
Dù được đầu tư khá bài bản nhưng số hộ dân đến sống tại buôn tái định cư H'Mông (mới) rất ít, chỉ hơn 100 hộ - Ảnh: TRUNG TÂN
Giữa trưa nắng gắt, anh Lý Nhau (32 tuổi) cùng người thân hì hục láng lại sân trước nhà để phơi bắp mới thu hoạch từ khu vực đất sản xuất ở buôn cũ, nằm sâu trong rừng.
Quay lại buôn cũ vì thiếu đất sản xuất
Anh Nhau kể, 15 năm trước, gia đình anh cùng hàng trăm hộ đồng bào H'Mông rời buôn cũ về khu tái định cư với hy vọng ổn định cuộc sống. Thế nhưng đến nay họ vẫn chưa được giao đất sản xuất, buộc phải "bám rừng" kiếm kế sinh nhai.
Cũng di cư từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên năm 2008, gia đình anh Lý Văn Tằn (42 tuổi) chủ yếu sinh sống bằng việc trồng đậu, mì trên 1ha đất tại buôn cũ, nằm lọt thỏm giữa rừng do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý.
Sau này, theo chủ trương ổn định dân cư, anh cùng hàng trăm hộ được đưa về buôn mới (xã Ea Kiết), có điện nước, đường sá thuận tiện, con cái được đến trường.

Anh Lý Nhau (áo hồng) tranh thủ làm sân trước nhà để phơi nông sản thu hoạch từ rẫy ở buôn cũ - Ảnh: TRUNG TÂN
Tuy nhiên, thiếu đất sản xuất khiến mỗi ngày anh Tằn phải quay về buôn cũ chăm sóc nương rẫy. "Có nhà cửa đàng hoàng mà không có đất sản xuất thì cũng không biết lấy gì mà sống", anh băn khoăn.
Thực tế tại buôn cũ, dù thiếu điện nước nhưng người dân quen nếp sống truyền thống, nhà cửa dựng chắc chắn nên hiện vẫn còn hơn 300 hộ sinh sống.
Trong khi đó, buôn mới chỉ có khoảng 100 hộ ổn định vì thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác hạn chế, nhiều gia đình phải tự đào giếng, chắt chiu từng mét vuông đất rẫy.
Nhiều hộ dù làm nhà cho con cái học hành ở buôn mới, ban ngày vẫn phải về buôn cũ canh tác. Một số gia đình còn cho biết buôn cũ duy trì phân hiệu tiểu học, nên những hộ khó khăn chưa dứt hẳn để ra buôn mới. "Nếu bỏ đất buôn cũ, chúng tôi không biết lấy gì mà sống", ông Thào A Chư trăn trở.
Dự án chậm giao đất, dân vẫn "bám rừng"

Những ngôi nhà tạm bợ ở buôn Mông mới chỉ để con cái gần trường đi học, cha mẹ chúng vẫn ở trong rừng làm rẫy - Ảnh: TRUNG TÂN
Một lãnh đạo xã Ea Kiết thừa nhận tình trạng dân vừa ở buôn mới, vừa canh tác buôn cũ kéo dài khiến bộ mặt nông thôn phát triển chắp vá, tiến trình ổn định dân cư bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tình trạng di cư tự do tiếp diễn khiến quản lý đất đai thêm khó khăn.
Theo khảo sát năm 2024, tại các tiểu khu 540, 541, 544, 547a, 547b có 231 hộ dân với 919 nhân khẩu di cư tự do và 188 hộ đồng bào tại chỗ đang sản xuất trái phép trên đất lâm nghiệp chưa quy hoạch.
Dự án buôn H'Mông xã Ea Kiết được phê duyệt năm 2009, bố trí đất ở cho 125 hộ (797 nhân khẩu), tuy nhiên việc giao đất sản xuất đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Dù năm 2017 huyện đã có chủ trương thu hồi 357,7ha đất từ Công ty Buôn Ja Wầm, đầu tư 3 cây cầu và gần 3km đường bê tông vào khu sản xuất, nhưng tiến độ giao đất vẫn đình trệ do vướng đo đạc, dân xâm canh không hợp tác.

Thiếu đất sản xuất, người dân vẫn bám rừng - Ảnh: TRUNG TÂN
Để tháo gỡ, huyện Cư M'gar kiến nghị giao thêm 141,3ha đất (ở, sản xuất) cho người dân buôn H'Mông mới; bố trí 357,7ha đất sản xuất cho 203 hộ (812 nhân khẩu) tại các tiểu khu 540, 544, 547a (buôn H'Mông cũ) để hạn chế tình trạng phá rừng.
Ông Vũ Hồng Nhật - chủ tịch UBND huyện Cư M'gar - cho biết huyện đang phối hợp các sở ngành rà soát toàn bộ quỹ đất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đồng thời đề nghị tỉnh thành lập đoàn khảo sát, điều chỉnh bổ sung các dự án ổn định dân cư.
"Bố trí đất ở, đất sản xuất là nhiệm vụ cấp bách để ổn định an sinh xã hội, quản lý đất đai và hạn chế tình trạng di cư tự do, phá rừng", ông Nhật nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận