TTCT - Đã 10 năm, sau Khúc cầu nguyện, Ea Sola tạm xa Việt Nam. Để một ngày tháng 7-2011, Sài Gòn, người phụ nữ từng là huyền thoại múa đương đại hơn 10 năm trước, trở về. Một cảnh trong vở múa Hạn hán và cơn mưa của Ea Sola - Ảnh: nhân vật cung cấp Đôi mắt nâu nhạt trên gương mặt với làn da trắng mịn khó tìm thấy ở một người châu Á khiến Ea Sola có cái vẻ trẻ thơ kỳ lạ. Chị nói chuyện thật chậm rãi, tiếng nói nhẹ bẫng như tiếng thở, tự thả mình trôi vào những hồi ức đẹp đẽ của người đàn bà múa 20 năm về trước, thời điểm những năm 1990. Ký ức Việt Nam vọng lại trong tôi tuyệt đẹp - Tôi đã lớn lên trong một cuộc chiến tranh. Và tôi là một người nghiên cứu trước khi trở thành một người múa. Tôi tìm về đất nước, thời ấy nước mình rất khác. Tôi tìm đến những con người mang trong mình một thứ văn hóa mà có lẽ đã tồn tại từ lâu lắm rồi, văn hóa ở nông thôn. Mục đích của tôi là tìm hiểu cách sống của người lao động, của người nông dân, của người đi cày, đi cấy. Đồng thời những người ấy cũng là những người biết múa, biết hát. Đó là những thứ mà trước đó, khi vì hoàn cảnh riêng của gia đình, phải rời đất nước, tôi đã chưa biết hết. Trước khi trở về, tôi thấy thiếu thốn lắm, có lẽ bởi chiến tranh đã không cho mình được sống, được cảm như một người bình thường. Chiến tranh đã che đi, rút đi những điều bình thường ở cuộc sống bình thường. Đó là những sinh hoạt, những nghi lễ, việc thờ ông bà với những đền, đình, chùa, miếu... và tiếng hát. Tôi thiếu thốn hoặc nói đúng hơn trong tôi chỉ có âm hưởng của ký ức. Ký ức Việt Nam vọng lại trong tôi là tiếng hát tuyệt đẹp, sâu thẳm. Tôi vừa muốn nghe lại, vừa muốn hiểu tại sao nó đẹp như thế... Hành trình trở về của Ea Sola là hành trình tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi, rằng tại sao tôi phải rời Việt Nam? Câu hỏi này đến với Ea Sola từ trước khi chị rời Việt Nam, vẫn tồn tại khi chị đã đến Pháp nhưng nó biến chuyển sang một khía cạnh khác rộng rãi hơn, tại sao có chiến tranh? Câu hỏi ấy đã xui khiến chị đi từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác, từ nhạc đến múa rồi đến cách sống của con người. Ea Sola Thủy là một nghệ sĩ múa đương đại nổi tiếng, chị có cha người Việt, mẹ người Pháp. Sau khi học Trường múa Hoàng gia Paris, Ea Sola đã đi nghiên cứu về văn hóa khắp nơi, rồi trở thành thành viên của Câu lạc bộ biên đạo múa thế giới. Trở về Việt Nam, chị được biết đến như một nghệ sĩ múa đương đại tiên phong với các tác phẩm múa gây xôn xao dư luận trong nhiều năm: Hạn hán và cơn mưa, Ngày xửa ngày xưa, Cánh đồng âm nhạc, Thế đấy thế đấy, Khúc cầu nguyện, Ký ức - Hạn hán và cơn mưa... Hiện chị đang chuẩn bị cho một vở diễn mới, dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay tại Hà Nội và TP.HCM.* Đó có phải là khởi nguồn cho việc chị luôn tìm kiếm câu hỏi tại sao và là lý do để vở múa Thế đấy thế đấy (Voilà voilà) ra đời như một phần giải đáp cho câu hỏi ấy? - Không, cho đến hôm nay tôi vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi đó. Nhưng tôi đang bắt đầu nhìn thấy, sờ thấy được vài con đường có thể cho tôi câu trả lời, mới đây thôi, khoảng chừng hai, ba năm nay thôi. Câu hỏi ấy đã kéo dài cả cuộc đời tôi. Và nếu tìm được câu trả lời, nó cũng sẽ là những mảnh khác nhau. * Hình như sau vở Khúc cầu nguyện, chị đã định giã từ múa. Giã từ ở đây là giã từ nghiệp múa hay chỉ là cách nói bóng bẩy cho việc sẽ rời xa sân khấu? - Lúc đó tôi muốn kết thúc. Không muốn trở lại với sân khấu. Tôi gặp nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là cách làm việc của sân khấu với tôi có những thứ không phù hợp. Khi mình chuẩn bị cho một vở diễn để ra mắt khán giả, cũng giống người làm văn chương, câu chuyện sẽ đến với não người đọc thì không thể viết bừa bãi. Làm sân khấu với tôi cũng thế. Sân khấu tốn quá nhiều thời gian và không phải năm nào mình cũng có cái gì để nói. Nhưng hệ thống sân khấu châu Âu quyết định năm nào các tác giả cũng ra một vở. Ở Pháp, nếu muốn nhận tiền trợ cấp sáng tác nghệ thuật của Chính phủ Pháp thì bạn cũng phải công diễn ít nhất một vở mỗi năm. Thêm nữa, phải có người Pháp tham gia dự án cộng nhiều thứ trong khuôn khổ khác mới có thể nhận được trợ cấp. Còn tôi, lại về nước, rồi làm việc với toàn người Việt Nam, lại rất tốn thời gian. * Nhưng trước khi trở về Việt Nam, chị cũng ý thức được những ràng buộc của hệ thống sân khấu châu Âu với các tác giả nhận trợ cấp sáng tác chứ? - Tất nhiên rồi, nhưng tôi đâu chỉ làm cho mình tôi, còn có diễn viên, mà mỗi diễn viên với tôi là một con người. Mình phải cho họ thời gian để họ ý thức rõ rệt câu chuyện mà họ sẽ tham gia một cách tự nguyện như là lời nói của chính họ, việc của chính họ. Tôi cũng không muốn sự trở về của tôi giống như một người đã được học về khái niệm nghệ thuật đương đại ở phương Tây, rồi đem nó về và thêu lên da thịt các diễn viên của tôi. Thêu lên thì đau lắm... Tôi không làm việc với diễn viên theo cách đó. Tôi để họ hiểu, họ rút kinh nghiệm và khi họ trình diễn thì nó sâu hơn, mạnh hơn. Như khoa học, tôi gọi đó là quá trình tiến hóa trong công việc. Và mỗi lần trình diễn lại là một lần biểu lộ trạng thái của những câu hỏi mà tôi đã đặt ra cho cả cuộc đời mình. Diễn viên của tôi đã đi từ ký ức chung đến ký ức riêng, nói lên cái tôi của chính họ, không phải cái tôi của phương Tây. * Khoảng cách thời gian giữa các vở diễn mà cụ thể là từ Hạn hán và cơn mưa đến Khúc cầu nguyện có phải là một khoảng thời gian cơ học đều đặn mỗi năm một vở mà chị đã nói? - Không, tôi không tính như vậy. Tôi tính thời gian từ trước những năm 1990 khi tôi bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu. Tôi đã gặp những con người trong Hạn hán và cơn mưa (công diễn năm 1995) từ trước đó nhiều năm. Phải tính thế này, từ Hạn hán và cơn mưa đến Khúc cầu nguyện (công diễn năm 2000) là 10 năm tôi đã sống với sân khấu múa. Trong một quá trình gọi là tiến hóa ấy, ý tưởng đã hình thành từ rất lâu mà ký ức về chiến tranh chính là khởi nguyên. Tôi đã đặt câu hỏi tại sao với những diễn viên của mình. Và công việc đâu phải chỉ bắt đầu từ phòng tập? Công việc đã bắt đầu từ trước khi tôi gặp họ rồi. * Quyết định ngừng múa, chị đã sống ra sao khi không còn sân khấu? - Với tôi, làm sân khấu đầy những khó khăn. Tôi thật sự mệt mỏi và không muốn tiếp tục làm tổn thương mình vì nếu mình tổn thương thì khán giả cũng sẽ tổn thương và như thế là có tội. Tôi ngồi vào bàn, viết sách. Dù rằng bắt đầu việc này không dễ. Đang từ một người có tên, phải tự bắt mình biến thành vô danh. Rất lâu tôi mới thoát ra khỏi sự đấu tranh trong chính mình, không - nghĩa là không là cái gì nữa. Nghĩa là khi đặt cái tên mình tồn tại, hóa ra nó có một ảnh hưởng trong mình. Nhưng khi thoát ra được rồi, tôi thấy mình có một sức mạnh khác, sức mạnh của sự tự do. ... Trong những lời kể tưởng như lan man của chị, tôi lờ mờ nhận ra Ea Sola muốn ngưng múa còn bởi một lý do khác. Mỗi vở diễn của Ea Sola làm xong, khi nào công diễn cũng tại Việt Nam chứ không phải nước ngoài như một sự tri ân, một tình cảm đặc biệt mà chị dành cho quê hương. Nhưng Ea Sola muốn dừng lại vì thấy không có ai trong nước làm múa đương đại như mình, chị muốn có đồng nghiệp để cạnh tranh cũng không có. Rút lui khỏi sân khấu cũng là cách để không tiếp tục làm cái bóng quá lớn. Dừng lại để mong mình biến đi, để thấy người khác xuất hiện trên con đường mà có thể nói, Ea Sola đã tạo ra ở Việt Nam. Ea Sola - Ảnh: Gia Tiến Tôi không khóc nữa, vì sẽ lại trở về... Khúc cầu nguyện của Ea Sola sau sự cố khủng bố nước Mỹ 11-9-2001 được mời diễn trên thế giới nhiều đến mức đáng ngạc nhiên. Nhưng ngạc nhiên hơn là loại hình nghệ thuật mà Ea Sola theo đuổi ở Việt Nam được coi là nghệ thuật múa đương đại phương Tây thì ở phương Tây lại nói không phải như thế, đây là một nghệ thuật khác, rất mới. Thời điểm đó, Ea Sola đã bắt đầu với một đề tài khác, đó là người di cư. Số phận những người di cư ở nơi nào cũng nhiều đau đớn đến mức nhục nhã. Đó là những người mà Ea Sola nói “trong mắt người bản địa, họ là một thứ rác, họ đang ăn cắp đất, ăn cắp kinh tế, ăn cắp miếng bánh mì của đất nước người ta...”. Đề tài đã xong, mọi người đã đồng ý, tên của dự án Welcome cũng thành hình, đột nhiên Ea Sola viết một lá thư gửi tất cả mọi người, ngưng lại. Thấm thoắt chuyện đó cũng đã 10 năm. * Chị đã tĩnh được bao lâu cho mình, để viết? - Tôi đã ngồi viết liên tục trong ba năm kể từ năm 2003 khi Khúc cầu nguyện không còn diễn nữa. Rồi tôi đi nghiên cứu về người lao động ở Trung Quốc. Tôi gặp nhiều người trẻ, giữa thời toàn cầu hóa này, tôi bắt đầu muốn biết họ nghĩ gì về chiến tranh, về chết chóc. Những cái muốn đó lại khiến tôi vừa muốn viết tiếp vừa muốn làm gì đó vì cảm giác nếu mình không làm là mình hèn. Tôi lại trở về Việt Nam. Dù vài năm nay trong tôi không còn khái niệm biên giới nữa. Ngày trước, khi rời Việt Nam, tôi nức nở. Khi trở về, tôi cũng nức nở. Còn bây giờ tôi không khóc nữa. Vì tôi biết nếu có ra đi, tôi cũng sẽ lại trở về. Khi nhắc điều này nó lôi ra trong tôi biết bao hình ảnh, đó là những hình ảnh tôi hằng bảo vệ, tôi không muốn quên, tôi không bắt ai đừng quên và cá nhân tôi sẽ không bao giờ quên. * Chị từng nói chị yêu tất cả những ngôi nhà, nhưng dường như với mỗi người phụ nữ, sự gắn bó sẽ hiển hiện ở một ngôi nhà nào đấy? - Không, tôi chưa bao giờ có thật sự một ngôi nhà. Ngôi nhà gắn bó nhiều nhất nó đang nằm ở trong đầu tôi thôi. * Rồi chị sẽ dừng lại ở đâu khi đã mỏi chân trong cuộc hành trình này? - Ở quê tôi, Gia Lai. Ý chị muốn nói đến cái chết ư? (Cười) Nhưng trong giấc mơ, nơi tôi muốn trở lại rất lấy làm lạ lại là Thái Bình. Bây giờ tôi muốn vô cùng được có khoảng ba tuần về một hai ngôi làng tôi đã từng tới, nằm ngủ trong căn nhà của mấy bà, nghe những tiếng động xưa, nghe tiếng gà kêu chẳng hạn. *** Chia tay, Ea Sola đi ngược lên đường Đồng Khởi, cái dáng đi hấp tấp nhanh thoăn thoắt. Cái dáng đi trăm phần là trắc trở, vất vả như các cụ vẫn bàn về tướng nữ. Bất giác tôi nhớ đến câu thơ của Vi Thùy Linh viết về chị: Ðừng nhắc loài tử đinh hương nào - Nàng mắt nâu da trắng tóc chạm eo đóa hoa bí ẩn - Sáng tạo và múa câu chuyện của đồng loại - Múa câu chuyện của mình với thân thể ma lực quyến rũ diễn tả cảm giác quá khứ ẩn ức tương lai, đương đại chính đáng - Bằng toàn bộ cơ thể bằng tóc, tiếng ngân... Chắc chắn người đàn bà múa trong Ea Sola chưa dừng lại, chị chỉ mới tạm dừng chân cho bớt mỏi để lần trở về này, mang theo nhiều bí mật bất ngờ êm dịu hơn... Tags: Ký ức Việt NamEa SolaHuyền thoại múa đương đại
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.