TTCT - Báo cáo mới nhất về tình hình các đô thị thế giới (State of the World’s cities 2012/2013 - Properity of Cities) của Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-HABITAT) chỉ ra nhiều vấn đề phát triển của các đô thị trên thế giới. Đô thị chỉ thật sự khang trang khi người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Một người dân câu cá trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn Q.3 (TP.HCM) vẫn còn vương rác rưởi - Ảnh: Thuận ThắngNhóm tác giả mong muốn kết quả nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách, quản lý đô thị có thể áp dụng và hướng các thành phố theo sự phát triển cân bằng, hài hòa thông qua mô hình bánh xe thành phố thịnh vượng.Mô hình bánh xe thành phố thịnh vượngThành phố thịnh vượng là điều bất cứ người dân hay nhà quản lý đô thị nào cũng mơ ước. Đó là nơi con người tìm thấy sự thỏa mãn về các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Đó cũng là minh chứng cho sự thành công, phồn thịnh, nơi hội tụ các cơ hội, điều kiện phát triển tốt. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra chỉ số thành phố thịnh vượng CPI (City Properity Index) bao gồm năm chiều kích của sự thịnh vượng đô thị - tạm ví như “năm chiếc nan hoa lớn” của bánh xe.Nan hoa thứ nhất đề cập đến việc nâng cao năng lực tạo ra sản phẩm của một thành phố sẽ cung cấp việc làm phù hợp và tạo ra thu nhập, cơ hội bình đẳng cho mọi người bằng cách thực hiện các chính sách cải cách và kinh tế hiệu quả.Nan hoa thứ hai tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng như cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, đường giao thông, thông tin và công nghệ truyền thông để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, nâng cao năng suất, tính di động và kết nối xã hội.Nan hoa thứ ba đề cập đến chất lượng cuộc sống: đó là nâng cao khả năng sử dụng không gian công cộng trên đường phố, biến chúng thành một không gian đô thị đa chức năng để tăng tính gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc cũng như đảm bảo an toàn, an ninh cho con người và tài sản.Nan hoa thứ tư nhắc đến công bằng và hòa nhập xã hội. Đây là yếu tố đảm bảo sự công bằng trong phân phối và tái phân phối các lợi ích của thành phố thịnh vượng, làm giảm tỉ lệ đói nghèo, bảo vệ quyền của người thiểu số và các nhóm người dễ bị tổn thương.Nan hoa thứ năm nói đến bền vững về môi trường để bảo vệ môi trường đô thị. Đó là tìm cách sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn để giảm thiểu thiệt hại môi trường bằng cách tạo ra các giải pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng môi trường trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững.Các nhà nghiên cứu phân chia chỉ số thành phố thịnh vượng CPI thành sáu nhóm từ các thành phố có yếu tố thịnh vượng rất cao (CPI từ 0.900 trở lên) đến các thành phố có yếu tố thịnh vượng rất thấp (CPI dưới 0.500). Đứng đầu danh sách là các thành phố châu Âu như Vienna, Copenhagen, Oslo...Thành phố Hà Nội nằm ở nhóm thứ ba với chỉ số CPI từ 0.700-0.799, chung nhóm với một số thành phố khác của châu Á (Amman, Bangkok, Yerevan, Bắc Kinh, Jakarta, Manila) và bốn thành phố của châu Phi (Cape Town, Johannesburg, Cairo, Casablanca). Nhóm thứ ba thể hiện sự phát triển thiếu cân bằng giữa các yếu tố của thành phố thịnh vượng.Các chuyên gia đô thị hoài nghi về sự công bằng trong việc phân phối các lợi ích của thành phố thịnh vượng. Điển hình như tại Bangalore, TP.HCM và Trùng Khánh - các chuyên gia cho rằng lợi ích kinh tế đang về tay tầng lớp có học thức. Trong khi đó, tại Lexandria và Nairobi, các lợi ích này thuộc về những người giàu có. Còn tại Santo Domino, Dubai và Dar-es-Salam, các chính trị gia đang chiếm thế “thượng phong”.Trong phần nghiên cứu về tác động môi trường của sự phát triển của các thành phố châu Á, TP.HCM được nhắc đến như điển hình nổi bật của sự phát triển thiếu cân đối. Tập trung phát triển kinh tế dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí lan rộng, ùn tắc giao thông... là những bài toán lớn của thành phố vốn là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Bức tranh này có gam màu hoàn toàn trái ngược trong trường hợp của thành phố Singapore - nơi có chỉ số tác động đến môi trường thấp nhất trong biểu đồ.Đáng lo ngại hơn, TP.HCM còn là minh chứng cho sự bất bình đẳng thu nhập với khoảng cách giàu nghèo cao nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên, bất bình đẳng thu nhập không chỉ hiện diện tại các nước đang phát triển mà cũng đã “gõ cửa” những nước phát triển như Hi Lạp, Tây Ban Nha, Ý... khi những cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.Điều đáng lạc quan là bên cạnh những gam màu chưa thật sự tươi sáng trên, TP.HCM đã được nhắc đến với nhiều “điểm cộng” như có chính sách đầu tư vào nguồn nhân lực để nắm bắt cơ hội, nâng cao trình độ nhân lực và chất lượng cuộc sống để làm cho thành phố thịnh vượng hơn. Những chương trình công nghệ cao cũng đang mở ra nhiều cơ hội để người dân chuyển đổi từ lao động thủ công thông thường sang lao động sử dụng công nghệ.Nghiên cứu cho thấy hầu hết các thành phố được khảo sát ở các nước đang phát triển có “mẫu số chung” là chưa có chính sách, hành động rõ ràng, thiếu các thủ tục pháp lý đáng tin cậy, tham nhũng, yếu kém về cơ sở hạ tầng, giá cả tiêu dùng và dịch vụ cao, nguồn vốn con người thấp, tỉ lệ tội phạm cao... Hơn bao giờ hết, nhu cầu đổi mới để giải quyết các vấn đề đô thị, hướng đến mô hình thành phố thịnh vượng được đặt ra một cách cấp thiết.Biểu đồ chỉ sự tác động của phát triển đến môi trường lên các thành phố châu Á, trong đó TP.HCM thể hiện mức gây hại đến môi trường cao nhất - Nguồn: State of the world’s cities 2012/2013 - Properity of Cities - Đồ họa: Lê ThânChạm vào giấc mơ thành phố thịnh vượngTheo các chuyên gia, các yếu tố tạo nên môi trường thuận lợi cho thành phố phát triển thịnh vượng gồm:- Quản lý và quy hoạch đô thị có hiệu quả, chính sách phân quyền và tổ chức một hệ thống thích hợp tạo ra các cơ hội bình đẳng cho mọi người.- Tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt để phục vụ việc lưu thông hiệu quả. Mở rộng hệ thống giao thông vận tải đa phương thức dành cho mọi đối tượng. Khuyến khích phát triển đô thị đa trung tâm có sự phối hợp nhịp nhàng giữa trung tâm đầu não và các vùng phụ cận.- Cam kết giảm sử dụng tài nguyên hóa thạch và năng lượng để bảo vệ khí hậu, chất lượng không khí và nguồn nước. Xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng đầy đủ, tiện nghi. Tạo ra các khu dân cư hỗn hợp với sự đa dạng ngành nghề, đảm bảo sự tham gia của các nhóm thiệt thòi. Cải thiện kết nối giữa các khu dân cư và khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân.- Cải tiến thể chế xã hội và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho một thành phố thịnh vượng để nâng cao chất lượng của cuộc sống. Đó là khi thành phố thiết kế các tòa nhà tốt hơn tạo ra nhiều không gian công cộng an toàn, không gian xanh, sạch và bền vững với môi trường.- Đảm bảo bầu không khí trong lành, nguồn nước không bị ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học. Có những chương trình, hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên (mặt trời, nước, gió) để giữ gìn một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau.Khi năm yếu tố thịnh vượng đô thị được vận hành đồng đều, bánh xe của mô hình thành phố thịnh vượng sẽ sẵn sàng lăn bánh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đó cũng là đích đến của các đô thị trong thế kỷ 21!Nổi tiếng nhờ những chiến lược phát triển tốt và một hệ thống pháp luật nghiêm khắc trong việc bảo vệ môi trường, Singapore còn nổi lên như là mô hình cho các thành phố khác học tập về việc cam kết đầu tư tập trung cho phát triển giáo dục theo một chiến lược dài hơi. Điều này đã khiến Singapore trở thành quốc gia có một nền giáo dục hàng đầu ở châu Á và thu hút rất nhiều chất xám cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới đổ về đây.Bên cạnh Singapore, các nhà nghiên cứu cũng đưa Seoul như một hình mẫu của sự phát triển bền vững gắn với “Kỳ tích sông Hàn”. Trước những thách thức của các vấn đề đô thị hiện đại, Seoul đã điều chỉnh nhanh chóng chiến lược phát triển đô thị bằng cách mở rộng vùng đô thị Seoul. Nâng cấp mở rộng các đô thị đã có và xây dựng mới nhiều thành phố vừa và nhỏ, tạo ra một hành lang đô thị nối Seoul với các thành phố khác, nhằm phân tán sự tích tụ kinh tế và tích tụ xã hội vào một trung tâm Seoul.Việc ra đời các đô thị vừa và nhỏ kịp thời đã giúp Seoul tránh khỏi những đổ vỡ lớn mà các thành phố khác ở châu Á và châu Phi đã gặp phải trong tiến trình đô thị hóa nhanh. Điều này tạo ra thế cân bằng trong phát triển đô thị và hướng đến thành phố phồn thịnh. Tags: Đô thị Việt NamVõ Văn DũngĐời sống đô thịĐô thị thế giới
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.