Phóng to |
Vào vùng dịch
Anh Lô Văn Đậu - công nhân phân trường 1 - cùng tốp chủ rừng thông khu vực xóm 8 và xóm 15, xã Hương Long dẫn tôi lên vùng rừng Động Dài để chứng kiến cảnh dập dịch ngày thứ 15 của Công ty Sản xuất - kinh doanh thông Hà Tĩnh.
Khi vừa đến bìa rừng thông nối dài tít tắp cách đại lộ Hồ Chí Minh 3km thì tốp công nhân ai nấy tỏa ra mỗi người một việc. Hai người khiêng máy vô rừng. Một người gánh nước dưới khe suối lên. Một người pha thuốc. Bốn người lồng bét (vòi) phun vào đầu dây rồi buộc vào sào. Mỗi dây phun dài cỡ 100m được buộc vào sào tre dài.
Cảm nhận đầu tiên khi tôi ngẩng mặt nhìn theo hai cái bét phun trên đầu hai sào được bốn người điều khiển đang khạc thuốc liên tục từ cây thông này sang cây thông khác là tiếng sâu ăn lá rào rào như tằm đang ăn dâu.
Phóng to |
Phút chốc tôi đã đứng giữa một trận đồ bát quái khủng khiếp của sâu róm thông khi cái bét phun thuốc đến đâu thì những đám sâu trúng thuốc rơi ào ạt đến đó. Dưới những gốc cây thông dày đặc những con sâu đang giãy giụa.
Chủ rừng Đinh Văn Thanh ở xóm 8, Hương Long nói: “Khu vực này là vùng dịch “siêu” nặng. Mật độ ken dày đến 2.500-3.000 con/cây nên khi bị say thuốc chúng rơi từng đoàn”. Ấy là vùng rừng bị sâu róm ăn đi ăn lại hai, ba lần khiến cây thông trơ trọc, cháy đen.
Khi tốp công nhân đang tạm nghỉ giải lao, tôi bước tới dưới những cây thông này. Đây là những cây thông mới bị nhiễm sâu hôm qua nhưng chưa kịp phun thuốc thì chỉ sau một đêm “cây đã hóa củi”.
Chị Hương - người hơn 20 năm gắn bó với rừng thông Hương Khê, hiện đảm nhiệm việc vận chuyển nước từ khe suối lên điểm dập dịch - cho biết:
“Đây là lớp sâu thế hệ bốn (sâu 4 tuổi). Thế hệ sâu bốn tuổi đến thế hệ sâu sáu tuổi là lớp sâu ăn hại ghê gớm nhất với tốc độ cực lớn so với các loài sâu ăn lá khác (vòng đời của mỗi con ăn hết 4-5kg lá) mà con người rất khó chống đỡ. Sau 15 ngày là sâu có thêm một tuổi. Nhưng đến tuổi thứ sáu thì sâu vô kén, sau đó hóa nhộng, thành bướm đẻ ra sâu non. Bởi vậy nếu không dập dịch ngay từng thế hệ sâu thì chỉ sau 45 ngày mỗi con sâu có khả năng sinh sản 25.000 trứng một lần sinh”.
Cứu rừng
Trong khu rừng Động Dài cùng với tốp của chị Hương là hàng trăm tốp công nhân khác nối vùng rừng này liền với dải rừng khác gồm 1.500 nhân công được Công ty Sản xuất - kinh doanh thông Hà Tĩnh thuê đi dập dịch cùng với 150 công nhân của công ty.
Đã gần qua hết ngày 15 của chiến dịch mà không khí tìm diệt sâu róm thông vẫn còn hăng như ngày đầu ra quân. Các ban phòng của trụ sở công ty khóa cửa. Công ty vắng bặt người bởi từ giám đốc, trưởng phòng tổ chức đến các bác tài xế xe con, xe tải đều vào rừng diệt sâu.
Tôi gặp được trưởng phòng kỹ thuật kiêm bảo vệ rừng Lưu Văn Quang khi trời đã tối. Ông Quang miệng nhai trầu bỏm bẻm, vù xe Cub 81 như lướt gió từ phân trường Hương Thủy ra Động Dài nói nhanh:
“Thiệt hại quá lớn, trên 1.500ha bình quân cho khai thác từ 800-1.000 tấn nhựa nay xem như mất đứt 12 tỉ đồng, chưa kể tiền máy móc, thuốc trừ sâu, tiền nhân công dập dịch. Đây là vùng rừng phòng hộ của 12 xã nghèo miền núi, nếu cứ để sâu róm tiếp tục phá hoại rừng thông thì nguy cơ mất nước của các hồ đập chính khó tránh khỏi. Môi trường sinh thái của 70km đại lộ Hồ Chí Minh đi qua những dãy rừng thông từ xã Gia Phố đến xã Hương Minh cũng bị phá vỡ”.
Anh Lê Hải Phu - công nhân phân trường 3, là một trong nhiều người đã từng “quị” xuống giữa rừng thông vì lông sâu róm đâm gây sưng phù - nói: “Nếu không ra sức cứu rừng thì chết đói vì lấy đâu ra rừng khai thác nhựa”.
Vì thế đã vô viện nhưng anh Phu vẫn tìm cách trốn về để cùng anh chị em công nhân dập dịch với quyết tâm mười người “quét” thuốc được 5ha/ngày đảm bảo cứu sống 1.172ha thông, và tiếp tục phun thuốc cho 1.185ha có nguy cơ nhiễm dịch.
Cùng với anh Phu là các anh Nguyễn Hữu Chinh, Nguyễn Viết Đửu, Nguyễn Quang Trân, Đinh Thanh, Trần Phúc... những người trong hàng trăm công nhân từng đi xách nước hàng cây số vượt nhiều đèo dốc, từng cầm vòi nặng phun thuốc khắp các nẻo rừng, từng ăn cơm giữa rừng sâu róm, bị sưng chân, sưng tay nhưng vẫn không chịu lùi, tất cả chỉ vì rừng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận