24/04/2025 11:08 GMT+7

Duy trì 6 ngạch công chức, bổ sung quy định khắc phục 'biên chế suốt đời'

Dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đề xuất duy trì 6 ngạch công chức, bổ sung các quy định quản lý, sử dụng để khắc phục 'biên chế suốt đời'.

công chức - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dự luật dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Giữ nguyên 6 ngạch công chức

Tờ trình nêu rõ tại dự luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức.

Nội dung được chỉnh lý, thay đổi đáng kể trong bản dự thảo mới nhất này so với các dự thảo Bộ Nội vụ lấy ý kiến trước đó là tiếp tục giữ quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức để bảo đảm ổn định đội ngũ cán bộ, công chức.

Hoàn thiện khái niệm về vị trí việc làm và ngạch để làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở, nguyên tắc khi được bố trí vào vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được xem xét bổ nhiệm vào ngạch tương ứng (bỏ thi nâng ngạch).

Việc bố trí vị trí việc làm phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với sản phẩm, kết quả cụ thể theo nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống".

Về ngạch công chức, tại dự luật quy định gồm: chuyên viên cao cấp và tương đương; chuyên viên chính và tương đương; chuyên viên và tương đương; cán sự và tương đương; nhân viên; ngạch khác theo quy định của Chính phủ.

Theo Luật Cán bộ, công chức 2008 được bổ sung bởi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, ngạch công chức gồm chuyên viên cao cấp và tương đương; chuyên viên chính và tương đương; chuyên viên và tương đương; cán sự và tương đương; nhân viên; ngạch khác theo quy định của Chính phủ.

Về phân loại theo vị trí việc làm, dự luật quy định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Trước đó tại dự luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồi đầu tháng 4, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức hiện hành như vấn đề bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch, nâng ngạch, tổ chức thi nâng ngạch công chức. Đồng thời các nội dung liên quan cũng được loại bỏ...

Như vậy so với dự luật cũ, dự luật mới nhất đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung.

Đề xuất không quy định công chức phải tập sự

Dự luật cũng đổi mới phương thức tuyển dụng theo vị trí việc làm. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng có thể thực hiện tuyển dụng công chức vào tất cả các vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý.

Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm và được bổ nhiệm vào ngạch công chức của vị trí việc làm trúng tuyển. Do đó, dự thảo luật không quy định công chức phải tập sự.

Đồng thời để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", dự luật không quy định việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Việc tuyển dụng công chức do các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục chế độ "biên chế suốt đời".

Dự luật có quy định, việc tuyển dụng công chức vào vị trí việc làm được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển.

Người có tài năng từ khu vực ngoài công lập, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức, người quản lý tại doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận.

Cơ quan quản lý công chức thực hiện tuyển dụng hoặc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan sử dụng công chức thực hiện.

Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ban hành quyết định tuyển dụng, bố trí theo vị trí việc làm tuyển dụng và bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng đối với người trúng tuyển...

Đề xuất duy trì 6 ngạch công chức, loại bỏ 'biên chế suốt đời' - Ảnh 3.Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên biên chế công chức xã sau sáp nhập

Tại dự Luật Cán bộ, công chức đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập cho đến khi hoàn thành rà soát, tinh giản, cơ cấu lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên