EU thông qua gói trừng phạt Nga 'mạnh nhất trước nay'

Gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đánh vào ngành năng lượng Nga, được thông qua sau khi Slovakia thôi phản đối vì đã nhận được những nhượng bộ mong muốn từ Brussels.

trừng phạt Nga - Ảnh 1.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, ngày 18-7 Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua gói trừng phạt kinh tế thứ 18 nhằm vào Nga.

Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas phát biểu về gói trừng phạt này: "EU vừa phê duyệt một trong những gói trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga. Mỗi lệnh trừng phạt đều làm suy yếu khả năng tiến hành chiến tranh của Nga.

Thông điệp rất rõ ràng: châu Âu sẽ không lùi bước trong việc hỗ trợ Ukraine. EU sẽ tiếp tục tăng áp lực đến khi Nga chấm dứt cuộc chiến".

Siết chặt nguồn thu từ năng lượng của Nga

Nội dung quan trọng nhất trong gói trừng phạt là việc hạ giá trần áp lên dầu mỏ Nga xuất khẩu sang các nước thứ ba xuống 15% thấp hơn giá thị trường.

Dự kiến mức giá trần mới sẽ bắt đầu từ 47,6 USD và có thể được điều chỉnh dựa trên diễn biến giá dầu tương lai.

Đây là lần đầu tiên mức giá trần này bị giảm kể từ khi phương Tây áp dụng hình thức trừng phạt này lên Nga vào tháng 12-2022. Khi ấy, giá trần được phương Tây áp đặt là 60 USD.

Ban đầu, hình thức áp giá trần được xem là đòn trừng phạt "đau đớn" của phương Tây nhắm vào nguồn thu tài chính của Nga.

Các nước phương Tây, vốn giữ thế gần độc quyền trong ngành bảo hiểm toàn cầu và kiểm soát các tuyến đường hàng hải quan trọng, đã cấm các công ty vận tải biển và bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho các chuyến tàu chở năng lượng Nga có giá vượt mức trần quy định nêu trên.

Ngoài việc giảm giá trần, EU còn đưa hơn 100 tàu khác vào danh sách đen "hạm đội bóng đêm". Đây là nhóm tàu chở dầu cũ kỹ được Nga âm thầm sử dụng để "lách" qua các biện pháp trừng phạt.

EU cũng đưa ra một số biện pháp ngăn ngừa việc các đường ống khí đốt Biển Baltic Nord Stream 1 và 2, vốn từng được xem là "mạch máu" năng lượng cho châu Âu, được đưa vào hoạt động trở lại.

Ngoài các biện pháp trên, gói trừng phạt mới nhất còn phạt cả một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu Nga ở Ấn Độ và hai ngân hàng Trung Quốc. Các lệnh cấm giao dịch đối với các ngân hàng Nga và hạn chế xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng với nước này cũng được EU tăng cường.

Ukraine hoan nghênh

trừng phạt Nga - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhanh chóng lên tiếng chúc mừng "quyết định của EU mà tất cả chúng ta (Ukraine và châu Âu) đã cùng nhau nỗ lực tích cực".

Ông Zelensky nói: "Chúng tôi đã thành công trong việc tăng cường gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga vì cuộc chiến này. Gói trừng phạt tiếp tục gây áp lực lên đội tàu chở dầu Nga.

Chúng tôi sẽ tiếp tục áp lực này. Phối hợp với các đối tác khác trên thế giới, chúng tôi sẽ nỗ lực đảm bảo mức trần giá thực sự cắt giảm doanh thu của Nga. Điều này là khả thi. Chúng tôi đã biết cách áp dụng áp lực.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh quyết định cấm mọi giao dịch liên quan đến hệ thống đường ống Nord Stream của EU, cũng như cấm việc xây dựng lại đường ống này.

Tất cả cơ sở hạ tầng Nga phải bị phong tỏa. Chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị đồng bộ hóa các lệnh trừng phạt châu Âu ở Ukraine".

Gói trừng phạt thứ 18 được thông qua sau khi các lãnh đạo EU thuyết phục được Thủ tướng Slovakia Robert Fico rút lại lập trường phản đối, vốn đã kéo dài suốt nhiều tuần qua.

Slovakia là quốc gia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Do đó Bratislava đặc biệt phản đối các kế hoạch trừng phạt Nga của EU, trong đó có lộ trình ngừng hẳn việc nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2027.

Ông Fico được cho là đã nhận cái ông gọi là "sự đảm bảo" từ Brussels về giá khí đốt, để đổi lại cái gật đầu ngày 18-7.

Hiện Nga và Slovakia chưa bình luận về vấn đề này.

EU thông qua gói trừng phạt Nga 'mạnh nhất trước nay' - Ảnh 4.Thời hạn 50 ngày cho đàm phán của ông Trump là cơ hội vàng của Nga

Việc ông Trump cho Tổng thống Putin thời hạn 50 ngày để đàm phán hòa bình trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đang vô tình tạo ra 'khoảng trống chiến lược' cho Nga đẩy mạnh chiến dịch tấn công Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Eu trừng phạt Nga ukraine