TTCT - Gian lận trong nghiên cứu y khoa, chuyện tày trời vì liên quan đến sức khỏe con người, phổ biến hơn chúng ta tưởng. Ảnh: Getty ImagesTrên Retraction Watch, cơ sở dữ liệu trực tuyến giám sát các bài báo khoa học bị rút lại, có danh sách gần 19.000 bài báo về các chủ đề khoa học y sinh đã bị rút. Riêng trong năm 2022, có khoảng 2.600 bài báo bị rút lại trong lĩnh vực này - hơn gấp đôi so với năm 2018. Mặc dù một số là do sai lầm không cố ý, phần lớn các bài báo đều có các hành vi sai về khoa học."Những người bắt sâu"Năm 2011, Ben Mol, giáo sư sản phụ khoa ở Đại học Monash (Melbourne, Úc), tình cờ đọc về thông báo rút lại nghiên cứu về u xơ tử cung và vô sinh do một nhà nghiên cứu ở Ai Cập công bố. Tạp chí đã xuất bản bài báo này cho biết bộ số liệu của nó giống hệt với một nghiên cứu trước đó ở Tây Ban Nha về nội mạc tử cung. Hóa ra, tác giả đã sao chép các phần của nghiên cứu gốc và đổi tên căn bệnh để tạo ra một nghiên cứu giả mạo đứng tên mình.Kể từ đó, Ben Mol cùng các nhà nghiên cứu khác điều tra bài báo khoa học ngụy tạo dữ liệu. Mol và các đồng nghiệp đã gửi thư cảnh báo về hơn 750 bài báo nghi giả mạo số liệu đến các tạp chí đã xuất bản chúng. Đáng tiếc, những nỗ lực cảnh báo của nhóm được đáp lại với sự thờ ơ hoặc các cuộc điều tra liên quan kéo dài nhiều năm. Cho đến nay, chỉ có 80 nghiên cứu bị nhóm cảnh báo bị rút lại. Tệ hơn, nhiều kết quả nghiên cứu giả mạo được đưa vào các bài tổng quan với mục đích cung cấp thông tin về thực hành lâm sàng.Năm 2014, tiến sĩ Elisabeth Bik lần đầu phát hiện các phần của cùng một bức ảnh được sử dụng trong hai bài báo khác nhau để thể hiện kết quả của ba thí nghiệm hoàn toàn khác nhau. Từ đó, bà bắt đầu để tâm lật tẩy các bài báo nghi gian lận số liệu. Công việc này cuốn hút đến mức năm 2019, bà bỏ công việc toàn thời gian ở Đại học Stanford (Mỹ) để toàn tâm tìm kiếm và báo cáo các nghiên cứu gian lận.Ảnh minh họaTheo The New York Times, từ 2014 đến nay, TS E. Bik đã phân tích hơn 100.000 bài báo và phát hiện các hình ảnh trùng lặp rõ ràng trong 4.800 bài cũng như thấy bằng chứng về lỗi sai, gian lận hoặc các vấn đề đạo đức trong 1.700 bài báo khác. Bà đã báo cáo 2.500 bài báo trong số này cho các tạp chí nhưng hầu như không nhận được phản hồi.Đặc biệt, bà cảnh báo về hơn 60 bài báo của tác giả Didier Raoult, một giảng viên đã nghỉ hưu tại một bệnh viện đại học ở Marseille, Pháp. Việc này khiến bà bị hăm dọa. Địa chỉ nhà bà bị đăng trên Twitter. Raoult thậm chí còn kiện bà vì tống tiền và quấy rối - hành động bị Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp lên án là hình sự hóa tranh luận và phê bình khoa học.Năm 2021, bà Bik được giải thưởng John Maddox do Sense about Science, một tổ chức từ thiện của Anh, và tạp chí Nature đồng trao giải vì "lòng dũng cảm và chính trực trong bảo vệ liêm chính khoa học". Theo Bik, gian lận là sự vi phạm chống lại mọi giá trị của khoa học. Nếu các bài báo khoa học có sai sót hoặc - tệ hơn - gian lận dữ liệu và hình ảnh, các nhà nghiên cứu khác có thể sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc cho các giả thuyết dựa trên kết quả bịa đặt.Gian dối ở đâuTheo The Economist, hầu hết các bài nghiên cứu ngụy tạo số liệu thuộc một trong hai nhóm. Một số là báo cáo về các thử nghiệm lâm sàng nhằm trục lợi - nghiên cứu giáo sư Mol phát hiện đa số thuộc loại này. Số còn lại, thường có mục đích khoa học nhưng "bất chính" - kiểu nghiên cứu được thuê viết. Các "thợ viết" đã sao chép các bài báo đã công bố, thay tên bệnh hoặc loại gene bài báo gốc nghiên cứu bằng một tên khác. Thủ thuật của tác giả của các nghiên cứu y sinh giả mạo thường là lặp lại nghiên cứu trước. Kết quả sẽ thống nhất với kết quả của liệu pháp đã được chứng minh trong nghiên cứu gốc để tránh bị "dòm ngó".Có bao nhiêu bài báo ngụy tạo số liệu không bị lật tẩy? Đây là một ẩn số, nhưng chắc chắn là không ít. Tỉ lệ bài báo bị rút lại hiện khoảng 1/1.000 - một tỉ lệ không quá xấu. Tuy nhiên, theo Ivan Oransky, một trong những thành viên sáng lập của Retraction Watch, trên cơ sở các nghiên cứu khác nhau và báo cáo từ các "thám tử" chuyên "vạch lá tìm nghiên cứu giả mạo", cứ 50 bài nghiên cứu thì có một nghiên cứu không đáng tin cậy do bịa đặt, đạo văn hoặc có lỗi sai nghiêm trọng.Năm 2009, Plos one - một tạp chí khoa học mở - công bố kết quả tổng hợp của 18 khảo sát được thực hiện với các nhà khoa học, chủ yếu ở Mỹ, về gian lận trong nghiên cứu. Kết quả có 2% số người được hỏi thừa nhận đã làm sai lệch dữ liệu, 14% cho biết họ biết một ai đó từng làm sai lệch dữ liệu. 1/3 thừa nhận có can thiệp vào nghiên cứu như bỏ các điểm dữ liệu xấu hoặc có các thay đổi quan trọng về phương pháp khi nghiên cứu đang được tiến hành.Ảnh minh họaCác tạp chí có thể mất nhiều năm để rút lại các bài báo giả mạo họ đã xuất bản - điều này khiến các thám tử thất vọng. Jack Wilkinson, tiến sĩ về thống kê sinh học tại Đại học Manchester, cho biết cách các tạp chí đăng các bài nghiên cứu giả mạo phản ứng về việc có điều tra hay không và mất bao lâu để đưa ra quyết định rất khác nhau.Trong một số trường hợp, có những lý do chính đáng cho sự chậm trễ như khó tìm chuyên gia để tiến hành các phân tích y sinh phức tạp hoặc cuộc điều tra dắt dây tới các bài báo giả mạo khác. Tuy nhiên, có một cảm nhận chung rằng hầu như không có ai xem việc đính chính sau khi đăng bài báo ngụy tạo số liệu là cấp bách. Thông thường, mục đích điều tra là để xem có nên sa thải nhà nghiên cứu hay không chứ không phải vì bảo vệ tính toàn vẹn của khoa học. Cho đến khi quyết định sa thải được đưa ra, các đơn vị nơi nhà nghiên cứu giả mạo số liệu công tác thường im lặng. Áp lực nghề nghiên cứuKhoa học đề cao tính liêm chính, vậy tại sao lại có nghiên cứu giả mạo? Câu trả lời chính xác chúng ta khó mà biết được vì rất ít người nói thật lòng về động cơ làm nghiên cứu giả mạo của họ. Song lời thú nhận của Diederik Stapel, từng là giáo sư tâm lý học ở Đại học Tilburg tại Hà Lan, người ngụy tạo số liệu và bị rút lại 58 bài báo, có thể làm sáng tỏ đôi điều.Stapel thú nhận mình bùa phép các nghiên cứu do động cơ nghề nghiệp. Làm việc trong trường đại học, Stapel có áp lực phải công bố bài báo khoa học. Ai có danh sách dài các bài báo đã xuất bản sẽ có cơ hội thăng tiến cao, có cơ hội công việc tốt hơn ở cơ quan tốt hơn. Đây là động cơ khiến các nhà nghiên cứu giả mạo công trình nghiên cứu.Ở Trung Quốc, những vị trí công việc đáng mơ ước ở bệnh viện đều yêu cầu cao về số bài báo được xuất bản. Lời hứa hẹn về khoản tiền thưởng lớn cho những ai có bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí hàng đầu cũng khiến việc ngụy tạo số liệu nở rộ. Theo The Economist, gần như tất cả các bài báo bị rút lại đều có tên các tác giả người Trung Quốc.Tuy nhiên, gian lận trong nghiên cứu không chỉ ở Trung Quốc. Đúng ra, nó không chừa một quốc gia nào. Đánh giá trên hai tạp chí được các tác giả làm nghiên cứu giả mạo thường xuyên gửi bài cho thấy họ đến từ hơn 70 quốc gia. Mặc dù phần đông đến từ các nước có thu nhập trung bình, một số bài báo bịa đặt kết quả thử nghiệm lâm sàng do các tác giả ở Mỹ, Canada, châu Âu và Nhật Bản thực hiện. Tác động lớn thế nàoTrong phần lớn các trường hợp, nghiên cứu ngụy tạo không có khả năng ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng. Nhưng có một số ít nghiên cứu giả mạo đi xa hơn, trở thành nguồn cảm hứng cho các biện pháp can thiệp y tế tưởng hay mà hóa ra vô ích, thậm chí có hại cho bệnh nhân.Chẳng hạn, những bệnh nhân bị bệnh nặng, sau phẫu thuật, đôi khi được truyền tinh bột để tăng huyết áp. Thực hành này một phần dựa trên 7 nghiên cứu - hiện đã mất uy tín - của Joachim Boldt, một bác sĩ gây mê người Đức. Sau khi những điều bịa đặt của Boldt bị phát hiện, năm 2013, tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ có bài báo bố cáo rằng việc truyền tinh bột trong những trường hợp này gây tổn thương thận, thậm chí chết người.Tương tự, trong hơn một thập niên, các bệnh nhân tim mạch ở châu Âu được cho sử dụng thuốc ức chế beta trước khi phẫu thuật, với mục đích làm giảm các cơn đau tim và đột quỵ - dựa trên một nghiên cứu năm 2009. Nghiên cứu này đã bị "điểm danh" là có ít nhất một phần dữ liệu bịa đặt. Theo một ước tính, phương pháp này có thể đã gây ra 10.000 ca tử vong mỗi năm chỉ riêng ở Anh.Một nghiên cứu nổi tiếng về bệnh Alzheimer - một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất trên toàn cầu được thực hiện tại Đại học Minnesota đã đi rất xa và cũng để lại hậu quả khá lớn cho đến hiện nay. Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí Nature năm 2006 bởi nhà thần kinh học Sylvain Lesné. Lesné tuyên bố chứng minh được nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ trong thí nghiệm ở chuột. Tuy nhiên, đến năm 2021, Matthew Schrag, một nhà thần kinh học và bác sĩ tại Đại học Vanderbilt, phát hiện rằng những hình ảnh trong nghiên cứu này có dấu hiệu cố ý gian lận.Một số thử nghiệm lâm sàng về bệnh Alzheimer hiện nay được gợi ý từ nghiên cứu này có nguy cơ đổ sông đổ biển. Nhiều năm phát triển thuốc chữa Alzheimer trị giá hàng chục triệu USD có thể đã bị lãng phí. Tiền đề cơ bản về nguyên nhân gây bệnh Alzheimer và nói rộng ra, loại thuốc nào cần được phát triển để điều trị căn bệnh này giờ đây có thể phải xem xét lại. Đó là chưa nói đến việc các tình nguyện viên thử thuốc có thể đối mặt với những rủi ro sức khỏe khác. Tags: Nghiên cứu y khoa:Y khoaNghiên cứuNghiên cứu khoa họcKhông trung thựcGiả mạoDữ liệu
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.