Đăng ký gặp quan

VŨ TOÀN 08/01/2008 23:01 GMT+7

TTCT - Từ năm 2003, mỗi tháng UBND tỉnh Thanh Hóa dành riêng một ngày (ngày 25) để tiếp dân (nếu chủ tịch tỉnh bận việc đột xuất thì phó chủ tịch tiếp thay). Thế nhưng, để được gặp chủ tịch tỉnh thì nhiều người dân khắp các huyện phải cơm đùm, cơm nắm, mang theo chăn chiếu, nilông, đèn pin, đi xe đò, xe máy, xe đạp và cả xe ôm đến từ chiều 24 để xếp hàng, đăng ký.

Phóng to
Ghi tên vào danh sách đăng ký trong đêm 24-12

Phóng viên Tuổi Trẻ Cuối Tuần cũng đã ghi tên mình vào danh sách đó trong đêm 24-12-2007.

19g ngày 24-12-2007, tôi lách khỏi những ngã tư đông nghịt người, xe trong đêm Noel đi về phía phòng tiếp dân của UBND tỉnh Thanh Hóa nằm bên đại lộ Lê Lợi thuộc phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa.

Từ đêm đến sáng

Từ khoảng cách 30m, tôi thấy những ánh đèn pin rọi xung quanh những mái đầu đội mũ bảo hiểm đang chụm vào nhau. Đó là những người dân ở xa tranh thủ đến sớm để ghi tên mình vào danh sách đăng ký gặp chủ tịch tỉnh. Khác với trước đây, họ phải sắp từng hàng gạch dài giống như cảnh đi mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp. Bây giờ họ ghi tên như vậy để biết thứ tự người đến trước, người đến sau nhằm tránh gây lộn xộn trong buổi sáng gặp chủ tịch tỉnh.

Cô gái tên H. đến từ đội 2, xã Trung Thành, huyện Nông Cống cầm tờ giấy đã dày đặc tên, ngồi trên yên xe máy vội vã ghi tên mẹ mình. H. nói: “Tôi phải đi sớm đăng ký thay cho mẹ. Sáng mai bà cụ mới đến được. Bà cụ đi kiện vụ đất từ khi tôi mới 10 tuổi. Bây giờ tôi đã 27 tuổi mà vụ kiện chưa đâu đến đâu”.

Một ông già tóc bạc, đầu húi cua đi từ đầu phố đến, bắt chuyện: “Tôi ở ngay thành phố này nhưng cũng phải ra đăng ký sớm, vì nếu 7g sáng mai ra ghi tên thì phải xếp vị trí thứ 100. Mà mỗi ngày ông chủ tịch tỉnh tiếp nhiều lắm cũng không quá 40 trường hợp”. Ông già hỏi tôi: “Anh có đăng ký thì đọc tên, quê quán tôi ghi cho. Ở đây người đến sớm nhất được bầu là “ban lãnh đạo” đảm nhận công việc làm chứng và ghi danh sách cho dân. Sau đó ai có tiền thì ngủ nhà trọ, không có tiền thì nằm tại chỗ đợi trời sáng. Người ngủ, người thức thay nhau mà ghi tên cho người đến sau và bảo vệ tài sản cho nhau”. Tôi cảm ơn rồi nhờ ông ghi tên mình vào cuối trang thứ nhất, số thứ tự 22.

Ngồi cạnh một ông cụ gầy nhom, đầu phủ mũ len xuống tận cổ, chỉ trừ đôi mắt ngái ngủ là bà Doãn Thị Nết đang co ro trong tấm nilông cũ. Bà Nết đạp xe cà tàng hơn 40 cây số đến từ xã Hà Ninh, huyện Hà Trung. Trước mặt bà, chiếc xe đạp đã được néo chặt cọc yên vào gốc cây bằng dây thun. Bà cụ đề phòng kẻ xấu cuỗm chiếc xe khi bà ngủ gật.

Rồi hàng loạt xe máy lấm bụi vào nhập hội cùng chúng tôi. Một chị đội mũ bảo hiểm hình như đã quen cảnh đăng ký sớm nên vừa đến đã cầm ngay tờ giấy đăng ký, kê lên đầu gối viết tên mình vào. Cảnh đăng ký tiếp diễn đến 3g sáng 25-12-2007 khi mười người dân từ huyện Ngọc Lặc vừa rời xe đò ở bến xe đến trải nilông, trùm chăn ngủ ngay trước cổng phòng tiếp dân.

Nghe ồn ào, bà Nết thức dậy dưới tấm nilông, nói: “Ngày mai đến phiên ông Chu Phạm Ngọc Hiển - phó chủ tịch tỉnh - tiếp dân nên kể cả đăng ký và không đăng ký chỉ có khoảng 100 người thôi. Vì một ngày may lắm ông này chỉ hứa giải quyết được một vài vụ. Mà từ lời tỉnh hứa đến việc huyện, xã làm còn xa vời lắm lắm. Nếu là phiên ông Nguyễn Văn Lợi - chủ tịch tỉnh - thì dân đi kêu kiện đông như hội. Có hôm cả hành lang này đông kín người nằm ngủ, cỡ 300 người.

Hôm đó, công an đến bảo vệ đông hơn”. Rồi bà Nết đưa hai tay xua từng đám muỗi đang lởn vởn bên tai, kể tiếp: “Dân đi kêu kiện mỗi ngày mỗi đông vì tỉnh không giải quyết được nhiều nên người kiện cũ chồng lên người kiện mới. Năm ngoái nếu đến đăng ký lúc 1g sáng 25 thì được ghi vào vị trí thứ hai. Năm nay đến 13g ngày 24 thì đứng số 15. Không ít người đi kêu kiện 15 năm, 20 năm vẫn chưa xong. Có đêm trời đổ mưa dông, người già, trẻ nhỏ cứ khoác nilông đứng chờ trời sáng. Có lần bão số 7 quật tơi bời nhưng người dân vẫn không rời cổng phòng tiếp dân để mong sáng mai được gặp ông chủ tịch tỉnh. Có người không chịu nổi giá rét đành xin bảo vệ phòng tiếp dân cho vào hành lang trú mưa. Một người vừa đến góp chuyện: “Ngoái đi ngoái lại một năm tỉnh giải quyết được vài vụ cho dân. Còn tha hồ mà đi đăng ký”.

Những câu chuyện nhức đầu

Phóng to
Bà Nết trùm nilông nằm ngủ
Người duy nhất không trải nilông nằm ngủ trong đêm 24-12 là anh Vũ Văn Thịnh. Giữa trời khuya vắng lặng, Thịnh vẫn đứng tựa lưng vào thân cây, mắt nhìn ngược lên phía những ngọn đèn bên đường, vẻ rất u buồn. Thịnh đến từ lúc 1g sáng từ xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc.

- Sao anh không ngủ một chút để ngày mai cho tỉnh táo? - tôi hỏi.

- Đau đời quá, đã lên tới đây không tài nào nằm yên được. Tôi đi kêu oan đã hai năm nay mà ai cũng khất lần rồi hứa, không chịu làm sáng tỏ vụ án tù oan và chiếm đoạt tài sản của tôi. Đến nỗi dân đi kiện quen gọi tôi là Thịnh “oan”.

Tóm tắt câu chuyện của Thịnh “oan” như sau: năm 1996, sau khi xuất ngũ về quê (xã Hoa Lộc), Thịnh nhận thầu cải tạo gò đất “khỉ ho cò gáy” giữa cánh đồng hoang hóa thuộc xã Liên Lộc. Sau một năm dồn vốn, thuê 25 nhân công san phẳng gò đất, vợ chồng Thịnh dựng lò gạch, dùng đất được san ra đóng hàng vạn viên gạch nung. Gò hoang được cải tạo thành 8ha ruộng lúa có năng suất 7 tấn/ha. Ai ngờ đúng ngày xã Hoa Lộc bầu Thịnh là nông dân sản xuất giỏi thì Công an xã Thịnh Lộc huy động 30 người đến vây ráp quanh nhà. Thế là xô xát xảy ra.

Kết quả Thịnh bị vu tội “chống người thi hành công vụ” rồi đưa đi nhốt 14 ngày ở nhà tạm giữ công an huyện, sau đó chuyển đến trại giam Cầu Cao của công an tỉnh tạm giam hai tháng. Sau hai tháng, Thịnh được tại ngoại thì công an xã đã làm xong bộ hồ sơ giả với “sự kiện” trưởng Công an xã Thịnh Lộc Nguyễn Ngọc Thái có biên bản giám định đã mất 10% sức khỏe. Thế là Thịnh lại bị vu thêm tội “cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ”. Tòa án huyện xử phạt sáu tháng tù không giam giữ. Tòa án tỉnh xử phúc thẩm giữ nguyên bản án. Thịnh ấm ức nhớ lại ngày đau buồn “không khác chi cảnh đời cay nghiệt của mẹ con cậu Hiệp trong phim Ma làng”.

Từ đó, mỗi tháng Thịnh đến phòng tiếp dân của tỉnh một lần. Đã bốn lần Thịnh may mắn được gặp chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Lợi. Cả bốn lần ông Lợi đều hứa: “Vụ này phải xử lý theo thẩm quyền cấp huyện. Tôi sẽ đôn đốc chủ tịch huyện làm ngay”. Nhưng khi Thịnh đến gõ cửa chủ tịch huyện Hậu Lộc thì ông chủ tịch huyện cứ làm lơ, bảo “vụ này không đơn giản, cứ lên tỉnh mà kêu”. Kể đến đây, Thịnh bức xúc: “Là công dân, tôi tin tưởng đường lối của Đảng, nhưng lãnh đạo các cấp có thật lòng tâm huyết với nỗi đau của người dân hay không. Chuyện trắng phớ ra đó, văn phòng UBND tỉnh cũng thừa nhận “ba quyết định cưỡng chế của xã Thịnh Lộc là hoàn toàn trái với thẩm quyền” mà hai năm rồi tôi bị mang tiếng “thằng đi tù”. Tôi không biết còn cách nào gỡ cho xong mặc dù đã viết xong 15kg hồ sơ, mất hơn 1 triệu đồng tiền photocopy, công chứng đơn và gửi thư bảo đảm đến các cơ quan công quyền”.

Thịnh vừa kể xong thì một phụ nữ chở hai đứa trẻ trên chiếc xe đạp lọc cọc đến. Thịnh bảo: “Mẹ con bà Yên ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa lại đến đó kìa”. Lúc đó đã 4g sáng, tôi đến đỡ hai đứa trẻ năm tuổi và ba tuổi xuống đất rồi hỏi:

- Sao hôm nay chồng chị không đi cùng?

- Vợ chồng tôi đi từ 1g sáng. Chồng tôi đang đèo anh chị hai đứa này đi sau. Cứ đến ngày 25 hằng tháng, cả bốn cháu phải nghỉ học một hôm để theo cha mẹ đi kêu kiện. Sáng ra, đứa út kêu đói bụng mà chưa có cơm ăn. Nhà tôi là hộ nghèo, đi làm kinh tế mới rứa nó vẫn lừa rồi ăn cướp đồng tôm của mẹ con tôi.

Ngày 5-11-1993, gia đình chị Yên từ làng Phong Mỹ di dân ra nhận bãi cỏ hoang để làm đồng tôm theo hợp đồng giao khoán của xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa. Bản hợp đồng rất chi tiết do ông Lê Xuân Thư - chủ tịch xã - ký, đóng dấu với những điều khoản: nhất trí giao 1.000m2 tại khu đồng Thập Nhất trong thời gian 20 năm để làm đồng tôm; gia đình được trồng cây lâu dài theo luật định trên diện tích nhận khoán...

Nhận hợp đồng, hai vợ chồng kết hợp anh em nội ngoại dồn sức khai phá đồng hoang thành đồng nuôi tôm. Bỗng nhiên ngày 28-8-2006 gia đình chị nhận giấy triệu tập lên ủy ban xã ký lại hợp đồng mới, vì “sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất, làm giảm sút giá trị đất”. Theo đó, gia đình chị Yên phải giao lại phần lớn diện tích đất đã hợp đồng trong thời gian 20 năm cho một dự án mới của xã. Chị Yên kể: “Khi biết xã làm sai, gia đình tôi không ký theo hợp đồng mới nên ông Hoàn - phó chủ tịch xã - huy động lực lượng công an xã, cán bộ thủy nông đến cấm trại, bắt hết tôm cua trong đồng của gia đình tôi”.

Khi nghe xong câu chuyện của chị Yên, đến lượt anh Mai Công Thái, 35 tuổi, vừa đến từ xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, rầu rĩ: “Năm 1993 vợ chồng tôi vỡ kế hoạch nên sinh con thứ ba. Chính quyền xã đến phạt hai tạ thóc. Vì là hộ nghèo nên tôi làm đơn xin khất. Xã đồng ý nhưng ngày 30-10-2004, khi tôi vừa lên xe đò vào miền Nam làm thuê kiếm tiền về mua thóc trả nợ ủy ban xã thì hôm sau ông Nguyễn Thanh Tùng - phó chủ tịch xã - làm trưởng đoàn gồm 11 người vào phá cửa, lấy một tivi và bắt con lợn nái 60kg của tôi, sau đó họ vào buồng tôi lấy 350.000 đồng”. Vừa nói, anh Thái vừa mở cặp lấy cho tôi xem tờ báo Thanh Hóa, báo Pháp Luật Và Đời Sống có phản ánh vụ việc này.

Anh nói thêm: “Sau khi báo đăng, ông Nguyễn Quang Trung - bí thư Huyện ủy huyện Nông Cống - đến gặp tôi bảo “đừng kiện nữa để huyện thống nhất cách giải quyết”. Rồi ông viết hồi âm cho các báo là “đã giải quyết êm đẹp vụ việc của gia đình tôi. Nhưng thực tế đến nay họ không có động tĩnh nào cả, nên mỗi tháng tôi phải lên tỉnh kêu kiện một lần”.

Bà cụ Nết không ngủ trọn giấc dưới tấm nilông che thân, ngồi dậy tham gia: “Đã mười năm nay, cứ mỗi tháng tôi đạp xe đi hai lần (lần nào cũng mang thuốc bệnh đi theo). Một lần đến phòng tiếp dân tỉnh, một lần gặp lãnh đạo tỉnh để hỏi cho ra nhẽ, vì sao tôi vốn là thanh niên tình nguyện đi vác đạn pháo cao xạ ở Đò Lèn năm 1965; năm 1968 lại tình nguyện đi chống úng để có cánh đồng năm tấn của tỉnh; năm 1974 làm ở Công ty lâm sản huyện Bá Thước; năm 1988 nghỉ hưu.

Thế mà năm 1990 một số cán bộ tham nhũng xã Hà Ninh bị mất chức, trong đó có ông Sơn - chủ tịch xã. Ông Sơn tưởng tôi là thủ phạm tố cáo vụ này nên đã đề nghị bảo hiểm huyện Hà Trung và bảo hiểm tỉnh cắt chế độ hưu của tôi với nhiều lý do khác nhau. Không có tiền hưu tôi đành đi cuốc cỏ thuê, bồng con thuê. Tôi đi vác đạn bao năm không chết, giờ chết vì ngòi bút của ngành bảo hiểm”.

Có một đôi tình nhân trẻ tên Nguyễn Việt Hưng - Chan Chien Hui cũng kéo đến phòng tiếp dân kêu kiện. Cô gái Việt Hưng quê huyện Nga Sơn hiện là công nhân (xuất khẩu lao động) ở Đài Loan, là người yêu của Chan Chien Hui - bạn đồng nghiệp, người Đài Loan. Sau khi về nước làm thủ tục kết hôn, đôi bạn đã được Văn phòng Đài Bắc (HITC) ở Hà Nội chấp nhận mọi thủ tục nhưng khi về Thanh Hóa nộp hồ sơ đăng ký ngày 16-10-2007, giấy hẹn lấy kết quả vào ngày 1-12 nhưng mãi đến ngày 25-12-2007, Sở Tư pháp vẫn khất lần. Bố của Hưng thành thật nói: “Có người đòi 20 triệu đồng mới làm xong thủ tục với lý do ảnh hộ chiếu của Chan Chien Hui làm năm 2000 không giống lắm so với Chan Chien Hui bây giờ!”.

Đi kêu kiện cho dân

Phóng to
Vợ chồng bà Yên và bốn con đi kêu kiện

Một trong hàng trăm người dân Thanh Hóa đi kiện được nhiều người biết đến là ông Lê Minh Truyền, 72 tuổi, ở thôn 8, xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa. Ông Truyền nguyên là cán bộ quân đội - người mới thắng kiện sau 20 năm ròng rã đi kêu kiện cho dân khi đối tượng ông tố cáo đích danh là ông Lê Đình Dương - nguyên chủ tịch xã Đông Cương (ba lần bị cảnh cáo Đảng, một lần bị khiển trách).

Theo ông Truyền, từ năm 1988 đến 1996, ông Dương đã có một số sai phạm trong việc tổ chức bán 317 lô đất và 500m2 đất ở xã, sử dụng trái mục đích 2.000 tấn gạo quĩ của xã. Tuy vậy, đêm 24-12-2007 tôi vẫn thấy ông đến đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh. Tôi hỏi ông lấy kinh phí ở đâu để đủ sức đi kêu kiện suốt 20 năm, nay còn đi kiện tiếp? Ông Truyền tự tin: “Tôi là nông dân nên không thể ngồi yên khi thấy họ biến ruộng đồng của nông dân thành tiền bạc của người giàu mà vẫn chức quyền như cũ. Tôi đã dùng lương hưu và nuôi thêm gà, vịt mới có đủ tiền đi kêu kiện giúp dân. Tôi còn kêu kiện đến khi cơ quan chức năng thu hồi số đất đã bị bán sai mục đích”.

Ông Hoàng Sĩ Dần, 75 tuổi, ở xã Thăng Bình, huyện Nông Cống tìm đường đi gặp chủ tịch tỉnh cũng chỉ vì ông trưởng ban chính sách kiêm thống kê ngân sách xã Thăng Bình có tên là Vũ Hữu Nghĩa. Ông này đã bị cách chức năm 2004 vì hai tội: bị phát hiện là thương binh giả; liên kết với chủ tịch xã lập hồ sơ khống gia đình liệt sĩ để xin tiền làm nhà tình nghĩa nhưng sau đó đã biển thủ số tiền này. Thế mà đến nay ông Nghĩa vẫn là đảng viên loại 1, vẫn gia đình văn hóa tiêu biểu. Ông Dần đi kêu kiện cũng vì muốn có công bằng ở cuộc đời này, có nghĩa là ông Nghĩa không thể là đảng viên Đảng Cộng sản loại 1 khi đã có những hành vi như thế!

“Cò”

Sáng 24-12 khi tôi quay lại để vào phòng tiếp dân theo danh sách đăng ký thì đã lỡ. Nữ nhân viên văn phòng tiếp dân kiên quyết không cho tôi vào vì còn quá đông người đang đứng chờ. Tôi vừa trở ra cổng thì gặp ngay một bà “cò”. Bà này bảo tôi: “Trông chú không phải là nông dân đi kêu kiện nhưng sao dại thế. Muốn vào phòng tiếp dân nhanh hơn người khác thì nói với tôi một câu, tôi đáy các cô, các chú ấy cho là vào thôi, chi phí tùy tâm, chả đáng bao nhiêu. Mà vào rồi chắc gì xong việc. Muốn xong việc tôi gọi các chú ra cho gặp, một chầu bia với nhau rồi cảm ơn người ta cái phong bì vài trăm bạc thì các chú sẽ tìm cách lách luật, xé luật cho, rồi “vỗ vai” các bộ phận liên quan là xong hết. Đi tắt như vậy vừa nhanh, vừa đỡ tốn sức, đỡ mất thời gian”. Bà “cò” còn giải thích: “Họ giải quyết công việc cho anh được hàng trăm triệu đồng thì chi cho họ vài triệu thấm tháp gì. Có ưng tôi gọi các chú ra cho”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận