26/05/2022 09:32 GMT+7

Đi chợ 'đồ rừng' - Kỳ cuối: Phải xử thật nghiêm

DIỆU QUÍ - TÂM LÊ
DIỆU QUÍ - TÂM LÊ

TTO - Dù đã nỗ lực ngăn chặn và xử phạt loại tội phạm này song Việt Nam bị đánh giá là thị trường tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) lớn trên thế giới. Lợi nhuận buôn bán ĐVHD được cho là chỉ sau buôn ma túy và buôn người...

Đi chợ đồ rừng - Kỳ cuối: Phải xử thật nghiêm - Ảnh 1.

Một vụ nhập lậu ngà voi bị phát hiện, xử lý ở Việt Nam - Ảnh: ENV cung cấp

Phân tích tình trạng các trại nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại, bà Bùi Thị Hà - phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) - cho rằng hầu hết đó là vỏ bọc hợp pháp cho hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép.

Chiêu "rửa" động vật hoang dã

Qua tìm hiểu kỹ, bà Hà nhận thấy cách thức "rửa" ĐVHD như sau: nhập lậu ĐVHD vào trại gây nuôi, sau đó hợp thức hóa bằng cách khai báo ĐVHD nuôi tự sinh sản, mua khống giấy tờ từ cơ sở có đăng ký khác, cuối cùng đưa trở ra thị trường để bán.

Bà Hà dẫn chứng gần đây có một trại gây nuôi ĐVHD được cấp phép ở Đồng Tháp. Chủ trại khẳng định 4 cá thể rùa đầu to (nằm trong danh mục nguy cấp, quý hiếm) đang được thả cùng với nhau trong hồ là do gây nuôi tốt, không phải bắt ở ngoài tự nhiên.

"Họ không biết đặc tính của loài rùa đầu to là khi nuôi nhốt chung các cá thể với nhau thì chúng sẽ đánh nhau đến chết, một mất một còn. Ngoài ra, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan khoa học và được khẳng định rùa đầu to là một loài rất khó nuôi thành công trong môi trường có kiểm soát. Thậm chí ngay cả nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu cũng không thể nuôi sinh sản thương mại thành công với loài rùa này", bà Hà cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phước Thành - hạt trưởng kiểm lâm (Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp) - cũng cho biết tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD tại các chợ bề ngoài đã giảm nhiều, song ông vẫn thừa nhận hoạt động buôn bán ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho việc kiểm tra và quản lý của kiểm lâm.

Cần xử nghiêm và truy ra kẻ đứng đầu

Theo luật sư Phạm Hương Giang (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải & cộng sự), nên xây dựng luật riêng về bảo vệ ĐVHD để cụ thể hóa rõ ràng, chi tiết hơn về từng loại hành vi vi phạm. Theo bà Giang, quy định hình phạt tù và phạt tiền trên giấy khá nghiêm khắc nhưng áp dụng vào thực tế lại quá nhẹ. 

Điều 234 (BLHS) quy định chung mọi hành vi về săn, bắn, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD phải chịu chung hình phạt. Nhưng nếu có luật riêng thì tách từng hành vi ra và có chế tài xử phạt từng hành vi. Giống như giết người và gây thương tích là hai tội khác nhau có hình phạt khác nhau, không gộp chung.

Chỉ thị 29 về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD có nêu: "Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân, không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật".

"Ở Việt Nam, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, nhưng theo tôi, nếu cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm về lĩnh vực này mà vi phạm thì hình phạt phải nghiêm khắc hơn người dân vì họ biết luật, nắm rõ luật hơn dân. Biết luật mà vẫn vi phạm thì không thể nào chấp nhận được, lẽ ra họ phải là người chấp hành đầu tiên và lan tỏa cho người thiếu hiểu biết" - bà Giang nhận định.

Còn theo số liệu của ENV, từ năm 2018 đến nay, có gần 60 tấn ngà voi và vảy tê tê bị phát hiện và thu giữ tại các cảng biển của Việt Nam. Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn không có bất kỳ đối tượng nào đứng sau những vụ bắt giữ đó tại các cảng biển bị đưa ra xét xử.

"Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý, chúng ta mới có thể cho họ và những người khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này", bà Hà nói.

Vi phạm trên mạng tăng mạnh

Đối với tình trạng buôn bán ĐVHD và sản phẩm liên quan trên Internet, bà Hà nhận định có xu hướng tăng mạnh trong những năm qua.

Chỉ trong năm 2021, đơn vị này đã ghi nhận 2.486 trường hợp, trong đó hơn 2.400 vụ đã được xử lý. Các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo, rao bán thú hay các sản phẩm từ ĐVHD, trong đó chiếm phần lớn là vi phạm về ngà voi, hổ, gấu và khỉ.

Số liệu này cao hơn năm 2020 nhiều và cao gấp hơn ba lần so với năm 2019. Ngoài ra, trào lưu nuôi ĐVHD làm thú cưng đang khiến các hoạt động vi phạm về ĐVHD trực tuyến trở nên phức tạp và báo động hơn bao giờ hết.

Năm 2021 có vụ án với 225 đối tượng bị bắt giữ. Đáng chú ý, ngày 4-12-2021 TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Đỗ Minh Toản 14 năm tù về tội vận chuyển trái phép sừng tê giác.

Tang vật là 55 khúc sừng tê giác nặng 126,5kg nhập lậu từ Dubai về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là mức án cao nhất từng được tuyên đối với tội phạm về ĐVHD.

21.839

Đó là số vụ vi phạm về ĐVHD bị phát hiện trên cả nước, tính từ năm 2005 đến 2021, theo thống kê từ cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV.

Không để chú gấu nào bị bỏ lại phía sau

ca the gau

Gấu ở khu bán tự nhiên của Trung tâm cứu hộ gấu - Ảnh: H.THANH

Ngày 25-5, tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (Vĩnh Phúc), Tổ chức Động vật châu Á cùng các ngôi sao nổi tiếng như diễn viên người Mỹ Tara Buck, nữ diễn viên - cựu người mẫu thời trang Torrey Devitto (Mỹ), nữ diễn viên truyền hình Mỹ Marina Squerciati, ngôi sao truyền hình Úc Josh Packham và nữ diễn viên - người mẫu Tăng Thanh Hà cùng khởi động chiến dịch #NoBearLeftBehind - Không một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau.

Mục tiêu lớn nhất của chiến dịch lần này là cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trên khắp Việt Nam, nhằm chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật.

Đến Việt Nam tham gia chiến dịch, các ngôi sao nổi tiếng thế giới cùng trải nghiệm công tác chăm sóc, cứu hộ gấu tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam; tự tay chuẩn bị thức ăn, rung chuông gọi gấu ra các khu bán tự nhiên để chúng tự do, thoải mái tìm kiếm thức ăn.

Nhìn những chú gấu đang được chăm sóc tận tình, họ đã ghi lại những thước phim, hình ảnh và đăng tải lên mạng xã hội để kêu gọi lượng "fan" thân thiết và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ loài gấu.

Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), hiện còn khoảng 310 cá thể gấu nuôi trong các trang trại tư nhân trên toàn quốc. Vì vậy, Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi tất cả những người yêu động vật trên khắp thế giới ủng hộ, giúp đỡ cho quá trình xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (cơ sở 2) tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) với diện tích 12,7ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2026 với 12 nhà gấu, 12 khu bán hoang dã...

Trung tâm sẽ nuôi, cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân và các vụ vi phạm, và sẽ chấm dứt việc nuôi gấu trong tư nhân vào cuối năm 2026.

"Việc cứu hộ này phải kết thúc vào cuối năm 2026, vì thế chúng ta chỉ có khoảng 4 năm để tiếp nhận khoảng 300 cá thể gấu của các trại gấu để đưa về trung tâm cứu hộ gấu mới.

Thông qua chiến dịch này, chúng tôi kêu gọi mọi người cùng chung tay, trước hết là để xây dựng được trung tâm cứu hộ mới, đồng thời kêu gọi mọi người bàn giao gấu theo đúng quy định và chung tay đồng hành cùng chiến dịch" - ông Tuấn Bendixsen, trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á, cho biết.

"Khi tham gia vào chiến dịch này, tôi được nhìn thấy những chú gấu được sống một cuộc sống hạnh phúc mà chúng xứng đáng có, điều đó khiến tôi thực sự xúc động.

Một trong những việc quan trọng nhất là giúp mọi người ngoài kia biết được tầm quan trọng của việc bảo vệ loài gấu, và tôi sẽ sử dụng nền tảng mạng xã hội để có thể giúp họ biết được điều đó" - nữ diễn viên Torrey Devitto chia sẻ.

HÀ THANH - LAM NGỌC

Đi chợ Đi chợ 'đồ rừng' - Kỳ 3: Mèo rừng bị buôn hơn 1.000km ra Bắc

TTO - Không khó thử đặt mua cả chú mèo rừng sống, động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm cần được bảo tồn, để xác định thực - ảo chợ thú rừng trên mạng.

DIỆU QUÍ - TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên