TTCT - May mắn cho Jeff Koons đồng thời cũng là giọt lệ nhỏ xuống cho Michelangelo. Con thỏ bằng thép không gỉ vừa được bán với giá 91,1 triệu USD. Ảnh: Christie'sAi có thể hình dung ra một con thỏ ngoại cỡ làm bằng thép không gỉ có giá 91,1 triệu USD? Một ông vua lên ngôi vốn đã không hẳn là một cái tin đáng lên trang nhất, đằng này ông ấy lại còn tái chiếm ngai vàng cũ của mình ngày nào. Nhưng thôi được, cũng thú vị. Vấn đề ở đây sâu xa hơn là chuyện một tác phẩm nghệ thuật nào đó phá kỷ lục về giá, vì đồng tiền vốn luôn lạm phát chậm hơn nghệ thuật.CON THỎ (RABBIT) SINH TƯ ĐẮT ĐỎTuần nào mà thị trường mỹ thuật chẳng có một vài vụ xôn xao, vì nếu không khua chiêng gõ mõ thì chẳng bán được tấm tranh hay bức tượng nào với giá phi lý.May mắn thay, nghệ thuật không có hoặc có quá nhiều thước đo, và đa số chúng không mảy may đụng chạm đến logic. Ai có thể hình dung ra một con thỏ ngoại cỡ làm bằng thép không gỉ có giá 91,1 triệu USD? Lấy ví dụ, với số tiền đó, người đàn bà quyền lực nhất thế giới Angela Merkel có thể mua một chiếc chuyên cơ Boeing 777-700 với giường ngủ và phòng tắm. Nhưng không, bà cắn răng mua lại của Hãng hàng không Lufthansa một chiếc Airbus 321 mười chín năm tuổi, tức là lụ khụ gấp ba độ tuổi trung bình của đội tàu bay Vietnam Airlines.Khách mua, nhà sưu tầm nghệ thuật khét tiếng Robert Mnuchin, tình cờ là cha của bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ, đã đưa Jeff Koons trở lại vị thế nghệ sĩ đương đại còn sống có tác phẩm cao giá nhất. Danh hiệu này của Koons bị rơi vào tay họa sĩ Anh David Hockney hồi cuối năm ngoái. Bức tranh pop-art khổ lớn (Portrait of an Artist - Pool with Two Figures) được Hockney đem đấu giá ở nhà Christie’s và thu về 90,3 triệu USD.Bức tranh Portrait of an Artist (Pool with Two Figures) là một bức tranh pop-art lớn của nghệ sĩ người Anh David Hockney bán năm ngoái với giá 90,3 triệu USD. Ảnh: Christie'sNhân thể nói cho tạm xong chuyện lao xao tiền bạc: một ngày trước sự kiện đình đám với con thỏ mắt mù cầm củ cà rốt của Koons, nhà Sotheby’s cũng lập kỷ lục 110,7 triệu USD với bức tranh Đụn rơm (Meules) của Claude Monet (1840-1926). Đây là bức Monet đắt nhất mọi thời, cùng là giá cao nhất từng thu được cho một danh họa trường phái ấn tượng. Lần đổi chủ cuối cùng cách đây 33 năm, tác phẩm ấy chỉ có giá 2,53 triệu...Bức tranh Đụn rơm (Meules) của C.Monet được bán với giá 110,7 triệu USD.Những người trần mắt thịt trong chúng ta ngắm con vật không mặt bóng loáng đó chừng 60 giây rồi lắc đầu quầy quậy, đi tìm và cũng tìm được sự đồng cảm trong truyền thông với những lời nhận xét từ “kinh tởm” đến “tuyệt đỉnh”. À, cũng phải nói thêm là nó không phải mới mẻ mà cũng chẳng “độc nhất vô nhị” theo nghĩa đen: hồi 1986, Jeff Koons tạo ra bốn con thỏ liền, vung vãi đến tận Chicago, Los Angeles, New York...Nhưng, ai bỏ ra lắm tiền để mua nghệ thuật thế?HỎI ÔNG CHỦ TỊCH ĐIỀU HÀNH CHRISTIE’SNgày 16-4-2019: Trang www.faz.net phỏng vấn Dirk Boll, sếp của nhà đấu giá Christie’s EMERI (châu Âu, Trung Đông, Nga, Ấn Độ) tại phòng đấu giá London.Ta đang ở giữa thiên đường đỏ đen của các nhà sưu tầm nghệ thuật. Và nếu ai đó thành thạo luật chơi ở thị trường này thì đó là tiến sĩ Dirk Boll. Thưa ông, ai là những người đặt tiền triệu USD lên bàn cho các tác phẩm nghệ thuật?- Ở đây ta thấy nhiều nghệ thuật, nhưng tất nhiên có sự tập trung vào cái mà xã hội coi là nghệ thuật “đáng quan tâm nhất”. Nói đến giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, trước tiên ta nghĩ đến giá trị nghệ thuật và văn hóa, và nó được ấn định bởi lịch sử nghệ thuật và sự phân luồng. Vì vậy ngày nay có một sự nhất trí vì sao Picasso là một nghệ sĩ đáng chú ý.Ông nghĩ rằng nếu ai đó trả một giá tiền điên rồ cho một tác phẩm thì người đó cũng mua bằng cả trái tim?- Hừm, cảm nhận của tôi là đại đa số những người làm việc với chúng tôi, với tôi, quả thực là rất quan tâm về nội dung nghệ thuật, chứ không chỉ nhìn nghệ thuật như chỗ làm thương mại. Song tất nhiên bên cạnh đó cũng có một số người tìm chỗ đầu tư.Bức tranh đắt nhất thế giới được đem bán hồi 2017 ở Christie’s và đem lại 400 triệu euro là tác phẩm Salvator Mundi, được cho là do Leonardo da Vinci sáng tác năm 1500, một trong 15 bức của ông còn được giữ lại. Khách hàng là một thái tử Saudi Arabia, tất nhiên phải trả công “mối lái” cho Christie’s, trung bình 10-20% giá tác phẩm và trong phi vụ này là 50 triệu euro. Thương mại nghệ thuật trong mấy năm qua có gì thay đổi không?- Có nhiều thay đổi, liên quan đến sự tăng tốc của tất cả các yếu tố liên quan. Các quá trình phát triển diễn ra trong nghệ thuật và truyền thông ngày xưa nối tiếp nhau, nhưng hôm nay song song đồng thời. Sáng tác nghệ thuật ngày nay nhanh hơn, các khuynh hướng ngày xưa mang tính địa phương và khu vực thì hôm nay mang tính toàn cầu. Điều đó mang lại cho các nghệ sĩ một sân khấu lớn hơn và chúng ta được thưởng lãm nhiều nghệ thuật hơn.Ai mua tác phẩm nghệ thuật đương đại, thường không biết nó có đem lại lời lãi hay không. Ai biết được nghệ sĩ X có giá trị gì sau một thế kỷ nữa? Quả là một sự cá cược với tương lai. - Không chỉ các nhà sưu tầm, cả các giám tuyển đều muốn phát hiện các nghệ sĩ tên tuổi cho thế hệ sau. Họ cần các chuyên gia mắt tinh tai thính để dò tìm tài năng, những gì họ tìm được thì ngay hôm sau đã được Instagram lan truyền khắp thế giới.Thị trường nghệ thuật có cơ phát triển cao lên nữa không?- Tôi tin chắc, nhờ Internet mà dạo này hơn 40% khách hàng của chúng tôi tham gia đấu giá online. Khi thế hệ lớn lên với Internet chạm tay vào nhịp tim của nghệ thuật thì đó là cơ may của chúng tôi.Nhưng, ai lại bỏ cả núi tiền ra mua một tác phẩm qua màn hình máy tính? Có thể đoán họ là người yêu nghệ thuật hay là nhà buôn? (Không có câu trả lời).CÓ CẦU THÌ CÓ CUNGVài trăm năm mới có một Monet, một Picasso, vài chục năm có một Andy Warhol hay Jeff Koons. Nhưng ta hoàn toàn có thể tin vào gia tốc của mọi phát triển trên một thế giới ngày càng phẳng.Năm 2018 thị trường nghệ thuật thế giới tạo doanh số 60 tỉ euro, và chẳng phải ngẫu nhiên mà 42% số tiền đó kêu leng keng trên đất Mỹ. Trung Quốc vừa thoát nạn đói và đang phân hóa giàu nghèo một cách tàn bạo, nối gót với 21%. Anh tụt hạng, chỉ còn 20%, và người Pháp lãng mạn ngậm ngùi với 7%. Đa số khách hàng ở top ten các nhà đấu giá như Bonhams, Sotheby’s, Beijing Council International Auctions, Christie’s... là các gương mặt châu Á trẻ.Hồi thập kỷ 1970, các phiên đấu giá còn là sự kiện sáng láng trong xã hội, các quý ông quý bà xuất hiện ở đó trong lễ phục dạ hội và đeo găng trắng. Từ 1990 trở đi họ dần nhường chỗ cho các khuôn mặt lầm lì với hai, ba điện thoại di động trên tay. Và hôm nay hoạt động của các nhà đấu giá chỉ còn chiếm 2% doanh số, 98% kia là những cú kích chuột toàn cầu.Quan hệ cung - cầu cũng đẻ ra những quái thai đời mới: ước chừng 30% các tác phẩm được đem ra mời là đồ nhái hoặc đồ giả. Một trong những “nghệ nhân” làm đồ giả đình đám nhất là Wolfgang Beltracchi.Suốt 30 năm ròng trước khi sa lưới, Beltracchi giả mạo hầu hết các danh họa nổi tiếng và, theo đánh giá của Interpol, gây ra thiệt hại chừng 50 triệu euro cho thị trường tranh cổ. Nhà giàu nào dám chắc bức van Gogh hay cái bình men rạn xanh ngọc đời nhà Minh trong tủ sắt nhà mình là thật?“ĐỐI TRỌNG” THÊ THẢM CỦA DAVIDMay mắn cho Jeff Koons đồng thời cũng là giọt lệ nhỏ xuống cho Michelangelo. Chưa đầy 24 tiếng sau cú đấu giá mỹ mãn của chú thỏ không mặt, một khái niệm mới đã xuất hiện trong giới yêu nghệ thuật: Rabbit = Anti-David. Bức tượng David của MichelangeloCon thỏ inox nay được hiểu là cái chết của chàng trai David tráng lệ, một kiệt tác điêu khắc thời Phục hưng từ bàn tay Michelangelo. Sẽ không công bằng với Koons khi ta đặt hai tác phẩm cạnh nhau để so sánh, nhưng cũng khó nén thở dài khi phải chứng kiến một số khía cạnh của thế giới kim tiền điên đảo ngày nay.Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng và đắt giá của Jeff Koons đều gợi nhớ đến quả bóng bay, một đồ chơi ưa thích của mọi đứa con nít trên quả đất. Ít nhất thì ở đây người ta cũng mủi lòng nghĩ đến đứa trẻ không chịu lớn trong người nghệ sĩ. Và nở một nụ cười thiện cảm. Trẻ con mà. Đứa nào ham chơi cũng là đứa khỏe mạnh. Nghĩ được như thế thì, bỏ qua khía cạnh tiền bạc, con thỏ không mặt kia cũng đáng được nhận nhiều cảm tình.Cho đến ngày Michelangelo quay lại. ■ Tags: MichelangeloĐấu giá tranhRabbitJeff KoonsNghệ thuật đấu giá
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.