Đúng quy trình, vô lương tâm

ĐỨC HOÀNG 03/08/2016 21:08 GMT+7

TTCT - “Lương tâm có phải là bẩm sinh?” - câu hỏi trong một đề thi tú tài triết học từ nửa thế kỷ trước vừa được “khai quật” trên mạng, tỏ ra chưa hề cũ. Nếu lương tâm là bẩm sinh, tại sao vẫn có nhiều người có thể tỏ ra vô lương tâm đến thế?

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương


Ngoài 20 tuổi, Võ Văn Tiếng đi nghĩa vụ quân sự về và bắt đầu đóng vai một kẻ gàn. Gia đình sống bằng nghề trồng lúa mấy đời, nhưng Tiếng lên án cách làm nông nghiệp của cả gia đình, thậm chí là cả xã hội.

Tiếng thậm chí nói với ba mình: “Lúa của ba không phải là thực phẩm”. Lúa của ba, trong mắt Tiếng, chỉ tạo ra những hạt gạo ngậm hóa chất. Tiếng lý luận, thực trạng sức khỏe của người Việt Nam như ngày nay, ung thư nhiều như vậy, liệu có phải là kết quả của việc làm nông nghiệp phụ thuộc vào hóa chất không? Tiếng muốn làm nông nghiệp mà không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân bón.

Ba Tiếng tất nhiên rất giận. Chỉ có người mẹ thương con, cho Tiếng mượn 2ha của nhà để làm cái thứ lúa mà Tiếng muốn làm. Tiếng cặm cụi trồng lúa không hóa chất, đặt tên lúa là Tâm Việt. Chuyện của cậu trai ấy sau khi đưa lên báo tạo ra rất nhiều tranh cãi.

Nhiều người nhảy vào tuyên bố rằng đấy là một cách làm phi khoa học, rằng rồi ruộng của Tiếng sẽ trở thành cái ổ sâu bệnh cho những nhà xung quanh. Nhưng nhiều người thừa nhận rằng Tiếng đã làm một việc đúng đắn.

Động cơ của việc chống lại một “quy trình” chưa bao giờ bị hoài nghi như thế, không phải là lợi nhuận. Năng suất mỗi vụ trên ruộng của Tiếng chỉ bằng 60% so với phương thức canh tác thông thường. Giá bán thì đắt hơn nhiều. Tiếng cũng chẳng có tiền làm marketing. Hiệu quả kinh doanh rất ì ạch. Gọi cho Tiếng khi chuẩn bị thu hoạch vụ thứ hai, Tiếng khoe rằng sắp bán hết gạo của... vụ thứ nhất.

Nó có thể được gọi là lương tâm. Chưa bàn đến cách làm đúng hay sai, nhưng động cơ của nó, mười lần như một, Tiếng đặt ra câu hỏi về “sức khỏe của người Việt Nam”.

Là lợi ích chung. Và mơ ước của cậu là dùng cánh đồng của mình làm mẫu để thuyết phục những hộ gia đình xung quanh trồng theo cách của mình. Mục tiêu của Tiếng vẫn còn xa.

Nhưng thỉnh thoảng, ở đâu đó, bạn sẽ bắt gặp một người làm việc không theo lề thói chung như thế. Họ hướng tới một thứ lợi ích cao hơn những lợi ích cá nhân thông thường, chỉ vì muốn.

Trong phần khái niệm về “lương tâm” trên từ điển mở Wikipedia, người ta để hình ảnh của tiến sĩ James Hansen bị áp giải trong một cuộc bất tuân dân sự phản đối việc vận chuyển cát dầu từ Mỹ về Canada làm minh họa.

Cát dầu thải ra một lượng khí nhà kính gấp nhiều lần so với dầu mỏ, từ lúc chưng cất đến sử dụng. James Hansen là một nhà khoa học có uy tín của NASA, sau khi nghỉ hưu ở tổ chức này, ông dùng uy tín của mình cho các hoạt động đấu tranh bảo vệ môi trường.

Việc có nên chưng cất và sử dụng cát dầu hay không có thể sẽ còn gây tranh cãi trong lòng nước Mỹ. Và tất nhiên việc đó đã được thông qua “đúng quy trình” của một hệ thống hành chính nổi tiếng là chặt chẽ.

Nhưng động cơ của James Hansen cũng gần tương tự với động cơ của Võ Văn Tiếng khi cậu nói câu “Lúa của ba không phải thực phẩm” và chống lại quy trình trồng lúa truyền thống. Có thể gọi đó là lương tâm.

“Lương tâm” là một khái niệm đã được định nghĩa nhiều lần trong lịch sử triết học. Nói một cách dễ hiểu nhất, nó là sự nhận biết giữa “xấu” và “tốt”. Một số người tin rằng lương tâm là bẩm sinh, như Emmanuel Kant.

Lương tâm của một người không cho phép người đó làm những điều phương hại đến bản thân mình, và chính bởi vì thế, lương tâm không cho phép ta làm hại người khác. Một số người khác, như Bonaventura, thì cho rằng lương tâm là cả bẩm sinh lẫn qua thao luyện.

Nhưng kể cả có thừa nhận lương tâm là bẩm sinh thì trong dòng chảy của sự phát triển, khi các mối quan hệ kinh tế - chính trị - xã hội - tự nhiên ngày càng phức tạp, thì thế nào là “xấu” và thế nào là “tốt” ngày càng khó phân định. Khai thác cát dầu hay thiếu năng lượng; bón phân hóa học hay giảm sản lượng; chọn cá hay chọn thép... đều là những cặp phạm trù gây tranh cãi giữa “xấu” và “tốt”.

Và rõ ràng là khi lằn ranh giữa “tốt” và “xấu” ngày càng khó phân định thì “lương tâm” đòi hỏi người ta phải tự phản tỉnh nhiều hơn.

Một nông dân quyết đứng ngoài cuộc nuôi trồng bằng hóa chất, một tiến sĩ phản đối khai thác dầu, sẽ thật khó kết luận rằng họ đúng hay sai, nhưng họ đã quyết định để lương tâm của bản thân lên tiếng. Tiếng chống lại quy trình. Hansen chống lại quy trình. Họ phản tỉnh.

Và bên cạnh đấy thì cũng có những người thản nhiên trả lời rằng mình đã làm mọi thứ “đúng quy trình” sau khi cái xấu hiển hiện. Một doanh nghiệp thua lỗ sau khi đã bổ nhiệm lãnh đạo đúng quy trình; một vùng đất ô nhiễm sau khi đã phê duyệt dự án đúng quy trình.

Trong những biện luận đó, không có sự xuất hiện của lương tâm. Hoàn toàn không, bởi vì ngay cả “sự thư thái của lương tâm”, theo Marx, cũng là sự thôi thúc làm điều tốt đẹp cho xã hội, chứ không phải là sự yên tĩnh thụ động.

Lương tâm có thể là bẩm sinh nhưng lương tâm cũng có thể ngủ quên. Để nó xuất hiện đôi khi cần một câu hỏi phản tỉnh rất dũng cảm. Bởi vì các thiết chế sẽ không bao giờ là hoàn hảo và luôn cần đổi mới, nên cuối cùng thì cái khái niệm “đúng quy trình” có thể là một thứ rất vô lương tâm.

Nếu có một thứ gì đấy có thể bổ khuyết hiệu quả cho “quy trình” thì nó có thể là “lương tâm”. Nếu có thứ gì đấy có thể giúp người ta trốn vào khi không có lương tâm thì đó có thể là “quy trình”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận