Đất nông nghiệp bỏ hoang: Con người hay thiên nhiên sẽ quản?

LÊ MY 22/02/2025 04:58 GMT+7

TTCT - Ý tưởng tận dụng quỹ đất hoang, không ai ngó ngàng để chống biến đổi khí hậu, hay phục hồi hệ sinh thái nghe thật lý tưởng. Liệu có chữ "nhưng" nào không?

Đất nông nghiệp bỏ hoang: Con người hay thiên nhiên sẽ quản? - Ảnh 1.

Minh họa của Egan Jimenez, ĐH Princeton

Đất nông nghiệp bị bỏ hoang chôn giấu những tiềm năng to lớn trong việc cải thiện tính đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, hơn 40 triệu ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ đã trở thành một trong những bể chứa carbon "nhân tạo" lớn nhất thế giới.

Vậy nhưng, các nhà sinh thái học và nhà hoạch định chính sách hiện đang tranh luận những câu hỏi không kém phần hóc búa. Thế hệ sinh vật mới đến sẽ tạo nên loại cảnh quan nào? Chúng sẽ góp phần để môi trường phục hồi hay theo đà suy thoái? Con người có nên can thiệp để định hướng số phận của mảnh đất, hay thậm chí không để cho nó bị bỏ hoang?

Không có một câu trả lời thống nhất cho mọi hoàn cảnh. Và đôi khi, dữ liệu khoa học không có sức thuyết phục bằng lợi ích mà người ta theo đuổi.

Nguồn tài nguyên đất bị bỏ quên

Thương mại thực phẩm toàn cầu đã thúc đẩy việc phá rừng ở Brazil và Bolivia để phục vụ nông nghiệp, nhưng ở những nơi khác, nó lại đẩy những trang trại nhỏ với đất đá, đồi dốc hoặc khô hạn ra rìa. Trên toàn cầu, kể từ năm 1950, diện tích đất nông bỏ hoang có thể lên tới 400 triệu ha - hơn một nửa diện tích châu Đại Dương, theo tạp chí Science.

Francesco Cherubini thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy tính toán rằng trong ba thập kỷ qua, châu Âu đã mất nhiều đất nông nghiệp hơn toàn bộ diện tích của Thụy Sĩ. Ở Nhật vẫn có hơn 100.000ha đất nông nghiệp hoang phế; còn ở một số vùng của châu Phi, các cánh đồng bị bỏ hoang khi người trẻ chạy theo việc làm ở các thành phố, theo Edward Mitchard, nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh (Anh).

Trong khi đó, tại Mỹ khoảng 12,3 triệu ha đất trồng trọt đã bị bỏ hoang kể từ những năm 1980, theo một nghiên cứu trên Environmental Research Letters hồi tháng 6-2024. Khoảng một nửa (53%) đã biến thành đồng cỏ, trong khi 18,6% trở thành cây bụi và rừng rậm. 8,4% đã trở thành đất ngập nước và 4,6% không có thảm thực vật. Phần còn lại rơi vào trường hợp "được canh tác lại" hoặc không thể phân loại.

Nếu được quy hoạch đúng đắn, đất nông nghiệp bị bỏ hoang có thể được sử dụng để trồng các loại cây năng lượng, như cỏ đuôi cáo, để giữ carbon trong đất, và làm nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học và sản phẩm thay thế cho hóa dầu.

Thảm kịch sinh thái hay cơ hội tái sinh?

Vào một ngày hè nóng nực của tháng 9-2024, Gergana Daskalova bước cẩn thận qua một cây cầu ọp ẹp và trèo lên một con đường phủ đầy cỏ - những gì còn sót lại của Kreslyuvtsi, nơi không ai ở, một trong khoảng 500 "ngôi làng ma" của Bulgaria. 

Đây là địa điểm nghiên cứu của Daskalova, thuộc Khoa sinh học bảo tồn của Đại học Georg August Göttingen (Đức). Cô đang nghiên cứu những gì xảy đến với các hệ sinh thái một khi vắng bóng con người.

Daskalova đi ngang qua những ngôi nhà gạch và trát vữa có mái ngói đỏ, nhiều căn trong số đó ẩn mình sau lớp màn dây leo. Những bụi mâm xôi dại mọc đầy ở nơi từng là vườn hoa hoặc cây ăn quả. "Mâm xôi đang kìm hãm sự phát triển của bất cứ thứ gì khác" - Daskalova nói với cây bút Dan Charles của Science.

Phiên bản thiên nhiên đang chiếm lĩnh ngôi làng này là một sự thay thế kém cỏi so với "người tiền nhiệm". "Nếu tiến hành một cuộc khảo sát thực vật ở đây ngay bây giờ, chúng ta có thể có khoảng 10 loài thực vật, đối với một ngôi làng miền núi thì không nhiều lắm" - cô nói. Một ngôi làng nơi con người vẫn chăm sóc vườn tược và chăn dê có thể có gấp 10 lần số loài thực vật đó, và cũng có nhiều loài chim hơn.

Ngạc nhiên thay, sự thiếu vắng các hoạt động của con người dường như đang bóp nghẹt sự đa dạng sinh học ở những ngôi làng miền núi như thế này, nơi mà tình trạng bỏ hoang diễn ra mạnh mẽ nhất. 

Mặt khác, ở những vùng đất thấp đông dân hơn, nơi những ngôi nhà và cánh đồng bị bỏ hoang nằm cạnh khu vực còn có người sinh sống và làm việc, cô phát hiện một số loài động vật hoang dã phát triển mạnh mẽ trong đống đổ nát. "Những gì còn sót lại của cơ sở hạ tầng của con người thực sự rất tốt cho đa dạng sinh học" - cô nói.

Đất nông nghiệp bỏ hoang: Con người hay thiên nhiên sẽ quản? - Ảnh 2.

Cỏ mọc um tùm quanh một ngôi nhà bỏ hoang gần Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Nhưng đây chỉ là một vài điểm dữ liệu trong một bức tranh rất lớn và lộn xộn. Johannes Kamp, đồng nghiệp của Daskalova tại Göttingen, lần đầu tiên nhìn thấy vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở Kazakhstan vào năm 2003. Khi đó, nơi đó giống như thiên đường với những chú cáo tuần tra thảo nguyên và bầu trời tràn ngập tiếng hót.

Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, cỏ mọc um tùm trên đất hoang mà không có gia súc kiểm soát, và các đám cháy tàn khốc bùng lên. Cùng lúc đó, các công ty xuất hiện để giành lại một số vùng đất màu mỡ nhất. 

Khi Kamp trở lại Kazakhstan vào mùa hè năm 2024, nguy cơ hỏa hoạn đã giảm bớt. Số lượng gia súc ngày càng tăng và quần thể linh dương saiga hoang dã bùng nổ đã kiểm soát thảm thực vật; việc giành lại đất để canh tác đã bị đình trệ, như Kamp kể trong email gửi cho Science.

Ngày nay, Kamp không thể khẳng định liệu việc bỏ hoang đất đai nói chung là có lợi hay có hại cho đa dạng sinh học. Đất đai hoang phế có liên quan đến xói mòn đất, sa mạc hóa và tăng nguy cơ cháy. Khi lửa bùng lên, một bồn chứa carbon có thể trở thành một nguồn phát thải carbon.

"Đây là một cuộc chiến văn hóa" - Henrique Pereira, nhà sinh thái học tại Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tích hợp và Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg của Đức. Pereira đang dẫn dắt một phong trào ở châu Âu nhằm chấp nhận việc bỏ hoang đất đai như một cơ hội để cho thiên nhiên diễn ra theo đúng quy luật của nó - kể cả khi nó mở đường cho cỏ dại và các loài xâm lấn, như ở làng của Daskalova. "Tôi ủng hộ sự kế thừa sinh thái sau khi bỏ hoang" - ông nói.

Nhưng theo Michael Glemnitz tại Trung tâm Nghiên cứu cảnh quan nông nghiệp Leibniz của Đức, ý tưởng trên là "một câu chuyện cổ tích về sinh thái". Địa lý và khí hậu chắc chắn ảnh hưởng đến quá trình "kế thừa sinh thái" - quá trình một vùng đất bị xáo trộn từng bước trở thành một khu rừng sôi động. 

Ý tưởng này dựa trên các quan sát về đất nông nghiệp bị bỏ hoang của Mỹ. Trong khi đó, các cánh đồng hoang phế trong khí hậu khô cằn của vùng Tây Úc có thể gần như không thay đổi trong gần một thế kỷ.

Câu hỏi về lợi ích

Các kết quả nghiên cứu sẽ không thể nói cho ta biết cách quản lý đất bỏ hoang, hoặc liệu con người có nên cố gắng quản lý nó hay không. "Ngay cả khi chúng ta là nhà khoa học thì cuối cùng đó cũng sẽ là một quyết định dựa trên các giá trị" - Daskalova nói.

Ví dụ, Liên minh châu Âu đang sử dụng các khoản trợ cấp nông nghiệp của mình như một công cụ để chống lại tình trạng bỏ hoang đất đai, thuyết phục nông dân tiếp tục chăm sóc những "cảnh quan văn hóa". Pereira cho đó là sai lầm. 

Ông lập luận rằng các nhà bảo tồn nên cố gắng tạo ra điều kiện để các quá trình sinh thái tự nhiên diễn ra mà không bị con người kiểm soát. Khi đó, các quần thể thực vật, động vật mới có thể thích nghi với những biến động như biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, những lợi ích về phía Mẹ thiên nhiên, nếu có, cũng có thể… hết hạn sau thời gian ngắn. Trong một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Science Advances, Đại học Princeton (Mỹ) đã đánh giá đất nông nghiệp bỏ hoang tại 11 quốc gia trên khắp thế giới, và phát hiện ra rằng đất hoang thường được lấy lại để canh tác, dẫn đến mất mát các lợi ích về môi trường. 

Nhìn chung, hầu hết đất trồng trọt được xem xét trong nghiên cứu này chỉ bị bỏ hoang trong khoảng 14 năm, không đủ lâu dài để thu giữ một lượng lớn carbon hoặc trở thành một khu rừng giàu đẹp.

Liệu những vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang có thể cứu hành tinh? Cho tới lúc này, chưa có câu trả lời cuối cùng, ngoài nhận định có vẻ "nước đôi" sau của tạp chí Yale Environment 360: Việc trả lại đất cho thiên nhiên không phải là giải pháp vạn năng để giải quyết khủng hoảng khí hậu hay suy giảm đa dạng sinh học, song nếu được khai thác và quản lý hợp lý, nó có tiềm năng rất lớn. 

Một "kết thúc có hậu" là điều không chắc chắn, và giới khoa học đang cố gắng tìm ra những yếu tố nào đưa từng cảnh quan đi theo con đường riêng của nó.

Trong một bài báo trên tạp chí Science hồi tháng 1, Peter Verburg, nhà nghiên cứu về sử dụng đất tại Đại học Tự do Amsterdam (Hà Lan), gọi đất nông nghiệp hoang phế là "một hiện tượng trên toàn thế giới". "Tôi nghĩ rằng không còn nghi ngờ gì nữa, tình trạng bỏ hoang sẽ tiếp diễn" - Verburg nói. Trên thực tế, biến đổi khí hậu có khả năng đẩy nhanh quá trình này khi hạn hán ảnh hưởng đến nhiều vùng canh tác hơn.


Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận