TTCT - Năm 2024, nhiều chính sách lớn về giáo dục được đưa ra, lập tức thu hút sự quan tâm bàn cãi và rất nhiều chính sách bị gác lại hay bỏ lửng. Luật Nhà giáo: Đề xuất và rút lạiBan soạn thảo Luật Nhà giáo từng xem quy định về cấp thẻ hành nghề nhà giáo là một trong những điểm nổi bật của dự thảo luật này. Theo đó, dự thảo luật quy định giáo viên phải trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi được đưa ra trưng cầu ý kiến, nội dung này đã vấp phải rất nhiều phản đối.Bên ủng hộ, mà đại diện có thể kể tới là ông Vũ Minh Đức, cục trưởng Cục Nhà giáo & cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng đề xuất này xuất phát từ yêu cầu đặc biệt về chất lượng nhà giáo. Việc đào tạo ở trường sư phạm chỉ là đảm bảo yêu cầu về trình độ, nhưng nhà giáo cần đạt được những tiêu chí khác về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm dạy học, giáo dục thì mới được cấp thẻ hành nghề.Luồng ý kiến phản đối cho rằng luật đề ra một dạng bằng cấp thứ hai trong khi giáo viên tốt nghiệp sư phạm là đã phải đủ điều kiện dạy học. Một khi họ chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thì cần xem lại trách nhiệm của cơ sở đào tạo, không thể bắt mọi giáo viên tốt nghiệp lần hai. Quy định chứng chỉ hành nghề sẽ gây phiền phức, tốn kém cho nhà giáo vì họ phải bỏ tiền đi học thêm để thi sát hạch. Trong lúc đó, cả nước còn thiếu hơn 100.000 giáo viên, cái cần làm phải là giảm bớt nhiều thủ tục để khuyến khích người theo nghề sư phạm.Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khi góp ý cho dự thảo luật cho rằng vấn đề bất ổn là ở quy định triển khai xét cấp chứng chỉ. Ông Hiển cho rằng không nên và khó có thể yêu cầu giáo viên đi học thêm đâu đó để vượt qua một kỳ sát hạch, bởi "trường học" quan trọng nhất sau trường sư phạm chính là nơi giáo viên được nhận tập sự. Giáo viên trẻ cần những trường học như thế đón nhận và xác nhận cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo. Bản chất của quá trình thực tập nghề không nằm trong một kỳ học thêm để sát hạch, nó cần thời gian thực hành nghề. "Nếu lại đi học để thi sát hạch thì cũng giống như sinh viên sư phạm học để thi tốt nghiệp", ông Hiển nói.Câu chuyện chứng chỉ rối tinh rối mù này khép lại với quyết định rút nội dung chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo luật hiện nay của ban soạn thảo. Tuy vậy, ông Vũ Minh Đức cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi và có thể đưa vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung.Cũng ở dự thảo luật này, một nội dung khác gây ồn ào dư luận rồi bị rút là đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Nội dung này được đưa vào rất muộn, thậm chí không có trong nội dung dự thảo cuối cùng trình Quốc hội đợt tháng 11-2024. Nó được đề xuất tại một cuộc họp và Bộ GD-ĐT tiếp thu trước kỳ họp Quốc hội. Nhưng bất ngờ là một đề xuất nghe có vẻ "tốt cho nhà giáo" lại vấp phải phản ứng tiêu cực khá dữ dội từ cả người trong và ngoài giáo giới. Nhiều nhà giáo không thấy đề xuất trên là "tôn vinh" và giúp đỡ, họ chỉ thấy tổn thương và áp lực. Cuối cùng, đề xuất này cũng được Bộ GD-ĐT rút.Luật Nhà giáo được trình Quốc hội sau khi đã cắt gọt những nội dung gây tranh cãi, nhưng vẫn phải chờ tới năm 2025 để thông qua.Vùng nhạy cảm: Dạy thêm, học thêmNăm 2024, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm thay thế cho thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đang áp dụng. Nhưng dự thảo này bị "ném đá" tơi tả.Một trong những điểm mới của dự thảo là các quy định cụ thể để giáo viên được hợp thức hóa dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường. Người soạn thảo cho rằng khi không cấm được thì phải quy định cụ thể, chặt chẽ để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng tiêu cực trong dạy thêm như ép học sinh học thêm, tổ chức dạy thêm tùy tiện ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe học sinh…"Phe phản đối", trong đó phần lớn là cha mẹ học sinh, cho rằng dự thảo thông tư cổ xúy cho "dạy thêm" - một vấn nạn nhức nhối hiện tại, một nỗi ức chế vô cùng lớn của nhiều phụ huynh do sợ con bị trù dập nên phải cho con đi học thêm. Xã hội không lạ gì tình trạng bị ép buộc hoặc bị đẩy vào tình thế miễn cưỡng phải cho con học thêm ở khối tiểu học. Thậm chí học sinh trước và sau khi vào lớp 1 lại là đối tượng bị học thêm ngoài nhà trường nhiều hơn hẳn các khối lớp khác.Học sinh sau giờ học thêm tại một trung tâm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNGNhìn lại giáo dục hai thập kỷ trước, quản lý dạy thêm học thêm cũng là vấn đề khiến Bộ GD-ĐT loay hoay. Vì thế, việc Bộ GD-ĐT trù trừ trong ban hành thông tư mới cũng là dễ hiểu. Ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thừa nhận đã và đang có nhiều văn bản quản lý việc dạy thêm trong nhà trường, nhưng ở ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát.Ông Sơn cho biết trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản cho Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học, nhưng không rõ lý do tại sao, từ năm 2020 đến nay việc này chưa được chấp thuận. Thông tư mới quy định về dạy thêm học thêm - thứ nằm trong tầm tay của Bộ GD-ĐT - vì thế chưa ban hành.Thi và tuyển sinh: Nhìn vào khâu cuối, nhận diện bất ổn của khâu đầuCuối năm 2024, các quy định liên quan tới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học được thay đổi và sẽ phải thực hiện năm 2025.Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, năm 2025 học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp theo phương án mới: thi 2 môn toán, văn (bắt buộc) và 1 bài thi tổ hợp gồm 2 môn lựa chọn trong số các môn học còn lại là vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ - công nghiệp, công nghệ - nông nghiệp, tin học, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật. Thí sinh được chọn thi môn ngoại ngữ khác với ngoại ngữ được học tại trường phổ thông.Diện "lựa chọn" nhìn vào phương án thi thì rất rộng, nhưng thực tế học sinh chỉ được chọn trong số môn đã đăng ký học từ ba năm trước (khi mới vào lớp 10). Thực chất học sinh phải chọn môn thi từ khi mới bước chân vào bậc THPT, và việc đăng ký môn thi khá quan trọng, không chỉ để thi công nhận tốt nghiệp mà còn để xét tuyển đại học theo định hướng nghề nghiệp.Khi khâu cuối cùng là đổi mới thi "lộ diện", nhiều bất ổn của những đổi mới chương trình ở cấp THCS và THPT càng rõ rệt hơn. Học sinh cấp THCS vì phải theo định hướng "tích hợp" nên không học riêng rẽ vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, thay vào đó là môn khoa học tự nhiên, lịch sử & địa lý (khoa học xã hội). Và từ lớp 10 mới lại có các môn độc lập tiếp nối từ các môn khoa học tự nhiên, lịch sử & địa lý. Học sinh ngay từ đầu cấp phải chọn môn cho nhóm môn học lựa chọn để phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp tương lai. Phần lớn học sinh và cả phụ huynh đều thiếu thông tin, do đó nhiều học sinh chọn sai và hành trình để chọn lại khá vất vả khi phải tự học bù môn mới điều chỉnh.Khảo sát sơ bộ của nhiều trường THPT cho thấy tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi các môn xã hội vượt trội so với nhóm môn khoa học tự nhiên. Ở nhiều trường THPT, số học sinh chọn học nhóm môn xã hội chiếm 80%, thậm chí hơn và vì vậy, tỉ lệ đăng ký thi tốt nghiệp cũng lệch theo. Tâm lý chọn môn dễ học của học sinh và công tác hướng nghiệp từ THCS yếu, nhiều nơi là số 0 là hai nguyên nhân khiến nhiều học sinh không hiểu biết và kịp đầu tư để đi theo hướng học các môn khoa học cơ bản, công nghệ.Nhận ra bất hợp lý này, khi dự thảo thông tư quy định tuyển sinh THCS&THPT công bố cuối năm 2024, Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh quy định kỳ thi lớp 10, theo đó sẽ thi 3 môn trong đó ngoài toán, ngữ văn (bắt buộc) môn thứ 3 lựa chọn ngẫu nhiên trong số các môn học có điểm còn lại. Tới đây, vẫn chưa xong, quy định này tiếp tục vấp phải dư luận trái chiều, với sự khó chịu của xã hội đối với từ "bốc thăm" (để chọn môn thi thứ 3) vì cho rằng giáo dục không thể như chơi xổ số.Việc ban hành thông tư rơi vào cảnh rối ren và phải có những nhượng bộ để giao rộng quyền cho địa phương quyết định môn thi thứ 3.Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc sửa đổi quy chế tuyển sinh 2025 nhằm khắc phục chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý, tăng cơ hội cho thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển - Ảnh: TRẦN HUỲNHTheo một số chuyên gia giáo dục, để giải quyết vấn đề mất cân đối trong lựa chọn môn học, môn thi và định hướng nghề nghiệp sau THPT, giải pháp tác động nhanh nhất là điều chỉnh mạnh mẽ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - kỳ thi được đánh giá là căng thẳng, khốc liệt hơn cả tuyển sinh đại học.Trong tâm lý "tiến thoái lưỡng nan" vừa làm vừa nghe ngóng dư luận, Bộ GD-ĐT khó có được quyết sách mạnh mẽ (không chỉ đổi mới thi) để thay đổi thực trạng bất cập trước mắt trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD-ĐT vẫn đang mắc kẹt giữa chủ trương giao tự chủ toàn diện cho các cơ sở đào tạo đại học và việc phải "cầm cương" để giữ cục diện ổn định, đi đúng mục tiêu của cuộc đổi mới giáo dục.Với tinh thần tự chủ, nhiều trường đại học đã có cả chục phương án/tổ hợp xét tuyển. Chỉ tiêu tuyển sinh bị xé lẻ, đau đầu nhất là việc xét tuyển sớm (bằng các tiêu chí xét chứng chỉ ngoại ngữ, năng lực, học bạ) khiến nhiều học sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển lơ là học tập. Khi phương thức xét tuyển học bạ của hầu hết các trường chỉ lấy điểm của 5 học kỳ (không lấy học kỳ 2 của lớp 12), học kỳ cuối cùng của học sinh ở THPT bị buông không phanh. Nhiều cơ sở đại học mở kỳ thi riêng lấy kết quả xét tuyển đại học với cấu trúc các bài thi thoát ly yêu cầu căn bản của chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến thầy trò phổ thông hoang mang, tình trạng học sinh chạy đến lò luyện lại nóng lên.Cuộc đổi mới giáo dục đào tạo của Bộ GD-ĐT đã thực hiện đủ một vòng khép kín vào năm học 2024-2025, nhưng chính ở thời điểm này mới bộc lộ hết những khó khăn. Hệ lụy của "đẽo cày giữa đường" không chỉ là bài học của dân gian chung chung mà thấy ngay trong câu chuyện thực tế của giáo dục. Điểm sáng có thể kể tới là dự thảo Luật Nhà giáo cũng đặt ra nhiều cách để giải quyết những vấn đề quan trọng ách tắc đã lâu như quy định về lương, phụ cấp giáo viên theo tinh thần "lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương", cùng những quy định khác về việc bảo vệ nhà giáo, trách nhiệm của nhà giáo, những điều chỉnh trong tuyển dụng. Tags: Giáo dụcDạy thêm học thêmBộ GD-ĐTGiáo viênQuản lý giáo dục
Tin tức thế giới ngày 23-1: Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt Nga, tàu ngầm gãy đôi ở Tây Ban Nha DUY LINH 23/01/2025 Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt nếu Nga không đạt thỏa thuận với Ukraine; Pháp và Đức bàn cách đối phó thuế quan dưới thời ông Trump; Tàu ngầm gãy đôi ngoài khơi Tây Ban Nha là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 23-1.
Bộ Công an nói về trường hợp 'không chấp hành đèn tín hiệu để nhường đường cho xe cấp cứu' HỒNG QUANG 23/01/2025 'Việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe cấp cứu, xe ưu tiên trong trường hợp tình thế cấp thiết sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính', Bộ Công an khẳng định.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Tin tức sáng 23-1: Sẵn sàng nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết và các lễ hội TUỔI TRẺ ONLINE 23/01/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Bình Phước xử lý nghiêm những lỗi vi phạm dịp sát Tết; Nam Định duy trì 5 vòng đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội khai ấn Đền Trần; Thêm công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...