TTCT - Mức đầu tư cho năng lượng trên toàn thế giới còn quá thấp khi kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng một thời gian dài chủ yếu chỉ dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Thời đại “đào dầu mỏ lên ăn” ắt phải đi tới hồi kết, và chi phí cùng các loại thuế khóa liên quan tới năng lượng ắt phải gia tăng. Điều khó khăn nhất là làm sao các chính phủ phải trung thực với người dân của mình về thực tế đó. Cả các nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đều sắp phải dò dẫm bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ của biến đổi khí hậu, hậu đại dịch, lạm phát và bất ổn cùng những ngụ ý đảo lộn với ngành kinh doanh cốt lõi xăng dầu nói riêng và nhiên liệu nói chung. Ảnh: The Economic Times Giai đoạn thứ nhất, vào đầu những năm 2010, có đặc điểm là sự thờ ơ. Giai đoạn thứ hai, vài năm qua, là thời kỳ đeo đuổi lý tưởng với những mục tiêu cắt giảm khí thải trong tương lai xa xôi mà ngày nay chẳng tốn kém gì ngoài những lời hứa. Năm 2022 đánh dấu khởi đầu cho giai đoạn thứ ba của hành trình, khi giá năng lượng biến động mạnh, rủi ro địa chính trị tăng cao và lạm phát đe dọa.Thế giới năm 2021 đầy những lời hứa hào nhoáng. Khoảng 70 quốc gia, chiếm 2/3 lượng phát thải khí carbon trên thế giới, đặt ra mục tiêu không làm tăng tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (net-zero) cho tới giữa thế kỷ này. Rất nhiều người ở các nước phát triển bày tỏ lo lắng về biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp cũng hứa hẹn rất nhiều về giảm phát thải và kinh doanh xanh. Lĩnh vực công nghệ xanh được đầu tư mạnh tay và trở thành một xu thế kinh doanh chủ đạo.Nhưng thực tế nghiệt ngã khác hẳn những ước mơ. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại từ giữa năm 2021 thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng cao. Tới tháng 10, giá rổ hàng hóa nhiên liệu tiêu chuẩn đã tăng 95% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc và Ấn Độ đối mặt những đợt cúp điện diện rộng, châu Âu thì thiếu khí đốt, mà họ thường mua từ Nga, và giờ là mặt hàng đứng trước nhiều rủi ro địa chính trị. Sự thiếu hụt năng lượng hóa thạch, vẫn chiếm khoảng 83% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu, khiến lạm phát thế giới tăng khoảng 5%, làm chậm lại nhịp tăng trưởng và gây bất mãn trong dân chúng. Các biện pháp đối phó cho tới giờ không mấy sáng sủa: Trung Quốc và Ấn Độ lại tăng sản lượng than đá; Anh khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, và khi giá dầu lên tới 80 USD một thùng, Mỹ hối thúc OPEC tăng xuất khẩu.Năm 2022 này, an ninh năng lượng trở thành vấn đề của cả thế giới. Phần dễ nhất hiện là vấn đề kỹ thuật. Hầu hết các lưới điện hiện không dung nạp được hết những nguồn năng lượng tái chế như mặt trời hay điện gió. Khí đốt sẽ phổ biến trở lại và điện hạt nhân sẽ được tái khởi động ở một số vùng. Trong những năm sau thảm họa Fukushima Nhật Bản 2011, tỉ lệ sử dụng năng lượng hạt nhân toàn cầu giảm dần, xuống chỉ còn 4% tổng mức tiêu thụ năng lượng, nhưng nhiều nước hơn sẽ muốn học theo nước Pháp, nơi tỉ lệ đó là 36%. Công nghệ mới sẽ rất có ích, trong mọi lĩnh vực, nhưng sẽ không đủ để trả lời cho mọi câu hỏi.Cho tới giờ, các giải pháp chỉ mang tính đối phó: giảm thuế đánh vào xăng dầu, tăng sản lượng, mở kho dự trữ, trợ cấp nhà nước… Về lâu dài, một ước tính của The Economist cho thấy thế giới cần đầu tư 5.000 tỉ USD để đạt mục tiêu phát thải net-zero vào giữa thế kỷ này, và tổng mức đầu tư hiện giờ chỉ mới được một nửa như vậy. Đôi khi sự quyết liệt “xanh hóa” năng lượng lại cản trở những bước tiến dài hạn: quá ít các khoản đầu tư cho những dự án khí đốt mới khiến châu Á gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng loại nhiên liệu này như một “cầu nối xanh hơn” để chuyển hẳn sang các loại nhiên liệu xanh thực sự.Phần khó khăn nhất của thực tế phũ phàng trong những năm tới sẽ là sự trung thực của nhà nước với dân chúng của mình. Vì đầu tư cho năng lượng ước tính phải tăng từ 2% lên 5% GDP, giá nhiên liệu, thuế, phí… ắt phải tăng lên, tác động trực tiếp lên túi tiền người dân, và không chỉ có các hộ gia đình. Khoảng 1/5 lượng phát thải hiện giờ thuộc về các hãng xưởng công nghiệp. Không giống như năng lượng cho mục đích sinh hoạt, họ khó lòng tìm được sự thay thế xanh ngay lập tức.Ngoài ra, nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch luôn đi kèm rủi ro địa chính trị - đã hiển hiện ngay những tháng đầu năm này ở biên giới Nga - Ukraine. OPEC và Nga dự kiến chiếm 50% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu vào năm 2030. Cuối cùng, thế giới đang phát triển chiếm 2/3 tổng lượng phát thải carbon liên quan đến nhiên liệu toàn cầu, nhưng lại thiếu tiền mặt và cơ sở công nghệ để đầu tư hay phát minh trên đường tiến tới năng lượng xanh. Tags: Giá dầuNăng lượngNhiên liệuGiá xăng
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.