
Tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở đề xuất giảm đến 70% - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Tài chính mới đây có tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 103/2024 về tiền sử dụng đất đã đề xuất giảm đến 70% tiền đất cho hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trong hạn mức và giảm 1/2 tiền đất ngoài hạn mức.
Tiền đất trong hạn mức chỉ còn 30%
Theo dự thảo, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở;
Chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 1-7-2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở;
Chuyển từ đất được công nhận là đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở sang đất ở thì tiền sử dụng đất được tính bằng mức 30% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất ở.
Đối với diện tích đất vượt hạn mức giao đất ở thì được tính bằng 50% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Như vậy Bộ Tài chính đề xuất giảm đến 70% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân.
Với đề xuất trên thì hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất sẽ giảm được rất nhiều.
Ví dụ, hộ A có 400m² đất ở khu dân cư, gồm có nhà ở và đất vườn, ao (nông nghiệp). Trong đó địa bàn hộ A theo quy định có 200m² là đất trong hạn mức giao đất ở, còn 200m² ngoài hạn mức. Giá đất ở theo bảng giá đất đối với vị trí đất của hộ A là 46 triệu đồng, còn giá đất nông nghiệp là 500.000 đồng. Số tiền sử dụng đất hộ A phải đóng bao gồm:
Tiền sử dụng đất trong hạn mức: 200m² x chênh lệch giá đất ở (46.000.000 - 500.000) x 30% = 2.730.000.000
Tiền sử dụng đất ngoài hạn mức: (200m² x chênh lệch giá đất ở (46.000.000 - 500.000)) x 50% = 4.550.000.000
Tổng số tiền hộ A phải đóng khi chuyển mục đích 400m² đất là 7,28 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo cách tính hiện nay thì hộ A phải đóng tiền không phân biệt trong hay ngoài hạn mức, nghĩa là 400m² x chênh lệch giá = 18,2 tỉ đồng.
Hộ gia đình, cá nhân được lợi
Đây là mức giảm khá mạnh được Bộ Tài chính đề xuất trong điều kiện bảng giá đất điều chỉnh tăng gây khó khăn cho hộ gia đình, cá nhân. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm và báo Tuổi Trẻ cũng phản ánh liên tục thời gian qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hải Long, cố vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL, cho rằng dự thảo lần này của Bộ Tài chính đã lắng nghe, tiếp thu phản ánh về khó khăn của người dân, nhất là các hộ gia đình, cá nhân ở vùng ven, có nhu cầu xây nhà an cư, chia đất cho con cái.
Trước đây, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản - đã chỉ ra rằng TP.HCM còn khoảng hơn 13.035 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận, chiếm 0,7% tổng số thửa đất trên địa bàn thành phố.
Trong đó những hộ gia đình, cá nhân có nhà đất bị vướng quy hoạch chưa được chuyển mục đích hoặc những người có nhu cầu xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất các diện tích đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư đô thị ổn định gắn liền với nhà ở hiện hữu; hoặc những người có nhu cầu xin tách thửa đất đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở sẽ gặp khó khăn.
Đồng thời mới đây, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM cũng đề xuất nâng giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất hiện hành theo quyết định 79 từ 65-70% giá đất ở trong bảng giá đất ở. Áp dụng đối với đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch khu dân cư (quy hoạch đất ở) có nhu cầu chuyển mục đích sang đất ở.
Việc này nhằm kéo giảm chênh lệch giá giữa đất nông nghiệp và đất ở trong bảng giá đất đang gây khó khăn cho người dân chuyển mục đích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận