
Đại học Colombia ở thành phố New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo báo Guardian, ngày 24-7, Đại học Columbia thông báo đã đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng ý chi hơn 220 triệu USD để chấm dứt hàng loạt cuộc điều tra liên bang và ngăn nguy cơ bị cắt hàng tỉ USD tài trợ.
Theo đó, trường sẽ nộp 200 triệu USD cho chính phủ liên bang trong vòng ba năm và chi thêm 21 triệu USD để giải quyết các cáo buộc từ Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC) của Mỹ.
Thỏa thuận được đưa ra nhằm ứng phó làn sóng chỉ trích rằng Đại học Columbia không xử lý triệt để các hành vi bị cáo buộc là bài Do Thái trong các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, bùng phát từ tháng 10-2023 sau xung đột Israel - Gaza.
Theo quyền Hiệu trưởng Claire Shipman, trường đã đồng ý cải tổ quy trình kỷ luật sinh viên và áp dụng định nghĩa mới về hành vi bài Do Thái theo yêu cầu từ chính quyền ông Trump.
Các cam kết này được đưa vào văn bản chính thức ngày 24-7. Trước đó một ngày, trường xác nhận đã xử lý kỷ luật hơn 70 sinh viên vì tham gia biểu tình phản đối chiến sự ở Gaza.
Đổi lại, Chính phủ Mỹ khôi phục khoản tài trợ 400 triệu USD từng bị đình chỉ. Tuy nhiên, Columbia từng đối mặt nguy cơ mất thêm 1,2 tỉ USD tài trợ nghiên cứu từ Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) nếu không đạt được thỏa thuận.
Columbia là đại học đầu tiên chấp thuận yêu cầu từ Nhà Trắng, trong chiến dịch gây áp lực chưa từng có lên các trường đại học lớn.
Trong khi đó Đại học Harvard đang kiện chính phủ vì bị cắt 2,6 tỉ USD tài trợ, còn các trường như Brown, Cornell, Princeton hay Pennsylvania cũng đang đối mặt nguy cơ tương tự.
Dù chính quyền Tổng thống Trump coi đây là thắng lợi, Columbia đã tránh được một số biện pháp khắt khe nhất như bị giám sát pháp lý toàn diện hay buộc phải cải tổ ban lãnh đạo.
Tuy nhiên trường vẫn phải chịu sự giám sát định kỳ từ một bên trung lập, người này sẽ báo cáo tiến độ cải cách mỗi 6 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận