
Nguồn cung cà phê toàn cầu được dự báo giảm do ảnh hưởng của thời tiết - Ảnh: N.TRÍ
Kết thúc phiên giao dịch rạng sáng 1-5 trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta tăng từ 1,01-1,34%; trên sàn NewYork (Mỹ), giá cà phê Arabica tăng nhẹ từ 0,24-0,47% so với phiên giao dịch trước đó.
Giá cà phê Robusta ở kỳ hạn giao tháng 7-2025, tăng 71 USD/tấn, lên 5.369 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 1-2026, tăng 53 USD/tấn, lên 5.155 USD/tấn.
Giá Arabica cao nhất cũng ở kỳ hạn giao tháng 7-2025, lên 8.840 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn.
Ghi nhận trong nước cho thấy giá cà phê nhân xô được giao dịch hiện giữ ở mức tương đối ổn định so với hai ngày trước đó, với giá cao nhất ở mức khoảng 131.000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng ở ngưỡng 129.500-131.000 đồng/kg. Trong khi đó, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai ở mức 127.500-129.500 đồng/kg.
Đại diện Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng sự ổn định về giá đối với cà phê trong nước chủ yếu do thị trường đang trong kỳ nghỉ lễ, nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn cung hạn chế. Ngoài ra, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng giữ hàng lại.
Theo các chuyên gia, thị trường cà phê toàn cầu đang biến động mạnh về giá do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến nguồn cung cà phê tại các nước sản xuất chính.
Tại Việt Nam, thời tiết khô hạn tác động đến chất lượng và năng suất. Thị trường cà phê toàn cầu có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, đặc biệt là cà phê Robusta, mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Theo Vicofa, trong quý 1-2025, giá cà phê nội địa dao động phổ biến trong ngưỡng 125.000-.000 đồng/kg, đây được xem là mức giá cao, tạo cơ hội cho ngành hàng tăng trưởng. Tuy nhiên, việc giá cà phê thế giới có những thời điểm diễn biến trái chiều với giá cà phê trong nước, điều này đặt ra những rủi ro cho các doanh nghiệp trong việc mua bán, nhất thời điểm giá đang ở mức cao.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, từ đầu năm đến hết ngày 15-4, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 580.999 tấn, kim ngạch tăng gần 47%, đạt 3,3 tỉ USD. Với kết quả này, cà phê đã vượt qua thủy sản để trở thành mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tình hình giá cả duy trì như hiện tại, giá trị xuất khẩu mặt hàng này cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục với trên dưới 8 tỉ USD.
Brazil vào vụ với sản lượng được dự báo giảm
Cuối tháng 4, vụ thu hoạch cà phê Robusta của Brazil bắt đầu, và Arabica vào khoảng tháng 7 tới.
Theo dự báo của sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2025-2026 sẽ giảm 6,4% xuống còn 62,8 triệu bao, tương đương 3,768 triệu tấn.
Arabica dự kiến mất mùa khi hụt 13,6% sản lượng, còn 38 triệu bao, tương đương 2,28 triệu tấn. Ngược lại, Robusta Brazil dự báo đạt kỷ lục về sản lượng khi có thể tăng 7,3%, với 1,482 triệu tấn, phần nào bù đắp sự sụt giảm của Arabica.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận