TTCT - BMI cao có thể cho thấy lượng mỡ trong cơ thể cao, nhưng không phải ai có chỉ số BMI cao đều có sức khỏe kém hoặc có nguy cơ tử vong cao. Chỉ số khối cơ thể (BMI), vẫn thường được dùng như yếu tố chẩn đoán chính cho bệnh béo phì, chỉ tính đến chiều cao và cân nặng, mà bỏ qua một loạt yếu tố ảnh hưởng đến lượng mỡ và sức khỏe của cơ thể, và vì vậy, không phản ánh đầy đủ và chính xác sức khỏe của một cá nhân.BMI được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (cm). Nhiều thập kỷ qua, chỉ số này được coi là tiêu chuẩn quốc tế để xác định cân nặng khỏe mạnh (BMI trong khoảng 18,5 - 24,9) và các nhóm cân nặng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe. BMI cao có thể cho thấy lượng mỡ trong cơ thể cao, nhưng không phải ai có chỉ số BMI cao đều có sức khỏe kém hoặc có nguy cơ tử vong cao."BMI là một thước đo thô sơ để xác định các nguy cơ về sức khỏe" - Susan Yanovski, đồng giám đốc phòng nghiên cứu béo phì tại Viện Tiểu đường, bệnh tiêu hóa và thận quốc gia Mỹ, nói với tạp chí Nature. Bà Yanovski giải thích thêm rằng BMI bỏ qua các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ khỏe mạnh của một người ở một cân nặng nhất định, bao gồm tuổi tác, giới tính và chủng tộc.Chính vì thế, thời gian qua giới y khoa đã kêu gọi có thêm những phương pháp khác, thay vì chỉ phụ thuộc vào BMI khi chẩn đoán và điều trị béo phì.Con số không là tất cảVí dụ rõ ràng nhất cho thấy chỉ số BMI không phải là công cụ hoàn hảo đánh giá sức khỏe là các võ sĩ sumo Nhật Bản. Dù có vóc dáng to béo và vòng bụng lớn, những võ sĩ này lại rất nhanh nhẹn, linh hoạt và mạnh mẽ trên sàn đấu. Người đấu sumo thường có BMI từ 35,5 - 36,5, chủ yếu do cân nặng cao hơn rất nhiều so với người bình thường (khoảng 130 - 180kg). Không ai nói võ sĩ Sumo là không khỏe mạnh cả.Một ví dụ đời thường hơn, theo trang WebMD: Eric Collard, giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận ở Canada, chơi bóng bầu dục ở đại học, thi ba môn phối hợp khi còn trẻ, thường xuyên đạp xe, chạy, nâng tạ, chơi golf ở tuổi 44. Hầu hết các chỉ số huyết áp, cholesterol, lượng đường trong máu... cho thấy Collard rất khỏe mạnh, ngoại trừ BMI 31,1 (cao 1m93, nặng 116kg). "Tôi đô con nhưng vẫn khỏe mạnh. BMI không phải là thước đo cuối cùng cho sức khỏe" - ông nói.Ảnh: JUNKO KIMURA/GETTY IMAGESBMI ra đời cách đây đã hơn 200 năm. Mục đích ban đầu là để mô tả đặc điểm của "người đàn ông bình thường" - chủ yếu là đàn ông Tây Âu. Sau đó, nhà sinh lý học người Mỹ Ancel Keys phát hiện rằng chỉ số này là một yếu tố dự báo tốt về độ dày của mỡ trong cơ thể. Trải qua nhiều thập kỷ, với cách tính đơn giản, chỉ số BMI được sử dụng rộng rãi, ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng dựa vào chỉ số này để phân chia tình trạng thiếu cân, thừa cân và béo phì. Theo chuẩn của WHO, thừa cân là tình trạng cân nặng vượt ngưỡng phù hợp với chiều cao hiện tại (BMI từ 25 - 29,9); còn béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (BMI > 30). Chiếu theo đó thì các võ sĩ sumo được xếp vào nhóm người béo phì - nhóm có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh, với tỉ lệ tử vong tăng cao. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu từ năm 2004 của các nhà khoa học Nhật Bản, các phim chụp CT ổ bụng cho thấy võ sĩ sumo có rất ít mỡ nội tạng trong cơ thể như những người béo phì bình thường mà chủ yếu là lớp mỡ dưới da. Hằng năm, họ được kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu cho thấy các chỉ số đường máu, cholesterol máu và mỡ máu trung tính ở ngưỡng thấp đã giúp họ tránh được các bệnh lý liên quan đến béo phì như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ… và được coi là những người "béo phì" khỏe mạnh. Xét lại BMINgay cả khi so sánh hai người trưởng thành bình thường có chỉ số BMI giống nhau thì người cao tuổi thường có xu hướng tích mỡ nhiều hơn và ít cơ bắp hơn người trẻ tuổi. Sự phân bố mỡ trong cơ thể cũng khác nhau giữa hai giới. Nữ giới thường tích mỡ ở mông, hông, đùi; nam giới thường có xu hướng tích mỡ ở bụng. Bình thường, lượng mỡ trong cơ thể được phân bố dưới hai dạng là mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Mỡ dưới da là lớp mỡ nằm ngay dưới da, tập trung ở vùng mông, hông và đùi. Lớp mỡ này có thể quan sát được bằng mắt hoặc đo được bằng kẹp đo mỡ dưới da, chúng thường tương đối an toàn và không gây hại. Mỡ nội tạng là lớp mỡ nằm sâu trong các khoang của cơ thể, bao quanh các tạng như tim, gan, ruột, tụy... và chỉ được xác định thông qua chụp CT hoặc MRI. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lớp mỡ nội tạng này chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Lớp mỡ nội tạng làm tăng tình trạng đề kháng insulin - một hormone do tuyến tụy bài tiết có tác dụng hạ đường máu. Do vậy, người béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng phản ứng viêm của cơ thể, tăng tình trạng xơ vữa động mạch, gây tổn thương hệ tim mạch và các tạng khác trong cơ thể. Dù có chỉ số BMI bình thường, cân nặng bình thường, lượng mỡ này vẫn có thể tích tụ trong cơ thể và gây ra biến chứng. Lớp mỡ dưới da khi quá cao sẽ có xu hướng chuyển hóa thành mỡ nội tạng. Chỉ số BMI thu thập dữ liệu chủ yếu từ người da trắng nên chúng cũng trở nên kém chính xác với người da màu. Người châu Á mặc dù có chỉ số BMI thấp hơn người da trắng nhưng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lại cao hơn do có sự khác biệt về tỉ lệ phân bố mỡ trong cơ thể. Vì vậy, WHO khuyến nghị người châu Á nên sử dụng mức BMI thấp hơn để đánh giá. Sự không hoàn hảo của BMI cũng đặt ra vấn đề phải có chỉ số khác chính xác hơn để làm công cụ giúp các bác sĩ tiên lượng và tư vấn sức khỏe cho những người thừa cân. Theo Nature, một số chuyên gia khuyến nghị chỉ nên dùng BMI làm công cụ sàng lọc trong cộng đồng, để lọc ra những cá nhân cần được xét nghiệm thêm. Các bác sĩ lâm sàng cũng nên xét các yếu tố riêng của từng cá nhân (cholesterol, lượng đường trong máu, tiền sử gia đình và di truyền, những yếu tố đóng vai trò lớn trong bệnh béo phì và các tình trạng liên quan) thay vì chỉ tương quan chiều cao và cân nặng.Hồi tháng 6, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đã thông qua một chính sách mới, giảm vai trò của BMI - thứ mà họ gọi là "thước đo không hoàn hảo" - trong chẩn đoán y khoa. Chính sách mới của hiệp hội đề xuất kết hợp nhiều thước đo, chẳng hạn chỉ số vòng eo (waist circumference) hay tỉ lệ eo/hông (Waist-to-Hip Ratio - WHR), thay vì chỉ phụ thuộc mỗi BMI.Chỉ số vòng eo là chu vi của phần eo - phần hẹp nhất của bụng, điểm giữa của bờ dưới xương sườn cuối cùng và đầu xương hông. Chỉ số vòng hông là chu vi xung quanh phần lớn nhất của hông. Dựa vào chỉ số WHR, các bác sĩ có thể xem liệu cân nặng dư thừa này có gây nguy hiểm đến sức khỏe không. Theo WHO, chỉ số WHR ở nam < 0,95 và nữ < 0,80 thì nguy cơ mắc bệnh thấp hơn. Chỉ số WHR > 1,0 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cùng các bệnh lý khác liên quan đến thừa cân. Tuy nhiên, việc giảm bớt sự phụ thuộc vào BMI không phải chuyện ngày một ngày hai. Thực tế việc sử dụng chỉ số BMI rất tiện lợi, đơn giản, bất cứ ai cũng có thể tính toán được, trong khi các chuyên gia y tế thuộc tuyến chăm sóc ban đầu (primary care) không có thời gian cho các bước chẩn đoán bổ sung. "Các bác sĩ chỉ có 15 phút để lo mọi thứ về sức khỏe của bệnh nhân đến khám" - bác sĩ chuyên trị béo phì Fatima Stanford nói với Nature. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ chỉ khuyến nghị người trưởng thành khỏe mạnh nên xét nghiệm cholesterol vài năm một lần thay vì thường xuyên.Trở lại với các võ sĩ sumo, họ có được sức khỏe như trên là dựa vào chế độ ăn uống và tập luyện nghiêm ngặt. Việc tập luyện cường độ cao vừa giúp xây dựng khối lượng cơ bắp, vừa giúp cơ thể tăng giải phóng ra hormone adiponectin. Hormone này do các mô mỡ tiết ra có tác dụng ổn định đường máu, tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và thúc đẩy phân bổ mỡ ở dạng dưới da, giảm lượng mỡ nội tạng. Qua đó có thể thấy việc duy trì chế độ tập luyện cơ thể thường xuyên và thói quen ăn uống lành mạnh là cần thiết để cơ thể thực sự khỏe mạnh thay vì chỉ chú ý đến cân nặng. Dựa vào chỉ số BMI (mà ai cũng đo được - từ các huấn luyện viên thể hình, các nhà chăm sóc sắc đẹp đến người kinh doanh sản phẩm giảm cân) và quan niệm về thẩm mỹ mà có sự bùng nổ về các sản phẩm giảm cân. Tại Hoa Kỳ, một người có thể được kê đơn thuốc Semaglutide để giảm cân ngay khi BMI trên 30 hoặc nếu BMI từ 25 đến 30 có tăng huyết áp đi kèm. Tại Việt Nam, nhiều người cũng dựa vào chỉ số BMI cho rằng bản thân bị béo phì mà sẵn sàng sử dụng nhiều loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc thay vì phải thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện. Việc sử dụng những sản phẩm giảm cân này nhiều trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe người sử dụng. Tags: Ứng dụng BMIChỉ số khối cơ thểBệnh béo phìVấn đề sức khỏeChỉ số BMIBệnh tiêu hóaVõ sĩ sumoĐánh giá sức khỏe
Tin tức thế giới ngày 23-1: Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt Nga, tàu ngầm gãy đôi ở Tây Ban Nha DUY LINH 23/01/2025 Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt nếu Nga không đạt thỏa thuận với Ukraine; Pháp và Đức bàn cách đối phó thuế quan dưới thời ông Trump; Tàu ngầm gãy đôi ngoài khơi Tây Ban Nha là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 23-1.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Vĩnh Phúc lý giải việc nợ tiền VĐV canoeing số 1 Việt Nam HOÀNG TÙNG 22/01/2025 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin chính thức về đơn xin nghỉ tập tại địa phương của VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương do chưa nhận được tiền dinh dưỡng, tiền thưởng huy chương.
Tin tức sáng 23-1: Sẵn sàng nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết và các lễ hội TUỔI TRẺ ONLINE 23/01/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Bình Phước xử lý nghiêm những lỗi vi phạm dịp sát Tết; Nam Định duy trì 5 vòng đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Khai ấn Đền Trần; Thêm công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...