ít những người giữ vị trí trọng yếu: trong khi thế giới nổi lên hàng loạt các "nhãn hiệu" xếp hạng quốc tế để so sánh các hệ thống giáo dục quốc gia lẫn nhau thì ông đã đề xuất những so sánh không tuân theo bề mặt của sự vật sự việc mà phải đi sâu vào những nét văn hóa đặc trưng thực sự của từng vùng miền.Những nhà tư tưởng giáo dục tầm cỡ như Lê Thành Khôi đóng vai trò quan trọng trong thế giới chúng ta đang sống, vì họ cho thấy một trí thức Việt Nam có thể đưa ra một quan điểm sâu sắc về phương Tây, theo cách không ai sánh bằng.Roger-François Gauthier (tổng thanh tra Bộ Giáo dục Pháp, chuyên gia quốc tế về giáo dục so sánh và chính sách giáo dục, nhà xã luận của Le Monde) Vào thời khắc một nhân cách, một học giả uyên thâm như giáo sư Lê Thành Khôi chia tay cõi tạm, chúng tôi, vô cùng xúc động và tỏ lòng kính trọng sâu sắc, chỉ có thể trích dẫn những ngôn từ sau đây của ông mà chúng tôi đã đặt lên hàng đầu tại hội thảo về giáo dục châu Á được tạp chí giáo dục quốc tế Sèvres tổ chức năm 2014. Sự tham vấn về mặt ý tưởng cũng như sự tham dự của ông tại hội thảo đã mang đến cho chúng tôi vinh dự lớn lao:"[Không gì đáng giá bằng] việc khám phá các nền văn hóa khác, những cách tư duy và hành xử khác để hiểu rõ hơn về nền văn hóa của chính mình và hiểu rõ bản thân mình hơn. Do đó, luận đề hóa giáo dục là một phần không thể thiếu và đầu tiên của tư duy: đó là đặt câu hỏi về khái niệm, hình thức, vai trò và tác động của giáo dục, không phải nằm trong khuôn khổ của một loại xã hội tự cho mình là "phổ quát" mà phải từ góc độ của các logic khác nhau và các hệ thống giá trị khác nhau, thể hiện tính tương đối của quan hệ nhân sinh" (Lê Thành Khôi, Giáo dục: các nền văn hóa và xã hội, Publications de la Sorbonne, Paris, 1991, tr.21)Nhà giáo dục học so sánh toàn vẹn này để lại một sự nghiệp đồ sộ, một hình mẫu đích thực cho ngành giáo dục học ở Pháp và trên toàn thế giới.Jean-Marie De Ketele (giáo sư danh dự, Đại học Công giáo Louvain và Marie-José Sanselme, tổng biên tập tạp chí giáo dục quốc tế Sèvres) * Tác giả Nguyễn Thụy Phương là nhà tư vấn giáo dục, nghiên cứu viên Đại học Geneva, giám đốc quan hệ đối ngoại - Modus Operandi International Institute. Tags: Giáo sư Lê Thành KhôiLê Thành KhôiLịch sử
Xe khách giường nằm văng vào xe đầu kéo trên quốc lộ 6 qua Sơn La, 6 người chết CHÍ TUỆ 22/02/2025 Vụ tai nạn giao thông giữa xe khách giường nằm và xe đầu kéo trên quốc lộ 6 (đoạn qua Sơn La) làm 6 người chết, 4 người bị thương.
Nguyên nhân vụ tai nạn trên quốc lộ 6 làm xe khách biến dạng, 6 người chết HỒNG QUANG 22/02/2025 Nguyên nhân sơ bộ được xác định là lái xe khách đi đến đoạn đường vòng cua, mặt đường trơn trượt do trời mưa dẫn đến không làm chủ tốc độ. Sau đó, phần đuôi ô tô khách văng vào đầu xe đầu kéo đi chiều ngược lại.
Nga chấp nhận dành 300 tỉ USD 'bị đóng băng' để tái thiết Ukraine? NGỌC ĐỨC 21/02/2025 Hãng tin Reuters khẳng định Matxcơva có thể đang cân nhắc điều khoản hòa bình là dùng số tài sản bị đóng băng ở châu Âu cho việc tái thiết Ukraine.
Vụ trưởng, chánh văn phòng Bộ Nội vụ cùng gần 180 cán bộ xin nghỉ trước tuổi, thôi việc THÀNH CHUNG 21/02/2025 Tính đến nay có 180 cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ trước tuổi, thôi việc khi Bộ Nội vụ hợp nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.