
Các mặt hàng giá rẻ luôn được người tiêu dùng Việt chuộng mua sắm trên sàn thương mại điện tử - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống sẽ được miễn thuế nhập khẩu, giảm một nửa so với mức 2 triệu đồng hiện hành.
Tuy nhiên mỗi cá nhân hoặc tổ chức chỉ được hưởng ưu đãi miễn thuế cho tổng giá trị hàng hóa không quá 48 triệu đồng/năm.
Đề xuất ngay lập tức gây ra nhiều tranh luận trong giới kinh doanh khi vừa tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm giá rẻ từ nước ngoài vừa đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Hàng giá rẻ nước ngoài rộng cửa vào Việt Nam
Chị Lan, chủ một shop quy mô lớn trên sàn thương mại điện tử, cho biết phải tính toán lại toàn bộ chiến lược kinh doanh vì hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ tràn vào nhiều hơn, cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước.
Trong khi đó sau khi nghiên cứu thị trường dịp Tết, anh T., giám đốc một công ty thương mại tại TP.HCM, quyết định đầu tư lớn vào kinh doanh online, tập trung vào nguồn hàng trong nước để tận dụng ưu thế về công nợ, chiết khấu từ nhà máy và tránh bất lợi từ thuế nhập khẩu.
Anh T. đã chi một khoản tiền không nhỏ để lập công ty mới, tuyển nhân viên, xây dựng phòng livestream, hợp tác với các KOL, KOC và liên kết với các sàn thương mại điện tử trong nước để phát triển mô hình B2B, B2C.
"Tôi nghĩ bán hàng trong nước sẽ "ngon ăn" hơn nhưng nếu đề xuất miễn thuế dưới 1 triệu đồng được thông qua, doanh nghiệp như chúng tôi sẽ rất khó cạnh tranh" - anh T. nói và cho biết nếu đề xuất này được thông qua, anh buộc phải cân nhắc chuyển hướng kinh doanh.
Không chỉ người bán hàng cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước cũng bày tỏ lo âu sau khi tiếp nhận thông tin này.
Ông Lê Anh - giám đốc một công ty sản xuất, gia công thiết bị điện, phụ kiện điện tử tại TP.HCM - cho rằng doanh nghiệp trong nước phải chịu thuế nhập khẩu cho nguyên liệu, hàng hóa từ nước ngoài, vậy tại sao hàng hóa nhập qua sàn thương mại điện tử lại được miễn thuế? "Nếu tính đến phương án miễn thuế phải tạo sự công bằng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước", ông Anh nói.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng đề xuất này có thể khiến giá các sản phẩm nhập khẩu trong phân khúc 1 - 2 triệu đồng tăng nhẹ do chịu thêm thuế.
Điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của hàng nhập khẩu, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh tốt hơn về giá. Tuy nhiên đối với các mặt hàng dưới 1 triệu đồng, việc giữ nguyên chính sách miễn thuế sẽ giúp hàng nhập khẩu tiếp tục duy trì lợi thế trên các sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - giám đốc thương mại điện tử của hệ thống bán lẻ 24hStore - cho rằng việc giảm mức miễn thuế xuống 1 triệu đồng có thể khiến thị trường hàng nhập khẩu phân khúc thấp trở nên sôi động hơn khi các nhà bán hàng tập trung vào những sản phẩm có giá dưới mức này để tận dụng chính sách miễn thuế.
"Ngược lại, với những mặt hàng trên 1 triệu đồng giá có thể tăng nhẹ, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ, vốn nhạy cảm với giá cả", bà Hồng nói.
Lo hàng Việt khó cạnh tranh
Cũng theo bà Hồng, các nhà sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh hơn từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt trong phân khúc dưới 1 triệu đồng.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp nội địa phải có chiến lược rõ ràng để duy trì sức cạnh tranh. Việc nâng cao giá trị thương hiệu trở thành yếu tố then chốt, giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt và lòng tin với khách hàng.
"Doanh nghiệp nội địa cần tận dụng lợi thế về dịch vụ hậu mãi và bảo hành để tạo niềm tin cho khách hàng. So với hàng nhập khẩu giá rẻ, sản phẩm trong nước có lợi thế về bảo hành chính hãng và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Đây là điểm mà các thương hiệu nội có thể khai thác mạnh mẽ để giữ chân người tiêu dùng", bà Hồng chia sẻ.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Nho - giám đốc vận hành nền tảng phân tích số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn - cho rằng nếu đề xuất trên được thông qua, sự cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa sẽ có những thay đổi nhất định.
Dẫn dữ liệu từ Metric.vn, bà Nho cho biết trong năm 2024 hơn 324,1 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với năm trước.
Những mặt hàng này chủ yếu thuộc ngành làm đẹp, thời trang với giá trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm.
Điều đó cho thấy phần lớn hàng nhập khẩu hiện nay có giá trị thấp, vẫn nằm trong ngưỡng miễn thuế ngay cả khi mức mới được áp dụng. "Tuy nhiên đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn, giá bán có thể tăng lên do chịu thêm thuế nhập khẩu", bà Nho nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết nhiều quốc gia đã ban hành quy định chặt chẽ để "bịt lỗ hổng", áp thuế/tăng thuế, ứng phó trước "cơn lốc" hàng giá rẻ tràn vào biên giới qua kênh thương mại điện tử.
Do đó việc đánh thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với hàng có giá trị nhỏ bán qua sàn thương mại điện tử là hợp lý.
"Hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ tràn vào nước ta qua đường thương mại điện tử tương đối nhiều, cần phải thu đúng - thu đủ.
Nếu không, doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh, bị thất thế ngay trên sân nhà, trái ngược với quyết tâm chung là phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam", ông Huân nói và cho rằng cơ quan hải quan cũng cần cố gắng tăng cường áp dụng công nghệ để tránh ùn ứ, vừa đảm bảo thu thuế vừa giúp doanh nghiệp nội địa có được sân chơi công bằng trên sân nhà.

Bán hàng qua mạng ngày càng bùng nổ tại Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hàng dưới 1 triệu qua sàn sẽ được miễn thuế nhập khẩu
Tại dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, giảm một nửa so với mức 2 triệu đồng trong quy định hiện hành.
Cũng theo dự thảo, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng chính sách này không quá 48 triệu đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, trong công bố mới nhất của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử của Việt Nam trong các năm gần đây tăng 15-20%/năm.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, chỉ sau Indonesia (65 tỉ USD) và Thái Lan (26 tỉ USD).
Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam là có thể bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế, gây thất thoát thu ngân sách.
Mặt khác, doanh nghiệp kinh doanh không cần có trụ sở, giao dịch bằng phương thức điện tử và máy chủ có thể đặt ở nước ngoài nên gây khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế và căn cứ tính thuế.
Cơ quan chức năng khó khăn trong kiểm soát dòng tiền do người mua hàng sử dụng phương thức thanh toán là tiền mặt và tiền điện tử.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng giá đề xuất này của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý. Bởi theo thông lệ quốc tế nhiều nước cho miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Việc áp dụng ngưỡng tổng giá trị nhập khẩu không quá 48 triệu đồng/năm cũng sẽ hạn chế việc người mua lợi dụng chính sách, nhập hàng về để kinh doanh. Tuy nhiên ông Tú cũng khuyến cáo cần đánh giá để đảm bảo số thuế thu được so với khoản đầu tư hệ thống, hạ tầng hải quan...
Theo các chuyên gia về thương mại, số lượng đơn hàng có giá trị nhỏ nhập vào Việt Nam rất lớn. Do vậy Cục Hải quan cần chuẩn bị tốt về hạ tầng hải quan điện tử để thuận lợi cho việc khai báo hải quan khi áp dụng chính sách này.
Còn rõ ràng, việc giảm trị giá đơn hàng nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu là cần thiết, vừa đảm bảo hài hòa quan hệ thương mại, ngoại giao giữa Việt Nam và các nước. Mặt khác, chính sách này cũng góp phần bảo vệ hàng sản xuất trong nước và đảm bảo công bằng cho nhà sản xuất trong nước.
Người tiêu dùng được hưởng lợi?
Đề xuất miễn thuế cho đơn hàng dưới 1 triệu đồng nhận được sự ủng hộ từ một số người tiêu dùng bởi ai cũng muốn mua hàng giá rẻ từ nước ngoài.
"Tôi không rõ thuế ra sao với doanh nghiệp, người bán hàng. Với khách hàng như tôi, quan trọng là giá rẻ, hàng hóa đa dạng và giao nhanh sẽ ưu tiên chọn lựa" - chị Thùy Dung (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ.
Đây cũng là tâm lý của người dùng khi yếu tố giá, mẫu mã đa dạng sẽ thu hút sự quan tâm mua sắm trên sàn thương mại điện tử chứ không phân biệt kỹ về nguồn gốc sản xuất trong nước hay nhập khẩu.
Tuy nhiên bà Ánh Hồng cảnh báo rằng một số khách hàng có thể tìm cách chia đơn hàng nhỏ hơn để tận dụng chính sách miễn thuế.
Điều này sẽ khiến các sàn thương mại điện tử phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh tình trạng gian lận trong khai báo giá trị đơn hàng. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các sàn đẩy mạnh những sản phẩm nội địa có chất lượng tương đương nhằm giữ chân khách hàng.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, với những sản phẩm dưới 1 triệu đồng, người tiêu dùng vẫn có thể tiếp cận hàng nhập khẩu với giá cạnh tranh, không chịu thêm thuế.
Điều này đặc biệt có lợi cho nhóm khách hàng tìm kiếm các mặt hàng phụ kiện công nghệ, thiết bị thông minh giá rẻ hay các sản phẩm tiêu dùng nhanh.
Tuy nhiên với những sản phẩm có giá trị cao hơn 1 triệu đồng, chi phí có thể đội lên, ảnh hưởng đến quyết định mua sắm. Người tiêu dùng có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm nội địa hoặc chuyển sang các thương hiệu có mức giá tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận