![Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày đêm Quảng Trị, không thể nào quên - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/1b-173915693347757701141.jpg)
Đạo diễn Đặng Thái Huyền
Mưa đỏ phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Phim là một trong hai dự án phim chiến tranh lớn nhất năm nay.
Trên phim trường, đừng nói chuyện giới
* Không có nhiều nữ đạo diễn làm phim lịch sử, chiến tranh. Điều này có phải do yếu tố giới chi phối?
- Tôi nghĩ một phần thôi. Tất nhiên dòng phim chiến tranh với những đại cảnh lớn liên quan đến vũ khí khí tài, quá nhiều tình huống phát sinh thì việc một phụ nữ phải vượt qua áp lực, xử lý nhanh các sự cố luôn là thử thách.
Nhưng phần lớn, theo quan điểm của tôi, phụ nữ không có nhiều hứng thú khi phải thực hiện những cảnh bom rơi đạn lạc, hy sinh mất mát, máu và nước mắt. Không phải tự nhiên mà trong lịch sử điện ảnh thế giới, nam giới làm phim về chiến tranh nhiều hơn nữ giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
![Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày không thể nào quên - Ảnh 2. Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày đêm Quảng Trị, không thể nào quên - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/mua-do-1739150742313630736022.jpg)
Mưa đỏ là dự án có quy mô lớn nhất của điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm trở lại đây với diện tích bối cảnh phim trường gần 50ha - Ảnh: ĐPCC
* Đặng Thái Huyền có thích ai đó gọi mình là "nữ đạo diễn" không?
- Tôi đương nhiên là một nữ đạo diễn rồi (cười). Nhưng trên phim trường, tôi không thể nói với các cộng sự rằng "vì tôi là phụ nữ nên các anh em phải ưu ái và hỗ trợ tôi". Đồng nghiệp cũng không vì tôi là phụ nữ mà có những ưu đãi nào đặc biệt.
Khi ra hiện trường, chúng tôi rất bình đẳng. Mọi người tôn trọng, lắng nghe tôi vì tôi là người đứng đầu của đoàn phim và tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi vấn đề liên quan.
* Dù vậy, góc nhìn của những người nữ làm phim về chiến tranh hẳn phải khác với cánh đàn ông chứ?
- Trong cuốn sách nổi tiếng Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich đã mang đến "một lục địa riêng biệt của những người phụ nữ" giữa mùi thuốc súng và bom đạn hỗn loạn.
Điện ảnh cũng thế. Tôi nghĩ đạo diễn nữ có những cảm nhận về cuộc chiến đôi khi hơi khác so với các nam đạo diễn. Họ hay lặn lội vào những điều rất nhỏ.
Với họ, một đại cảnh hoành tráng quan trọng nhưng những tiểu tiết nhỏ, một cảnh đặc tả hay một khung hình cận cảnh cũng quan trọng chẳng kém. Họ hay tỉ mỉ với những điều nho nhỏ như thế giữa những cái lớn lao, ồn ào đặc thù của dòng phim chiến tranh.
Tôi hay trao đổi với các cộng sự của mình rằng súng ống đạn dược chỉ là một phần, điều tôi quan tâm hơn đằng sau đó là gì.
Trong phim chiến tranh của tôi nói chung, tôi không lạm dụng nhiều bom đạn, những cảnh phô trương mà đi vào những lát cắt nhỏ. Tất nhiên những đại cảnh là điều phải có, nhưng không phải là tất cả. Tôi không biết đó có được coi là lợi thế của nữ giới làm về chiến tranh không?
![Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày không thể nào quên - Ảnh 3. Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày đêm Quảng Trị, không thể nào quên - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/mau-do-1-1739150784775181184042.jpg)
Tham gia phim có rất nhiều bạn trẻ gen Z - Ảnh: ĐPCC
Mỗi ngày giống như leo dốc
* Với Đặng Thái Huyền, 81 ngày với Mưa đỏ là quãng thời gian như thế nào?
- Phần lớn phim chiến tranh lớn trên thế giới mà tôi biết số lượng cảnh thực hiện ở trong trường quay chiếm đa số. Không gì bằng việc ê kíp có thể chủ động và vận hành được mọi thứ theo cách mà mình mong muốn.
Nhưng với Mưa đỏ, gần như 90% cảnh quay được thực hiện tại thực địa, chính tại nơi diễn ra cuộc chiến như trong lịch sử đã đề cập.
Đó đúng là thách thức với chúng tôi, nhưng mặt khác, việc được tác nghiệp trên chính mảnh đất đã có quá nhiều hy sinh mất mát lại mang tới cho chúng tôi cảm giác thiêng liêng, buộc mình phải cố gắng, nghiêm cẩn rất nhiều.
Hầu như trong tất cả những ngày tác nghiệp, tôi không ngồi ở monitor (màn hình giám sát) dùng bộ đàm trao đổi với các trợ lý mà ngồi trực tiếp tại hiện trường, cạnh máy quay và cảm nhận thực tế cảnh quay.
Tôi không muốn đồng nghiệp của mình, diễn viên của mình đang ngâm mình dưới nước hoặc gần quả nổ mà mình thì ở xa và chỉ đạo. Tôi cũng không thể nói với diễn viên rằng quả nổ "điện ảnh" đó an toàn, không sao đâu, trong khi tôi không ngồi ở đó. Tôi muốn anh em biết anh em ở đâu thì tôi ở đó, sát cánh cùng mọi người.
Tất cả những điều ấy cộng với thời tiết khắc nghiệt lạnh giá, mưa gió ở Quảng Trị làm cho mỗi ngày trải qua với tôi giống như một trận chiến, như leo qua rất nhiều con dốc. Leo lên, leo xuống rồi leo lên, cứ thế. Đó là lý do sau khi làm xong Mưa đỏ, tôi có cảm giác sức lực và trí lực như cạn kiệt. Tôi đã dành hết năng lượng mình có cho Mưa đỏ.
![Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày đêm Quảng Trị, không thể nào quên - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/1a-1739151892234756566272.jpg)
Đặng Thái Huyền trên trường quay Mưa đỏ
* Khổ là vậy nhưng cũng có lúc cảm thấy sướng, thấy đã chứ. Nếu không, sao có sức mà đi tiếp?
- Có những ngày quay xong một đại cảnh hoặc một phân đoạn nào đó mà diễn viên thăng hoa, tôi như rơi vào một cơn phấn khích đến nỗi không ngủ được dù thiếu ngủ rất trầm trọng.
Tôi cứ mường tượng, cứ nghĩ tới cảnh quay đó mãi và sung sướng ngấm ngầm như một sĩ tử trải qua kỳ thi mà mình nghĩ đã làm tốt nhất có thể.
* Ngày quay cuối cùng kết thúc như thế nào?
- Trước đó quay thông 48 tiếng, tới 6h15 ngày 21 tháng chạp khi tôi hô kết thúc, cảm ơn các anh em cũng là lúc vệt nắng đầu ngày vừa hé. Mọi người ôm nhau hò hét, khóc rất nhiều.
Ai cũng sung sướng, hạnh phúc vì cuối cùng cũng đã hoàn thành bộ phim quá gian khổ này. Và hạnh phúc hơn nữa vì anh em ai cũng tâm huyết và tận hiến. Cảm giác như mọi người vừa hoàn thành xong sứ mệnh vậy đó.
Lúc đó tôi chui ra một góc, lén khóc và nói với bản thân mình: "Huyền ơi, cuối cùng mày cũng vượt qua được rồi".
Sau đó tất cả mọi người trong ê kíp không ai bảo ai đều thu xếp ra Thành cổ Quảng Trị thắp hương, báo cáo các cụ về việc hoàn thành nhiệm vụ rồi mới lần lượt rời khỏi Quảng Trị.
![Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày đêm Quảng Trị, không thể nào quên - Ảnh 5.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/4-17391660656821776927158.jpg)
Ê-kip làm phim Mưa đỏ
* Trước khi ra sân bay về Hà Nội, tâm trạng chị ra sao?
- Trên đường ra sân bay, tôi nói tài xế cho xe chạy quay lại phim trường một lần nữa. Nhìn từ xa. Thu hết vào tầm mắt. 81 ngày qua, bao nhiêu con người hội tụ về đây náo nhiệt, ồn ã.
Giờ chỉ sau một ngày kết thúc, tòa thành đã im lìm nằm đó giữa gió rít và mưa. Tất cả những hình ảnh đó in đậm vào tôi đến mức sau này khi quay về Hà Nội, tôi không dám mở bất kỳ bức ảnh nào liên quan đến phim ra xem lại. Tôi sợ mình sẽ khóc mất.
* Cảm ơn chị.
Bộ phim của tất cả
Nhiều lúc nhìn diễn viên của mình, đa số là các bạn gen Z rất trẻ, mà thương. Suốt ngày dầm nước chịu rét, lầy lội bùn đất... cực khổ quá. Nhưng chính các bạn động viên lại: "Chị đừng gục ngã, còn làm chỗ dựa cho bọn em".
![Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày đêm Quảng Trị, không thể nào quên - Ảnh 9.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/z6303572188756fb2a034c9578b5163d80bf9e3c17cbc9-173916611839537622889.jpg)
Một cảnh quay Mưa đỏ
Khi đọc những tin nhắn đó, tôi như được tiếp lửa. Đây không chỉ là bộ phim của điện ảnh Quân đội nhân dân, của Đặng Thái Huyền mà còn là bộ phim của tất cả mọi người.
Cảm ơn nhà văn Chu Lai đã viết nên một kịch bản hay, một câu chuyện đẹp để ai cũng muốn được là một phần của nó.
Đặng Thái Huyền
Đặng Thái Huyền rất quyết đoán, mạnh mẽ trong suy nghĩ.
![Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày không thể nào quên - Ảnh 4. Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 81 ngày không thể nào quên - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/10/mua-do-3-17391508515671261752451.jpg)
Hứa Vĩ Văn và Đặng Thái Huyền trên trường quay Mưa đỏ - Ảnh: NVCC
Trên trường quay, Huyền luôn vững vàng.
Huyền có khả năng nhìn ra thế mạnh của từng diễn viên để khai thác tối đa sở trường và năng lực của họ.
Trong phim, mỗi nhân vật đều có đất diễn riêng, nhưng khi kết hợp lại, tất cả tạo nên một tổng thể chặt chẽ và hài hòa.
Với tài năng, sự quyết tâm và tư duy nhạy bén của Huyền, tôi tin rằng cô sẽ tìm ra con đường để Mưa đỏ chạm đến trái tim khán giả.
Diễn viên Hứa Vĩ Văn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận