
Hàng hóa qua sàn thương mại điện tử được tập kết tại kho Đông Quản (Trung Quốc) - Ảnh: C.TRUNG
Dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đang được lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đã có đề xuất như trên.
Theo Bộ Tài chính, một vài năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ, như công bố mới nhất của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử của Việt Nam mỗi năm từ 15-20%.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, chỉ sau Indonesia (65 tỉ USD) và Thái Lan (26 tỉ USD).
Tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh cả về quy mô và hình thức. Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam hiện nay là có thể bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế, gây thất thoát thu ngân sách.
Mặt khác, doanh nghiệp kinh doanh không cần có trụ sở, thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử.
Máy chủ có thể đặt ở nước ngoài nên gây khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế và căn cứ tính thuế. Thêm nữa, cơ quan chức năng khó khăn trong kiểm soát dòng tiền do người mua hàng sử dụng phương thức thanh toán là tiền mặt và tiền điện tử.
Đề xuất giảm một nửa mức trị giá hàng được miễn thuế nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử
Để đảm bảo không thất thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như theo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.
Như vậy mức giá miễn thuế nhập khẩu được đề xuất giảm một nửa so với hiện nay, từ 2 triệu đồng giảm xuống còn 1 triệu đồng/đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử.
Đồng thời mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu này không quá 48 triệu đồng Việt Nam/năm.
Trước đó, Thủ tướng ban hành quyết định bãi bỏ miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu qua thương mại có trị giá 1 triệu đồng.
Theo đó từ ngày 18-2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Về kinh nghiệm quản lý hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, trong tờ trình dự thảo nghị định nói trên, Bộ Tài chính cho biết Thái Lan thu 7% thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 baht (tương đương 1.100.000 đồng).
Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi Đạo luật Thương mại điện tử để bắt buộc các nhà khai thác nền tảng trực tuyến lớn của nước ngoài phải thành lập văn phòng địa phương tại Hàn Quốc.
Còn tại Trung Quốc, người bán phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng để bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời Trung Quốc quy định chặt chẽ việc cho phép một số hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường nước này qua thương mại điện tử như phải thuộc danh sách hàng hóa được nhập khẩu bán lẻ tại Trung Quốc thông qua thương mại điện tử; chỉ cho phép bán hàng hóa tới người tiêu dùng cuối cùng chứ không được mua đi bán lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận