
Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho rằng quy định giao quyền tuyển dụng, điều động giáo viên cho ngành giáo dục trong dự thảo Luật Nhà giáo có thể tạo nên một chuyển biến mới, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
- Hiện nay ở nhiều địa phương, công tác tuyển dụng giáo viên không phải do ngành giáo dục chủ trì. Việc này dẫn tới một số bất cập khi ngành giáo dục lại không được chủ động, việc tuyển giáo viên không sát với nhu cầu thực tiễn dạy học ở các nhà trường. Từ thực tế này, Bộ GD-ĐT đã đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
"Nếu việc này được thông qua, ngành giáo dục sẽ đảm bảo việc xây dựng chiến lược tổng thể, có tầm nhìn xa hơn cho đội ngũ nhà giáo, xu hướng phát triển, yêu cầu về chất lượng đội ngũ nhà giáo. Theo đó, ngành giáo dục có thể chủ động "đặt hàng" đào tạo, tuyển dụng giáo viên sát nhu cầu thực tế hơn so với hiện nay", ông Đức khẳng định.
* Thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển đang là nghịch lý xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có địa bàn đặc biệt khó khăn. Vậy Bộ GD-ĐT có đề xuất gì để tăng sức hút tuyển dụng?

Ông VŨ MINH ĐỨC
- Hiện nay nhà giáo công tác ở vùng khó khăn cũng đã được quan tâm với các phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, hỗ trợ nhà công vụ... Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các địa phương có các chính sách riêng để nâng cao chất lượng đời sống giáo viên ở vùng khó khăn, hỗ trợ kinh phí di chuyển, học tập nâng cao trình độ...
Nếu Luật Nhà giáo có hiệu lực, ngành giáo dục có thể được điều động giáo viên giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn khi xảy ra thừa, thiếu cục bộ, bố trí hợp lý nhà giáo dạy liên trường, liên cấp.
Theo đó có thể áp dụng việc luân phiên điều động giáo viên ở vùng thuận lợi đến vùng khó dạy học trong một thời hạn nhất định và đảm bảo quyền lợi cho giáo viên khi họ hết thời gian điều động, chuyển về trường cũ.
Trong dự thảo Luật Nhà giáo cũng có chính sách ưu đãi đối với giáo viên là người địa phương, dạy học tại địa phương. Khi luật ban hành, các chính sách ưu đãi này sẽ được cụ thể hóa ở nghị định.
* Trong số giáo viên còn thiếu trên cả nước, cấp mầm non đang thiếu nhiều nhất và đây cũng là cấp học có tỉ lệ giáo viên bỏ việc cao nhất, thưa ông?
- Ngoài các chính sách đãi ngộ chung, Bộ GD-ĐT đã đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, tại dự thảo luật cũng quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm không quá năm năm so với quy định và không bị trừ tỉ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước.
Việc này cũng hợp lý vì giáo viên mầm non phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực, vất vả, thời gian lao động trong ngày dài hơn so với giáo viên cấp học khác. Đây là những điều chỉnh trong chính sách để tăng sức hút với người chọn nghề giáo viên mầm non và giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.
* Nhiều địa phương có nguồn tuyển giáo viên tin học, thể dục, nghệ thuật nhưng lại vướng mắc do ứng viên không đảm bảo điều kiện về trình độ chuyên môn theo chuẩn hoặc không được đào tạo chính quy ở trường sư phạm, có giải pháp nào tháo gỡ?
- Bộ cũng nhận được thông tin các địa phương phản ảnh, xin ý kiến. Với những trường hợp ứng viên không tốt nghiệp chính quy sư phạm nhưng học các ngành gần với môn học mà ứng viên đăng ký tuyển dụng giáo viên, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì có thể tuyển dụng và việc này thuộc quyền quyết định của đơn vị tuyển dụng tại địa phương.
Tuy nhiên, một số trường hợp ứng viên chỉ tốt nghiệp cao đẳng hiện chưa có cơ sở pháp lý giải quyết mà phải chờ Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung dự kiến thông qua vào tháng 7-2026.
* Ông đánh giá thế nào về tính khả thi trong việc huy động các lực lượng ngoài ngành giáo dục như ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên vào dạy học trong nhà trường để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên?
- Việc huy động các lực lượng bên ngoài tham gia giáo dục được là rất tốt, nên khuyến khích các nhà trường, địa phương thực hiện khi có điều kiện. Tuy nhiên việc dạy học chương trình chính khóa vẫn phải do giáo viên đảm nhiệm.
Tùy theo điều kiện có thể bố trí những người là nghệ sĩ, vận động viên, thậm chí chuyên gia một lĩnh vực nào đó đảm nhận một số nội dung giáo dục trong nhà trường nhưng chỉ nhằm mục tiêu tăng sự trải nghiệm, nâng cao hơn năng lực, nhận thức cho học sinh.
Không phải tăng lương là giữ được giáo viên
* Theo ông, việc điều chỉnh mức thu nhập cho nhà giáo có phải là giải pháp quan trọng nhất để thu hút người vào ngành sư phạm, giải quyết nhanh tình trạng thiếu giáo viên hiện nay?
- Đó là việc cần làm nhưng không phải cứ tăng lương là thu hút và giữ chân được nhà giáo. Luật Nhà giáo có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách lương và phụ cấp cho nhà giáo ổn định đời sống.
Tuy nhiên ngoài thu nhập, nhà giáo cần có môi trường làm việc thân thiện, phát huy được năng lực, sáng tạo, được bảo vệ và được tôn trọng.
Trong thẩm quyền của mình, Bộ GD-ĐT đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý để quy định, hướng dẫn các sở GD-ĐT, nhà trường thực hiện việc này. Nhưng bên cạnh đó cũng cần sự quan tâm của các địa phương, nhà trường và xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận