TTCT - Chuyến thăm châu Á sắp tới sẽ là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng lớn cuối cùng kết thúc hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, như một sự triển khai nhất quán chính sách “xoay trục châu Á” của ông giữa sự nổi lên của Trung Quốc, vấn đề Biển Đông và hiệp định TPP. Tổng thống Barack Obama họp với các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry -Reuters The Atlantic số ra tháng 4 đăng bài viết “Học thuyết của Obama”, dài 20.000 chữ của nhà báo Jeffrey Goldberg, phản ánh những tư duy đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama về chính sách đối ngoại. Nhân chuyến viếng thăm chính thức VN của ông Obama, TTCT trích đăng, giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm về vị tổng thống bị coi là “yếu bóng vía” này. Dựa trên cuộc phỏng vấn với ông Obama và một số quan chức Nhà Trắng, Goldberg mô tả chi tiết quan điểm của ông Obama về Trung Đông, chiến tranh Syria, về châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo quốc tế. Đặc biệt thú vị về những bất đồng không thể giải quyết giữa ông và một số quan chức thân cận nhất, từ Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry cho tới đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power, đến cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Nhà báo Goldberg lần đầu tiên trao đổi với ông Obama về chính sách đối ngoại hồi năm 2006, khi ông còn là thượng nghị sĩ. Ông Goldberg nhớ rất rõ bài phát biểu của ông Obama trong cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Chicago năm 2002 để phản đối việc chính quyền tổng thống George W. Bush muốn tấn công Iraq. Bài phát biểu đó dự đoán chính xác về tương lai Trung Đông. Kể từ đấy, nhà báo Goldberg thường xuyên phỏng vấn ông Obama. Vài tháng trước, ông đã ngồi với ông Obama nhiều giờ để trao đổi về chính sách đối ngoại của Mỹ. “Đừng làm điều ngu ngốc” Bài viết mở đầu bằng cuộc tranh luận trong nội bộ Nhà Trắng về quyết định có can thiệp vào Syria hồi năm 2013 hay không. Ông Obama bước vào Nhà Trắng với mục tiêu kéo quân đội Mỹ ra khỏi Iraq và Afghanistan. Ông ấy không chủ trương săn lùng và tiêu diệt “những con rồng mới”. Vào tháng 8-2013, truyền thông nhiều nước phương Tây cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad tàn sát hơn 1.400 thường dân ở khu ngoại ô Ghouta, Damascus, bằng khí độc sarin. Hầu như toàn bộ các quan chức chính quyền Obama đều cho rằng Assad đáng bị trừng trị. Đặc biệt, Ngoại trưởng Kerry vận động quyết liệt cho việc can thiệp quân sự vào Syria. Chính ông Obama từng tuyên bố việc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học là hành vi đi quá giới hạn (nguyên văn: vi phạm “lằn ranh đỏ”) đối với ông. Tuy nhiên, ông Obama vẫn còn chần chừ trước những lời kêu gọi hành động một phần vì ông tin vào đánh giá của tình báo Mỹ rằng chế độ Assad sẽ tự sụp đổ. Nhưng Assad vẫn bám trụ, và sức ép muốn ông Obama can thiệp vũ trang vào Syria ngày càng tăng, cả từ bên ngoài, các đối thủ Cộng hòa, lẫn trong nội bộ chính quyền Dân chủ của ông. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power là người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc can thiệp, trong đội ngũ cố vấn cấp cao của ông Obama. Bà Power, từng là thành viên Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), là tác giả cuốn sách A problem from hell (tạm dịch: Rắc rối từ địa ngục), lên án một số tổng thống Mỹ không ngăn chặn được nạn diệt chủng ở nước ngoài. Nhưng ông Obama cho rằng tổng thống không nên đẩy binh sĩ Mỹ vào cảnh nguy hiểm nhằm ngăn chặn các thảm họa nhân đạo, trừ khi các thảm họa đó đe dọa trực tiếp an ninh nước Mỹ. Đôi lúc bà Power tranh cãi với ông Obama ngay trước mặt các quan chức NSC khác, đến mức ông Obama không giấu được sự bực bội. Có lần ông gắt lên: “Samantha, thế là đủ rồi. Tôi đã đọc cuốn sách của chị rồi!”. Thông điệp của ông Obama trong các bài phát biểu và phỏng vấn là rất rõ ràng. Ông không muốn có một kết cục như người tiền nhiệm George W. Bush, mà di sản về đối ngoại là một mớ bòng bong tai họa của việc nước Mỹ sa lầy ở Trung Đông. Khi ở nơi riêng tư, ông Obama luôn nói nhiệm vụ đầu tiên của tổng thống Mỹ sau thời Bush là “Đừng làm điều gì ngu ngốc”. Hồi năm 2014, bà Clinton cũng từng chỉ trích quan điểm này của ông Obama và cho rằng: “Các cường quốc cần những nguyên tắc tổ chức riêng, và đừng làm gì ngu ngốc không phải là một nguyên tắc để hành động”. Ông Obama rất giận dữ. Ông không hiểu tại sao “Đừng làm gì ngu ngốc” lại có thể bị coi là một khẩu hiệu gây tranh cãi. Ông tin rằng lẽ ra cuộc xâm lược Iraq phải dạy cho các chính trị gia Dân chủ chủ trương can thiệp như bà Clinton mối nguy hiểm của những hành vi ngu ngốc rồi. Và cố gắng làm điều tốt đẹp Xuất phát điểm đó trong tư duy đối ngoại, và một phần có thể cả giải Nobel hòa bình được trao cho ông vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất, đã khiến ông Obama muốn để lại một di sản khác hẳn với George W. Bush khi ông rời Nhà Trắng. Lần lượt, việc từ chối can thiệp trực tiếp ở Syria, rồi Ukraine, thỏa thuận hạt nhân với Iran, rồi bình thường hóa quan hệ với Cuba, ông Obama đã cho thấy quyết tâm chính trị của ông được biến thành hiện thực ra sao, để không chỉ “không làm gì ngu ngốc”, mà cả “cố gắng làm điều đúng”. Điều đáng nói là ông Obama khá đơn độc trên hành trình đó. Trước sức ép từ chính nội bộ và các nước đồng minh, ông từng ra lệnh cho Bộ Quốc phòng lên danh sách các mục tiêu không kích ở Syria. Nhưng những ngày sau vụ tấn công Ghouta, ông Obama cảm thấy e ngại với ý tưởng tấn công quân sự vào Syria mà không có sự ủng hộ của quốc hội hay luật pháp quốc tế. Cuối cùng, ông quyết định hủy bỏ kế hoạch can thiệp vào phút chót. Quyết định của ông Obama lúc bấy giờ gây rất nhiều tranh cãi trong chính nội bộ Chính phủ Mỹ. Cả Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry đều không có mặt trong phòng Bầu dục khi tổng thống thông báo cho đội ngũ của ông về quan điểm đó. Ông Kerry chỉ được biết sự thay đổi của tổng thống tối hôm đó. “Tôi bị chơi xỏ rồi” - ông Kerry bực bội than thở với một người bạn sau khi nói chuyện với ông Obama. Và đến hội nghị G-20 ở St. Petersburg, ông Obama đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng nếu ông Putin ép Assad từ bỏ vũ khí hóa học, Mỹ sẽ không tấn công quân sự vào Syria. Goldberg nói ông tin rằng với Obama, ngày 3-8-2013 là ngày tổng thống Mỹ thật sự được giải thoát hẳn khỏi chính sách đối ngoại “ném bom” và “can dự” của Mỹ đã được duy trì qua ít nhất một thập niên, và khỏi cả những đòi hỏi của các đồng minh Mỹ ở Trung Đông... Ông Obama ngán ngẩm việc các tướng lĩnh cứ tin rằng họ có thể giải quyết mọi vấn đề nếu tổng tư lệnh cho họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Một trải nghiệm khác đã có ý nghĩa quyết định với quan điểm của ông Obama về Syria nói riêng và sự can dự vũ trang nói chung là thất bại của cuộc can thiệp vào Libya năm 2011. Cuộc can thiệp đó nhằm ngăn chặn Muammar Gaddafi sát hại thường dân. Ban đầu, ông Obama không muốn tham gia. Nhưng nhiều thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia như ngoại trưởng Clinton và Susan Rice, khi đó là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cùng Samantha Power, Ben Rhodes và Anthony Blinken đã vận động quyết liệt để Mỹ mở không kích. Bom Mỹ đổ xuống và Gaddafi bị bắt và bị xử tử. Nhưng giờ đây, ông Obama khẳng định cuộc can thiệp đó đã thất bại. Mỹ đã cẩn thận thực hiện chiến dịch ở Libya, nhưng đất nước này hiện là một thảm họa. “Trật tự xã hội của Libya đã đổ vỡ - ông Obama nói - Libya là một mớ hỗn độn”. “Mớ hỗn độn” là từ ngữ ngoại giao của ông Obama, ở chốn riêng tư, ông gọi Libya là “màn trình diễn cứt đái”... “Rõ ràng là chúng ta không nên tìm cách cai quản Trung Đông và Bắc Phi. Đó sẽ là sai lầm cơ bản” - ông Obama khẳng định với một cựu đồng nghiệp ở Thượng viện. Châu Á là tương lai Giữa tháng 11-2015, ông Obama tới Malaysia dự Hội nghị APEC và nhà báo Goldberg cũng có mặt trong chuyến công du này. Tổng thống Obama không bước vào Nhà Trắng với mối bận tâm quá lớn về Trung Đông. Ông là đứa con đầu tiên của Thái Bình Dương (ông sinh ở Hawaii và có nhiều năm sống ở Indonesia thời thơ ấu) trở thành tổng thống Mỹ và quyết hướng sự tập trung của Mỹ tới châu Á. Đối với ông Obama, châu Á là đại diện của tương lai. Trong nhiều năm, “xoay trục về châu Á” là ưu tiên hàng đầu của ông. Ông luôn tìm kiếm cơ hội kéo các nước châu Á xích gần tới quỹ đạo của Mỹ. “Đông Nam Á dù còn nhiều vấn đề như nghèo đói và tham nhũng, nhưng đầy những con người năng động, giàu tham vọng, hằng ngày nỗ lực kinh doanh, học tập, tìm việc và xây dựng hạ tầng” - ông Obama khẳng định. Nhà báo Goldberg cũng nhắc đến cuộc hội đàm lịch sử giữa ông Obama và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hồi tháng 7-2015. Ông Obama muốn vận động Việt Nam về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một dự án tham vọng và sẽ là một di sản đồ sộ về đối ngoại nữa của ông khi nó được thông qua. TPP, các vấn đề hợp tác chiến lược, thậm chí là cả khả năng hải quân Mỹ trở lại vịnh Cam Ranh (mà theo Goldberg, nếu thành hiện thực sẽ là “một trong những sự kiện đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử nước Mỹ”), hẳn sẽ lại được đề cập trong chuyến đi sắp tới của ông Obama tới Hà Nội. “Chúng tôi đã vận động Việt Nam công nhận quyền lao động theo cách mà chúng ta không thể nào làm được nếu bắt nạt họ hay dọa dẫm họ - ông Obama từng nói về TPP - Ở Việt Nam, tỉ lệ người dân có thiện cảm với Mỹ lên đến 80%”. Về Trung Quốc, ông Obama cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ là thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ trong những thập kỷ tới. “Nếu Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, chúng ta sẽ có một đối tác để chia sẻ trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế. Nếu Trung Quốc viện tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, nếu chỉ nhìn thế giới như những vùng ảnh hưởng thì chúng ta không chỉ có nguy cơ xung đột với Trung Quốc mà còn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý các thách thức khác” - ông Obama cảnh báo. Rất nhiều quan chức Mỹ muốn ông Obama cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Bà Clinton từng nói: “Tôi không muốn con cháu mình phải sống trong một thế giới bị Trung Quốc kiểm soát”. Ông Obama khẳng định: “Chúng ta cần cứng rắn khi các hành vi của Trung Quốc đe dọa lợi ích quốc tế. Nếu quan sát những gì chúng ta đã làm ở Biển Đông, chúng ta đã huy động cả châu Á cô lập Trung Quốc theo cách khiến chính Bắc Kinh ngạc nhiên”.■ Người đặt cược Nhà báo Goldberg dẫn lời ông Derek Chollet, cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, mô tả ông Obama là “người đặt cược”. Đàm phán với Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba, không can thiệp quân sự vào Syria, TPP… đều là những canh bạc lớn của ông Obama. Ông xác định Trung Đông không còn quan trọng với lợi ích Mỹ. Nhà báo Goldberg cũng đánh giá ông Obama luôn sẵn sàng chất vấn những quan điểm đối ngoại truyền thống của Chính phủ Mỹ. Ví dụ, ông đặt câu hỏi tại sao các kẻ thù của Mỹ lại là kẻ thù. Ông đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại phải hỗ trợ quân sự hết mình cho Israel, ông phê phán vai trò của một số đồng minh Ả Rập trong việc thổi lửa vào chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông bực bội với quan điểm đối ngoại truyền thống là Mỹ phải coi Saudi Arabia là đồng minh chủ chốt. Do đó, bất chấp sự chỉ trích, ông Obama đã quyết định đối thoại với Iran. Tags: Barack Obama
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.