![Đề xuất UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng: Cách mạng về tư duy quản trị địa phương - Ảnh 1. Đề xuất UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng: Cách mạng về tư duy quản trị địa phương - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/thu-tuc-hanh-chinh4-read-only-17391154059221916223820.jpg)
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thẩm tra luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã đề xuất thêm cả nơi có tổ chức HĐND và nơi không tổ chức HĐND thì UBND đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Theo đề xuất của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, chủ tịch UBND là người đứng đầu UBND, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp (đối với nơi có tổ chức HĐND), trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.
Tạo sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của UBND
Chủ tịch, phó chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị trực thuộc (đối với cấp tỉnh, cấp huyện) hoặc công chức ở cấp xã sẽ là bộ phận hợp thành cơ cấu của UBND ở từng cấp.
Việc không duy trì các chức danh ủy viên UBND đồng thời là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND cũng giúp cho việc phân tách nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng hơn của người đứng đầu các cơ quan này trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và của cơ quan chuyên môn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quy định như vậy sẽ tạo sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của UBND ở tất cả các đơn vị hành chính trên cả nước, kể cả nơi có tổ chức HĐND và nơi không tổ chức HĐND.
Khắc phục tình trạng tuy cùng có tên gọi là UBND nhưng nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động và chế độ trách nhiệm lại khác nhau như trong dự thảo luật và trong thực tiễn hiện nay ở các địa phương đang tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Việc đồng nhất nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và chủ tịch UBND (nói cách khác, chủ tịch UBND là người tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND) sẽ đề cao tính chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết được vấn đề về mở rộng thẩm quyền phân cấp của chính quyền địa phương các cấp, phù hợp với yêu cầu cải cách, đổi mới một cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đơn giản hóa nền hành chính, tập trung quản lý theo kết quả.
Phù hợp xu hướng chung
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - bày tỏ đồng tình với đề xuất mô hình UBND này. Ông nêu rõ đề xuất mô hình UBND hoạt động theo chế độ thủ trưởng là xu hướng chung của thế giới.
Ở Việt Nam, từ nhiều năm trước đã có các ý kiến đề xuất về mô hình này. Đến khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở một số thành phố lớn, trong đó không tổ chức HĐND quận, phường thì UBND có chủ tịch, phó chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.
UBND ở đây đều hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. "Do vậy nếu mở rộng, thực hiện được theo mô hình đề xuất này sẽ là một cuộc cách mạng về tư duy trong vấn đề quản trị địa phương và hoàn toàn phù hợp", ông Dĩnh nêu.
Ông cũng nhấn mạnh khi thực hiện theo đề xuất này có thể giúp bộ máy chính quyền địa phương gọn nhẹ hơn (chỉ gồm cơ quan hành chính). Giảm tầng nấc từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cùng với đó giúp giải quyết nhanh chóng hơn các công việc của người dân và doanh nghiệp. Tăng thẩm quyền, tính tự chủ, năng động, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền các cấp...
Sẽ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng bày tỏ đồng tình với mô hình UBND là cơ quan hành chính và hoạt động theo chế độ thủ trưởng như xu thế thế giới hiện nay. Bà nêu rõ mô hình này vừa phù hợp với xu thế vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp hành chính địa phương.
Đồng thời nếu làm được việc này sẽ rất đột phá.
Cũng nêu ý kiến về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay như Ủy ban Pháp luật đề xuất nếu thực hiện một cuộc cách mạng về đổi mới, đề cao trách nhiệm và thẩm quyền thì nên có một mô hình UBND để thống nhất trong cả nước.
Theo đó, đây sẽ là cơ quan hành chính và hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Trong đó, ở nơi có HĐND thì HĐND vẫn bầu ra UBND nhưng không phải UBND hoạt động tập thể mà vẫn bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch và một số thành viên.
UBND hoạt động theo cơ chế hành chính và người đứng đầu là chủ tịch. "Như vậy mới thực sự là cuộc cách mạng, mới tránh sự không rõ ràng giữa quyền hạn, nhiệm vụ của tập thể với quyền hạn, nhiệm vụ của cá nhân. Trong hệ thống hành chính chỉ có Chính phủ là làm việc tập thể, còn lại là hành chính", ông Định nêu phương án của cơ quan thẩm tra.
Theo ông Định, đây là một ý mới mà Chính phủ không trình nhưng Ủy ban Pháp luật có thảo luận và đề xuất. Vì vậy nếu Chính phủ và Thường vụ Quốc hội thống nhất thì Thường vụ Đảng ủy Quốc hội cùng Chính phủ bàn để thống nhất báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
TP.HCM được gợi ý mô hình UBND hoạt động theo cơ chế thủ trưởng
Trước đó, tại phiên họp thứ 6 Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98/2023 hôm 8-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP nhận được gợi ý của Bộ Nội vụ về việc không tổ chức HĐND ở quận, phường.
Trong đó riêng mô hình UBND chỉ có chủ tịch, phó chủ tịch và hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Mô hình này sẽ tạo sự thay đổi lớn trong cách quản lý ở chính quyền các cấp.
Từ đó ông Mãi mong các chuyên gia nghiên cứu để sau nghị quyết 131 là một luật riêng cho đô thị đặc biệt TP.HCM hay góp ý vào hệ thống pháp luật để có hạ tầng pháp lý phù hợp cho sự phát triển của TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận