TTCT - Có mặt tại TP. HCM trong danh sách khách mời nhân kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, giám đốc ban tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga Elena Nhikulina đã trao tặng các bạn bè Việt Nam một dải băng sọc đen - cam. Bà chia sẻ với TTCT câu chuyện về dải băng này, về cách thức giới trẻ Nga tưởng nhớ các bậc cha anh đã hi sinh trong cuộc chiến chống phát xít. Phóng to Bà Elena Nhikulina trao cho Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài dải băng Georgiyev trong chuyến thăm VN nhân kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước - Ảnh: Trần Tiến Dũng Lần đầu tiên dải băng này xuất hiện vào mùa xuân năm 2005, trong một hoạt động xã hội mang tên “Dải băng Georgiyev”, do Hãng tin RIA Novosti phối hợp với tổ chức xã hội “Cộng đồng sinh viên” thực hiện. Mục đích của hoạt động này là nỗ lực sao cho “có chuyện gì đi nữa thì không được để thế hệ trẻ lãng quên ai đã chiến thắng cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất của thế kỷ trước, với cái giá như thế nào, không được lãng quên mình là thừa kế di sản của ai, họ có thể tự hào bởi ai, bởi điều gì...”. Hoạt động này nhắm vào giới trẻ, với những khẩu hiệu chính như: “Chiến thắng của ông tôi cũng là chiến thắng của tôi”, “Tôi nhớ. Tôi tự hào!”... Tới nước Nga những ngày này, tức trong khoảng từ 22-4 đến 9-5, bạn sẽ thấy những thanh niên phát những dải băng sọc đen - cam cho mọi người. Người ta đính dải băng lên áo, đeo trên tay, thắt vào giỏ xách, cột lên ăngten xe hơi để tưởng nhớ quá khứ hào hùng và bày tỏ lòng biết ơn những người đã hiến dâng đời mình cho chiến thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Dải băng này cùng màu với tấm huân chương Georgiyev - giải thưởng cao quý nhất cho các binh lính lập được chiến công hiển hách thời nước Nga trước cách mạng. Dưới thời Xô viết, huân chương Vinh quang cũng có hai màu như vậy. Đó là màu của lửa và khói, màu của chiến trận. Năm nay, hoạt động “Dải băng Georgiyev” bước vào năm thứ sáu và có quy mô ngày càng lớn hơn. 55 triệu dải băng đã được phát đi khắp Nga và một số nước trên thế giới như Ukraine, Estonia, Latvia, Hi Lạp, Pháp, Ý, Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc, Bỉ, Afghanistan và Việt Nam. Đối với các cựu binh, dải băng này là biểu tượng của lòng biết ơn và sự tôn kính. Những cựu binh nào quá già không thể đi lại được sẽ được gửi dải băng qua bưu điện hoặc qua các dịch vụ xã hội... * Có vẻ các bạn đang lo ngại là lịch sử nếu không được học, sẽ bị lãng quên... - Vâng, từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến nay, ngày càng còn lại ít cựu binh - những người từng chiến đấu trên các mặt trận cũng như làm việc ở hậu phương. Vì vậy nước Nga đang làm nhiều việc để thế hệ hôm nay nhớ về việc chúng tôi nợ ai sự tự do và cuộc sống hạnh phúc này. Người ta tổ chức gặp gỡ các cựu binh, làm phim, viết sách về họ. Tại các chiến trường xưa, nhiều đội thanh niên đang tìm kiếm thi hài của những chiến binh hi sinh, xác lập tên tuổi và cải táng họ như những anh hùng. Để vài chục năm sau, người thân họ có thể tới nghiêng mình trước nấm mồ tưởng nhớ cha, chồng, ông của họ, những người từng được cho là mất tích. Với nhân dân chúng tôi, ký ức về những anh hùng ngã xuống là thiêng liêng và vô cùng tôn kính. * Nhưng chúng tôi vẫn đọc thấy đây đó đang có những tượng đài chiến binh Xô viết bị xúc phạm... - Vâng, ở một số nước như Ukraine, Estonia, Latvia, Hungary... người ta phỉ báng và giật đổ tượng đài những người lính Xô viết hi sinh khi giải phóng những đất nước này khỏi chủ nghĩa phát xít, gọi họ là “quân chiếm đóng”. Điều đó gây giận dữ không chỉ ở nước Nga mà cho nhiều người dân ở chính các nước này. Nhưng ngược lại, nếu các bạn để ý thì sẽ thấy ở nước Đức, hàng nghìn tượng đài chiến binh Xô viết vẫn trong tình trạng tốt và được chăm sóc chu đáo. Người Đức vẫn mang hoa tới tượng đài những người đã giải phóng họ khỏi nạn dịch của chủ nghĩa phát xít. Phóng to Một thiếu nữ phát dải băng Georgiyev ở Yakutia. Cùng với hoạt động phân phát dải băng Georgiyev, giới trẻ còn được đề nghị kể lại câu chuyện mà họ biết từ chính gia đình hoặc người thân của mình trong chiến tranh chống phát xít, cung cấp các tư liệu gia đình còn lưu giữ, những trang nhật ký, các ghi chép hoặc hình ảnh liên quan đến cuộc chiến tranh chống phát xít - Ảnh: RIA Novosti * Có lẽ ít độc giả chúng tôi biết có một ban tiếng Việt đang hoạt động ở Đài Tiếng nói nước Nga... Ai đang là thính giả ban tiếng Việt của đài? - Đài Tiếng nói nước Nga chúng tôi năm ngoái vừa làm lễ kỷ niệm 80 năm thành lập. Riêng việc đưa tin bằng tiếng Việt, chúng tôi bắt đầu từ năm 1951. Thính giả chính của chúng tôi là những người Việt thuộc các thế hệ trước, những người từng có nhiều năm sống và làm việc ở Liên Xô cũ. Nhưng chúng tôi cũng có không ít thính giả trẻ, những người vào website của chúng tôi rất thường xuyên. Chủ yếu chúng tôi giới thiệu về chính trị, văn hóa, khoa học, thể thao... của nước Nga hiện đại, về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Matxcơva và các thành phố khác, về các sự kiện trong quan hệ hữu nghị hai nước. Hiện chúng tôi đang tổ chức một cuộc thi nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ Nga - Việt, 65 năm chiến thắng 9-5. Các bạn có thể đọc câu hỏi và tham gia cùng chúng tôi tại www.ruvr.ru... Elena Nhikulina học tiếng Việt tại Đại học các nước Á - Phi thuộc Đại học Tổng hợp Lomonosov, làm việc ở các nhà xuất bản Tiến Bộ, Tin Tức, nơi bà tham gia nhóm biên tập trọn bộ 55 tập các tác phẩm của V. I. Lênin và các sách về Liên Xô... bằng tiếng Việt. Từ năm 1993, bà làm việc ở Đài Tiếng nói nước Nga.* Gần đây có những sự kiện đáng tiếc liên quan tới người lao động Việt Nam tại Nga. Đài Tiếng nói nước Nga đưa những sự kiện đó như thế nào? - À, chúng tôi có biết một số xưởng mà các lao động Việt Nam đang làm việc. Nhiều người trong số họ visa đã quá hạn hoặc không có giấy phép làm việc... Điều đó khiến chủ thuê mướn họ không nộp thuế cho nhà nước. Khi những xưởng này bị phát hiện, họ bị cho là lao động chui và bị trục xuất. Do tại một số xưởng này người ta có thể kiếm được kha khá tiền nên một số người Việt vẫn đi Nga làm việc. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, họ sống trong những điều kiện rất khó khăn. Dĩ nhiên, đó là lỗi của những người chủ thuê mướn họ. Lẽ ra những ông chủ này phải tạo điều kiện sống xứng đáng hơn cho người lao động, làm giấy tờ chính thức cho họ. Những ông chủ này phải bị trừng trị. * Gắn bó với Việt Nam từ thời trẻ, bà nghĩ gì trong lần trở lại nhân kỷ niệm 35 năm Việt Nam thống nhất đất nước? - Chúng tôi cùng các nhà báo Mỹ đã tới thăm làng Hòa Bình trong Bệnh viện Từ Dũ, nơi đang nuôi dạy một số trẻ em nạn nhân của chất da cam. Tôi bước vào rồi quay ra ngay lập tức, không cầm được nước mắt. Một nhà báo hỏi tôi vì sao, tôi trả lời rằng tôi đã là mẹ và đang là bà của ba đứa cháu. Tôi không thể chịu đựng nỗi khi chứng kiến những hình hài ấy... Các bạn vẫn phải hứng chịu những hậu quả quá bi thảm của chiến tranh... Còn TP.HCM, so với lần cuối cùng tôi tới đây cách nay 18 năm, dĩ nhiên là đổi thay nhiều lắm. Có bao nhiêu tòa nhà đẹp mọc lên, bao nhiêu là ôtô và những trật tự mới... Một điều rõ ràng là thành phố này cởi mở với thế giới, có quan hệ tốt với láng giềng quanh khu vực, tràn đầy năng lực với nhiều kế hoạch to tát. Rất dễ chịu khi thấy được những điều này. * Xin cảm ơn bà đã dành cho TTCT cuộc trao đổi.
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.