TTCT - Nếu không phải chiến tranh, dịch bệnh chính là thời khắc khiến ý niệm về không gian biến thành câu hỏi lớn đối với chúng ta. Và nó đang gián tiếp phơi bày một diện mạo mới của bất bình đẳng. Quảng trường Thánh Marco ngày 11-3 ở Venice. (Ảnh: Time)Biên giới các quốc gia dần khép lại, lệnh phong tỏa khắp nơi khiến cuộc sống thường nhật bị đảo lộn. Việc siết chặt kiểm soát sự lây lan virus đồng nghĩa với việc mỗi người phải làm quen với việc tự đẩy mình xa khỏi mọi liên kết về mặt vật lý ít nhất 2m.Không gian công cộng, đặc biệt là ở đô thị, nhanh chóng được khoanh vùng, thiết lập theo một cấu trúc mới. Các tầng lớp/nhóm dân cư, lực lượng lao động bị khu biệt, gián tiếp phơi bày một diện mạo mới của bất bình đẳng, nhất là với đối tượng lao động vẫn bị xem là vô hình (invisible worker).Nhà xã hội học Johanna Dagorn và nhà địa lý học Corinne Luxembourg nhấn mạnh khủng hoảng dịch bệnh buộc ta phải đánh giá lại vai trò của những người làm việc trong các không gian công cộng vốn tồn tại ở những cấu trúc không - thời gian rất khác biệt trong một đô thị. Họ, những công nhân vệ sinh, người đưa thư hay giao hàng, được tán dương như những anh hùng tuyến đầu trong khi vẫn phải chấp nhận một mức lương rẻ mạt cùng một chính sách bảo vệ lỏng lẻo mặc dù phải đối diện nguy cơ phơi nhiễm rất cao.Miếng ăn là đầu câu chuyệnMới đây, tờ The Guardian đăng lá thư của nữ tiểu thuyết gia thành Rome Francesca Melandri gửi đến phần còn lại của châu Âu như lời gửi gắm từ đất nước “tương lai” đang đi trước họ chỉ vài ngày. “Chúng ta bị cuốn vào một điệu nhảy song song - cô nói - Và hãy nhớ điều đầu tiên bạn sẽ làm chính là ăn, và rồi lại ăn”.Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan Covid-19, không gian sống của một đất nước tạm thời bị tối giản trong một hình tam giác với ba đỉnh: nhà ở, siêu thị và bệnh viện. Giải quyết cho cái bụng đói không đơn thuần vì nhu cầu sinh tồn, bởi lẽ giờ đây ăn uống có vẻ như là một trong số rất ít những thứ ta vẫn còn có thể tự kiểm soát.Trong những ngày tháng mà chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi, sản xuất hàng hóa bùng nổ, ta khó mà tưởng tượng về một ngày những kệ hàng siêu thị trống trơn sau mỗi cuộc đổ xô, giành giật thu mua thực phẩm ở khắp nơi. Mặc cho chính phủ các nước liên tục lên tiếng trấn an người dân về khả năng dự trữ thực phẩm cấp quốc gia, chẳng ai có thể bình chân như vại mà không sắm lấy một lượng hàng hóa đủ dùng ít nhất vài tuần. Và khi tất cả đều được khuyến cáo ở trong nhà, mua hàng online trở thành giải pháp cứu tinh.Nhưng trong khi đưa được thực phẩm và hàng hóa đến tay người tiêu dùng, những người giao hàng phải đối mặt rất nhiều rủi ro. The Wall Street Journal đưa ra thống kê cho thấy những người vận chuyển thuộc nhóm gánh rủi ro nghề nghiệp cao nhất giữa đại dịch, chỉ sau đội ngũ nhân viên y tế. Một nhân viên giao hàng của Uber Eats gặp trung bình 40 người mỗi ngày - con số đáng sợ nếu ta hình dung đến mạng lưới lây lan dịch bệnh.Ai mua hành tôi?Trước đại dịch, những vật lộn khó khăn của những người làm nghề vận chuyển không vọng được đến tai mấy ai. “Không ai tỏ ý quan tâm đến những gì chúng tôi nói vì vị trí của chúng tôi bị thay thế quá dễ dàng” - một nhân viên giao hàng lên tiếng.Tháng 8-2019, các nhân viên giao hàng khắp nước Pháp đồng loạt biểu tình nhằm đòi hỏi những quyền lợi bảo hộ lao động cơ bản. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các startup lĩnh vực giao hàng, Deliveroo, nền tảng thu hút hơn 11.000 đối tác vận chuyển, đã thay đổi chính sách thanh toán thù lao từ chi trả mức giá tối thiểu cho mỗi cuốc xe thành tính toán dựa trên kilômét. “Đường phố là nhà máy của chúng tôi” - các nhân viên giao hàng đồng loạt giăng biểu ngữ trước nguy cơ đánh mất 30-50% thu nhập mà vẫn phải đối mặt với nhịp điệu làm việc căng thẳng gấp bội trong khi các cam kết bảo vệ sức khỏe lại vô cùng bấp bênh.Cách đây mới chỉ vài tháng, những người giao hàng chặng cuối (last mile) bị đánh giá là đối tượng lao động không cần đến kỹ năng. Giờ đây, họ nắm giữ vai trò huyết mạch trong những thành phố bị phong tỏa. “Mọi người ca ngợi chúng tôi là những anh hùng, trong khi nói trắng ra thì vì miếng ăn cả thôi, họ cần đồ ăn và chúng tôi cần tiền để tiếp tục sống” - Moussa, một nhân viên giao hàng Uber Eats, trả lời tờ The Huffington Post.“Giao hàng hay không giao hàng?” - đó mới là câu hỏiỞ Pháp, kể từ khi lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố vào ngày 17-3, các nền tảng giao thức ăn như Deliveroo và Uber Eats được khuyến khích tiếp tục dịch vụ của mình. Không chỉ riêng Pháp, ở nhiều quốc gia, tài xế giao hàng giúp ích rất nhiều cho nhóm người dễ bị tổn thương hoặc những người không có phương tiện đi lại. Khi lệnh phong tỏa áp đặt lên nhiều quốc gia, việc mua hàng trực tuyến khiến lưu lượng truy cập Internet tăng đột biến dẫn đến nhiều trang web siêu thị bị đánh sập.Để đối phó với nỗi sợ lây nhiễm, Bộ Kinh tế Pháp áp đặt nguyên tắc “giao hàng không tiếp xúc” giữa ba phía: nhà hàng, người giao hàng và khách hàng. Nhưng chỉ thế thì không đủ thuyết phục mọi người. Uber Eats đã tuyên bố sẽ trợ cấp cho những đối tác dương tính với Covid-19 trong 14 ngày, còn Deliveroo cam kết thành lập quỹ tài chính lên đến hàng triệu bảng để hỗ trợ những lao động nhiễm bệnh tự cách ly. Song nếu họ muốn phòng bệnh cho chính mình và cho khách hàng bằng việc ở nhà, sẽ chẳng có khoản bồi thường nào cả.Tệ hơn thế, ngay cả khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus, họ cũng phải đối mặt hàng đống rào cản trước khi nhận được hỗ trợ tài chính vì các công ty đều nhất quyết yêu cầu bằng chứng kết quả dương tính. Greg Howard, nhân viên giao hàng của Deliveroo, nói với The Guardian rằng anh đang gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội xét nghiệm virus tại Anh. “Bạn biết đấy, không phải tất cả mọi người có triệu chứng đều được phép xét nghiệm” - anh nói. Các đồng nghiệp của Greg ở các công ty giao hàng khác cũng phải đối mặt với tình cảnh tréo ngoe đó.Lĩnh vực giao hàng thường tận dụng nguồn lực từ đối tượng nhập cư, đôi khi không có giấy tờ cư trú và bị hạn chế về quyền lợi chăm sóc y tế. Trở thành đối tác của những nền tảng công nghệ giao hàng đồng nghĩa với việc họ tự làm chủ công việc, linh hoạt về mặt thời gian và chủ động trong kiểm soát thu nhập nhưng không được hưởng tối thiểu một hợp đồng lao động có lưới bảo vệ an sinh.Do đó, những người giao hàng không thuộc diện lao động nhận trợ cấp thất nghiệp. “Chúng tôi giống bia đỡ đạn - Maxime, một nhân viên giao hàng ở Pháp, lên tiếng - Hãy cứ hình dung để nhận trợ cấp, bạn phải chứng minh thu nhập tháng 3 năm nay giảm 70% so với tháng 3 năm ngoái. Nực cười thay, chỉ trong hai tuần đầu tháng 3, tôi nhận lượng đơn hàng tăng vọt so với cả tháng 3 năm rồi”. Vì thế, họ “nhắm mắt” làm việc.Theo tờ Le Monde, kể từ khi lệnh phong tỏa thành phố được ban bố, các công đoàn đã lập tức yêu cầu nhà nước bảo vệ nhóm người bấp bênh này trước nguy cơ bị dịch bệnh tấn công. Còn Jason Moyer-Lee, thư ký Liên đoàn Lao động độc lập Anh (IWGB), cho biết tổ chức này đã kiện Chính phủ Anh vì sự thất bại trong bảo vệ nhóm lao động yếu thế.IWGB tuyên bố: “Chính phủ luôn thể hiện sự coi thường đối với những người lao động bấp bênh được trả lương thấp. Và giờ đây lại tuyên bố họ là lực lượng chủ chốt. Thế nhưng, chúng tôi vẫn không tìm thấy các chính sách cần thiết để bảo vệ họ và gia đình của họ, cùng cộng đồng họ giao tiếp”.Đứng trước tình huống mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và đạo đức doanh nghiệp, hai chuỗi nhà hàng Burger King và Domino’s tại Pháp tuyên bố ngừng các dịch vụ giao hàng (theo Le Parisien và The Huffington Post phiên bản tiếng Pháp).Các doanh nghiệp khác, như để biện minh cho việc đánh cược sự an toàn tính mạng của các đối tác giao hàng, tuyên bố họ cung cấp cho tài xế vài vũ khí bảo hộ tối thiểu như găng tay, khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn.Nhưng các biện pháp tự vệ tối thiểu với những hướng dẫn vệ sinh và quy định “giao hàng không tiếp xúc” không đủ để xóa mờ nỗi lo lắng phơi nhiễm ngày một lớn của lực lượng lao động này. “Nếu chúng tôi không làm việc, chúng tôi không có gì cả. Chúng tôi được trả tiền ở mức tối thiểu, nên chúng tôi phải ra ngoài mà làm” - Moussa (không phải tên thật), một thanh niên giao hàng cho Ubereats tại Paris, nói. Hạ tầng con người dễ vỡKhủng hoảng dịch bệnh rõ ràng đã đào xới rất nhiều vấn đề hóc búa về khoảng cách xã hội mà ta buộc phải thừa nhận. Và sự bình đẳng duy nhất tồn tại trên đời nằm ở việc mỗi chúng ta đều là những mắt xích của đời nhau.Frédéric Keck(*), giám đốc nghiên cứu CNRS (Pháp), trong cuộc phỏng vấn mới nhất đã dẫn dắt quan điểm sinh học - chính trị (biopolitics) của triết gia Michel Foucault như một nền tảng để quan sát phản ứng của mỗi quốc gia đối với dịch bệnh.Trả lời câu hỏi của một độc giả: “Chẳng phải chúng ta đã lãng phí thời gian và hi sinh nhiều mạng sống vì lợi ích của nền kinh tế sao?”, ông Keck đáp: “Các diễn văn về sự hi sinh đã trở thành hạt nhân kể từ khi khủng hoảng bắt đầu, vì nó gắn liền với những cân nhắc, quyết sách liên quan đến sự sống và cái chết của người dân. Đầu tiên là ông Tập Cận Bình nói rằng các bác sĩ Trung Quốc hi sinh thân mình vì bệnh nhân, Hồ Bắc hi sinh vì Trung Quốc bằng cách tự phong tỏa và Trung Quốc hi sinh cho phần còn lại của thế giới bằng các biện pháp mà không có nhà nước nào khác có thể làm. Sau đó, Emmanuel Macron (thủ tướng Pháp) và Giuseppe Conte (thủ tướng Ý) nói rằng chúng ta không thể hi sinh mạng sống của người dân nhân danh các hoạt động kinh tế. Còn (thủ tướng Anh) Boris Johnson và (tổng thống Mỹ) Donald Trump thì nói rằng chúng ta có thể, rằng chúng tôi luôn luôn làm điều này ở phương Tây, bởi vì quản lý dân số hàm nghĩa hi sinh những người yếu nhất”.Nhưng trên hết, bất chấp sự khác biệt trong diễn ngôn về sự hi sinh giữa các thể chế chính trị khác nhau, giữa các đức tin và thế giới quan khác nhau, không thể không thấy, đại dịch này đang chứng kiến sự yếu ớt của các chính sách chăm sóc y tế cộng đồng - chính là nơi không nên được đánh cược bởi sức khỏe của bất kể đối tượng xã hội nào.Nhà xã hội học Susan Leigh Star cho rằng các cơ sở hạ tầng vẫn vô hình cho đến khi chúng bị phá vỡ. Phải tới khi gặp sự cố, hệ thống ấy mới trở nên hữu hình và ta buộc phải thừa nhận chúng phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố con người.Bà khẳng định, nếu thừa nhận lao động tự do chính là một thành phần chủ chốt của một hạ tầng đô thị và họ rất dễ bị tổn thương, ta cần phải đập đi xây lại nhận thức về hệ thống đó. Khủng hoảng dịch bệnh là một bài học đau lòng để ta buộc phải nhìn lại mọi hành vi và thói quen sống của mình.Đại dịch này rồi sẽ kết thúc nhưng với tất cả những gì nó đang làm vỡ ra, làm lộ ra rất nhiều lỗ hổng và sự mất cân bằng của mọi cơ cấu xã hội, chúng ta khó lòng trở lại cuộc sống trước đó. Bởi vậy, ngay cả khi đứng giữa khủng hoảng, ta vẫn đang và cần hình dung rõ hơn về tương lai, ở đó, các chính sách sẽ được viết lại nhằm đảm bảo những người lao động vô hình sẽ có một vị trí xứng đáng và sự bảo vệ xứng đáng trong không gian tồn tại của họ.■(*): Frédéric Keck là nhà nhân chủng học xã hội, từng thực hiện các nghiên cứu dân tộc học về các cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến động vật: BSE, SARS, cúm gia cầm và cúm lợn. Ông đứng đầu Phòng thí nghiệm Nhân học xã hội từ đầu năm 2019. Sau cuốn Một thế giới bị cúm (Un monde grippé), trong tháng 4 này, Frédéric Keck sẽ xuất bản cuốn Những lính canh đại dịch (Les Sentinelles des pandémies).Trong thư thông báo trước khi tiến hành thủ tục khiếu kiện chính thức (letter before action) ngày 23-3, IWGB cho biết sẽ khiếu nại hai vấn đề chính. Đầu tiên là mức trợ cấp nghỉ ốm theo luật định hiện tại (94,25 bảng/tuần) là phân biệt đối xử với phụ nữ, các công nhân BAME (da đen, gốc Á, dân tộc thiểu số) và người lao động trong nền kinh tế gig (làm thời vụ, làm tự do), những người mà thu nhập vốn đã không đủ sống.Công đoàn cũng cho rằng mức hỗ trợ 80% lương mà chính phủ vừa dành cho các doanh nghiệp để giữ chân người lao động cũng là phân biệt đối xử với lao động trong nền kinh tế gig và những người “tự làm chủ” (self-employed), do lẽ họ không phải đối tượng được hưởng chính sách này.“Những sự phân biệt này không chỉ có nguy cơ khiến hàng triệu lao động trở nên nghèo khó hơn mà còn là mối đe dọa lớn với y tế công, do lẽ nhiều công nhân sẽ buộc phải tiếp tục làm việc để kiếm sống khi đang bệnh hoặc khi lẽ ra họ phải tự cách ly” - IWGB viết. Tags: Dịch bệnhLao động tự doRủi roKinh tế chia sẻVirus coronaBất bình đẳngGiao hàngKinh tế gigLao động vô hìnhĐô thị dễ vỡ
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.